Quảng Bình: Hiệu trưởng cầm cố sổ đỏ của trường để vay nặng lãi bị đề nghị kỷ luật
Ông Mai Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa, trước đó đã cầm cố sổ đỏ của trường, để vay mượn số tiền gần 1 tỷ đồng, dùng chi tiêu cá nhân.
Ngày 3/10, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tuyên Hóa, Quảng Bình đã thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Mai Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa.
Theo kết luận, ông Huyền đã vi phạm trong việc vay, mượn tiền của các tổ chức, cá nhân, thuê xe ô tô của người khác, sử dụng khuôn dấu của trường không đúng quy định, sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa, quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng của bản thân để cầm cố, vay mượn tiền dẫn đến không có khả năng thanh toán với số tiền 960 triệu đồng.
UBKT nhận định là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa, ông Huyền đã thiếu rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên.
“Những khuyết điểm, vi phạm của ông Mai Thanh Huyền là nghiêm trọng, gây dư luận xấu, cần phải kiểm điểm nghiêm túc”, UBKT kết luận.
Theo đó, UBKT Huyện ủy Tuyên Hóa đã đề nghị kỷ luật ông Huyền.
Trước đó, khoảng cuối tháng 4/2022, tại Quảng Bình xôn xao thông tin ông Mai Thanh Huyền mang sổ đỏ của nhà trường đi cầm cố để lấy tiền chi tiêu cá nhân.
Sau đó, ông Huyền đã thừa nhận việc trên, và cho biết ông cầm cố sổ đỏ từ đầu tháng 1/2022 đến đầu tháng 4/2022.
Ông đã cùng người thân vào Đồng Hới trả tổng cộng 500 triệu đồng mới lấy được sổ đỏ về.
Được biết, sổ đỏ ông Huyền cầm cố có diện tích 4.780m2, thuộc thửa đất số 249, tờ bản đồ số 18 tại thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa, là đất của cơ sở giáo dục đào tạo, thời hạn sử dụng lâu dài, được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký ban hành ngày 27/11/2017.
Ông Mai Thanh Huyền cho biết sau khi lấy sổ đỏ của nhà trường về, ông đã nộp cho UBND xã.
Minh Long
Khai trừ Đảng cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng
Ông Phạm Xuân Thăng bị khai trừ Đảng vì liên quan đến sai phạm tại Việt Á; bị kết luận suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, gây thiệt hại lớn cho ngân sách…
Theo báo chí nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/10 đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
Ông Thăng bị công an bắt, khởi tố hôm 17/9, để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương Phạm Mạnh Cường cũng bị khởi tố, bắt tạm giam cùng hành vi nói trên.
Ông Thăng, ông Cường được xác định có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.
Ông Thăng còn bị Bộ Chính trị kết luận “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sai phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn cho ngân sách của Nhà nước, người dân và xã hội; để xảy ra vụ án tham nhũng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương”.
Hải Dương là điểm bùng phát của vụ án kit xét nghiệm Việt Á. Cuối năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Việt Á) và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến cùng nhiều đồng phạm.
Công an cho biết ông Phạm Duy Tuyến đã nhận hối lộ gần 30 tỷ đồng từ công ty Việt Á để ký 5 hợp đồng mua 151 tỷ đồng kit xét nghiệm của công ty này.
Trần Ba
Huyện nghèo tỉnh Kon Tum: Hai giám đốc HTX ‘rút ruột’ hơn 560 triệu đồng
Tại dự án ươm giống, cấp phát giống sâm dây cho người dân trong xã, thêm 2 giám đốc hợp tác xã bị bắt khi ký khống hợp đồng kinh tế, “rút ruột” dự toán ngân sách 564,5 triệu đồng.
Ngày 3/10, liên quan đến sai phạm tại Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông (Kon Tum), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam thêm 2 bị can: ông Nguyễn Đại Vinh – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông thương, kế toán Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông (giai đoạn năm 2020); và ông Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông thương (giai đoạn 2021 đến nay).
Cả hai bị khởi tố để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Bảy tháng trước, tháng 3/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với Phan Ngọc Vinh (SN 1980) – Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Kết quả điều tra ban đầu xác định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ươm giống, cấp phát giống sâm dây cho người dân các xã Măng Cành, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông), ông Ngọc Vinh đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, tài liệu để thanh quyết toán. Ông Đại Vinh và ông Ngọc Anh đã ký khống các hợp đồng kinh tế, “rút ruột” ngân sách Nhà nước gây thiệt hại số tiền 564,5 triệu đồng.
Ngoài sai phạm liên quan đến dự án cấp phát giống sâm dây nói trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông từng bị cơ quan thanh tra tỉnh xác định có nhiều sai phạm trong dự án hỗ trợ giống heo cho hộ nghèo, khiến hàng trăm con heo chết không rõ nguyên nhân.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Kon Tum công bố hồi tháng 1/2022, trong năm 2020, huyện Kon Plông triển khai dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi heo địa tại 4 xã gồm: Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọk Tem và thị trấn Măng Đen với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông được giao nhiệm vụ cung ứng giống.
Dự án cấp 857 con giống cho 278 hộ nghèo, cận nghèo; trong đó hỗ trợ 100% tiền con giống và một phần vật tư để làm chuồng trại, người dân chỉ việc mua thức ăn và chăm sóc.
Tuy nhiên, heo giống được giao cho người dân bắt đầu chết dần sau 1 tháng nuôi. Tại thời điểm thanh tra dự án, số heo chết lên đến 690/857 con (trên 80%), 37 con đã bán và làm thịt; số heo còn sống chỉ còn 145 con (khoảng 17%) (số heo chết sau đó lên tới hơn 800 con, theo báo Nông Nghiệp ngày 14/2/2022).
Về nguyên nhân heo chết, theo Thanh tra tỉnh Kon Tum, không xác định được nguồn gốc của giống heo cung cấp. Sau khi chủ đầu tư dự án (UBND các xã, thị trấn) ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông để cung cấp giống, Trung tâm này lại ký với 1 hộ dân khác để thu gom heo giống trôi nổi từ nhiều khu vực khác nhau, như: TP Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông, H’Drai…
Ngoài ra, heo được cấp cho các hộ dân không được tiêm phòng lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn theo yêu cầu của dự án.
Bảo Khánh
Đà Nẵng: Nhóm trẻ 14-15 tuổi bị bắt trong đường dây trộm cắp xe máy
Chỉ trong một đêm, 3 thiếu niên từ 14 – 15 tuổi đã trộm liên tiếp 3 xe máy. Nhóm trộm “nhí” khai học trên mạng các chiêu trò phá khóa, đấu dây điện rồi lấy trộm xe, đem tháo phụ tùng bán lẻ hoặc bán rẻ qua mạng cho các lò độ chế xe máy.
Ngày 1/10, Công an quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) cho biết đang củng cố hồ sơ để xử lý 3 trẻ vị thành niên về hành vi Trộm cắp tài sản.
Ba trẻ vị thành niên bị tạm giữ gồm: Nguyễn Văn Pháp (SN 2007), Hứa Thanh Dung (SN 2008, cùng trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng); Nguyễn Văn Minh (SN 2008, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng).
Vào lúc 10h cùng ngày, khi 3 thiếu niên trên đi trên 2 xe máy bị Tổ tuần tra Công an phường Nại Hiên Đông phát hiện có biểu hiện nghi vấn nên phối hợp với Đội hình sư Công an quận Sơn Trà tiến hành kiểm tra hành chính.
Cả 3 khai nhận 2 xe máy đang sử dụng vừa trộm cắp được trong đêm 30/9 và rạng sáng 1/10.
Cụ thể, khoảng 23h ngày 30/9, Pháp và Dũng đã trộm cắp 1 xe máy nhãn hiệu Wave màu vàng mang BKS 43F1-130.18 trong một hẻm nhỏ gần cầu Rồng (thuộc địa phận quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Rạng sáng ngày 1/10, Pháp lấy trộm tiếp 1 xe máy nhãn hiệu Sirius màu đen mang BKS 60L5-2410 tại đường Hồ Hán Thương (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng).
Ngoài ra, cùng vào rạng sang 1/10, Pháp khai nhận đã cùng với Thái Quý (quen biết qua mạng xã hội, không rõ thông tin) lấy trộm thêm 1 xe máy nhãn hiệu Sirius màu đen mang BKS 43E1-01219 tại hẻm 65 Tô Hiến Thành (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng).
Như vậy, từ khuya đến sáng sớm ngày 1/10, 3 thiếu niên trên đã thực hiện liên tiếp 3 vụ trộm cắp, chiếm đoạt 3 chiếc xe máy tại hai quận Hải Châu, Sơn Trà.
Công an quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) xác định đường dây trộm cắp xe máy này còn nhiều thanh thiếu niên khác tham gia. Các nghi phạm tự học lỏm cách phá khóa, đấu dây điện khởi động xe máy… trên mạng rồi dạy lại cho nhau. Các xe máy trộm cắp sau đó bị tháo phụ tùng để bán lẻ hoặc bán rẻ qua mạng cho các lò độ chế xe máy.
Khánh Vy
TP.HCM ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên
Qua giám sát, giới chức TP.HCM đã phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Hiện ca nhiễm chưa được công bố yếu tố dịch tễ.
Sáng 3/10, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ qua giám sát dịch tễ, là ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam.
Đại diện Bộ Y tế cho biết đã nhận được thông tin từ Sở Y tế TP.HCM. Dự kiến, chiều nay (3/10) sẽ công bố chính thức. Hiện chưa rõ yếu tố dịch tễ của ca nhiễm này.
Trước đó, lo ngại việc bùng phát dịch đậu mùa khỉ, Sở Y tế TP.HCM đã thực hiện các biện pháp giám sát.
Người dân khi có các triệu chứng như: sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, được yêu cầu báo ngay cho trạm y tế nơi cư trú.
Tại các cửa khẩu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thực hiện giám sát thân nhiệt và triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả những người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải…
Nhân viên y tế có thể lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM làm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện…
Hiện Việt Nam chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị cho đậu mùa khỉ, chỉ có vắc-xin bệnh đậu mùa.
Minh Long
Đình chỉ công tác cán bộ Sở TN&MT ném tiền lẻ tung tóe ở quán ăn
Liên quan đến việc một cán bộ của Sở TN&MT ném tiền tung tóe mà quán ăn thối lại và gọi tiền lẻ là ‘rác’. Trưa 3/10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng cho biết, Giám đốc Sở này đã chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tạm đình chỉ công tác đối với ông Đ.C.P., Phó trưởng phòng Quản lý và phát triển quỹ đất.
Ông Đ.C.P. là người có hành vi ném tiền tung tóe và lớn tiếng ở một quán bún bò ở Đà Nẵng khiến nhiều gây xôn xao dự luận.
Theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, việc tạm đình chỉ công tác đối với ông P. để đảm bảo công tác xác minh, phối hợp các cơ quan liên quan làm rõ các hành vi vi phạm và chuẩn mực đạo đức của cá nhân nêu trên.
“Riêng dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh trật tự nơi công cộng của cá nhân nêu trên sẽ do cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định, giao Văn phòng Sở giúp Giám đốc Sở theo dõi, cập nhật kết quả xử lý”, Sở này thông tin.
Báo VnExpress đăng video cảnh ông P. ném tiền lẻ văng tung tóe ở quán ăn.
Trước đó, ngày 2/10, tài khoản Facebook có tên H.Tr. đăng tải đoạn video kèm nội dung một người đàn ông được cho là cán bộ TN-MT Đà Nẵng ném tiền tung tóe trong quán ăn, khiến dư luận bất bình.
Theo nội dung trên tài khoản H.Tr., sáng 2/10, sau khi thực khách là cháu bé khoảng 16 tuổi ăn xong, thanh toán thì nhân viên quán trả lại tiền thừa tầm 25.000 đồng. Vì không có tiền chẵn nên nhân viên trả lại bằng tiền lẻ.
Tuy nhiên, lúc sau thì bố của cháu bé đến quán ném tiền tung tóe, la hét nhân viên là: “Tụi bây đưa rác cho con tao à” và đe dọa: “Nhà tao ở đây, xem chúng mày kinh doanh được bao lâu”, tài khoản này viết.
Theo anh H.Tr. (chủ quán), sau khi ném tiền, người này còn tát anh một cái trước khi bỏ đi.
Chưa dừng lại, khoảng 13h cùng ngày, người đàn ông trên kêu một nhóm khoảng 7 người khác đến quán anh Tr. đe dọa.
Thái Học
Nghệ An: Từ nhỏ tới nay chưa bao giờ chứng kiến lũ ‘khủng khiếp’ thế này
Rạng sáng 2/10, tại huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An xảy ra một trận lũ ống, lũ quét ‘kinh hoàng’ cuốn trôi nhiều tài sản, nhà dân và 1 bé gái 4 tháng tuổi tử vong. Một người dân trong vùng bị lũ cuốn cho hay, ‘Từ lúc nhỏ tới nay chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ ống ‘khủng khiếp’ thế này’.
Kể lại trên báo VnExpress, trong đêm 1/10 mưa xối xả, đứng từ tầng hai ngôi nhà nằm ven quốc lộ 7 nhìn ra ngoài trời, chị Dung, 48 tuổi, trú khối 1, thị trấn Mường Xén, quay sang hỏi chồng: “Liệu có xuất hiện lũ quét hay lũ ống không”. Người chồng đáp: “Mong trời thương, chứ nước to thế này dễ xảy ra sự cố lắm”.
0h30 ngày 2/10, một đợt lũ nhỏ ào về. Nhà chị Dung ở mặt đường, phía sau là khe suối, bị dòng nước đục ngầu tạt vào thềm, song nó nhanh chóng trôi đi chỗ khác, chưa gây thiệt hại.
Đứng từ tầng hai nhìn ra ngoài, chị Dung thấy lũ ống từ khe suối ào ào đổ về, nhằm thẳng nhà mình. Chị hét lên khi bùn đất tràn qua bậc tam cấp vào nhà, mấp mé chân cửa sổ.
“Trong dòng lũ bùn đục ngầu, tôi nghe thấy tiếng hộc hộc, giống như các khối đá lớn từ đỉnh đồi va vào nhau”, chị Dung kể. Bàn ghế ở phòng khách, đồ đạc tại phòng bếp, ba xe máy cùng xe đạp điện bị bùn đất bao trùm.
Vợ chồng chị Dung lập tức chạy xuống tầng một, dầm mình trong dòng lũ đục ngầu, dùng hết sức đẩy chiếc tủ lạnh ra chắn cửa phụ sau bếp, ngăn không cho “cơn cuồng phong” cuốn đồ đạc ra ngoài khe suối. “Lũ quá mạnh, đôi lúc tôi không trụ nổi, cảm giác như sắp tuột tay trôi ra ngoài khe”, chị nhớ lại.
Đối diện nhà chị Dung, căn nhà gỗ lợp ngói của hàng xóm bị lũ cuốn trôi hết đồ đạc cùng chiếc két sắt. Cổng bêtông cao hơn 3m bị bùn trùm kín. Gia chủ đã huy động người hỗ trợ tìm két sắt nhưng chưa thấy.
Sau khi đợt lũ mạnh thứ ba rút đi, bùn bám đầy trên mái che, tràn vào sân nhà chị Dung, cao tới 1,8m. Ở phòng khách và bếp, bùn cao gần nửa mét vùi lấp nhiều đồ đạc. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến trận lũ khủng khiếp thế này. Nhớ lại giây phút lũ ập tới, chị Dung rùng mình, thấy may mắn khi không ảnh hưởng tính mạng.
Vài giờ trước khi quét qua thị trấn Mường Xén, lũ ống đã tàn phá xã Tà Cạ nằm liền kề. Anh Xồng Bá Cha, trú bản Sơn Hà cho biết, giữa đêm qua, cả gia đình đang nằm ngủ bỗng nghe thấy tiếng động ầm ầm, cách từ xa khoảng hàng trăm mét vọng đến. Mở cửa ra xem, anh Cha thấy dòng nước đục ngầu đang cuốn theo đất đá và cây cối chảy cuồn cuộn qua sân.
Nhà anh Cha ở vị trí cao nên nước lũ chỉ sạt qua sân, thiệt hại một số ít tài sản. Dòng lũ đổ về khiến bé Mùa Ngọc Châu, 4 tháng tuổi, ở bản Sơn Hà, bị cuốn tử vong. Nhiều ngôi nhà ở các bản Bình Sơn, Cầu Tám, Hòa Sơn bị cuốn trôi.
Theo một cán bộ xã Tà Cạ, nước lũ tràn qua nhiều đợt, mạnh nhất là lúc 2h ngày 2/10, có lúc “lên nhanh không thể tưởng tượng nổi”, hơn 10 phút đã dâng hơn một mét. “Từ lúc nhỏ tới nay tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ ống diễn biến nhanh, nước chảy khủng khiếp như thế này”, người này nói.
Xã Tạ Cà có khoảng 3.000 người dân, thị trấn Mường Xén hơn 5.000 dân.
Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, lũ ống đã cuốn trôi 15 nhà, ngập 85 nhà, sạt lở 19 nhà ở xã Tạ Cà và thị trấn Mường Xén.
2 ô tô bị cuốn trôi (hiện đã vớt được chiếc), 10 ôtô bị vùi lấp. Tuyến đường từ Mường Xén đi xã Tây Sơn bị sạt lở, làm hư hỏng cầu vòm sắt Hòa Sơn. Giao thông vào xã Tà Cạ và Tây Sơn bị ách tắc hoàn toàn và bị cô lập hoàn toàn chưa thể tiếp cận được.
Video: Lũ ống cuốn trôi người và hàng loạt nhà dân tại huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An (video: VnExpress).
Theo Báo Giao Thông, hiện tại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – Hoàng Nghĩa Hiếu đã đến tại Kỳ Sơn để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của lũ quét.
Một người dân ở thị trấn Mường Xén cho biết, trời đã tạnh mưa; các lực lượng chức năng đang cùng với người dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Huệ Liên