Hội đồng Nhân quyền LHQ từ chối tranh luận về việc ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm (6/10) đã bỏ phiếu bác một đề nghị do phương Tây đề xướng nhằm tổ chức một cuộc tranh luận về các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương. Đây được coi là một “thắng lợi” cho Bắc Kinh.

Với 19 phiếu chống, 17 ủng hộ và 11 phiếu trắng, đây là lần thứ hai trong lịch sử 16 năm của Hội đồng Nhân quyền mà một đề nghị bị bác bỏ. Giới quan sát coi đây là một bước thụt lùi đáng kể đối với cơ quan đạo đức của phương Tây về nhân quyền, cũng như uy tín của chính Liên Hợp Quốc.

Hoa Kỳ, Canada và Anh là một trong những quốc gia đã đưa ra đề nghị thảo luận về bức hại nhân quyền ở Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng nhiều nước trong số 47 thành viên Hội đồng rơi vào tình thế khó xử chính trị do không thích công khai thách thức Trung Quốc vì sợ gây nguy hiểm cho đầu tư.

Qatar, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Pakistan bác bỏ đề nghị này, với lý do sau đó là nguy cơ chọc giận Trung Quốc.

Kết quả bỏ phiếu. Màu xanh YES là phiếu thuận, màu đỏ NO là phiếu chống, màu trắng ABST là phiếu trắng.

“Đây là một thảm họa. Điều này thực sự đáng thất vọng”, Dolkun Isa, chủ tịch Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, người có mẹ chết trong trại và hai anh em trai mất tích, cho biết.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc nhưng chúng tôi thực sự thất vọng trước phản ứng của các nước Hồi giáo”, ông nói thêm.

Phil Lynch, giám đốc Dịch vụ Nhân quyền Quốc tế, gọi cuộc bỏ phiếu là “đáng xấu hổ” trên Twitter.

Đặc phái viên của Trung Quốc đã cảnh báo trước cuộc bỏ phiếu rằng động thái này sẽ tạo tiền lệ cho việc kiểm tra hồ sơ nhân quyền của các nước khác.

“Hôm nay Trung Quốc bị nhắm mục tiêu. Ngày mai bất kỳ quốc gia đang phát triển nào khác cũng sẽ bị nhắm mục tiêu”, Chen Xu nói, đồng thời nói thêm rằng một cuộc tranh luận sẽ dẫn đến “những cuộc đối đầu mới”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vào cuối ngày thứ Năm: “Các vấn đề liên quan đến Tân Cương hoàn toàn không phải là vấn đề nhân quyền, mà là các vấn đề chống khủng bố, chống cực đoan hóa và chống chủ nghĩa ly khai”.

Đồng thời, Bộ này còn cáo buộc Hoa Kỳ và một số nước phương Tây “sử dụng cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 31 tháng 8 đã công bố một báo cáo bị trì hoãn từ lâu cho thấy những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương có thể cấu thành tội ác chống lại loài người.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh có những hành vi ngược đãi đối với người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm việc sử dụng lao động cưỡng bức hàng loạt trong các trại giam giữ. Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc diệt chủng. Bắc Kinh mạnh mẽ phủ nhận mọi hành vi lạm dụng.

Các nước như Anh, Mỹ và Đức, tuyên bố sẽ tiếp tục hành động bất chấp kết quả hôm thứ Năm.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết thất bại của một đề xuất như vậy sẽ gây khó khăn cho việc đưa nó trở lại chương trình nghị sự.

Marc Limon của Universal Rights Group cho biết: “Đó là một đòn nghiêm trọng đối với sự tín nhiệm của Hội đồng và một chiến thắng rõ ràng cho Trung Quốc.”. “Nhiều quốc gia đang phát triển sẽ coi đó là một sự điều chỉnh khỏi sự thống trị của phương Tây trong hệ thống nhân quyền của Liên Hợp Quốc.”

Xuân Lan (theo Reuters)

Related posts