Thanh Hải
Chiến tranh liên miên đi kèm với khủng hoảng năng lượng đang làm thay đổi cục diện châu Âu. Nước Đức hùng mạnh xưa kia nay đang trên bờ vực suy thoái về vấn đề năng lượng. Trong khi đó, Ý – quốc gia thường đối mặt với khủng hoảng kinh tế, đã nhân cơ hội này thiết lập một lợi thế cạnh tranh bằng cách tìm kiếm các nguồn cung mới về năng lượng.
Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2, Nga đã hứng chịu nhiều vòng trừng phạt nghiêm khắc từ các quốc gia châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, châu Âu cũng đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế do khủng hoảng năng lượng.
Ý bắt tay với các nước châu Phi để xua tan cơn khát năng lượng
Chỉ vài tuần sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ hồi tháng Hai, Giám đốc điều hành Claudio Descalzi của gã khổng lồ năng lượng Ý Eni (Ente nazionale ldrocarburi) đã bắt đầu các chuyến hành trình tìm kiếm nhà cung cấp khí đốt ở châu Phi.
Theo truyền thông Ý, các chuyến công du châu Phi của ông Claudio Descalzi thường có sự tháp tùng của các quan chức cấp cao của chính quyền La Mã, bao gồm các cuộc gặp với các quan chức chính phủ Algeria vào tháng 2 và các chuyến đi tới Angola, Ai Cập và Cộng hòa Congo vào tháng 3.
Công ty Eni và chính phủ Ý đã tận dụng các mối quan hệ thương mại năng lượng hiện có với các quốc gia châu Phi để đảm bảo nguồn cung khí đốt bổ sung, tiến tới thay thế cho nhập khẩu từ Nga – quốc gia từng là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Ý.
Ông Martijn Murphy, chuyên gia dầu khí tại công ty tư vấn thị trường Wood Mackenzie, tin rằng mối quan hệ chặt chẽ lâu đời của Eni với các nước Bắc Phi như Algeria, Tunisia, Libya và Ai Cập sẽ giúp công ty đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng.
Chính phủ Ý đã áp dụng một chiến lược linh hoạt để đảm bảo về mặt an ninh năng lượng. Xung đột Nga-Ukraine đã khiến cho nhiều quốc gia châu Âu không thể hiện thực hóa chiến lược năng lượng chuyển đổi này.
Đức chật vật với lạm phát khi mùa đông đang cận kề
Cường quốc kinh tế Đức đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát lên đến 10% trong tháng 9 do giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt. Trong đó, giá năng lượng tăng 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra đã khiến Đức hoàn toàn bất ngờ, do đó chính phủ nước này đang chuẩn bị phân phối khí đốt tự nhiên và điện trong bối cảnh nền kinh tế Đức đang trên đà suy thoái.
Hầu hết các quốc gia như Đức, Hungary và Áo đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cung cấp năng lượng cho mùa đông tới, trong khi các quốc gia như Pháp, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Ý lại ít phải hứng chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga-Ukraine.
Bộ Kinh tế Đức cho biết, nước này muốn loại bỏ việc nhập khẩu khí đốt của Nga càng sớm càng tốt và tiến tới đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Do đó vào hôm 5/3, Đức đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà ga nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở thị trấn cảng Brunsbuettel.
Tuy Bộ Kinh tế Đức không tiết lộ mức đầu tư để xây dựng ga nhập khẩu LNG là bao nhiêu, nhưng giới quan sát ước tính, Đức cần phải có 450 triệu euro (492 triệu USD) để xây dựng và lắp đặt một nhà ga LNG ở Brunsbuettel.
Bộ Kinh tế Đức cho biết nhà ga này sẽ có công suất là 8 tỷ m3 mỗi năm và sẽ được tiến hành xây dựng nhanh nhất có thể.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho hay mặc dù mục tiêu của Đức là tạo ra năng lượng theo cách trung hòa carbon, song khí đốt vẫn cần thiết như một nhiên liệu để quản lý quá trình chuyển đổi.
Trước chiến sự ở Ukraine, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới với sản lượng khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 12% nguồn cung toàn cầu. Đáng nói hơn, khoảng 50% xuất khẩu dầu của Nga là sang các nước châu Âu. Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nhiên liệu của Nga với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% lượng dầu.
Nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream đe dọa an ninh năng lượng Châu Âu
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên chạy dọc theo đáy biển Baltic đến Đức là Nord Stream và Nord Stream 2 đã phát nổ, theo thông báo của công ty con của Gazprom là Nord Stream AG hôm 27/9.
Các hình ảnh do quân đội Đan Mạch chụp cho thấy những đám bọt khí có đường kính 200-1.000 m nổi lên mặt nước, trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này và Thụy Điển. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ nổ và thủ phạm phá hủy đường ống.
Nhà địa chấn học Thụy Điển Bjorn Lund khẳng định hoạt động địa chấn được phát hiện tại địa điểm xảy ra những vụ rò rỉ khí đốt nói trên ở Biển Baltic là do các vụ nổ diễn ra ở dưới nước, chứ không phải do động đất hay lở đất.
“Độ lớn của các vụ nổ được đo lần lượt là 2,3 và 2,1 độ Richter, có thể tương đương với vài trăm kg thuốc nổ”, hai quốc gia ra tuyên bố chung tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 30/9, tờ AFP đưa tin.
Đường ống Nord Stream 1 và 2 là điểm nóng của căng thẳng địa chính trị khi là tuyến vận chuyển khí đốt chính từ Nga đến các nước châu Âu. Châu Âu cáo buộc Nga cắt giảm lưu lượng vận chuyển để đáp trả lệnh trừng phạt từ EU, trong khi Moscow nhiều lần khẳng định họ vẫn tuân thủ hợp đồng.
Các biện pháp trừng phạt làm cho tất cả các sửa chữa cần thiết không thể thực hiện được trừ khi các bên đi đến một quyết định rõ ràng. Châu Âu có thể sẽ trải qua một mùa đông với việc tiết kiệm và giảm tiêu thụ khí đốt trong khi mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Nếu không có đường ống của Gazprom, mùa đông ở châu Âu sẽ không bao giờ dễ dàng và ấm áp.
Thanh Hải