Huyền Anh
Nga hôm 27/9 đã công bố kết quả sơ bộ từ các cuộc trưng cầu dân ý ở 4 vùng Ukraine cho thấy, đại đa số ủng hộ việc sáp nhập vào Nga, bất chấp những phản đối của Kyiv và cộng đồng quốc tế về việc này.
Các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga đã bắt đầu tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk (DPR và LPR) tự xưng, cũng như ở khu vực Kherson và Zaporozhye thuộc Ukraine vào lúc 08:00 sáng theo giờ Moscow từ ngày 23/9 cho đến ngày 27/9. Bốn khu vực này chiếm khoảng 15% lãnh thổ Ukraine.
Kết quả sơ bộ
Tờ TASS hôm 27/9 đưa tin, kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại các điểm bỏ phiếu ở Ukraine sau khi xử lý 100% số phiếu bầu như sau: ở DPR, 99,23% cử tri ủng hộ sáp nhập Nga. Tại LPR, con số này là 98,42%. Ở vùng Zaporozhye, cử tri ủng hộ là 93,11%. Ở vùng Kherson, con số này là 87,05%.
Tổng số cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở DPR là 97,51%, ở LPR là 92,6%, ở vùng Zaporozhye là 85,4%, ở vùng Kherson là 76,86%.
Tờ Reuters đưa tin, tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, các quan chức do Nga hậu thuẫn đã bê các thùng phiếu từ nhà này sang nhà khác ở Ukraine. Phương Tây gọi đây là một hành động cưỡng chế, phi pháp nhằm tạo cớ hợp pháp hóa cho việc Nga sáp nhập bốn khu vực của Ukraine.
Đồng minh của ông Putin, cựu tổng thống từng là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, đã đăng một thông điệp ăn mừng ngắn gọn trên Telegram. “Các cuộc trưng cầu dân ý đã kết thúc”, ông nói. “Kết quả đã rõ ràng. Chào mừng các bạn trở về nhà, đến với nước Nga!”.
Phương Tây tuyên bố không công nhận kết quả bỏ phiếu
“Trò hề này ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng thậm chí không thể được coi là bắt chước một cuộc trưng cầu dân ý”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong bài phát biểu trên video vào cuối ngày thứ Ba (27/9).
Đặc phái viên Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield cho biết, Washington sẽ đưa ra một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, kêu gọi các quốc gia thành viên không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với Ukraine và buộc Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.
Bà nói tại một cuộc họp của Hội đồng: “Cuộc trưng cầu dân ý giả mạo của Nga, nếu được chấp thuận, sẽ mở ra một chiếc hộp pandora mà chúng ta không thể đóng lại”.
Nga có quyền phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nhưng bà Thomas-Greenfield nói rằng điều đó sẽ thúc đẩy Hoa Kỳ đưa vấn đề này lên Đại hội đồng Liên Hợp quốc.
“Bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào được tổ chức trong những điều kiện như thế này, dưới nòng súng, không bao giờ có thể tiến gần đến với tự do hoặc công bằng”, Phó Đại sứ Liên Hợp quốc James Kariuki của Anh cho hay.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vassily Nebenzia, nói tại cuộc họp rằng các cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành minh bạch và phù hợp với các tiêu chuẩn bầu cử.
Ông nói, quá trình này sẽ tiếp tục nếu Kyiv không nhận ra những sơ suất và sai lầm chiến lược của mình, cũng như không chú trọng đến lợi ích của chính người dân Ukraine.
Một nỗ lực của Nga nhằm khiến phương Tây ‘sợ hãi’
Nếu Nga sáp nhập thành công bốn khu vực của Ukraine, ông Putin có thể miêu tả bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm tái chiếm chúng như một cuộc tấn công nhằm vào chính nước Nga. Tuần trước, ông Putin tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Nga. Đồng thời Thủ tướng Medvedev cũng đưa ra cảnh báo hạt nhân mới vào hôm 27/9 tới Ukraine và các quốc gia phương Tây.
Nhưng ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, nói với Reuters rằng Kyiv sẽ không bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa hạt nhân hoặc bởi các cuộc bỏ phiếu sáp nhập. Ukraine sẽ tiếp tục với kế hoạch tái chiếm tất cả các vùng lãnh thổ bị quân xâm lược chiếm đóng, ông cho hay.
Ông Podolyak cho biết những người Ukraine đã trợ giúp Nga tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý sẽ phải đối mặt với cáo buộc phản quốc và ít nhất 5 năm tù. Những người Ukraine bị buộc phải bỏ phiếu sẽ không bị trừng phạt.
Các nhà ngoại giao cho rằng, tuyên bố sử dụng vũ khí hạt nhân là một nỗ lực của Nga nhằm khiến phương Tây sợ hãi và giảm bớt sự ủng hộ của họ đối với Ukraine.
Lần đầu tiên, Thủ tướng Medvedev dự đoán rằng liên minh quân sự NATO sẽ không trực tiếp tham chiến tại Ukraine, ngay cả khi Nga tấn công Ukraine bằng vũ khí hạt nhân.
Ông Putin nói trên truyền hình nhà nước Nga rằng, các lá phiếu được thiết kế để bảo vệ người dân khỏi điều mà ông gọi là cuộc đàn áp những người nói tiếng Nga bởi Ukraine. Phía Kyiv phủ nhận những cáo buộc này.
“Việc cứu người dân ở tất cả các vùng lãnh thổ đang diễn ra cuộc trưng cầu dân ý này là … tâm điểm chú ý của toàn xã hội và đất nước chúng ta”, ông Putin nói.
Trước đó, ông Putin đã thảo luận với các quan chức về việc huy động nông dân Nga chiến đấu ở Ukraine. Đây là động thái mới nhất trong “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, sau khi Moscow vấp phải những thất bại đáng kể trên chiến trường.
Lệnh động viên một phần đã khiến hàng nghìn người Nga đổ xô vượt biên sang các nước láng giềng, theo Reuters.
Donetsk là ưu tiên hàng đầu
Không có khu vực nào trong số bốn khu vực trưng cầu dân ý nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Nga. Trong khi đó, giao tranh dọc toàn bộ chiến tuyến đã nổ ra, các lực lượng Ukraine báo cáo đạt được nhiều bước tiến đáng kể từ khi Nga điều quân tới Kharkiv trong tháng này.
Ông Zelenskyy cho biết khu vực Donetsk ở phía đông vẫn là ưu tiên chiến lược hàng đầu của đất nước ông và của Nga, trong bối cảnh các cuộc giao tranh “đặc biệt khốc liệt” nhấn chìm một số thị trấn.
Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine vào cuối ngày 27/9 cho biết, các lực lượng Nga đã nã pháo vào 7 thị trấn ở Donetsk. Quân đội cho biết 20 thị trấn ở khu vực Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine và 35 thị trấn và làng mạc ở khu vực Kherson cũng bị ảnh hưởng.
Ông Leonid Pasechnik, một thủ lĩnh phe ly khai ở Luhansk, cho biết trên Telegram, ba người đã thiệt mạng và một người bị thương do bị Ukraine pháo kích ở Brianka.
Ông nói: “Các tên lửa do các nước NATO cung cấp đang sát hại trẻ em, phụ nữ và người già tại thành phố không có vũ khí”.
Reuters không thể xác minh ngay các báo cáo chiến trường.
Huyền Anh