Dorothy Li
Hôm thứ Sáu (07/10), một nhóm các thành viên Đảng Cộng Hòa (GOP) tại Hạ viện Hoa Kỳ đã gửi thư chất vấn Tổng Chưởng lý Merrick Garland và Ngoại trưởng Antony Blinken về sự hiện diện của các đồn cảnh sát của Trung Quốc ở thành phố New York.
“Chúng tôi viết thư này để bày tỏ sự lo ngại sâu sắc của chúng tôi đối với các báo cáo về sự hiện diện của cơ quan chấp pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Thành phố New York,” 21 nhà lập pháp viết, đề cập đến tên đầy đủ của Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng Hòa Jim Banks (Cộng Hòa-Indianna), cùng với các dân biểu Michael Waltz (Cộng Hòa-Florida), Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), và 18 thành viên khác của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã viết trong thư: “Đồn cảnh sát hải ngoại của Trung Quốc được thành lập ở thành phố New York vào đầu năm nay dường như là một bước tiến xa hơn trong hoạt động bất hợp pháp của lực lượng cảnh sát Trung Quốc trên đất Hoa Kỳ – một hành động vi phạm chủ quyền của chúng ta.”
Bức thư được đưa ra sau khi một báo cáo hồi tháng Chín của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders tiết lộ rằng chính quyền Trung Quốc đã thiết lập ít nhất 54 đồn cảnh sát trên khắp năm châu lục, bao gồm cả Hoa Kỳ, như một phần của cuộc đàn áp xuyên quốc gia toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một tiền đồn ở New York nằm trong “đợt đầu tiên” gồm 30 đồn cảnh sát hải ngoại tại 21 quốc gia do Cục Công an tại thành phố Phúc Châu, thủ phủ của Phúc Kiến một tỉnh ven biển phía nam Trung Quốc, thành lập.
Bộ phận của cơ quan cảnh sát Trung Quốc ở New York, được gọi là Đồn Dịch vụ Hải ngoại của Cảnh sát Phúc Châu, được đặt tại số 107 East Broadway, bên trong trụ sở của Hiệp hội Changle Hoa Kỳ, một tổ chức bất vụ lợi được thành lập vào năm 1998, theo trang web của tổ chức này.
Theo Safeguard Defenders, những hiệp hội địa phương của Trung Quốc như vậy có các đồn cảnh sát hải ngoại thường có liên kết với hệ thống “Mặt trận Thống nhất” của chính quyền Trung Quốc. Mạng lưới hàng ngàn nhóm ở hải ngoại được giám sát lỏng lẻo bởi Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD), một cơ quan quyền lực của Đảng hoạt động để thúc đẩy lợi ích của chính quyền này ở hải ngoại, bao gồm bằng cách tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng ở hải ngoại, đàn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo, và tạo điều kiện việc chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.
Các nhà lập pháp lưu ý rằng chính phủ cựu Tổng thống Trump đã áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các quan chức ĐCSTQ trong UFWD vào năm 2020. Ngoại trưởng đương thời Mike Pompeo cho biết những quan chức đó “đã tham gia vào các hoạt động xấu để hợp tác và ép buộc những người phản đối chính sách của Bắc Kinh” hồi tháng 12/2020.
Hoạt động của lực lượng cảnh sát
ĐCSTQ tuyên bố rằng các đồn như vậy là để giúp công dân Hoa kiều gia hạn giấy phép lái xe của họ. Nhưng tổ chức phi chính phủ này cảnh báo rằng các đồn này có mục đích “thâm độc,” chẳng hạn như giúp ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào cộng đồng người Hoa.
“Họ ép buộc những người Hoa được cho là những người lánh nạn ở hải ngoại quay trở lại Trung Quốc để đối mặt với các thủ tục pháp lý, vốn được gọi một cách uyển ngữ là ‘thuyết phục quay trở lại’ theo cách nói của Trung Quốc,” các nhà lập pháp GOP viết trong bức thư.
“Bằng cách đó, Trung Quốc tránh bị giám sát về hồ sơ nhân quyền của mình liên quan đến việc hồi hương những người bị cáo buộc đào tẩu ra hải ngoại bằng cách tránh các cơ chế hợp tác quốc tế chính thức.”
“Thật là đáng lo ngại khi chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng các đồn dịch vụ này như một lực lượng cảnh sát của họ ở hải ngoại,” bức thư viết.
Các nhà lập pháp lưu ý rằng chiến dịch của chính quyền Trung Quốc nhằm vào công dân hải ngoại đã khiến FBI đưa ra cảnh báo vào năm 2020.
Tháng 07/2020, Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo rằng ĐCSTQ đã nhắm mục tiêu đến hàng trăm công dân Trung Quốc đang sống ở Hoa Kỳ để buộc họ trở về, đây là một phần trong chiến dịch toàn cầu của ĐCSTQ được gọi là Chiến dịch Săn Cáo (Operation Fox Hunt).
“Trung Quốc mô tả Fox Hunt giống như một chiến dịch chống tham nhũng quốc tế. Không phải vậy. Thay vào đó, Fox Hunt là một nỗ lực sâu rộng của ông Tập nhằm nhắm vào các công dân Trung Quốc mà ông coi là mối đe dọa và những người sống bên ngoài Trung Quốc, trên toàn thế giới,” ông Wray nói với Viện Hudson ở Hoa Thịnh Đốn vào thời điểm đó. “Chúng ta đang nói về các đối thủ chính trị, những người bất đồng chính kiến và những người chỉ trích đang tìm cách phơi bày những vi phạm nhân quyền trên diện rộng của Trung Quốc.”
Ông đưa ra một ví dụ rằng một mục tiêu của Fox Hunt được cho lựa chọn hoặc trở về Trung Quốc hoặc tự sát.
Các câu hỏi chất vấn
Các nhà lập pháp tuyên bố, “không nên có chỗ cho chính phủ Trung Quốc đơn phương thực thi pháp luật ngoài lục địa trên đất Hoa Kỳ.”
“Xem xét tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do của người dân Hoa Kỳ và chủ quyền của Hoa Kỳ khỏi sự xâm phạm của ngoại quốc,” nhóm các nhà lập pháp đã yêu cầu ông Blinken và ông Garland phản hồi sáu câu hỏi trước ngày 21/10.
- Có phải Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp hoặc bất kỳ cơ quan nào khác của chính phủ liên bang đã mời hoặc chấp thuận cho cảnh sát Phúc Châu của Trung Quốc thiết lập sự hiện diện ở Thành phố New York?
- Có sự hiện diện của cơ quan chấp pháp nào khác của Trung Quốc ở Hoa Kỳ ngoài Đồn Dịch vụ Hải ngoại của Cảnh sát Phúc Châu tại Thành phố New York không?
- Có phải Chính phủ Tổng thống Biden đã bãi bỏ các hạn chế thị thực do chính phủ tiền nhiệm áp đặt đối với công dân Trung Quốc tham gia các hoạt động của Mặt trận Thống nhất không?
- Bộ Ngoại giao đã cấp thị thực cho công dân Trung Quốc để thực thi pháp luật hoặc các nhiệm vụ liên quan khác của chính phủ [Trung Quốc] tại Đồn Dịch vụ Hải ngoại của Cảnh sát Phúc Châu ở New York chưa?
- Đồn Dịch vụ Hải ngoại của Cảnh sát Phúc Châu ở New York và bất kỳ nhân viên nào của đồn có đăng ký với chính phủ liên bang theo Đạo luật Nhiệm vụ Ngoại quốc và Đạo luật Đăng ký Đại diện Ngoại quốc không?
- Đồn Dịch vụ Hải ngoại của Cảnh sát Phúc Châu ở Thành phố New York có tham gia vào bất kỳ hoạt động nào để theo dõi, sách nhiễu cư dân Hoa Kỳ hoặc đã ép buộc bất kỳ người lánh nạn có mục đích nào quay trở về Trung Quốc mà không có thủ tục hợp pháp theo luật của Hoa Kỳ không?
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Tư pháp để yêu cầu bình luận. Bộ Ngoại giao từ chối bình luận.
Dorothy Li
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Nguyễn Lê biên dịch