Trân Văn (VOA)
27-9-2022
Cùm chân không chỉ áp dụng với tử tù. Các luật, nghị định và hướng dẫn 2015, 2017, 2019 tái xác nhận công an có quyền cùm chân nghi can, bị can, bị cáo dù “cùm chân” vẫn được dùng như một biện pháp ép dân lành “cúi đầu nhận tội” họ không phạm!
Người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ không thể truy cập để tham khảo lời kêu gọi mà luật sư Ngô Ngọc Trai gửi tới các đồng nghiệp, đề nghị họ cùng ký tên vào một thư ngỏ gửi Tổng Bí thư đảng CSVN, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Nhà nước và Thủ tướng Cộng hòa XHCN đề nghị bãi bỏ hình thức cùm chân tù nhân (1)…
Chưa rõ vì sao lại thế nhưng nội dung thư ngỏ vừa đề cập vẫn còn ở một số chỗ trên Internet (2). Qua trường hợp của ông Đặng Văn Hiến (3) – người vừa được ân giảm, thay đổi hình phạt từ tử hình thành tù chung thân – ông Trai và khoảng 30 luật sư đề nghị bãi bỏ việc cùm chân tù nhân trong giam giữ vì sau vài thập niên đổi mới, hội nhập, sau mấy chục năm đất nước đổi mới – hội nhập, kinh tế phát triển, nhận thức thay đổi, các giá trị liên quan đến nhân quyền được đề cao, tôn trọng thì những biện pháp trong quản lý giam giữ cũng cần điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế giam giữ, đặc biệt với tử tù vẫn còn nhiều khắc nghiệt, tử tù và thân nhân không biết làm sao để thay đổi tình trạng này…
Trong thư ngỏ, ông Trai và các đồng nghiệp chỉ đề cập đến tinh thần của Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ tạm giam, Luật Thi hành án hình sự theo đó, hệ thống tư pháp phải tôn trong các quyền con người, nghiêm cấm việc đối xử vô nhân đạo hoặc hạ nhục tù nhân,… để đề nghị bãi bỏ việc cùm chân phạm nhân.
***
Thật ra việc cùm chân tù nhân, đặc biệt là tử tù không phải do hệ thống bảo vệ – thực thi pháp luật không lĩnh hội được tinh thần của Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ tạm giam, Luật Thi hành án hình sự,… mà là thực hiện theo các… qui định khác của pháp luật Việt Nam.
Năm 2012, Bộ Công an Việt Nam ban hành Thông tư 39/2012/TT-BCA – Quy định về quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình, có hiệu lực từ 20/8/2012. Theo đó, trại giam phải có khu vực riêng để giam tử tù, Buồng giam tử tù phải xây theo mẫu thống nhất của Bộ Công an, bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân (4)…
Thông tư 39/2012/TT-BCA cho phép cùm chân tử tù có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân 24/24 giờ, mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần, mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá 15 phút để tử tù làm vệ sinh cá nhân…
Tuy thông tư vừa đề cập có quy định, Giám thị phải có sổ theo dõi, kiếm tra người, buồng giam, suốt, móng cùm chân, việc mở, đóng cửa buồng giam tử tù. Trong sổ theo dõi phải ghi rõ tình trạng buồng giam, cùm, khoá, ngày, giờ, lý do thực hiện các công việc, người thực hiện, tình trạng sức khỏe, biểu hiện tâm lý, diễn biến tư tưởng của tử tù và những vấn đề khác có liên quan. Mỗi lần kiểm tra, các thành viên tham gia kiểm tra đều phải ký vào sổ theo dõi... nhưng qua lời một số người từng là tử tù rồi được phóng thích vì… kết án oan như ông Hàn Đức Long thì ông bị cùm chân suốt chín năm từ khi bị khoác án tử hình (5)…
Cùm chân không chỉ áp dụng với tử tù. Luật Thi hành tạm giữ tạm giam – 2015 (6), Nghị định Hướng dẫn thi hành Luật tạm giữ, tạm giam – 2017 (7), Luật Thi hành án hình sự – 2019 (8) tái xác nhận công an có quyền cùm chân nghi can, bị can, bị cáo dù “cùm chân” vẫn được dùng như một biện pháp ép dân lành “cúi đầu nhận tội” họ không phạm!
***
Là thành viên Liên Hiệp Quốc, Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiều lần cam kết tôn trọng và thực thi Công ước về các quyền dân sự và chính trị (9), Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (10). Theo những công ước này thì dù có tước đoạt tự do của phạm nhân thì họ vẫn phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người. Cộng đồng quốc tế đồng thanh xác định: Việc cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người kể cả nhằm trừng phạt người đó vì hành vi mà người đó đã thực hiện cũng bị xem là TRA TẤN.
Tất cả các chính quyền có nghĩa vụ phải dẹp bỏ và trừng phạt công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức TRA TẤN đồng loại. Cộng đồng quốc tế không chấp nhận việc viện dẫn ngoại lệ, cho dù là trong tình trạng chiến tranh, hoặc đang bị đe doạ bởi chiến tranh, mất ổn định chính trị trong nước hoặc bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào để biện minh cho việc TRA TẤN. Những người như ông Long, ông Hiến,… không chỉ bị TRA TẤN bởi các viên chức bảo vệ và thực thi pháp luật mà còn bị TRA TẤN bởi các quy định pháp luật duy trì, dung dưỡng “cùm chân”.
***
Tháng 7 năm 2015, Quốc hội Việt Nam tổ chức một hội thảo quốc tế để thu thập ý kiến đóng góp cho Luật Tạm giữ, tạm giam.sau khi nghe các viên chức hữu trách của Việt Nam huyên thuyên về việc cần thay đổi nhận thức về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, Cố vấn về chính sách cho UNDP (United Nations Development Programme – Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc) tại Việt Nam lúc đó là ông Scott Ciment lưu ý: Sự ngược đãi về thể xác, giam những người bị tạm giam, tạm giữ trong phòng tối bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm. Các hình phạt như cùm chân, cùm tay cũng bị coi là một kiểu dùng nhục hình.
Ông Ciment khuyến cáo: Hãn hữu, nếu phải sử dụng cùm chân, cùm tay để phạt những người vi phạm kỷ luật trong tạm giam, tạm giữ thì phải thông báo rõ lý do đối với người bị tạm giam, tạm giữ. Những người đang việc tại trại giam cần phải biết rằng họ đang làm công việc rất quan trọng, đó là công việc liên quan đến thân phận con người (11)…
Tháng 3 năm 2019, sau khi đại diện Cộng hòa XHCN Việt Nam trình bày báo cáo định kỳ về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam, đối chiếu với các báo cáo khác, Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết, một trong những vấn đề khiến cơ quan này đặc biệt lo ngại là: Tình trạng trại giam nghèo nàn, quá tải, áp dụng biệt giam kéo dài, cùm chân, tù nhân bị các tù nhân khác xâm hại nhưng giám thị làm ngơ. Không tách tù nhân khỏe mạnh khỏi những người mắc bệnh truyền nhiễm, việc cố ý để người tù phơi nhiễm với HIV, từ chối chăm sóc y tế, chuyển trại mang tính trừng phạt. Phân biệt đối xử giữa thường phạm và tù nhân lương tâm (12)….
Hạn chót để Cộng hòa XHCN Việt Nam nộp báo cáo định kỳ về bốn năm vừa qua là ngày 29 tháng 3 năm 2023. Liệu có gì khác so với cách nay bốn năm, so với những tuyên bố, cam kết hướng tới văn minh tư pháp theo các tiêu chuẩn chung của cộng đồng quốc tế? Dường như vẫn thế dù thiên hạ không ngừng khuyến cáo: Đừng hành xử dã man!
Chú thích
(2) https://baotiengdan.com/2022/09/24/kien-nghi-bai-bo-bien-phap-cum-chan-trong-giam-giu/
(3) https://tuoitre.vn/tu-tu-dang-van-hien-thoat-an-tu-2022091515275989.htm
(5) https://zingnews.vn/4-lan-bi-tuyen-an-tu-va-hanh-trinh-tim-loi-minh-oan-post740789.html
(6) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thu-tuc-To-tung/Luat-thi-hanh-tam-giu-tam-giam-2015-298373.aspx
(8) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Luat-Thi-hanh-an-hinh-su-2019-387991.aspx
(11) https://tuoitre.vn/cum-chan-cum-tay-co-phai-la-nhuc-hinh-778680.htm
(12) http://nhanquyen.vn/modules.php?name=News&op=detailsnews&mid=331&mcid=2