28-9-2022
BẠN LÀ AI?
Hãy tưởng tượng bạn là một cô gái 22 tuổi, xinh đẹp, thông minh với tương lai hứa hẹn. Vào một ngày đẹp trời, bạn bị cảnh sát bắt vì tội ăn mặc phản cảm. Bạn bị đưa tới một lớp học vài giờ để cải tạo tư tưởng. Bạn rời “lớp học” trên băng ca và được đưa thẳng tới bệnh viện. Chính quyền nói rằng bạn bị suy tim. Hai ngày sau, bạn từ giã cõi đời.
Tội ăn mặc phản cảm của bạn là việc chiếc khăn đội đầu hơi trễ ra sau gáy. Lớp học mà bạn buộc phải đến là những cú nện trời giáng vào đầu trên xe áp giải. Bạn bị nói là suy tim nhưng bệnh viện tuyên bố bạn thật ra bị chết não, máu chảy từ tai, phổi ứ nước, mắt thâm đen và chân sưng tím.
Bạn tên là Mahsa Amini. Quốc gia bạn đang sống là Iran.
Cái chết của bạn ngày 16/9 tạo ra một làn sóng biểu tình mạnh mẽ trên khắp cả nước. Khi bóng tối phủ xuống, già trẻ trai gái đổ xuống đường. Họ nhóm lên những đống lửa lớn để các cô gái tháo bỏ khăn hijab choàng đầu và thiêu rụi trong tiếng hò reo. Họ xé ảnh của nhà lãnh đạo tôn giáo tối cao. Họ đòi quyền tự do cho phụ nữ. Họ hô vang khẩu hiệu: “Những kẻ độc tài hãy chết đi”.
Chính quyền cắt toàn bộ internet để cô lập người biểu tình. Nhiều người đã hy sinh. Trong tiếng tụng kinh, người ta nghe thấy lời thì thầm cầu mong Chúa hãy ban phước cho một cuộc cách mạng được ra đời.
HIJAB – BIỂU TƯỢNG CỦA VĂN HÓA
Chiếc khăn trùm đầu vốn đã luôn là trang phục thiết yếu của loài người để che nắng che mưa.
Nó xuất hiện lần đầu trong các văn bản pháp luật hơn 3000 năm trước ở nền văn minh Assyrian tại Trung Đông. Phụ nữ phải trùm kín đầu để đề cao đức khiêm nhường. Những người thuộc tầng lớp lao động hay gái điếm không được phép dùng khăn, bởi đây được coi là tín hiệu của một người đáng trọng. Kẻ “tiện dân” nào dám trùm khăn sẽ bị bắt giữ và sỉ nhục cho chừa thói dám trèo cao.
Ở châu Á xưa, phụ nữ quý phái khi tiếp khách hay ra phố thường ngồi sau rèm trướng, bởi được nhìn thấy mặt rồng được coi là diễm phúc. Vào thập kỷ 40, chiếc khăn phổ biến trong giới thượng lưu, gồm cả nữ hoàng Anh Elizabeth, đệ nhất phu nhân Mỹ Kennedy và công chúa xứ Monaco. Nó cũng được bình dân và nghệ thuật hóa, gắn liền với trào lưu hippie, nhạc hiphop và R&B.
HIJAB – BIỂU TƯỢNG CỦA TÔN GIÁO
Như vậy, chiếc khăn đã luôn là một phần của cuộc sống thường nhật từ trước khi tôn giáo ra đời. Tôn giáo chỉ dùng những yếu tố văn hóa đã có sẵn và nối thêm vào một tầng ý nghĩa mới.
Ví dụ trong Thiên Chúa giáo, vì Chúa tạo nên người đàn ông từ hình ảnh của mình, toàn bộ cơ thể anh là hào quang của Chúa. Anh phải sống cho xứng với Chúa. Vì người phụ nữ được tạo ra cho đàn ông, cô là hào quang của đàn ông. Cô phải sống cho xứng, và trùm khăn như một cách để nhắc nhở về nghĩa vụ đạo đức của mình (1 Corinthians 11:6-7).
Ta có thể để ý thấy đức Mẹ Đồng Trinh luôn choàng khăn. Cho đến ngày nay, nhiều phụ nữ Thiên Chúa và Do Thái vẫn coi chiếc khăn trùm đầu là biểu tượng của đức hạnh và đức tin.
Còn trong Hồi giáo thì sao?
Hãy cùng đọc lại kinh Quran (24:31) với yêu cầu nữ tín đồ dùng khăn (khimar) che kín khe ngực (juyub) và chỉ để lộ những phần cơ thể “bình thường” (zahara minha, “normally apparent”). Tuy nhiên, những phần nào là “bình thường”, tóc, cổ, mặt mũi, chân tay… thì Quran không hề nói rõ.
Có thể thấy cả trong Thiên Chúa lẫn Hồi giáo, chiếc khăn che đầu được xác nhận là một phần văn hóa đã sẵn có từ trước. Nó được nối dài thêm ý nghĩa tôn giáo khi trở thành biểu tượng của đức hạnh (che đi phần cơ thể cần che) và đức tin (phụ nữ là hào quang của đàn ông).
Tuy nhiên, chiếc khăn lại chưa bao giờ là biểu tượng chính thức của Hồi giáo. Nếu “cây thập giá” tượng trưng cho Thiên Chúa giáo, “ngôi sao David” tượng trưng cho Do Thái giáo, thì “vầng trăng khuyết” chứ không phải chiếc khăn mới tượng trưng cho Hồi giáo.
Vậy tại sao chiếc khăn lại trở thành vật thể với sức mạnh tượng trưng có phần còn lấn át cả vầng trăng lưỡi liềm trên nóc thánh đường Hồi giáo?
HIJAB – BIỂU TƯỢNG CỦA “MÔNG MUỘI”
Để hiểu được sự “thiên vị” này, hãy nhìn lại 500 năm của Golden Age. Đây là thời kỳ vàng son khi nền văn minh Hồi giáo lan tỏa đến tận châu Âu, phát triển rực rỡ, thống trị thế giới về cả khoa học, nghệ thuật lẫn kinh tế.
Thế rồi vào thế kỷ thứ 13, tất cả bỗng biến thành tro bụi dưới vó ngựa của quân Nguyên Mông. Đế chế Hồi giáo chói lọi một thời bỗng dưng sụp đổ. Trung Đông dần đắm chìm trong nghèo đói, trở thành thuộc địa của thực dân Anh Pháp Ý.
Sự khao khát được quay lại thời kỳ vàng son xưa dẫn đến sự ra đời của hai tư tưởng chính trị đối lập nhau.
Một bên là tư tưởng thế tục (secular), học tập văn minh phương Tây để tiến bộ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, xã hội cải tổ với luật kinh doanh mượn của Đức, luật tố tụng mượn của Ý, luật dân sự mượn của Thụy Sĩ. Phụ nữ có quyền bầu cử và ứng cử từ năm 1935, trước nhiều nước châu Âu và đương nhiên trước cả Việt Nam.
Nhiều tập tục tôn giáo bị coi là rào cản của sự phát triển. Khăn trùm đầu bị dán nhãn là tàn dư của xã hội bộ lạc sa mạc Ả Rập mông muội, ký sinh theo Hồi giáo như một yếu tố ngoại lai, đi ngược lại với bản chất văn hóa và truyền thống, và vì thế, chiếc khăn bị cấm ở Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Tuy nhiên, khi chọn cho mình con đường thế tục, các quốc gia ở Trung Đông không tách rời tôn giáo ra khỏi nhà nước như châu Âu mà là đè bẹp tôn giáo dưới bàn tay độc tài. Đó là sự cưỡng bức thủ tiêu các yếu tố tôn giáo bị coi là hủ lậu (khăn trùm đầu cho phụ nữ, tục đa thê, đàn ông để râu rậm) và các tổ chức tôn giáo bất đồng chính kiến.
Ở châu Âu, thế tục là chuyển quyền lực từ nhà thờ sang tay chế độ dân chủ. Ở Trung Đông, thế tục là chuyển quyền lực từ thánh đường Hồi giáo sang tay các nhà độc tài.
HIJAB – BIỂU TƯỢNG CỦA TỰ DO
Bên cạnh chủ nghĩa thế tục, niềm khao khát quay lại thời kỳ vàng son dẫn đến sự ra đời của tư tưởng thứ hai, chủ nghĩa Hồi giáo (Islamism).
Nếu thế tục nhìn vào hiện tại và kẻ thống trị để học hỏi thì Chủ nghĩa Hồi giáo nhìn vào quá khứ và chính mình. Đó là niềm tin mãnh liệt rằng đạo Hồi chính là nguyên nhân tạo nên thời kỳ vàng son đã qua. Bằng cách chính trị hóa tôn giáo, Islamism chống lại ảnh hưởng của thực dân Anh Pháp Ý, khôi phục thời kỳ vàng son trên nền tảng tôn giáo, dùng đạo Hồi làm kim chỉ nam cho cuộc sống cá nhân và chính trị của toàn xã hội.
Sức mạnh của chủ nghĩa Hồi giáo thể hiện rõ nhất ở Iran. Vào năm 1979, Iran là một quốc gia quân chủ, thế tục, thân phương Tây, kinh tế đang đà đi lên, xã hội tương đối cấp tiến. Trên các tờ tạp chí, Iran dễ bị nhầm với châu Âu bởi hình ảnh các cô gái mặc áo vest đến công sở, mặc váy ngắn trên đường phố hay mặc bikini trên bãi biển.
Tuy nhiên, đạo luật cấm triệt để chiếc khăn trùm đầu lại lấy đi tự do của những tín đồ bảo thủ. Nhiều phụ nữ chẳng còn lựa chọn nào khác là bỏ đi học, bỏ đi làm và bỏ các hoạt động xã hội. Nếu phải ra đường mà không choàng khăn, họ cảm thấy như mình đang trần truồng vậy.
Chính sách độc tài này khiến sự phản kháng trong tầng lớp trí thức và cánh tả ngày càng lên cao. Các tiếng nói bất đồng càng mạnh mẽ hơn trước việc nhà vua ăn chơi sa đọa, quá dựa dẫm vào phương Tây và sự thất bại của chính quyền trong nhiều dự án kinh tế quan trọng.
Tất cả những bức xúc đó bùng nổ khi một nhà lãnh đạo tôn giáo tên là Khomeini khởi xướng cuộc cách mạng lật đổ chính quyền. Là một tín đồ cực đoan, nhưng ông ta che giấu ý đồ của mình và kêu gọi những phụ nữ cấp tiến đứng lên bảo vệ tự do và dân chủ:
“Chính phụ nữ là người hành động, và hành động đáng chú ý nhất của họ là phản kháng. Phụ nữ Iran có thể châm ngòi những cuộc cách mạng, đảo chiều xu thế chính trị, đấu tranh cho niềm tin của mình. Phụ nữ chưa bao giờ đứng sau hay thụt lùi trên bất kỳ chiến tuyến nào”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Khomeini, hàng nghìn phụ nữ vốn không bao giờ trùm đầu đã tự nguyện đội khăn trong các cuộc biểu tình để thể hiện sự phản kháng. Đây cũng là tinh thần của ngày Hijab Thế giới (World Hijab Day) vào 1 tháng 2 hàng năm. Hàng trăm phụ nữ Mỹ và châu Âu đổ ra đường trong chiếc khăn trùm đầu để bày tỏ tình đoàn kết với những tín đồ Hồi giáo trùm khăn là nạn nhân của phân biệt và kỳ thị.
HIJAB – VŨ KHÍ CHÍNH TRỊ VÀ QUYỀN TỰ DO CHỌN LỰA
Cũng như hàng triệu người có tư tưởng cánh tả cấp tiến khác, những phụ nữ Iran tự nguyện trùm khăn năm 1979 không thể tưởng tượng được rằng cuộc cách mạng của họ sẽ bị đánh cắp.
Không ai có thể ngờ những thầy tu tôn giáo khi thắng trận sẽ trực tiếp điều hành đất nước, biến Iran thành quốc gia thần quyền, biến chiếc khăn họ tự nguyện trùm đầu trong cuộc cách mạng thành chiếc khăn họ bắt buộc phải trùm nếu không muốn bị đánh 74 roi hoặc bị cầm tù.
Một phụ nữ không choàng khăn bị ví như sự băng hoại đạo đức của việc cô ta làm điếm. Việc đăng ảnh không trùm khăn trên mạng xã hội sẽ bị đuổi việc và tước bỏ nhiều quyền công dân trong vòng 1 năm. Công nghệ nhận diện qua camera được dùng để truy đuổi những người không tuân thủ.
Trong 40 năm thần quyền, vô số các nhà hoạt động, gồm cả nam giới và phụ nữ, đã bị đánh đòn, tra tấn, cầm tù hàng chục năm chỉ vì dám phản đối đạo luật này.
Vì đạo Hồi trở thành kim chỉ nam, từng câu chữ trong Quran được mổ xẻ và tuân thủ nghiêm ngặt. Nó khiến sự mơ hồ của những câu chữ (chỉ để lộ những phần cơ thể “bình thường”) bỗng trở nên lý tưởng để có thể áp dụng tùy tâm, tùy vào khát vọng muốn thống trị và quản lý phụ nữ của mỗi nhà cầm quyền.
Vùng xám phức tạp khiến việc lý giải kiểu nào cũng đúng ấy cho phép Ả rập Saudi và Yemen khuyến khích phụ nữ trùm kín bưng, chỉ hở hai con mắt. Taliban ở Afghanistan thậm chí muốn hai con mắt ấy phải nhìn xuyên qua một miếng vải hình chữ nhật như cái chấn song thưa.
Vì đạo Hồi là kim chỉ nam, chiếc khăn vốn được kinh Quran nhắc đến với tư cách là một phần văn hóa từ trước khi tôn giáo ra đời bỗng dưng thay đổi bản chất, trở thành một phần tất yếu của tôn giáo.
Ở Iran, sự “tất yếu” ấy được áp dụng cho cả những phụ nữ không theo đạo Hồi, cho khách du lịch, thậm chí các chính khách nước ngoài.
Đó là khi một nghệ sĩ trống Trung Quốc trong khi say mê biểu diễn ở Iran đã bị rơi chiếc khăn. Cô bị yêu cầu dừng lại để người ta trùm lại chiếc khăn lên đầu rồi mới cho cô tiếp tục. Cách đây vài ngày, nhà báo nổi tiếng Amanpour đã bị từ chối phỏng vấn với Tổng thống Iran vào phút cuối khi bà không chịu trùm khăn. Lưu ý là cuộc phỏng vấn này ở Mỹ chứ không phải Iran.
Chiếc khăn không còn là biểu tượng của tôn giáo mà là biểu tượng của sự thu phục và thần phục, của một tư tưởng thống trị, của thứ quyền lực mà nhà nước có thể áp đặt lên cơ thể phụ nữ, chính trị hóa hình hài của họ, bất kể họ có phải là tín đồ Hồi giáo hoặc công dân Iran hay không.
PHẢN ĐỐI HIJAB HAY PHẢN ĐỐI CHÍNH QUYỀN?
Tuy nhiên, những cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iran không chỉ đơn giản là vấn đề chiếc khăn trùm đầu có nên bị bắt buộc hay không. Đa số dân Iran, thậm chí cả cảnh sát đạo đức và nhiều chính trị gia đều phản đối đạo luật này.
Nhưng chính quyền có thể sẽ không khoan nhượng. Bởi chiếc khăn đã trở thành một biểu tượng chính trị. Việc xóa bỏ nó tương đồng với sự chấp nhận thua cuộc, chấp nhận buông bỏ quyền lực của chế độ.
Khi những cô gái dũng cảm đốt chiếc khăn, họ không đơn giản là tiêu hủy một chiếc gông cùm, họ đòi tiêu hủy một chế độ độc tài.
Khi hàng nghìn người đổi xuống đường để ủng hộ những cô gái ấy, họ không đơn giản là đòi quyền tự do chọn lựa có trùm khăn hay không. Đó còn là sự lũy tích của giận giữ, thất vọng và bất lực, là khát vọng được nhìn thấy cuộc sống về tổng thể phải trở nên tốt đẹp hơn.
Bài học từ Iran là cái giá của sự đàn áp thường lợi bất cập hại. Cũng như việc cấm hay ép trùm khăn, sự chuyên quyền nào cũng có tiềm năng âm ỉ lớn dần và trở thành một dòng chảy phản kháng. Bất chấp những lần vùi dập, một ngày nào đó, nó sẽ hội tụ với nhiều dòng chảy ức chế khác mà biến thành một cơn thác lũ.