Nguyễn thị Cỏ May
Trên tuần báo Le Point, mục “Paris đây, Paris đó” của tuần này giới thiệu một ngôi chùa Thái Lan ở thành phố Moissy-Cramayel của tỉnh Seine-et-Marne (77) thuộc ngoại ô Paris về phía Đông, tức còn nằm trong “Ile de France” (“Pháp đảo”, gồm các tỉnh 75, 92, 93, 94,77, 78 và 95). Ngôi chùa này từ khá lâu, nay được báo Le Point nói tới, thật ra không phải nhằm giới thiệu ngôi chùa mà nhằm giới thiệu hàng ăn vào ngày cuối tuần và các ngày lễ.
Nhà báo để ý nét khá đặc biệc này cũng phải vì món ăn giá đồng hạng 6€ và có chừng mươi món cả chay lẫn mặn. Thái Lan theo Tiểu thừa nên tu sĩ ăn mặn và chỉ ăn có bửa trưa mà thôi. Nét đáng chú ý thứ hai là thực khách đủ các thành phần xã hội, tuổi tác và sắc tộc. Mỗi hôm hàng ăn mở cửa phải có tới cả ngàn người tham dự. Tiền thu được xung vào quỉ tu bổ và tân trang cơ sở. Không biết vì mục đích của hàng ăn hay vì giá cả mà có đông người tới như vậy? Hay vì cảnh chùa ở
ngoại ô yên tỉnh mà thu hút đông đảo khách thập phương?
Chúng tôi tới lối khoảng 1 giờ trưa, nhìn chung quanh thấy có ít lắm cũng phải trên 700 người đang ngồi vào bàn hoăc đang xếp hàng mua phiếu, xếp hàng mua thức ăn. Mua phiếu, mua thức ăn, khách hàng đều phải xếp hàng, và hàng khá dài. Mua ngay không làm sao được. Có thức ăn rồi thì tự mình tìm bàn trống ngồi vào ăn. Thức ăn đựng trong hộp bằng giấy cạt-tông khéo léo xếp nên trông như chiếc thuyền con rất đẹp và sạch sẽ, làm cho người đang đói bụng càng thêm đói.
Ăn chùa
Đọc qua bài giới thiệu của ký giả Nathalie Lamoureux trên Le Point nghĩ khó có ai kìm giữ lòng cứng rắn mà không cảm thấy háo hức tìm đến ngay để vừa ngắm cảnh chùa vừa thưởng thức bữa cơm ngon và rẻ!
Qua ngay hôm sau, chúng tôi dẫn nhau tới chùa cho biết thực tế như thế nào. Hóa ra chùa này cách xa chỗ chúng tôi ở chừng hơn mươi cây số.
Thế là hôm nay chúng tôi đi ăn chùa! Đúng vậy. Chúng tôi đi “ăn chùa” đúng nghĩa đen của từ ngữ.Nghĩa đen dĩ nhiên ai cũng hiểu là ăn cơm ở chùa. Riêng nghĩa bóng, có thể giới trẻ có người không hiểu.
Vậy“Ăn chùa”, theo nghĩa bóng, được nhiều người hiểu và dùng khi nói chuyện thông thường là “ăn miễn phí, ăn không phải trả tiền”. Có người đi xa hơn, cho rằng ý nghĩa “ăn chùa” bắt nguồn từ một điển tích đời nhà Đường ở bên Tàu.
Ngày xưa, có một anh học trò nghèo hay chữ tên Vương Bá hằng ngày, canh chừng hễ tới bữa ăn, liền tới chùa Mộc Lan ăn cơm. Theo lệ chùa, cứ tới bữa ăn, thầy chùa trông coi phòng ăn đánh chuông làm hiệu, để mọi người trong chùa biết là tới giờ ăn mà tụ tập lại ăn cơm. Vương Bá nghe chuông thì mon men tới chùa cùng sáp vào ăn chung với mọi người. Không ké né gì hết. Vì là của chùa mà.
Một hôm thấy anh chàng này “ăn chùa” mỗi ngày mà lại ăn mạnh quá, nhiều thầy chùa không thích, cho rằng hao tốn của chùa. Họ bàn nhau tìm cách đối phó một cách khéo léo. Hôm sau, ở chùa ăn xong, thầy chùa mới đánh chuông. Nghe tiếng chuông, Vương vội tới chùa thì bữa ăn đã xong.
Vương Bá cảm thấy xấu hổ lắm, bèn tới vách chùa, viết lên 2 câu thơ:
“Thướng đường dĩ liễu các tây đông
Tàm quý đồ lê phạn hậu chung”
Tạm dịch:
“Lên chùa thăm khắp cả tây đông
Cơm sư nghĩ lại thẹn tiếng chuông”.
Về sau, Vương Bá thi đậu cao, ra làm quan. Được tin, nhà chùa vội che hai câu thơ lại, gìn giữ bút tích của anh học trò xưa như bảo vật riêng của chùa. Một hôm chợt nhớ lại thủơ hàn vi, làm anh học trò nghèo, hằng ngày tới ăn chực cơm chùa, Vương Bá đến thăm lại cảnh cũ người xưa. Thấy cách làm của chùa khéo léo và ngụ ý đẹp, gìn giữ 2 câu thơ ngày xưa của mình làm trong lúc tức cảnh mà ghi vội lên vách chùa, Vương cảm khái mà viết thêm hai câu nữa, thành một bài tứ tuyệt:
“Tam thập niên lai trần phác diện
Như kim thủy đắc bích sa lung”.
Tạm dịch:
“Ba mươi năm chẵn nhem nhuốc mặt
Đến nay mới được gấm the lồng”. (Th sphạm Tuấn Vũ, báo Bình Định)
Anh học trò nghèo thủơ xưa nay vinh hiển. Cách ứng xử của nhà chùa rất đẹp và nhờ đó hai câu thơ trước kia nay trở thành bài thơ bốn câu có giá trị lịch sử độc đáo, ghi lại mối quan hệ giữa vị quan lớn ngày nay và nhà chùa. Người đời sau nhớ chuyện củ bèn đặt tên cho bài thơ là “Đề Mộc Lan viện”.
Theo Thạc sĩ Phạm Tuấn Vũ (Báo Bình Định) thì “ăn chùa” không liên hệ xa gần gì với điển tích là giai thoại Vương Bá hằng ngày tới chùa Mộc Lan ăn chực vì chuyện này hoàn toàn không phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Vẫn theo ông thì cách dùng thành ngữ “ăn chùa” phải được bắt nguồn từ một hiện thực khá phổ biến của xã hội nước ta. Đó là vào các ngày lễ lớn như ngày rằm, ngày mùng một, người Việt Nam thường đi tới chùa lễ Phật xong, ăn cơm chùa được phước. Đây là dịp các chùa thết đãi cơm chay cho bá tánh tới cúng chùa. “Ăn cơm chùa” trong dịp này không trả tiền. Việc đi ăn cơm chùa có từ lâu đời trên khắp đất nước ta, là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam.
Cũng xin nói thêm rằng, thành ngữ Việt có câu “đất vua, chùa làng”, có nghĩa chùa chiền là tổ chức độc lập thuộc về cộng đồng xã thôn.
Tuy nhiên, trong những người đi ăn cơm chùa, không phải ai cũng là Phật tử và ăn chay. Với những người này, ăn cơm chùa chỉ cốt yếu đó là một dịp đỡ tốn tiền cơm. Nhiều người không những ăn tại chỗ mà thôi, mà còn mang về một vài phần ăn nữa.
Có thể từ đó “ăn chùa” có nghĩa là “ăn không tốn tiền”. Rồi có thêm “đồ chùa”, “của chùa” cũng hàm nghĩa như “ăn chùa”.
Xin mách riêng “ăn chùa” không ở đâu bằng ở Thánh Thất Cao Đài ở Tây Ninh và ở vùng Hòa Hảo ở Long Xuyên. Nơi đây mọi người bất chợt ghé qua, lúc nào cũng có sẳn cơm chay, canh sốt, tự do ăn no bụng mà hoàn toàn “ăn chùa”. Tức ăn xong, đứng đậy xách đít đi, không phải bận tâm gì cả. Nếu tử tế, nghĩ lại mình vừa được bữa cơm ngon và no lòng, đem dẹp chén đũa hoặc rửa giúp chén đũa của chình mình vừa xử dụng. Thì đẹp hơn!
Sanh hoạt này có từ giữa thế kỷ qua.
Nhớ lại lúc Tây bắt lính, một số khá đông các ông Hà Nội tới tuổi bị bắt lính, vội chạy vào Sài Gòn, vọt lên Tây Ninh, xin đi lính Cao Đài. Tùy theo tuổi tác và học lực, Tòa Thánh Tây Ninh móc cho lon sĩ quan để yên thân mà ở lại, có sẵn cơm ăn ngày ba bữa. Đây không phải “ăn chùa” mà “ăn cơm Cao Đài”, rồi len xuống Sài Gòn hoạt động chánh trị đảng phái hoặc báo chí chờ ngày đẹp trời vào chánh quyền. Cỏ May tôi nhắc chuyện này với quen biết thực tế những nhơn vật có thành tích ăn cơm Thánh thất Tây ninh và đã làm nên sự nghiệp.
Cơm Hòa Hảo thì đạm bạc hơn vì vốn là cơm của nông dân Miền Tây. Cứ tới những ngày lễ lớn như ngày lập đạo, ngày Đức Thầy thọ nạn, cả ngày rằm mùng một, Hòa Hảo tổ chức lễ và dĩ nhiên có cơm chay cho bà con đồng đạo ăn no bụng trước khi chèo ghe về nhà. Những dịp như vậy, Ban ẩm thực đã xử dụng tới hằng tấn gạo.
Ngày thường, như ngày nay, ở Long xuyên có “bánh bèo không đồng” để giúp bà con lở bước no bụng mà đi tiếp. Nghe nói bành xèo này là loại “không người lái”, tức không tôm thịt, chỉ có lai rai vài cọng giá, chút đậu xanh, vài lát tàu hũ. Thế mà vẫn ngon tuyệt. Nhờ bột ngon và đổ khéo, bành dòn tang, nóng hổi, chấm nước tương ớt đỏ ao, cặp với nhiều loại rau dại hái trên núi Thất Sơn mà ăn quên thôi.
Đặc tánh của 2 tông giáo dân tộc gốc Nam kỳ có khác!
“Ăn chùa” ở chùa Thái “Wat Thammapathip” (Chùa Ánh Sáng)
Báo Pháp giời thiệu “Lâu đài-chùa-ăn ngon” vì đây là một lâu đài tọa lạc trong một khu đất rộng hằng mươi mẩu chung quanh tường cao bao bọc, với cây cối lớn tàn rủ bóng mát rượi. Đúng là ngôi chùa biến làm nhà hàng ăn với mươi
gian hàng vào ngày cuối tuần và ngày lễ trong năm. Thực đơn cũng chỉ có mươi món. Khách mua phiếu trả tiền mặt và tới quầy bán thức ăn mua và trả bằng phiếu. Không trả tiền trực tiếp cho người bán. Những người làm việc ở đây đều làm công quả cho chùa.
Trong vườn cây xanh cao vời vợi bao quanh chùa và bên lối đi, có nhiều tượng Phật theo mẫu Phật Tiểu Thừa, sơn phết màu vàng rực, bên trong bụng ông Phật đựng tro cốt của người quá vãng. Bên chơn Phật có đặt bài vị thờ người có hộp tro cốt cất giữ trong bụng Phật. Tượng Phật có nhiều kích thước khác nhau theo yêu cầu của Phật tử.
Khách thập phương tới đây, ai cũng ngạc nhiên và bị mê hoặc trước phong cảnh chùa yên tịnh, mát mẻ, không khí thanh thoát tuy cách thành phố không xa lắm. Tới đây còn là dịp gặp nhau bất ngờ vì cùng đi chùa mà không kịp ới nhau trước. Từ 2 giờ chiều, chùa có nhiều sanh hoạt Phật sự và văn hóa như những lớp võ thuật, dưỡng sinh, thiền tập. Hay đọc sách ở thư viện. Có điều gì thắc mắc, có thầy chùa sẵn sàng giải đáp hoặc chỉ dẫn thêm. Trẻ con có dịp chạy nhảy thỏa thích trên sân cỏ, ngoài nắng hoặc dưới bóng cây mát rượi.
Đây là lâu đài Lugny tuy lớn nhưng thuộc loại khiêm tốn của thế kỷ XIX, thứ lâu đài của nhà tư sản xưa. Có lẽ của một địa chủ vì ở đây là vùng nông nghiệp xưa. Lâu đài Lugny được Hội Phật giáo Pháp mua lại năm 2000 và biến làm ngôi chùa nhưng vẫn còn giữ nguyên kiến trúc củ. Trên lối đi bộ có treo nhiều bảng ghi những lời dạy quí báu như “Đừng giết tương lai bằng hiện tại”, …
Con nhỏ cháu, đang học năm cuối của trường EDHEC (Cao đẳng thương mại) chọn món gỏi Thái cũng đựng trong chiếc thuyền như vậy. Thấy thật hấp dẫn vì quá bắt mắt. Nó vội gắp một miếng lớn đưa vào miệng. Chưa kịp nuốt, nước mắt, nước mũi ràng rụa. Vội ngưng, lấy nước uống. Đưa món gỏi cho chú của nó ăn mà chắc nó tưởng như món sà-lách của Pháp quên thuộc. Cay quá mà ớt đâu không thấy. Nó không biết Thái ăn cay hơn Việt nam. Nó vội chạy đi xếp hàng chờ mua món khác.
Món cơm chiên tôm hoặc mì xào tôm, cả hai đều chỉ có đúng “vợ chồng” nàng tôm mà thôi. Tuyệt đối không có thêm con cái gì hết. Vì giá món ăn khiêm tốn mà hạn chế vật liệu hay vì ăn ở chùa, mặc dầu chùa Thái không ăn chay, nhưng nhà chùa cũng phải giới hạn tối đa sát sanh đúng theo giới luật?
Nhưng phải nói món nào cũng ngon và một món cũng vừa đủ no bụng cho người có sức ăn bình thường.
Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi khám phá cảnh chùa tuyệt đẹp, với nhiều sanh hoạt tu tập và văn hóa phổ thông, với hàng ăn giá 6€ / món, tùy chọn lựa, mở cửa suốt từ 11 giờ sáng cho tới 10 giờ tối. Đã tới rồi, không riêng gì chúng tôi, mà chắc ai cũng tự hứa ít nhứt sẽ thêm một lần nữa trở lại.
Không biết sanh hoạt này có tiếp tục cả vào múa đông hay không? Vì đem vào bên trong chùa thì không đủ chổ cho khối khách thập phương lên cả ngàn người như vậy.
Tôi nghĩ chắc đây là trường hợp duy nhứt của vùng Paris tuy chung quanh Paris, tức trong Ile de France, vốn có nhiều chùa của nhiều hệ phái khác nhau.
Địa chỉ:
Chùa Wat Thammapathip ở lâu đài Lugny, 243 đường Maronniers, 77 Mouissy Crămyel. Mở cửa cuối tuần và
ngày lễ, từ 11 giờ sáng tới 10 giờ tối.
Xin mời.
Nguyễn thị Cỏ May