Văn Sơn
Một nhóm thanh niên người Trung Quốc đang cùng nhau theo dõi màn hình video, với rất nhiều thức ăn đồ uống xung quanh và tiếng nhạc dưới cái nắng vàng thật đẹp. Chà! Quả là một ngày quá tuyệt cho một buổi dã ngoại. Đó là một phần của video hiện đang được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội tại Trung Quốc.
Với trang phục thường ngày của thanh niên Trung Quốc, quần jean, áo phông, quần đùi, dép xăng đan và họ vừa đang trò chuyện vui vẻ bằng tiếng Quan thoại vừa theo dõi màn hình cùng một bộ thiết bị điều khiển. Chẳng có ai có thể nghi ngờ rằng họ đang làm điều gì đó mờ ám cho đến khi một người trong số đó hét lên “Tôi phát hiện ra một chiếc xe tăng!”
Nhưng những nam thanh niên này không phải đang chơi games, mà họ đang điều khiển máy bay không người lái đến theo dõi một doanh trại quân sự trên một hòn đảo do Đài Loan kiểm soát.
Đoạn video dài 15 giây nằm trong số một video xuất hiện gần đây trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc và cho thấy đó là một loại máy bay không người lái dân dụng đang quấy rối quân đội Đài Loan. Quân đội của hòn đảo đã xác nhận vật thể bay này thực sự là máy bay không người lái dân sự từ Trung Quốc.
Các đoạn video cho thấy cảnh quay chi tiết, bằng camera của máy bay không người lái về các cơ sở quân sự và quân đội trên các đảo Kim Môn của Đài Loan. Video này có nhạc nền đa dạng từ nhạc phim của ballad đến dance, với rất nhiều biểu tượng cảm xúc. Và điều mà video này muốn nhấn mạnh đến là tình trạng quân đội yếu kém của Đài Loan.
Một video ghi lại khoảnh khắc bốn binh sĩ của Đài Loan nhận ra họ đang bị một máy bay không người lái theo dõi. Máy bay này bay lơ lửng phía trên chốt bảo vệ của họ. Rồi họ đáp trả bằng cách ném đá vào máy bay xâm nhập. Tuy nhiên điều đáng nói là video có thể phóng to đến mức người ta có thể nhận ra khuôn mặt rõ nét của từng người lính.
Đoạn video quay lại những cuộc chạm trán kiểu này đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và thu hút hàng trăm bình luận chế giễu quân đội Đài Loan. Các đoạn clip dường như cho thấy một vấn đề nghiêm trọng: khả năng máy bay không người lái của Trung Quốc có thể chụp ảnh các địa điểm quân sự của Đài Loan bất cứ lúc nào.
Chiến tranh ‘vùng xám’
Các nhà phân tích cho rằng đoạn phim được chiếu trên internet – cho cả thế giới biết đến, như một cách khiến Đài Loan xấu hổ và làm suy yếu tinh thần của quân đội nước này.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tháng Tám.
Chuyến đi đó đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc tức giận vì nước này vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù chưa bao giờ cai quản hòn đảo này. Thế là Trung Quốc đã đáp trả bằng cách phát động các cuộc tập trận quân sự chưa từng có xung quanh đảo Đài Loan, đưa máy bay chiến đấu qua eo biển Đài Loan và bắn tên lửa qua hòn đảo chính.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tuyên bố các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là một áp lực mới; một mặt trận mới trong chiến thuật chiến tranh “vùng xám” của Trung Quốc nhằm uy hiếp hòn đảo. Vào ngày 1 tháng 9, sau khi cảnh báo sẽ thực hiện quyền tự vệ, Đài Loan lần đầu tiên đã bắn hạ một máy bay không người lái.
Một thực tế rằng video có nhiều cảnh khiêu khích và cũng rất khó để chắc chắn chính xác ai đứng sau các cuộc tấn công này.
Bắc Kinh đã phủ nhận các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và khẳng định là chuyện đó “không có gì to tát.” Khi được hỏi về các máy bay không người lái cấp dân dụng bay ở khu vực Kim Môn, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã trả lời: “Máy bay không người lái của Trung Quốc bay qua lãnh thổ của Trung Quốc – có gì đáng ngạc nhiên?”
Có rất nhiều nghi vấn, Trung Quốc đã không xóa các video khỏi mạng internet bị kiểm duyệt của họ hoặc không ngăn chặn máy bay không người lái di chuyển qua các không phận được kiểm soát.
Bắc Kinh dường như cũng không quan tâm đến việc cố gắng trừng phạt những kẻ đứng sau đoạn phim; thế nhưng bay máy bay không người lái mà bay qua các địa điểm quân sự ở đại lục thì những người điều khiển có thể bị phạt tù.
Rõ ràng là một sự khiêu khích
Isabel Hilton, một nhà báo quốc tế và là người theo dõi các vấn đề ở Trung Quốc lâu năm, cho biết không thể biết ai đã đứng sau điều khiển máy bay không người lái – và đó chính xác là điều khiến chúng rõ ràng trở thành những “hành vi quấy rối”.
Những cỗ máy này có vẻ là đồ dân sự, nhưng “có thể được vận hành bởi bất kỳ ai, kể cả quân đội”, Hilton cho biết, và nói thêm rằng “các cơ quan chính phủ đội lốt phong trào dân quân” có thể đứng sau sự việc.
Hilton đã đưa ra một ví dụ điển hình tương tự với các sự kiện ở Biển Đông, nơi Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lực lượng dân quân hàng hải để thực thi các yêu sách lãnh thổ của mình bằng cách cho các tàu cá dân sự tràn vào các khu vực tranh chấp.
Các chuyên gia phương Tây cho biết lực lượng dân quân – đôi khi được mệnh danh là “Những người lính nhỏ màu xanh” của Trung Quốc – được biên chế và kiểm soát bởi Quân Giải phóng Nhân dân. Trung Quốc không thừa nhận sự hiện diện của họ và khi phải trả lời câu hỏi về vấn đề này thì họ gọi đó là “cái gọi là lực lượng dân quân hàng hải.”
Trong cả hai chiến trường, kết quả cực kỳ lý tưởng là Trung Quốc giành được lợi thế “mà không cần huy động quân đội”.
“Cho dù bạn đang sử dụng tàu đánh cá hay máy bay không người lái dân sự, có vẻ như đây vẫn là các chính sách phi chính thức. Nó không giống như hành động quấy rối quân sự trực tiếp, nhưng rõ ràng nó là một sự khiêu khích.”
Hilton cho biết các máy bay không người lái không chỉ phục vụ mục đích do thám – “chúng bay rất thấp trên các cơ sở quân sự hoặc chụp những bức ảnh rất rõ ràng về những binh lính Đài Loan, và có thể dùng để nhận dạng danh tính”. “Chúng còn có thể có tác động tâm lý đối với những người lính, vì họ đã có thể nhìn thấy khuôn mặt của chính mình bị đăng trên khắp các trang mạng xã hội ở Trung Quốc, nơi họ phải chịu sự xúc phạm và bị kêu giết chết”. Truyền thông Đài Loan đã loan tin rằng việc quấy rối tương tự như vậy có thể sẽ làm suy yếu tinh thần của binh lính trên đảo.
“Tất cả những điều này đều khiến người Đài Loan mất tinh thần, và những video này được dàn dựng nhằm không để Đài Loan được thư giãn; song nó cũng nhắc Đài Loan không được quên đi mối đe dọa luôn cận kề và thường trực” Hilton nói.
“(Video có thể) được làm ra để nhắc nhở Đài Loan rằng không thể thoát khỏi áp lực của Trung Quốc, và cuối cùng, Trung Quốc sẽ tiếp quản. Đó là mục đích.”
Đùa với máy bay không người lái
Nhưng không phải ai cũng nghi ngờ về bàn tay vô hình của quân đội Trung Quốc.
Paul Huang, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức Ý kiến Công cộng Đài Loan, một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, cho rằng máy bay không người lái được vận hành bởi những người dân thường “có thể vì tò mò, có thể vì chủ nghĩa dân tộc” muốn khiêu khích Đài Loan.
“Bay đến gần một chốt bảo vệ của quân đội Đài Loan và thu hút sự chú ý của họ… Đó thực sự không phải là cách mà bất kỳ quân đội nào sẽ triển khai hoặc sử dụng máy bay không người lái. Và thành thật mà nói, tôi không thấy có lý do chính đáng nào để (Quân đội Giải phóng Nhân dân) lại cố gắng làm điều gì đó như vậy, ” Huang nói.
Tuy nhiên, điều mà Huang và Hilton cùng có chung quan điểm là Bắc Kinh có thể ngăn chặn các cuộc tấn công của máy bay không người lái nếu muốn – nhưng điều đó lại không xảy ra, bởi vì ĐCSTQ thấy có lợi khi để chúng tiếp tục lan truyền trên mạng.
“Bắc Kinh (coi các cuộc xâm nhập) là một nỗ lực của chính người dân của họ để tạo sức ép với Đài Loan, khiêu khích Đài Loan, để giễu cợt về sự kém cỏi của Đài Loan. Họ coi đó như một chiến thắng về mặt tuyên truyền,” Huang nói.
Hilton của China Dialogue cho biết Bắc Kinh “chắc chắn đang chơi một trò chơi kép”.
“Như chúng ta biết, Bắc Kinh kiểm soát mạng internet trong nước của mình, họ kiểm soát không phận trong nước. Nếu những chuyện liên quan đến các thước phim này vẫn đang xảy ra, thì chính là vì ĐCSTQ muốn làm như vậy”.
Bình mới rượu cũ
Đài Loan đã phải đối mặt với nguy cơ bị xâm lược kể từ khi kết thúc cuộc Nội chiến Trung Quốc năm 1949, khi những người theo chủ nghĩa Quốc gia bại trận của Tưởng Giới Thạch chạy đến đảo để thành lập chính phủ mới, sau khi bị Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông đuổi họ ra khỏi đại lục.
Hơn 70 năm sau, Đảng Cộng sản tiếp tục coi Đài Loan như một cái gì đó giống như một tỉnh ly khai phải được “thống nhất” với đại lục bằng mọi giá – và Bắc Kinh đã nói rõ rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng để sử dụng vũ lực, nếu cần, để thực hiện mục tiêu đó.
Nếu Trung Quốc xâm lược, các đảo Kim Môn – hầu hết do Đài Loan kiểm soát kể từ khi chiến tranh kết thúc – sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên. Chỉ cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc đại lục vài dặm – nhưng lại cách thủ đô Đài Bắc của Đài Loan hàng trăm dặm – chúng rất dễ bị đánh chiếm.
Chính vì lý do này mà trong bảy thập kỷ qua, các bãi biển ở Kim Môn được trang bị vô số cọc sắt nhọn. Các cọc này được thiết kế nhằm khiến cho bất kỳ cuộc tấn công đổ bộ nào đều phải gặp tổn thất nhiều nhất.
Đối với Đài Loan, vấn đề là hình thức của sự xâm lược đó đang thay đổi.
Vị trí gần đất liền của quần đảo Kim Môn khiến chúng nằm trong phạm vi sử dụng máy bay không người lái thương mại, vốn rẻ và phong phú ở Trung Quốc, nơi có thị trường lớn thứ hai thế giới về máy móc với lượng khách hàng lớn trong dân số 1,4 tỷ người.
Và trong khi các cọc sắt có thể hữu ích trong cuộc xâm lược đổ bộ từ bãi biển, thì chúng sẽ trở nên vô dụng khi chống lại một người điều khiển máy bay không người lái đang quấy rối quân đội Đài Loan; và tất nhiên người này hoàn toàn vô sự khi đứng trong một công viên ở Hạ Môn.
Đáp trả
Tuy nhiên, Huang cho biết Bắc Kinh có thể sẽ hối hận vì đã không có những hành động cụ thể để kiềm chế được những kẻ này, cho dù họ là ai.
Ông cho biết Đài Loan có thể yêu cầu DJI, nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc có logo xuất hiện trong một vài video, hoạch định lại các đảo Kim Môn thành một khu vực hạn chế trong cơ sở dữ liệu – vì động thái này sẽ khiến những người điều khiển không thể lái máy bay đến đó.
Nếu DJI từ chối tuân thủ, Đài Loan có thể loại họ khỏi thị trường của mình – giáng một đòn mạnh hơn vào một công ty vốn đã bị đưa vào danh sách đen của Hoa Kỳ do có liên hệ với nhà nước Trung Quốc. Bên cạnh đó DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu thế giới, đã từ chối bình luận với CNN về bài báo này.
Và “chiến thắng tuyên truyền” của Bắc Kinh có thể đi kèm với những hậu quả không mong muốn.
Không lâu sau khi xảy ra loạt vụ tấn công bằng máy bay không người lái, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo rằng hòn đảo này sẽ triển khai một hệ thống chống máy bay không người lái mới tại các căn cứ quân sự vào đầu năm tới. Nước này cũng công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng tổng thể lên mức kỷ lục 19,4 tỷ USD, tăng 13,9% so với năm 2022.
“(Trung Quốc) vẫn chưa thực sự thấy có vấn đề, điều mà tôi nghĩ họ nên suy nghĩ kỹ hơn, bởi vì việc này có thể dẫn đến những leo thang mà họ không muốn. Nếu họ muốn kiểm soát, họ phải kiểm soát tốt những người vận hành máy bay không người lái dân dụng này trước” Huang nói.
Trong khi đó, Đài Loan dường như đã nhận ra rằng việc bỏ qua các máy bay không người lái này và những người phía sau không phải là một lựa chọn. Trong vòng vài ngày kể từ khi bắn hạ chiếc máy bay không người lái đầu tiên, họ đã tung ra một loạt hình ảnh cho giới truyền thông nhằm giới thiệu các loại vũ khí chống máy bay không người lái mới sáng bóng. Đài Loan dường như đang gửi một thông điệp tuyên truyền của riêng mình: lần tới khi máy bay không người lái đến, chúng tôi đã sẵn sàng.