Thục Quyên dịch
8-10-2022
Quốc hội Ukraine đã thông qua một nghị quyết công nhận tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với các đảo mà nước này gọi là “Lãnh thổ phương Bắc”, hiện đang do Nga nắm giữ (Nga gọi là quần đảo Kuril).
Lãnh thổ Phương Bắc (Quần đảo Kuril)
Chính phủ Nhật Bản giữ vững lập trường là quần đảo này thuộc lãnh thổ Nhật Bản, là một phần của Nemuro, thuộc tỉnh Hokkaido. Theo họ, các hòn đảo đã bị chiếm đóng bất hợp pháp sau Thế chiến Thứ hai. Sau khi chiếm đóng, Liên Xô đã lần lượt trục xuất những người dân Nhật Bản.
Các tranh chấp hiện nay trên quần đảo Kuril là hậu quả sau thế chiến thứ II và kết quả của sự mơ hồ và bất đồng về ý nghĩa của các thỏa thuận Yalta (2-1945), Tuyên bố Potsdam (7-1945) và Hiệp ước San Francisco (9-1951).
Đến năm 1981, Nhật Bản lập ra ngày “Lãnh thổ Phương Bắc”, là ngày 7-2 hàng năm.
Năm 1991, khi Liên Xô giải thể, Liên bang Nga trở thành một thực thể độc lập và kế thừa tranh chấp.
Từ tháng 7-2008, sau khi Nhật công bố hướng dẫn các sách giáo khoa ghi rằng, Nhật Bản có chủ quyền trên quần đảo Kuril, Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức đáp trả “những hành động này không đóng góp gì vào sự phát triển hợp tác tích cực giữa hai nước, cũng như vào việc giải quyết tranh chấp” và tái khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo.
Ngày 1-11-2010, Tổng thống Medvedev của Nga đã đến thăm đảo Kunashir (thuộc quần đảo Kuril) và tuyên bố, ông đi thăm “lãnh thổ Nga” và đây là “một khu vực quan trọng của đất nước chúng tôi”. Sang năm sau, Medvedev tiếp tục kêu gọi tăng cường triển khai quân sự trên quần đảo Kuril và tuyên bố hòn đảo là một phần “không thể tách rời” của đất nước và là một khu vực chiến lược của Nga.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản chỉ trích tuyên bố của Medvedev, gọi đó là hành vi khiêu khích.Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan gọi chuyến thăm này là “đáng tiếc” và sau đó triệu hồi đại sứ của mình ở Moscow. Nhiều nhà phân tích xem chuyến thăm của Medvedev có liên quan với các tranh chấp Quần đảo Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo ngày 2-11-2010, Philip Crowley, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, cho biết, “Mỹ công nhận chủ quyền của Nhật Bản về các vùng lãnh thổ phương Bắc” và nói thêm, Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật áp dụng đối với Lãnh thổ phương Bắc.
Tăng cường sức ép lên Nga
Hôm thứ Sáu, Quốc hội Ukraine đã thông qua một nghị quyết ủng hộ lập trường của Nhật Bản đối với quần đảo này.
Ukraine kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện tất cả các biện pháp có thể, để đăng ký hợp pháp tình trạng các Lãnh thổ phương Bắc của Nhật Bản, cũng như kêu gọi Liên Hiệp quốc, Nghị viện châu Âu và các tổ chức quốc tế khác hỗ trợ và hành động nhất quán để xác nhận Lãnh thổ phương Bắc là của Nhật Bản.
Trong một video hôm thứ sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông đã ký sắc lệnh khẳng định Ukraine tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản, bao gồm cả Lãnh thổ phương Bắc, nơi vẫn đang bị Nga chiếm đóng. Zelensky nói, “Nga không có quyền đối với những vùng lãnh thổ này. Mọi người trên thế giới đều biết rõ điều này. Và cuối cùng chúng ta phải hành động”.
Nhật Bản, cùng với các quốc gia phương Tây, đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine. Nga đã đơn phương đình chỉ các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, để đáp trả các lệnh trừng phạt.
Người ta tin rằng Ukraine muốn phối hợp với Nhật Bản để tăng cường sức ép đối với Nga vì chính một phần lãnh thổ của họ đã bị Nga đơn phương sáp nhập, bao gồm cả Crimea ở phía Nam.