Thanh Hải
Vụ nổ đường ống Nord Stream 1 và 2 rất phức tạp và khó hiểu, đổ thêm bóng đen vào tình hình hỗn loạn ở châu Âu do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra. Rốt cuộc ‘ai là thủ phạm phá hoại đường ống’ có lẽ vẫn luôn là một ẩn số.
Cho đến nay, 4 vụ nổ đã được phát hiện gần Đan Mạch và Thụy Điển, ước tính khoảng 250.000 tấn khí metan bị rò rỉ, tương đương với tác động của 1,3 triệu xe ô tô chạy trên đường trong một năm. Đây cũng là lượng khí nhà kính được giải phóng lớn nhất từng ghi nhận.
Nga tuyên bố có bằng chứng về vụ nổ đường ống dẫn khí Nord Stream
Hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) từ Nga sang châu Âu đã bị tấn công và phát nổ vào ngày 26/9. Một lượng khí metan khổng lồ được phát thải mỗi ngày từ các vùng biển địa phương với vô số cá chết trôi dạt trên biển, hàng chục triệu hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu, đặc biệt Đức, sẽ phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken tuyên bố khi vụ nổ Nord Stream vừa được phát hiện: “Tôi thực sự không có gì để nói về những cáo buộc vô lý của ông Putin”.
Ông Blinken nói thêm rằng thủ phạm đã kích nổ đường ống Nord Stream vẫn còn là một ẩn số. Ông Blinken cho biết: “Washington sẽ tìm hiểu điều gì đã xảy ra. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin ngay sau khi phát hiện ra thủ phạm, nhưng tôi không muốn làm điều đó trước khi có kết quả điều tra cùng với Đan Mạch và Thụy Điển”.
Tổng thống Nga tuyên bố hôm 30/9 tại buổi lễ sáp nhập 4 tỉnh Ukraine, “Người Anglo-Saxon thấy lệnh trừng phạt còn là ít. Họ đã chuyển sang phá hoại, dù khó tin nhưng đó là sự thật. Khi tổ chức những vụ nổ trên các nhánh của đường ống quốc tế dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” chạy dọc theo đáy biển Baltic, họ đã thực sự bắt tay vào việc hủy diệt cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu”.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga (SRV) Sergey Naryshkin cho rằng, vụ nổ đường ống Nord Stream là một vụ tấn công khủng bố quốc tế và Nga có bằng chứng cho thấy phương Tây đứng sau vụ này, mặc dù họ cố gắng che đậy kẻ chủ mưu và thủ phạm thực sự.
Ông nói thêm: “Chúng tôi có một số tư liệu cho thấy phương Tây đã để lại một vài dấu vết khi tổ chức và thực hiện vụ tấn công khủng bố này”.
Tàu tấn công đổ bộ của Mỹ được gửi đến Biển Baltic vào đầu tháng 9
Theo báo cáo của hãng truyền thông Mỹ ABC News, tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge (LHD 3) lớp Wasp-class đã tiến vào vùng Biển Baltic hồi đầu tháng 9 để tham gia các cuộc tập trận quân sự quốc tế, sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng do chiến tranh đã đẩy giá cả năng lượng châu Âu tăng vọt, giá khí đốt tự nhiên tăng gấp 5 lần, giá điện tăng gấp 10 lần, chi phí sinh hoạt cố định của người dân như tiền điện dùng cho sưởi ấm cũng tăng chóng mặt.
Được biết, một vài ngày trước tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đại diện của Mỹ nói rằng, chính quyền ông Biden rất thất vọng trước sự chậm trễ của Liên minh Châu Âu (EU) trong việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Hoa Kỳ khuyến nghị các đối tác châu Âu tăng tốc nhanh chóng “cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên”, và thay vì các khoản vay, cần tăng các khoản viện trợ không hoàn lại.
Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến Nga-Ukraine đã thỏa mãn lợi ích đến từ việc kinh doanh vũ khí và năng lượng của Mỹ; làm suy yếu nghiêm trọng quyền tự chủ chiến lược vốn đã cực kỳ hạn chế của châu Âu; làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc về kinh tế và an ninh của châu Âu vào Mỹ, cuối cùng nhằm củng cố quyền bá chủ của Mỹ.
Do đó, dù ai là chủ mưu sau vụ nổ hai đường ống này thì Nga và Đức đều là nạn nhân lớn nhất. Đức bị Nga cắt nguồn cung cấp năng lượng và phải tăng cường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Nga tương đương với việc đánh mất con át chủ bài duy nhất được dùng để kiềm chế châu Âu, cũng như cắt đứt huyết mạch kinh tế của nước này.
Khai trương đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Ba Lan, quy mô tương đương Gazprom
Điều đáng chú ý là trong khi các phương tiện truyền thông chính thống ở châu Âu và Mỹ gần đây “chĩa mũi dùi” về phía Nga, họ không đưa bất kỳ một tin tức nào về việc khai trương đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Ba Lan hôm (27/9).
Ngày 27/9, chính phủ Ba Lan đã tổ chức lễ khởi công Dự án Đường ống dẫn khí đốt Baltic Pipe ở Goleneuf, Tây Pomerania, kết nối các mỏ khí đốt của Na Uy với Ba Lan thông qua Đan Mạch. Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên này nằm trong dự án vận chuyển khí đốt tự nhiên từ thềm lục địa Na Uy trên Biển Bắc đến Ba Lan, có tổng chiều dài khoảng 900 km, được đưa vào sử dụng từ ngày 1/10.
Theo Tập đoàn Khí đốt Ba Lan PGNiG, Baltic Pipe có công suất tối đa 10 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, đường ống này sẽ vận chuyển khoảng 6,5 tỷ m3 khí đốt vào năm 2023 và 7,7 tỷ m3 vào năm 2024. Trước đó, nhà điều hành hệ thống Đan Mạch Energinet cho hay, Baltic Pipe có thể được vận hành hết công suất sớm một tháng nhờ tiến độ tốt ở Đan Mạch, dự kiến là vào cuối tháng 11 tới, thay vì vào đầu năm 2023.
Chính phủ Ba Lan coi đây là một dự án chiến lược lớn nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Theo báo cáo, Tổng thống Ba Lan Duda, Thủ tướng Ba Lan Morawiecki, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy Terje Aasland và nhiều đại diện khác đã tham dự buổi lễ.
Ủy viên Châu Âu về Năng lượng Kadri Simson cho biết, Baltic Pipe là một dự án quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực và là kết quả của chính sách đa dạng hóa nguồn khí đốt của EU. Đường ống sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Vụ nổ đường ống Nord Stream gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng
Tổng cộng 4 vụ nổ đã được phát hiện trong đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream do Nga xây dựng gần Đan Mạch và Thụy Điển. Ước tính có tới 250.000 tấn khí metan thoát ra ngoài gây hiệu ứng nhà kính và những tác động đáng lo ngại tới sinh vật biển tại khu vực Biển Baltic, cũng như ảnh hưởng đáng kể đến khí hậu.
Các quan chức Đan Mạch cho biết tại một cuộc họp của NATO vào tối 28/9 rằng, đường ống đã bị hư hại do hai vụ nổ hôm 26/9, mỗi vụ tương đương với khoảng 500 kg thuốc nổ TNT.
Cơ quan Năng lượng Đan Mạch trước đó xác nhận rằng, vụ rò rỉ đầu tiên được phát hiện trong đường ống Nord Stream 2 ở vùng biển gần Đan Mạch hôm 26/9, vụ rò rỉ thứ hai được phát hiện trong đường ống Nord Stream 1, nằm ở vùng biển gần Đan Mạch và Thụy Điển. Các vụ rò rỉ này nằm ở vùng biển quốc tế. Vào ngày 29/9, Thụy Điển đã phát hiện ra vụ rò rỉ thứ tư trong đường ống.
Truyền hình Thụy Điển đưa tin, các vụ nổ mạnh dưới nước đã được ghi nhận tại các trạm đo ở Thụy Điển và Đan Mạch trong khu vực rò rỉ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream. Vụ nổ đầu tiên được ghi nhận bởi các nhà địa chấn học vào ngày 26/9 ở phía đông nam của Bornholm, Đan Mạch, và vụ nổ thứ hai, mạnh hơn xảy ra ở phía đông bắc Bornholm vào cùng đêm, tương đương với một trận động đất 2,3 độ Richter. Sự rung chuyển được ghi nhận tại các trạm địa chấn ở Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan.
Tờ Reuters đưa tin, các nhà nghiên cứu liên kết với Đài quan sát phát thải khí metan quốc tế của UNEP (IMEO) đã nhận thấy một lượng lớn khí metan đậm đặc bị rò rỉ thông qua phân tích hình ảnh vệ tinh.
Ông Manfredi Caltagirone, người đứng đầu IMEO của UNEP khẳng định sự cố tại đường ống Nord Stream có thể sẽ dẫn tới hệ quả vô cùng tồi tệ về mặt khí hậu. Nguyên nhân là do cũng giống như carbon dioxide, metan là một loại khí nhà kính nhưng mạnh hơn nhiều.
Do đó, dưới góc độ khoa học, ông Caltagirone nhận định rằng, thiệt hại đối với đường ống dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng đối với khí hậu. Ông cho biết đây là cách lãng phí nhất để tạo ra phát thải trong bối cảnh khủng hoàng khí hậu ngày một căng thẳng.
Thanh Hải
Theo Visiontimes