Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã lập “đồn cảnh sát hải ngoại” tại Thành phố New York để giám sát công dân Trung Quốc tại Hoa Kỳ, theo một nhóm nhân quyền.
Nhóm nhân quyền Safeguard Defenders khẳng định với truyền thông Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đã lập “hệ thống 110 hải ngoại” để giám sát công dân của họ ở nước ngoài. Hệ thống này gồm 54 đồn cảnh sát ở hơn 30 quốc gia, trong đó có 1 đồn tại New York, 3 đồn tại Toronto, Canada và phần lớn đặt tại châu Âu.
Safeguard Defenders nói rằng chế độ Trung Quốc cộng sản sử dụng các đồn cảnh sát hải ngoại này để “trấn áp tất cả các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm liên quan đến Hoa kiều”.
Cũng theo Safeguard Defenders, từ tháng 4/2021 đến tháng 7/2022, giới chức Trung Quốc đã “thuyết phục” 230.000 công dân Trung Quốc “tình nguyện” quay về nước và đối mặt truy tố hình sự. Những người này phần lớn bị cáo buộc liên quan đến các hoạt động gian lận và truyền tin sai lệch.
Nhóm nhân quyền cho biết thêm rằng để đảm bảo đưa được Hoa kiều về nước, giới chức Trung Quốc thường sử dụng các biện pháp đặc biệt như bắt nạt và bỏ tù người nhà của họ, hoặc sử dụng các nhóm ủy nhiệm của chính quyền để đe dọa họ trên mạng hoặc đe dọa trực tiếp và sau đó để họ “tình nguyện” quay lại Trung Quốc.
Tin Trung Quốc lập đồn cảnh sát tại Thành phố New York đến vào thời điểm tình trạng thù định ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington về nhiều vấn đề, đặc biệt là về việc Trung Quốc bắt nạt Đài Loan.
Xuân Thành (Theo Just the News và Washington Times)
Mỹ sắp áp lệnh cấm mạnh nhất, cắt triệt để nguồn cung chip cao cấp cho Trung Quốc
Theo Reuters, chỉ trong tuần này chính quyền Tổng thống Mỹ Biden sẽ đưa ra lệnh cấm mới nhất nhằm cắt đứt hoàn toàn khả năng tiếp cận công nghệ chip cao cấp của Trung Quốc, làm suy yếu việc phát triển thế hệ vũ khí tiên tiến mới và triển khai các hệ thống giám sát tự động trên quy mô lớn của Trung Quốc.
Nguồn tin cho biết, chính quyền Tổng thống Biden sẽ áp dụng cách tiếp cận như chính quyền Trump trước đây từng làm đối với Huawei, theo đó sẽ cấm bất kỳ công ty nào trên thế giới cung cấp cho đối tác Trung Quốc các sản phẩm công nghệ cao cấp của Mỹ. Wall Street Journal đưa tin, lệnh cấm xuất khẩu mới của chính quyền Tổng thống Biden bao gồm các hạn chế đối với khả năng sản xuất chip nhớ cao cấp của Trung Quốc và các thành phần được sử dụng trong các công cụ sản xuất chip tiên tiến, một trong số đó là điện toán lượng tử tiên tiến.
Nguồn tin quen thuộc với vấn đề này chia sẻ lệnh cấm mới từ chính quyền Tổng thống Biden có thể mở rộng các hạn chế đối với các công ty riêng lẻ trong toàn ngành.
Nhà chức trách Mỹ đang xem xét bổ sung thêm nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vào “Danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ”, theo đó muốn cung cấp hàng hóa cho các công ty trong danh sách này thì phải thông qua phê duyệt của nhà chức trách. Đồng thời chính quyền Tổng thống Biden đang kêu gọi các đồng minh thực hiện các hạn chế tương tự.
Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu gần như độc quyền sản xuất và kinh doanh các thiết bị và phần mềm quan trọng cần thiết để sản xuất chip cao cấp tiên tiến nhất, vì vậy nếu các nước này cùng đồng thuận hợp tác kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc sẽ là một đòn mạnh vào ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ đã thực hiện các biện pháp ngoại giao để hạn chế Trung Quốc tiếp cận thiết bị chế tạo chip, chẳng hạn như thúc giục Chính phủ Hà Lan ngăn ASML Holding NV bán thiết bị chủ chốt cho Trung Quốc.
Trong thời cựu Tổng thống Trump, ‘gã khổng lồ’ thiết bị truyền thông Huawei và nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen, gây thiệt hại lớn cho cả hai công ty này. Trong việc hạn chế Trung Quốc phát triển công nghệ bán dẫn quan trọng này, về cơ bản cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đã duy trì cách tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm.
Những con chip tiên tiến là nền tảng cho sức mạnh hệ thống quân sự và khả năng xử lý dữ liệu của nền kinh tế, nhưng sản xuất chất bán dẫn trong những thập kỷ gần đây đã chuyển từ Mỹ sang Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc – vấn đề mà một số quan chức Mỹ coi là nguy cơ cho an ninh quốc gia Mỹ.
Vào tháng Bảy năm nay, để thu hút nhiều ngành công nghiệp bán dẫn quay trở lại Mỹ, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật Chip Mỹ” (CHIPS Act for America) trị giá 77 tỷ USD, được Tổng thống Biden ký thành luật vào tháng Tám.
Vào tháng Chín, Mỹ đã hạn chế bán cho Trung Quốc một số bộ vi xử lý cao cấp của Nvidia nhằm kiềm chế vị thế của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Khách hàng của Nvidia bị ảnh hưởng bao gồm những “gã khổng lồ” của Trung Quốc như Alibaba và Tencent. Alibaba điều hành mảng kinh doanh dịch vụ đám mây lớn nhất ở Trung Quốc, còn Tencent là một ‘gã khổng lồ’ về game và truyền thông xã hội. Cả hai công ty này đều bán các dịch vụ đám mây sử dụng công nghệ chip Nvidia, công nghệ này có khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu cho các ứng dụng tiên tiến như tự động hóa và xử lý video.
Tiêu Nhiên, Vision Times