Bộ Chính trị giới thiệu nhân sự mới làm Bộ trưởng GTVT thay ông Nguyễn Văn Thể
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu để Quốc hội xem xét, phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT, thay ông Nguyễn Văn Thể tại kỳ họp sắp tới.
Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII (diễn ra từ ngày 3/10 đến 9/10), Trung ương Đảng đã xem xét, giới thiệu nhân sự của một số cơ quan nhà nước, để Quốc hội xem xét, phê chuẩn.
Theo đó, bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, được giới thiệu để phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Tổng Kiểm toán, Phụ trách Kiểm toán Nhà nước, được giới thiệu để phê chuẩn giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, được giới thiệu để phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, thay ông Nguyễn Văn Thể (ông Thể giữ chức Bộ trưởng từ năm 2017), theo báo Nông Nghiệp Việt Nam.
Cũng tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đối với các ông Đảng Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang, vì hàng loạt sai phạm.
Ông Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1973, quê tại Hà Nội, trình độ là Tiến sĩ kinh tế, là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Giai đoạn 2011-2014, ông là Chủ tịch HĐQT Vietinbank.
Năm 2016, ông Thắng được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cũng năm 2016 ông trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Tháng 7/2018, ông tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015 – 2020 và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tháng 7/2019, ông được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Ngày 11/10/2020, ông được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giới thiệu bầu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Hoàng Minh
Dân bị thu hồi đất 12 năm chưa được đền bù: Huyện nói một đằng, sở trả lời một nẻo
Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ đầu tư công trình hồ chứa nước Thủy Yên – Thủy Cam, nói “không có chuyện dân đi đòi tiền đền bù”. Tuy nhiên UBND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) lại cho biết, người dân đã nhiều lần phản ảnh, nói không nhận được đồng tiền bồi thường nào dù đất bị thu hồi hơn 12 năm nay.
Liên quan việc báo Tuổi Trẻ có bài phản ánh “Thu hồi đất 12 năm vẫn chưa đền bù”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ đầu tư dự án, cho biết đã cho rà soát lại vụ việc. Qua rà soát, có 138 hộ dân ở xã Lộc Thủy đã bị thu hồi đất canh tác để phục vụ dự án nói trên và số tiền chưa được đền bù khoảng 23,9 tỉ đồng.
Đại diện sở cho biết nguyên nhân do trong quá trình thực hiện, dự án xây dựng hồ chứa nước không có nhu cầu sử dụng số đất nói trên nên đã quyết định không đền bù cho dân.
Sở NN&PTNT tỉnh cũng khẳng định “việc dân đi đòi tiền đền bù” đến nay là không có, do các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã được trả hết tiền đền bù. Các hộ dân còn lại tuy bị thu hồi đất nhưng do dự án không có nhu cầu sử dụng nên “không thuộc diện phải chi trả”.
Tuy nhiên UBND huyện Phú Lộc lại cho biết việc người dân đòi tiền đền bù sau khi đất canh tác của họ bị thu hồi do dự án là có. Theo đó, qua rất nhiều lần tiếp công dân định kỳ và tiếp xúc cử tri xã Lộc Thủy, người dân ở đây đã phản ảnh về nội dung chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Thủy Yên – Thủy Cam không chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ theo các quyết định đã phê duyệt.
Hội An
Quảng Ninh khởi công xây chùa Trúc Lâm 47 tỷ đồng
Chùa Trúc Lâm được xây tại đảo Trần, có diện tích 2,89 ha với 22 công trình chính và phụ trợ.
Ngày 9/10, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức lễ khởi công xây dựng chùa Trúc Lâm.
Chùa xây trên đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện đảo tiền tiêu Cô Tô, với diện tích 2,89 ha; tổng vốn đầu tư là 47 tỷ đồng.
Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc thời Trần và mang đặc trưng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ với các loại vật liệu như gỗ lim, đá, gạch nung để chịu được khí hậu biển, gió bão..
Chùa gồm 22 công trình chính và phụ trợ, như: Ngôi Đại hùng Bảo điện, nhà thờ Tổ; nhà thờ Mẫu; lầu chuông; lầu khánh; đền thờ Trần Hưng Đạo và các tướng thời Trần; nhà Tăng; nhà khách; khu cổng tam quan…
Dự án do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Đảo Trần có diện tích 4,5 km2, cách đảo Cô Tô lớn 45 km, là một hòn đảo có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng biên giới biển quốc gia, được ví như “Trường Sa” vùng Đông Bắc.
Minh Long
Người đàn ông bị đánh chết sau bữa nhậu tại trụ sở VKSND
Xích mích trong việc rót rượu trong bữa nhậu tại trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội), Lê Ngọc Ninh (SN 1969) đã gọi con nuôi đến đánh khiến bạn nhậu tử vong.
Zing đưa tin, VKSND Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Lê Ngọc Ninh (53 tuổi, ở huyện Phúc Thọ) và Nguyễn Văn Sơn (33 tuổi, con nuôi bị can Ninh) cùng về tội Giết người. Khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Theo cáo buộc, chiều 5/10/2021, ông Tỵ (57 tuổi, nạn nhân vụ án) mời ông Kiều Duy Chinh (thẩm phán TAND huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cùng đến nhậu tại bếp ăn của VKSND huyện này. Sau đó, ông Chinh rủ Viện phó VKSND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đức Trường và một số người khác đến tham gia. Còn ông Tỵ rủ 2 người bạn là Nguyễn Văn Trường (hay còn gọi là Trường “Đá”) và Lê Ngọc Ninh đến ăn uống.
Trong lúc liên hoan, Ninh thấy chén rượu mà anh Kiên (cán bộ VKS) rót cho ông Tỵ có màu nhạt. Cho rằng đó là nước lã, Ninh mắng chửi rồi cầm chén ném trúng mặt anh Kiên. Cho rằng Ninh có thái độ côn đồ, Trường “Đá” đã đấm vào mặt đối phương. Những người còn lại đã can ngăn và đề nghị họ ra về.
Khi ra ngoài cổng VKSND huyện Phúc Thọ, Ninh đề nghị ông Tỵ gọi Trường “Đá” quay lại xin lỗi nhưng nạn nhân từ chối. Sau đó, Ninh gọi điện thoại cho con nuôi là Nguyễn Văn Sơn đến hành hung khiến ông Tỵ bất tỉnh. Đến ngày 7/10/2021, nạn nhân tử vong.
Sau đó, 2 bị can là Ninh và Sơn bị công an bắt tạm giam về hành vi Giết người.
Thái Học
Nguyên quyền Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang nghi nhảy cầu tự tử
Theo cơ quan công an, nguyên nhân bước đầu nghi bác sĩ Võ Thị Thu H. (SN 1966, phường 1, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) tự tử là do buồn chuyện gia đình.
Thi thể bác sĩ Võ Thị Thu H., nguyên Quyền giám đốc Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, được người dân phát hiện trên sông Tiền, khu vực gần cồn Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), báo chí nhà nước đưa tin hôm 9/10.
Bác sĩ Võ Thị Thu H. nghỉ hưu vào ngày 1/11/2021. Sau khi nghỉ hưu, bà có đơn xin ở lại một năm nhưng không được UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận. Gần đây, bà có biểu hiện trầm cảm và có thời gian nằm điều trị tại bệnh viện.
Trước đó, 17h ngày 6/10, bà H. bỏ nhà ra đi mang theo duy nhất chiếc xe đạp.
Đến 21h cùng ngày, người dân phát hiện chiếc xe đạp của bà H. bỏ lại ở ven lan can cầu Rạch Miễu (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho) tiếp giáp với xã An Khánh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).
Đến đầu giờ chiều nay (9/10), thi thể của bà H. mới được phát hiện.
Theo giới chức tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân ban đầu nghi bác sĩ H. tự tử là do buồn chuyện gia đình, không có liên quan đến sai phạm trong công tác phòng dịch COVID-19. Hiện công an vẫn làm rõ vụ việc.
Bà H. có chồng và 2 con, chồng bà hiện là Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Tiền Giang.
Minh Long
Đê sông Mã sạt, sụt lún 1km: Đề nghị Thanh Hóa ban bố tình huống khẩn cấp
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đánh giá sự cố sụt lún mái đê sông Mã tại Thanh Hóa là nghiêm trọng, đề nghị tỉnh Thanh Hóa ban bố “tình huống khẩn cấp”.
Ngày 9/10, đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã kiểm tra sự cố sụt lún đê tả sông Mã, (xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa).
Ông Phạm Đức Luận, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo, khẳng định hiện tượng sụt lún mái đê tả sông Mã là sự cố nghiêm trọng, gây mất an toàn chống lũ của đê.
Ông Luận đề nghị giới chức tỉnh Thanh Hóa ban bố tình huống khẩn cấp; đồng thời xác định khu vực xảy ra sự cố thuộc đê tả sông Mã là trọng điểm đê điều xung yếu năm 2022.
Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa được yêu cầu tổ chức khảo sát, đánh giá nguyên nhân sự cố, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp…
Trước đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Thanh Hóa, cho biết từ ngày 1 – 4/10, đoạn đê tả sông Mã (đê cấp 2 Trung ương, do Bộ NN&PTNT quản lý) xuất hiện hiện tượng sụt lún đê, với tổng chiều dài khoảng 1 km (từ K49+950 đến K50+950).
Trong 1 km bị sụt lún, có 2 đoạn bị nặng, một đoạn sụt lún dài 60 m, một đoạn dài 80 m. Các điểm sụt lún nặng đo được độ sâu từ 0,8 – 1,3 m.
Sự cố đang đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của hơn 29.000 người dân sống ở 5 xã vùng tả ngạn sông Mã.
Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã có báo cáo gửi Bộ NN&PTNT về hiện tượng đê tả sông Mã đoạn qua xã Hoằng Đại bị sạt, sụt lún, để Bộ có biện pháp khắc phục.
Minh Long