Tin thế giới sáng thứ Năm: Úc lên án chính quyền Iran đàn áp người biểu tình

Úc lên án chính quyền Iran đàn áp người biểu tình

Iran đã bị rung chuyển bởi bạo lực đường phố đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 17 người kể từ cái chết của cô gái trẻ 22 tuổi Mahsa Amini vào tuần trước, người bị giam giữ vì đội khăn trùm đầu “không đúng cách”. Hình ảnh người dân Iran diễu hành ở thủ đô Tehran, Iran, hôm 23/9/2022. (Ảnh: Getty Images)

Úc đã lên án “việc sử dụng vũ lực gây chết người và không cân xứng” của các nhà chức trách Iran chống lại những người biểu tình đã tràn xuống đường phố trên khắp đất nước sau cái chết của một cô gái 22 tuổi Mahsa Amini. Cô đã bị cảnh sát đạo đức của Iran bắt giữ vì bị cáo buộc ‘trang phục không phù hợp’.

Phụ nữ Iran bắt buộc phải đội khăn trùm đầu từ khi 9 tuổi, sau khi chính phủ Iran thực thi luật này vào năm 1983, tờ RFERL đưa tin. Tuy nhiên, quy tắc này là đã gây ra không ít tranh cãi và chứng kiến ​​những phản đối không ngừng trong suốt 43 năm cầm quyền của nhà nước Hồi giáo.

Úc ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về cái chết của cô gái trẻ Amini

“Chúng tôi rất lo lắng trước các báo cáo rằng hàng chục người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, bao gồm cả thanh thiếu niên. Đây là biện pháp mạnh tay mà chính quyền Iran đã thực hiện để trấn áp các cuộc biểu tình đang diễn ra”, Ngoại trưởng Úc Penny Wong và Bộ trưởng Phụ nữ Katy Gallagher cho biết trong một tuyên bố trên phương tiện truyền thông vào ngày 27/9.

“Úc ủng hộ quyền biểu tình hòa bình của người dân Iran và kêu gọi chính quyền Iran kiềm chế trước các cuộc biểu tình đang diễn ra”.

Các bộ trưởng lưu ý rằng Úc sẽ ủng hộ các lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng, công bằng về cái chết của cô gái trẻ Amini bởi một cơ quan độc lập. Lời kêu gọi điều tra, do Cao ủy Nhân quyền LHQ dẫn đầu, được cho là sẽ cung cấp một con đường để người thân của cô gái trẻ biết được sự thật về cái chết của cô và khiến cho những người có trách nhiệm phải giải trình.

Cô Amini qua đời vào ngày 16/9 sau khi bị cảnh sát đạo đức Tehran giam giữ. Theo một thông cáo truyền thông của LHQ, cô Amini đã suy sụp sau khi bị giam giữ trong ba ngày.

“Một số báo cáo cho rằng cái chết của cô Amini là do bị tra tấn và đối xử tệ bạc”, LHQ cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 22/9.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Iran tuyên bố rằng, cô Amini đã qua đời vì một cơn đau tim.

Ngay sau khi tin tức về cái chết của cô Amini được đăng tải, một bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy cô nằm trong bệnh viện Tehran trong tình trạng hôn mê, khiến người Iran trên khắp đất nước tức giận. Họ đã xuống đường trong 11 ngày qua để yêu cầu lực lượng an ninh Iran phải chịu trách nhiệm về cái chết của cô gái.

Hiện tại, nhóm vận động nhân quyền Iran Human Rights cáo buộc rằng, lực lượng an ninh ở Iran đã sát hại 76 người biểu tình và sử dụng đạn thật để chống lại họ. Ngoài ra, nhóm tuyên bố rằng gia đình của những người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình đang bị buộc phải chôn cất người thân của họ vào ban đêm và sẽ đối mặt với các cáo buộc pháp lý nếu họ công khai việc này.

Nhà chức trách Iran đã đưa ra con số thiệt mạng là 41 người và nói rằng con số này bao gồm cả nhân viên an ninh, đài BBC đưa tin hôm 28/9.

Canada và Mỹ trừng phạt Lực lượng an ninh Iran

Tuyên bố của chính phủ Úc được đưa ra sau tuyên bố của Hoa Kỳ và Canada về việc họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến cái chết của cô Amini, bao gồm cả cảnh sát đạo đức Iran.

“Chúng tôi đã chứng kiến việc Iran coi thường nhân quyền hết lần này đến lần khác. Bây giờ chúng ta thấy điều đó trước cái chết của cô gái Mahsa Amini và việc đàn áp các cuộc biểu tình”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói.

“Hôm nay, tôi xin thông báo rằng chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với hàng chục cá nhân và thực thể, bao gồm cả cái gọi là cảnh sát đạo đức Iran”.

Trong khi đó, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (Treasury Department’s Office of Foreign Assets Control) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố sẽ trừng phạt các lãnh đạo của Bộ Tình báo và An ninh Iran, Lục quân Iran, Lực lượng Kháng chiến Basij và các cơ quan thực thi pháp luật khác đồng thời đóng băng tài sản và tài khoản ngân hàng của họ ở Hoa Kỳ.

“Các quan chức này giám sát các tổ chức thường xuyên sử dụng bạo lực để trấn áp những người biểu tình ôn hòa và các thành viên của xã hội dân sự Iran, những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động vì nữ quyền và các thành viên của cộng đồng Baha’i Iran”, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết.

Hôm 22/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đưa ra thông báo trừng phạt 7 quan chức vì bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Ông Blinken nói: “Chính phủ Iran cần phải chấm dứt tình trạng ngược đãi có hệ thống đối với phụ nữ và cho phép biểu tình ôn hòa”.

Ông nói thêm rằng Washington sẽ tiếp tục buộc những người vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm.

Nhà báo Iran: Cái chết của cô Amini là ‘điểm tới hạn’

Tờ Reuters hôm 28/9 đưa tin, cô Masih Alinejad, một nhà báo Iran và nhà hoạt động vì nữ quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết các cuộc biểu tình nổ ra ở hàng chục thành phố về cái chết của một phụ nữ trẻ Iran Mahsa Amini bị cảnh sát giam giữ là một “điểm tới hạn” đối với Iran.

Cô Alinejad nói với tờ Reuters hôm 27/9 tại New York rằng: “Đối với Cộng hòa Hồi giáo, vụ sát hại cô Mahsa Amini đang trở thành điểm nóng vì quy định về khăn trùm đầu là bắt buộc. Nó giống như Bức tường Berlin. Và nếu phụ nữ Iran phá bỏ bức tường này, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ không còn tồn tại”.

Cái chết của cô gái trẻ Amini đã khiến cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi, trong khi Iran đổ lỗi cho “những kẻ côn đồ” có liên hệ với “kẻ thù nước ngoài” gây ra tình trạng bất ổn cho nước này. Tehran cáo buộc Mỹ và một số nước châu Âu lợi dụng tình hình này để gây bất ổn cho Cộng hòa Hồi giáo.

Thanh Hải

Anh tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương

Anh tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
Hai chiếc Tiêm kích đa năng EF-2000 Typhoon (Cuồng Phong Châu Âu) của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) cất cánh tại căn cứ quân sự Coningsby ở Lincolnshire, nước Anh. (Ảnh: Christopher Furlong/Getty)

Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (United Kingdom Royal Air Forces – RAF) đã thông báo sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự với nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho đến tháng 12, trong đó có Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một chuyến bay gồm 4 máy bay chiến đấu Typhoon (Cuồng phong) và một máy bay tiếp nhiên liệu trên không Voyager của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đã đến Úc để tham gia Cuộc tập trận Pitch Black ở Darwin cùng với 100 máy bay khác và 2.500 binh lính đến từ 17 quốc gia khác nhau.

Vương Quốc Anh triển khai mở rộng lực lượng song song với việc Hải quân Hoàng gia Anh kỷ niệm một năm hiện diện thường trực trong khu vực cùng với hai tàu tuần tra HMS Tamar và HMS Spey.

Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cũng xác nhận khả năng RAF hiện diện lâu dài trong khu vực và thể hiện cam kết của Vương quốc Anh trong việc duy trì mối quan hệ lịch sử với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

“An ninh và ổn định trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn là điều tối quan trọng. Cùng với các cuộc tập trận Pitch Black và sự hiện diện bền bỉ của Hải quân Hoàng gia ở Thái Bình Dương, chúng tôi sẵn sàng thể hiện cam kết và trách nhiệm chung trên toàn khu vực, đồng thời tăng cường hơn nữa mối quan hệ chặt chẽ của Vương Quốc Anh với bạn bè và đồng minh”, ông nói.

Động thái tăng cường sự hiện diện của Vương quốc Anh diễn ra sau khi chính phủ Anh xác định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, an ninh, cũng như tham vọng toàn cầu của Vương quốc Anh trong việc ủng hộ các xã hội tự do và rộng mở.

Lý do về sự can dự quân sự ngày càng tăng của Vương quốc Anh xuất phát từ việc cựu Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố trong một bài báo hồi tháng 7/2021 rằng, tầm nhìn của chính phủ Vương quốc Anh là tăng cường hiện diện vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương với tư cách là đối tác châu Âu rộng lớn nhất, sự hiện diện tích hợp nhất nhằm hỗ trợ thương mại theo hướng đôi bên cùng có lợi, chia sẻ các giá trị và đảm bảo an ninh vào năm 2030.

Bài báo cho biết: “Chúng tôi sẽ theo đuổi cam kết sâu rộng hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm ủng hộ sự thịnh vượng chung và ổn định khu vực, phát triển các mối quan hệ ngoại giao và thương mại bền chặt hơn”.

Châu Âu can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực để chống lại Trung Quốc

Vương quốc Anh không phải là cường quốc châu Âu duy nhất tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Pháp và Đức cũng tham gia các cuộc tập trận quân sự trong khu vực.

Ngoài ra, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết họ đang chuyển sang tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực như một đối trọng với lập trường ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 4 tuyên bố, tổ chức này sẽ tăng cường can dự trong khu vực để chống lại hành động gây hấn và quân sự hóa của Bắc Kinh.

“Chúng tôi nhận thấy rằng Trung Quốc không sẵn sàng lên án hành động xâm lược của Nga. Và Bắc Kinh đã cùng với Moscow đặt câu hỏi về quyền của các quốc gia trong việc lựa chọn con đường riêng của mình”, ông Stoltenberg nói. “Đây là một thách thức nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta. Và điều quan trọng hơn là chúng ta phải sát cánh cùng nhau để bảo vệ các giá trị của mình”.

Trong khi đó, Pháp gần đây đã chứng tỏ khả năng ứng phó nhanh chóng với xung đột ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, một đội ngũ của Không quân Pháp có thể bay từ Paris đến New Caledonia chỉ trong 72 giờ, vượt qua quãng đường hơn 16.600 km (10.315 dặm). Điều này đã chứng tỏ năng lực của Pháp trong việc tham gia nhanh chóng vào bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra ở khu vực Thái Bình Dương.

Theo Thiếu tướng Stephane Groen, tham mưu trưởng quân đội Pháp, “Việc chúng tôi đang cố gắng triển khai lực lượng không quân ở Thái Bình Dương” là một ví dụ cụ thể cho thấy quyết tâm của Pháp trong việc đảm bảo chủ quyền của các nước trong khu vực được bảo vệ.

“Pháp có thể phóng chiếu sức mạnh trên không để bảo vệ lãnh thổ của mình hoặc bảo vệ lãnh thổ của các đồng minh”, Thiếu tướng Stephane Groen, tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tác chiến Không quân và Vũ trụ Pháp, nói với tờ Nikkei Asia hôm 12/9.

Ông Michito Tsuruoka, phó giáo sư về an ninh quốc tế và chính trị châu Âu tại Đại học Keio của Nhật Bản cho biết, việc tái tham gia vào khu vực là một chiến lược tích cực cho các cường quốc châu Âu.

Trong một bài báo được tờ The Diplomat đăng tải vào năm 2021, ông Michito Tsuruoka nhận định rằng, nếu các đồng minh tập trung vào các mối đe dọa và thách thức khác nhau trong các khu vực xung đột khác nhau, thì có khả năng cao là nó sẽ dẫn đến “khoảng cách nhận thức giữa họ ngày càng tăng”, gây khó khăn cho việc “phối hợp hoạt động về các vấn đề rộng lớn hơn như Trung Quốc hoặc Nga”.

Ông Tsuruoka nhận định, khoảng cách địa lý không còn là lá chắn để châu Âu tự vệ khỏi các hành vi hung hăng của Trung Quốc nữa.

Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi về tầm quan trọng của việc phóng chiếu sức mạnh của châu Âu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vì xét về sức mạnh thì châu Âu có ít hơn so với quân đội Mỹ. Washington từng triển khai hàng chục nghìn binh lính và hàng chục tàu chiến đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một số người đang kêu gọi châu Âu nên tập trung vào việc bảo vệ châu Âu trước Nga để Mỹ có thể tập trung vào Trung Quốc.

Lam Giang

EU thề sẽ trả đũa nếu mạng lưới năng lượng bị tấn công

Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell (Reuteurs)

Liên minh châu Âu nghi ngờ rằng thiệt hại đối với hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dưới nước là hành động phá hoại và đang cảnh báo sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào vào các mạng lưới năng lượng của châu Âu, Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết hôm thứ Tư (28/9).

“Tất cả các thông tin hiện có cho thấy những rò rỉ [đường ống] đó là kết quả của một hành động có chủ ý,” ông Borrell thay mặt cho 27 nước thành viên EU cho biết trong một tuyên bố. “Bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ được đáp trả bằng một phản ứng mạnh mẽ và thống nhất.”

Các nhà địa chấn học báo cáo hôm thứ Ba rằng các vụ nổ đã làm rung chuyển Biển Baltic trước khi rò rỉ bất thường được phát hiện trên hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dưới nước chạy từ Nga đến Đức.

Một số nhà lãnh đạo và chuyên gia châu Âu đã chỉ ra khả năng phá hoại. Ba vụ rò rỉ đã được báo cáo trên đường ống Nord Stream 1 và 2, được đổ đầy khí đốt tự nhiên nhưng không cung cấp nhiên liệu cho châu Âu.

Theo các nhà phân tích, thiệt hại có nghĩa là các đường ống sẽ không thể vận chuyển bất kỳ khí đốt nào đến châu Âu vào mùa đông này.

Ông Borrell cho biết EU sẽ hỗ trợ bất kỳ cuộc điều tra nào về thiệt hại và “sẽ thực hiện các bước tiếp theo để tăng khả năng phục hồi của chúng tôi trong an ninh năng lượng.”

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã nói rằng “chính quyền đánh giá rõ ràng rằng đây là những hành động có chủ ý – không phải tai nạn”.

Nhưng bà nói “chưa có thông tin cho thấy ai có thể đứng đằng sau nó.” Bà Frederiksen bác bỏ ý kiến ​​cho rằng vụ việc là một cuộc tấn công vào Đan Mạch, nói rằng rò rỉ xảy ra ở vùng biển quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, Morten Bodskov, đã có cuộc gặp hôm thứ Tư với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Nhật Minh (theo AP)

Một ngày sau khi Dow Jones gia nhập thị trường con gấu, chứng khoán Mỹ kết thúc trái chiều

Các nhà giao dịch làm việc trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) vào ngày 23/09/2022 tại Thành phố New York. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm điểm, trong khi chỉ số Nasdaq tăng điểm, một ngày sau khi Dow Jones gia nhập thị trường con gấu cùng với các chỉ số chính khác, trong bối cảnh thị trường lo ngại cuộc chiến lạm phát sẽ đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao các thông tin kinh tế sắp được công bố.

Chứng khoán Mỹ hôm thứ 3 kết thúc trái chiều

Một ngày giao dịch lao đao trên Phố Wall đã kết thúc trái chiều đối với các chỉ số chứng khoán Mỹ vào thứ 3 (27/09) khi thị trường chao đảo trong bối cảnh mọi người lo lắng về một cuộc suy thoái có thể xảy ra.

Giao dịch biến động diễn ra một ngày sau khi đợt bán tháo rộng đã đưa Chỉ số Công nghiệp Dow Jones rơi vào thị trường giảm (thị trường con gấu), giống như các chỉ số chính khác của Mỹ.

Vào thứ 3, chỉ số S&P 500 giảm 0,2%, lần giảm thứ sáu liên tiếp. Chỉ số này đã tăng 1,7% trong thời gian đầu trước một đợt giảm điểm vào giữa buổi chiều. Chỉ số Dow giảm 0,4%, trong khi chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 0,2%.

Các chỉ số chính vẫn trong tình trạng sụt giảm kéo dài. Chỉ còn vài ngày nữa là hết tháng 9, chứng khoán đang hướng tới một tháng giảm điểm nữa khi thị trường lo ngại rằng lãi suất cao hơn được áp dụng để chống lạm phát có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Bà Lindsey Bell, trưởng bộ phận chiến lược thị trường và tiền tệ tại Ally Invest cho biết: “Thị trường hiện đang định giá theo hướng tăng trưởng chậm hơn trong tương lai gần vì lãi suất cao hơn và lạm phát kiên trì nóng hơn dự kiến”.

Vào thứ 3, S&P 500 giảm 7,75 điểm xuống 3.647,29. Chỉ số Dow giảm 125,82 điểm xuống 29.134,99. Nasdaq tăng 26,58 điểm lên 10.829,50.

Chỉ số S&P 500 giảm khoảng 8% trong tháng 9 và đã ở trong thị trường giảm điểm kể từ tháng 6, khi nó giảm hơn 20% dưới mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào ngày 04/01. Sự sụt giảm của chỉ số Dow vào thứ 2 (26/09) cũng đưa nó vào cùng loại thị trường với chỉ số chuẩn S&P và chỉ số nặng về công nghệ Nasdaq.

Các Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đã tăng lãi suất trong nỗ lực làm cho việc đi vay trở nên đắt đỏ hơn và hạ nhiệt tình trạng lạm phát nóng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đặc biệt tích cực trong hoạt động này và tăng tỷ lệ lãi suất chuẩn một lần nữa vào tuần trước, điều ảnh hưởng đến nhiều khoản vay tiêu dùng và kinh doanh. Lãi suất của Fed hiện nằm trong khoảng từ 3% đến 3,25%, trong khi gần như bằng 0 vào đầu năm.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tại trụ sở của Cục Dự trữ Liên bang vào ngày 21/09/2022 ở Washington, DC, Mỹ. Powell thông báo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất lên 3/4 điểm phần trăm. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Fed cũng đưa ra một dự báo cho thấy lãi suất chuẩn của họ có thể là 4,4% vào cuối năm, cao hơn 1% so với dự kiến Fed đưa ra ​​vào tháng 6.

Phố Wall lo ngại rằng Fed sẽ hãm phanh quá mạnh đối với một nền kinh tế vốn đã chậm lại và đẩy nó vào suy thoái. Lãi suất cao hơn đang đè nặng lên cổ phiếu, đặc biệt là các công ty công nghệ đắt tiền hơn, có xu hướng kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư khi lãi suất tăng.

Sự thua lỗ của các nhà sản xuất hàng gia dụng, công ty truyền thông và cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích lớn hơn mức tăng ở những nơi khác trên thị trường. Procter & Gamble giảm 2,7%, Disney mất 2,3% và Edison International giảm 2,9%.

Các cổ phiếu năng lượng tăng điểm khi giá dầu Mỹ tăng 2,3%. Exxon Mobil tăng 2,1%.

Cổ phiếu của các công ty nhỏ thể hiện tốt hơn so với thị trường rộng lớn hơn. Chỉ số Russell 2000 (bao gồm các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ) đã tăng thêm 6,63 điểm, tương đương 0,4%, đóng cửa ở mức 1.662,51.

Lợi tức trái phiếu hầu hết tăng cao hơn vào thứ 3 (27/09). Lợi tức trên trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm, có xu hướng phản ánh kỳ vọng về hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đã giảm xuống 4,31% từ 4,34% vào cuối ngày thứ 2 (26/09). Nó đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2007. Lợi tức của trái phiếu Kho bạc 10 năm, vốn ảnh hưởng đến lãi suất thế chấp, đã tăng lên 3,98% từ mức 3,93%.

Nhà đầu tư theo dõi sát sao thông tin sắp tới

Lo ngại về một cuộc suy thoái đã gia tăng khi lạm phát vẫn dai dẳng ở mức nóng. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi rất chặt chẽ đợt báo cáo thu nhập tiếp theo của công ty để hiểu rõ hơn về cách các công ty đang đối phó với lạm phát. Các công ty sẽ bắt đầu báo cáo kết quả hàng quý mới nhất của họ vào đầu tháng 10.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao các thông tin cập nhật kinh tế mới nhất. Niềm tin của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ, mặc dù giá cả mọi thứ từ thực phẩm đến quần áo đều cao hơn. Báo cáo niềm tin người tiêu dùng mới nhất cho tháng 9 từ The Conference Board cho thấy niềm tin thậm chí còn mạnh hơn dự kiến ​​của các nhà kinh tế.

Chính phủ Mỹ sẽ công bố báo cáo hàng tuần về trợ cấp thất nghiệp vào thứ 5 (29/09), cùng với một báo cáo cập nhật về tổng sản phẩm quốc nội quý II. Vào thứ 6 (30/09), chính phủ Mỹ sẽ công bố một báo cáo khác về thu nhập và chi tiêu cá nhân sẽ giúp cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc lạm phát đang ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng ở chỗ nào và như thế nào.

Bảo Nguyên

Mỹ phát hiện đội tàu chiến chung Trung Quốc – Nga ở Biển Bering

Ngày 3/9/2022, tàu tuần tra Midgett của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ và một chiếc thuyền cơ giới nhỏ đang tiến hành tập trận chung, tìm kiếm và cứu nạn với Philippines ở Biển Đông gần Philippines. (Ảnh: Ted Aljibe / AFP qua Getty Images)

Một nguồn tin tiết lộ với hãng tin AP rằng phía Mỹ đã phát hiện một số tàu Trung Quốc và Nga đang xếp thành một đội hình ở Biển Bering, khu vực nước biển ở phần phía bắc nhất của Thái Bình Dương. Sau khi bị phát hiện, các tàu này đã giải tán đội hình.

Theo hãng tin AP, một quan chức Hoa Kỳ đã tiết lộ hôm thứ Hai (26/9) rằng các quan chức Hoa Kỳ thông báo vào đầu tháng này, các tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ đã phát hiện sự xuất hiện của các tàu hải quân Trung Quốc và Nga ở Biển Bering.

Ngày 27/9 (Thứ Ba), Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo, họ đã thành lập Văn phòng Chiến lược Bắc Cực, để đối phó với các mối đe dọa từ Nga và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở khu vực Bắc Cực, nhằm đảm bảo chiến lược và lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực.

Mỹ phát hiện đội tàu chiến chung Trung Quốc – Nga ở Biển Bering

Tàu tuần dương của Hải quân Trung Quốc hoạt động cách đảo Kiska ở Alaska khoảng 86 dặm (138 km) về phía bắc.

Sau đó, tàu tuần tra Kimball của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ đã phát hiện 2 tàu hải quân khác của Trung Quốc và 4 tàu hải quân của Nga, trong đó có 1 tàu khu trục, 7 tàu chiến cũng được phát hiện xếp thành một đội hình duy nhất.

Sau khi bị phát hiện, tàu chiến của Trung Quốc và Nga đã phá vỡ đội hình và phân tán.

Chuẩn Đô đốc và Tư lệnh Cảnh sát biển Khu 17, ông Nathan Moore, cho biết: “Mặc dù đội hình này hoạt động tuân theo các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, nhưng chúng tôi sẽ tuân thủ quy tắc ‘tồn tại và hiện hữu’ (presence with presence), để đảm bảo rằng nó không ảnh hưởng đến lợi ích của Hoa Kỳ, trong môi trường biển xung quanh Alaska.”

Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết, hướng dẫn hoạt động của cảnh sát biên giới yêu cầu tuân thủ các quy tắc ‘tồn tại và hiện hữu’ (presence with presence) khi các đối thủ chiến lược hoạt động trong và xung quanh Hoa Kỳ.

Tàu tuần tra Kimball sẽ tiếp tục giám sát vùng biển này. Tàu tuần tra đóng tại thành phố Honolulu (tiểu bang Hawaii), và được máy bay vận tải C-130 Hercules hỗ trợ trên không.

Chỉ một tháng trước, ngày 26/8, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, cảnh báo chống lại việc Nga tăng cường quân sự ở Bắc Cực, và chiến lược bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

Lúc đó, ông Stoltenberg đang thăm miền bắc Canada. Ông cảnh báo rằng Nga đã thành lập một bộ tư lệnh mới ở Bắc Cực, và mở hàng trăm căn cứ quân sự mới ở Bắc Cực từ thời Liên Xô, gồm các cảng nước sâu và sân bay.

Ông Stoltenberg còn lưu ý, ĐCSTQ cũng đã tuyên bố mình là một quốc gia “cận Bắc Cực”, và có kế hoạch xây dựng tàu phá băng lớn nhất thế giới. “Bắc Kinh và Moscow cũng cam kết tăng cường hợp tác thực tế ở Bắc Cực. Đây là một phần của quan hệ đối tác chiến lược (Trung Quốc – Nga) ngày càng sâu sắc, thách thức các giá trị và lợi ích của chúng tôi,” ông nói

Đây không phải là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc ra khơi gần vùng biển Alaska. Tháng 9/2021, các tàu cao tốc của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ cũng chạm trán với tàu chiến Trung Quốc ở Biển Bering và Bắc Thái Bình Dương, cách quần đảo Aleutian khoảng 50 dặm (80 km).

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thành lập Văn phòng Chiến lược Bắc Cực, để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga

Theo tin tức được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố ngày 27/9, Hoa Kỳ, với tư cách là một cường quốc ở Bắc Cực, đã thành lập “Văn phòng Chiến lược Bắc Cực và Khả năng Phục hồi Toàn cầu” trong Bộ Quốc phòng, nhằm đảm bảo chiến lược, chính sách và quyền lợi của Hoa Kỳ ở khu vực Bắc Cực.

Bà Iris A.Ferguson đã được bổ nhiệm làm Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Khả năng phục hồi của Bắc Cực và Toàn cầu, một chức vụ mới thể hiện tầm quan trọng của Chính phủ và quân đội Hoa Kỳ đối với khu vực Bắc Cực.

Bà Ferguson cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “[Bắc Cực] là một khu vực quan trọng, để xây dựng quyền lực và bảo vệ quê hương.” Bà nói thêm: “Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự gia tăng hoạt động địa chính trị của Nga và Trung Quốc trong khu vực.”

Nga chỉ cách Hoa Kỳ 55 dặm (88 km) ở eo biển Bering. Bà Ferguson cho biết, Nga có diện tích đất liền lớn nhất ở Bắc Cực, các nhà lãnh đạo Nga coi nước này là cường quốc thống trị trong khu vực. “Họ vẫn luôn tân trang lại nhiều sân bay, và cập nhật hầu hết các hệ thống phòng thủ trên khắp Bắc Cực.”

ĐCSTQ là một đối thủ cạnh tranh chiến lược khác của Hoa Kỳ ở Bắc Cực, dù Trung Quốc ở cách xa hàng ngàn dặm.

Bà Ferguson cho biết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc “đang cố gắng hòa nhập vào Bắc Cực, nơi mà họ tự xưng mình là một quốc gia ‘cận Bắc Cực’, mặc dù họ cách Bắc Cực rất xa.”

Bà lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng điều chỉnh chuẩn mực quốc tế, và cấu trúc quản trị có lợi cho họ. Họ biết rằng bản thân họ đang tham gia vào các hành động cưỡng bức kinh tế trên toàn cầu và ở Bắc Cực. “Vì vậy chúng tôi rất quan tâm đến các hoạt động của họ, và muốn đảm bảo rằng lợi ích của chúng tôi trong khu vực này được bảo vệ.”

Bà Ferguson cho biết: “Điều quan trọng là phải có một văn phòng ngay bây giờ, đặt nền tảng cho chúng ta chuẩn bị tốt nhất, và hiểu những thách thức phải đối mặt ở phía trước. Hiện tại có thể chưa có xung đột, hy vọng rằng Bắc Cực sẽ không bao giờ xung đột, nhưng chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động ở đó.”

Trình Văn / Vision Times

Related posts