TT Putin tuyên bố sáp nhập lãnh thổ Ukraine, hứa hẹn Nga sẽ giành chiến thắng
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố Nga chính thức sáp nhập 4 khu vực lãnh thổ Ukraine trong một buổi lễ đầy hào nhoáng của Điện Kremlin, đồng thời hứa hẹn Moscow sẽ chiến thắng trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại Kyiv.
Tuyên bố của Tổng thống Nga về việc Nga thôn tính 15% lãnh thổ Ukraine – cuộc sáp nhập lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai – đã bị các nước phương Tây và thậm chí nhiều đồng minh thân cận của Nga bác bỏ mạnh mẽ.
Tuyên bố sáp nhập diễn ra khi các lực lượng Nga tại chính một trong bốn khu vực đang được sáp nhập đang bị quân đội Ukraine bao vây.
Trong một trong những bài phát biểu chống Mỹ cứng rắn nhất mà ông đã thực hiện trong hơn hai thập kỷ cầm quyền, TT Putin cho biết ông sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến vì một “nước Nga lịch sử vĩ đại hơn nữa” bằng bất kỳ công cụ nào ông có.
“Sự thật đứng về phía chúng ta. Nước Nga ở cùng chúng ta!” ông Putin nói với giới tinh hoa chính trị của đất nước, vốn đang tập trung phía dưới tại một trong những hội trường lớn nhất của Điện Kremlin để xem nhà lãnh đạo Nga ký văn bản sáp nhập bốn khu vực Ukraine.
Buổi lễ lên đến đỉnh điểm khi nhà lãnh đạo 69 tuổi hô vang “Nước Nga, nước Nga!” khi ông nắm chặt tay bốn quan chức do Nga hậu thuẫn điều hành các khu vực bị sáp nhập, mà Ukraine đang chiến đấu để giành lại.
Ông Putin nói rằng Nga và bốn khu vực sẽ cùng nhau đánh bại Ukraine.
“Những người sống ở Luhansk, Donetsk, vùng Kherson và vùng Zaporizhzhia sẽ trở thành đồng bào của chúng ta mãi mãi”, ông Putin nói.
“Chúng ta sẽ bảo vệ đất đai của mình bằng tất cả sức mạnh và tất cả các phương tiện của mình”, ông nói và kêu gọi “chế độ Kyiv ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch và quay trở lại bàn đàm phán”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Denys Shmyhal và Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk đưa ra yêu cầu nhanh chóng trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine)
TT Zelensky và phương Tây đã lên án các cuộc trưng cầu dân ý mà Moscow tổ chức ở 4 khu vực của Ukraine là trò giả mạo bất hợp pháp, trong khi vài chục người Ukraine được Reuters phỏng vấn trong tuần trước nói rằng chỉ những người mà họ mô tả là “cộng tác viên Nga” đã bỏ phiếu, với hầu hết dân chúng đều tẩy chay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án điều mà ông gọi là “nỗ lực gian lận” của Nga nhằm sáp nhập lãnh thổ Ukraine có chủ quyền. Theo ông Biden, đây là hành vi vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và cho biết các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây tổn hại cho những người ủng hộ chính trị hoặc kinh tế cho hành động thôn tính này.
Các lực lượng Nga bị bao vây
Tại khu vực Donetsk của Ukraine, lực lượng đồn trú của Nga tại thị trấn Lyman đang ở trong tình thế nghiêm trọng vào thứ Sáu, với các báo cáo từ cả hai phía cho biết họ gần như đã bị quân Ukraine bao vây.
Cuộc bao vây có thể mở ra cho các lực lượng Ukraine một con đường rộng mở để chiếm thêm lãnh thổ ở các tỉnh Luhansk và Donetsk.
Nhà lãnh đạo thân Nga ở Donetsk thừa nhận quân đội đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát Yampil và Dobryshev, những ngôi làng ở phía bắc và phía đông thành phố Lyman.
Quân đội Ukraine cho biết họ đang giữ kín thông tin chi tiết về tình hình trên chiến trường cho đến khi khu vực này được ổn định, nhưng một chiến dịch đang được tiến hành để bao vây các lực lượng Nga.
Đánh bom đoàn xe dân sự, 25 người chết
Sự tàn khốc của cuộc chiến ngày càng tăng thêm chỉ vài giờ trước bài phát biểu của ông Putin, khi tên lửa tấn công một đoàn xe ô tô dân sự chuẩn bị băng qua chiến tuyến từ lãnh thổ do Ukraine nắm giữ ở tỉnh Zaporozhzhia.
Reuters nhìn thấy hàng chục thi thể giữa những chiếc xe bị nổ tung. Ukraine cho biết 25 người đã thiệt mạng và 74 người bị thương.
“Kẻ thù đang hoành hành và tìm cách trả thù vì sự kiên định của chúng tôi và những thất bại của hắn”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên Telegram. “Đồ cặn bã khát máu! Ngươi nhất định sẽ phải trả lời. Cho từng người Ukraine mất mạng!”
Các quan chức Ukraine gọi đây là một nỗ lực có chủ ý của Nga nhằm cắt đứt các liên kết cuối cùng trên mặt trận.
Đại tá Sergey Ujryumov, người đứng đầu đơn vị xử lý chất nổ của cảnh sát Zaporizhzhia, cho biết bãi đỗ xe đã bị trúng 3 quả tên lửa S300.
Các quan chức thân Nga cho biết không có bằng chứng và Ukraine phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Nga luôn phủ nhận việc các lực lượng của họ nhắm vào dân thường, bất chấp vô số vụ việc đã được Liên hợp quốc và các cơ quan khác ghi nhận.
Lê Vy (theo Reuters)
Ukraine đệ đơn xin gia nhập NATO, từ chối các cuộc đàm phán với TT Putin
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thông báo về một nỗ lực bất ngờ để trở thành thành viên nhanh chóng của liên minh quân sự NATO, đồng thời từ chối các cuộc đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin. Diễn biến mới nhất này xảy ra ngay sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.
TT Zelensky đã ký vào đơn xin gia nhập NATO trong một video trực tuyến, một động thái nhằm phản bác mạnh mẽ Điện Kremlin sau khi ông Putin tổ chức buổi lễ ở Moscow để tuyên bố bốn khu vực bị chiếm đóng một phần chính thức trở thành đất của Nga.
“Chúng tôi đang thực hiện bước quyết định của mình bằng cách ký đơn xin gia nhập NATO cấp tốc”, TT Zelensky nói trong video trên ứng dụng Telegram, đứng cùng Thủ tướng và người đứng đầu Quốc hội.
Thông báo này có khả năng đẩy căng thẳng với Moscow lên mức cao mới. Trước khi Nga điều lực lượng vũ trang của mình vào Ukraine vào tháng 2, Moscow đã yêu cầu đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng Ukraine sẽ không bao giờ được kết nạp vào liên minh phòng thủ xuyên Đại Tây Dương do Mỹ dẫn đầu.
Kyiv và phương Tây nói rằng Moscow đã lấy cớ này làm cái cớ để khởi động một chiến dịch quân sự đã được lên kế hoạch trước chống lại Ukraine. Bằng cách đăng ký nhanh chóng để trở thành thành viên NATO, TT Zelensky dường như có ý định cho thấy nhà lãnh đạo Nga đang thất bại trong một trong những mục tiêu chiến tranh chính của ông – ngăn cản Ukraine gia nhập NATO.
Trong bài phát biểu qua video của mình, ông Zelensky cũng cáo buộc Nga viết lại lịch sử và vẽ lại biên giới bằng cách “sử dụng hành vi giết người, tống tiền, ngược đãi và dối trá”, điều mà ông nói rằng Kyiv sẽ không cho phép.
Tuy nhiên, ông nói rằng Kyiv vẫn cam kết thực hiện ý tưởng cùng tồn tại với Nga “trên các điều kiện bình đẳng, trung thực, nhân phẩm và công bằng”.
“Rõ ràng, với Tổng thống Nga này, điều đó là không thể. Ông ấy không biết phẩm giá và sự trung thực là gì. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng với một tổng thống khác của Nga”, ông Zelensky nói.
Ông Zelensky nói rằng trong khi Ukraine chờ đợi sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên NATO, đất nước họ có thể được bảo vệ theo dự thảo đảm bảo an ninh do Kyiv đề xuất và được gọi là Hiệp ước An ninh Kyiv.
Xuân Lan (theo Reuters)
Mỹ áp chế tài mới sau khi Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine
Mỹ hôm thứ Sáu (30/9) đã áp đặt các chế tài sâu rộng lên Nga sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập thêm 4 vùng lãnh thổ của Ukraine. Chế tài mới nhắm vào hàng trăm cá nhân và tổ chức, gồm cả những cá nhân và tổ chức trong ngành công nghiệp quốc phòng và các nhà lập pháp Nga.
Mỹ đã hành động ngay lập tức sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/9 tuyên bố sáp nhập thêm 4 vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng của Ukraine. Đây là vụ sáp nhập lãnh thổ lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến hai. Các khu vực mới bị sáp nhập vào Nga chiếm 15% lãnh thổ Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát đi tuyên bố cho hay: “Chúng tôi sẽ vận động cộng đồng quốc tế vừa lên án những động thái này và vừa buộc Nga phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự cần thiết để họ tự vệ, không nao núng trước nỗ lực trâng tráo của Nga nhằm vẽ lại biên giới của quốc gia láng giềng”.
Chế tài lần này chưa bao gồm cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Chế tài của Mỹ nhìn chung bao gồm phong tỏa mọi tài sản của các cá nhân và tổ chức bị liệt vào danh sách đen và cấm người Mỹ giao thương với những đối tượng này.
Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 57 tổ chức tại Nga và Crimea vào danh sách cấm xuất khẩu.
Bộ Tài chính cho biết họ đã áp đặt chế tài lên 14 cá nhân làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga, hai lãnh đạo của ngân hàng trung ương, các thành viên gia đình của các quan chức cấp cao và 278 thành viên của cơ quan lập pháp Nga vì “tạo điều kiện cho cuộc trưng cầu dân ý giả mạo và nỗ lực sáp nhập lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.
Trong số các cá nhân bị chế tài lần này có Phó Thủ tướng Alexander Novak; 109 thành viên Duma quốc gia Nga; Hội đồng Liên bang của Quốc hội Nga và 106 thành viên của Hội đồng này; và thống đống Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina.
Bộ Tài chính Mỹ cũng liệt vào danh sách đen các thành viên gia đình của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, như phu nhân và hai người con của Thủ tướng Mikhail Mishustin; phu nhân và con của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và phu nhân và con của lãnh đạo Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov.
Ngoài ra, danh sánh chế tài cũng bao gồm các thành viên gia đình của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev, của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matviyenko và của Thống đốc thành phố Saint Peterburg Alexander Beglov.
Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi tuyên bố riêng rẽ cho biết cơ quan này đã áp đặt hạn chế thị thực lên hơn 900 người, trong đó có các thành viên của quân đội Nga và Belarus và các đội quân ủy nhiệm của Nga đã đang “vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine”. Biện pháp này cấm những người có tên trong danh sách nhập cảnh vào Mỹ.
Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ cũng cảnh báo rằng bất kỳ cá nhân và tổ chức nào bên ngoài Nga mà cung cấp các hỗ trợ về chính trị, kinh tế hay vật chật cho Nga đều sẽ phải đối mặt với rủi ro bị chế tài nặng nề.
Canada hôm 30/9 cũng đã loan báo các biện pháp trừng phạt đối với hàng chục tài phiệt, trùm tài chính người Nga và các thành viên gia đình của họ, cộng thêm 35 quan chức cấp cao được Nga hậu thuẫn tại các khu vực ở Ukraine vừa tiến hành trưng cầu dân ý.
Anh Quốc cũng áp chế tài lên thống đốc ngân hàng trung ương Nga và thực thi các lệnh cấm xuất khẩu mới đối với hàng hóa và dịch vụ của Nga.
Hải Đăng (Theo Reuters)
‘Làm Thụy Điển vĩ đại trở lại’ – Điều giúp Đảng Dân chủ Thụy Điển thiên hữu giành chiến thắng
Cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 11/09 của Thụy Điển có thể đánh dấu một bước ngoặt nhỏ (nhưng quan trọng) đối với phương Tây: Thụy Điển – một quốc gia từ lâu đã nổi tiếng với khuynh hướng thiên tả – đang trở về đúng hướng.
Kết quả bầu cử cho thấy, Đảng Dân chủ Thụy Điển (Sweden Democrats), từng là một đảng nhỏ, đã nhận được 20,5% số phiếu bầu, chỉ đứng sau Đảng Dân chủ Xã hội (Social Democrats) theo cánh tả.
Hơn nữa, liên minh của Đảng Dân chủ Thụy Điển với các đảng khác thuộc cánh hữu đã đánh bại liên minh cánh tả vốn liên kết với chính phủ đương nhiệm. Liên minh cánh hữu sẽ có ảnh hưởng thực sự trong quốc hội mới.
Lãnh đạo của Đảng Dân chủ Thụy Điển, ông Jimmie Åkesson, đã nói trước cuộc bầu cử rằng cuộc đua sẽ mang lại cho các thành viên trong Đảng của ông cơ hội “làm Thụy Điển vĩ đại trở lại”.
Một lượng lớn số phiếu mà Đảng Dân chủ Thụy Điển giành được đến từ những người trẻ tuổi. Sự ủng hộ của các cử tri trong độ tuổi 18-21 đã tăng từ 12% vào năm 2018 lên 22% vào năm 2022 – tăng gần gấp đôi, theo Sveriges Radio.
Điều gì đã thuyết phục những người Thụy Điển trẻ tuổi, trong số những lứa tuổi khác, thử đặt niềm tin lên chủ nghĩa truyền thống (còn gọi là chủ nghĩa bảo thủ)?
Hệ thống phúc lợi hào phóng thu hút nhập cư ồ ạt
Ông Charlie Weimers, thành viên của Đảng Dân chủ Thụy Điển và cũng là thành viên của Nghị viện Châu Âu, cho biết: “Giới trẻ đang cảm thấy bị mất đi sự an toàn cá nhân; đây là động lực rất mạnh cho sự thay đổi này [sự thay đổi ở tỷ lệ phiếu ủng hộ]”.
Ông Weimers đã có buổi nói chuyện với The Epoch Times vào ngày 29/09. Tại đây, ông đề cập đến vấn nạn gia tăng tội phạm bạo lực trong những người di cư đến Thụy Điển; nhiều người trong số họ sống tại các khu vực được khuyên là không nên đi tới.
“Khi quý vị đọc tin tức về các băng nhóm đứng chờ bên ngoài trường học để phục kích học sinh sau giờ học, điều này tác động đến những người trẻ tuổi”, ông nói.
“Họ [giới trẻ] biết rằng điều này có liên quan trực tiếp đến lượng quá lớn những người di cư [đổ vào Thụy Điển] mặc dù [chính phủ] trong nhiều năm luôn phủ nhận”.
Các chính sách mang màu sắc dân chủ xã hội của Thụy Điển, được áp dụng cho bất kỳ ai đặt chân đến nước này, là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Dân chủ Xã hội tả khuynh.
Ông Weimers nói rằng tình trạng nhập cư “đã được thúc đẩy trên một phạm vi rộng lớn bởi hệ thống phúc lợi rất hào phóng [của Thụy Điển]”.
Trong khi nhà nước phúc lợi đang mải mê phân chia lợi ích, thì hệ thống tư pháp hình sự của quốc gia này lại rất chật vật để đối phó với tội phạm.
Ví dụ, giai đoạn 2010-2014, 13% công dân nước ngoài ở Thụy Điển đã bị kết tội hiếp dâm trẻ em và bị trục xuất về nước, theo số liệu thống kê của chính phủ. Một ví dụ khác, bài phân tích đăng trên UnHerd của nhà nghiên cứu Ayaan Hirsi Ali đã nêu chi tiết về tỷ lệ quá cao những người nhập cư trong số những kẻ hiếp dâm tại Thụy Điển.
Ngoài ra, ông Weimers cho biết giá năng lượng tăng cao và các chính sách xanh cực đoan cũng góp phần làm gia tăng sự ủng hộ của giới trẻ dành cho Đảng Dân chủ Thụy Điển. Mức độ nổi tiếng của nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg đang giảm dần trong thế hệ Z (sinh từ 1997 đến 2012).
Giống như các diễn biến tại Ý – nơi lãnh đạo của Đảng “Anh em Ý” (Brothers of Italy) dự kiến sẽ trở thành nữ thủ tướng cánh hữu đầu tiên của Ý kể từ Thế chiến II sau cuộc bầu cử hôm 25/09 vừa qua, các phương tiện truyền thông cánh tả tại Thụy Điển đang vội vã tìm kiếm bất kỳ mối liên hệ nào giữa Đảng Dân chủ Thụy Điển với các học thuyết cực đoan.
Vài ngày trước cuộc bầu cử, Thủ tướng Magdalena Andersson, một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội, đã nói rằng “Đảng Dân chủ Thụy Điển có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa tân Quốc xã và các tổ chức phân biệt chủng tộc khác ở Thụy Điển”.
Chống lại Nga
Đảng Dân chủ Thụy Điển nổi lên khi Thụy Điển rời bỏ truyền thống trung lập lâu đời (được duy trì qua Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh) để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Nga.
Thụy Điển dự kiến sẽ thành công trong nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ lãnh đạo.
Số phận các lá đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những tuần gần đây, ba quốc gia đã tổ chức các cuộc đàm phán để đạt được một thỏa thuận thỏa đáng với Ankara, trong đó tìm cách dẫn độ những kẻ khủng bố người Kurd từ các nước Bắc Âu về Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Weimers giải thích lý do vì sao Đảng Dân chủ Thụy Điển của ông ủng hộ đất nước trở thành thành viên NATO mặc dù một số người trong Đảng có ác cảm với những vướng mắc tiềm tàng về quân sự.
Ông nói: “Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã buộc một số bên phải cập nhật phân tích an ninh”.
Ông nhấn mạnh giá trị chiến lược của Biển Baltic – nằm ở phía đông bờ biển Thụy Điển. Cả NATO và Nga đều có thể xảy ra tranh chấp tại khu vực này, khiến việc giữ thái độ trung lập một cách tuyệt đối của Thụy Điển càng trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, mong muốn ngày càng tăng của Đảng Dân chủ Thụy Điển đối với chủ nghĩa đa phương có giới hạn của nó, kể cả khi nói đến Liên minh châu Âu (EU). Ông Weimers nói Đảng của ông muốn tập trung vào hợp tác về thương mại và các thế mạnh cốt lõi khác của EU.
“Giới tinh hoa trong EU đã đưa ra toàn kết luận sai lầm từ Brexit”. Ông cho rằng tầng lớp lãnh đạo của khối đã quá chú trọng vào các chính sách đẩy Vương quốc Anh ra xa.
Xuân Hoa
Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tập trận chống tàu ngầm sau các cuộc thử tên lửa của Triều Tiên
Ngày 30/09, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm ba bên đầu tiên sau 5 năm, chỉ một ngày sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo lần thứ ba trong tuần này.
Các cuộc tập trận được tổ chức tại vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông của Bán đảo Triều Tiên, với sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ, tàu khu trục lớp Asahi của Nhật Bản và tàu khu trục Munmu Đại đế của Hàn Quốc, cùng nhiều tàu khác.
Ba nước đặt mục tiêu tăng cường khả năng tương tác và khả năng hoạt động chiến thuật của hải quân để đối phó với bất kỳ thách thức an ninh nào trong khu vực, theo một tuyên bố của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.
Chỉ huy trưởng lực lượng tham gia của hải quân Hàn Quốc, ông Cho Choong Ho, cho biết các cuộc tập trận được thiết kế để nâng cao khả năng kết hợp nhằm chống lại “các mối đe dọa từ tàu ngầm của đối phương”. Hàn Quốc trước đó đã cảnh báo về một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc tập trận cường độ cao như thế này để có thể phản ứng một cách dứt khoát và áp đảo trước bất kỳ hình thức khiêu khích nào”, ông Cho nói.
Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn xuống biển vào hôm thứ 5 (29/09), vài giờ sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc. Bà Harris cũng đã đến thăm Khu phi quân sự ngăn cách hai nước.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa đầu tiên của Triều Tiên bay khoảng 300 km ở độ cao 50 km, tiếp theo là tên lửa thứ hai với cùng quỹ đạo. Cả hai tên lửa đều đáp xuống bờ biển phía đông của Triều Tiên.
Đây là đợt phóng tên lửa thứ ba của Triều Tiên trong tuần này, cho thấy nước này đang mở rộng kho vũ khí và gây áp lực buộc Washington chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân.
Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết các tên lửa được bắn cách nhau 9 phút từ một khu vực ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng và bay về phía vùng biển giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Trước đó, bà Harris đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại văn phòng của ông Yoon ở Seoul. Tại đây, Phó Tổng thống Mỹ tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc bằng tất cả sức mạnh quân sự trong trường hợp xảy ra chiến tranh, văn phòng của ông Yoon cho hay.
Hai bên cũng bày tỏ quan ngại về các mối đe dọa xung quanh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và cam kết phản ứng mạnh mẽ hơn đối với các hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên.
Bà Harris mô tả các vụ phóng tên lửa trong tuần này là hành động khiêu khích nhằm “gây bất ổn khu vực”, đồng thời cho biết Mỹ và Hàn Quốc vẫn cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” đối với Triều Tiên.
Xuân Hoa