Những khó khăn đáng kể mà quân đội Nga gặp phải ở Ukraina giống như một lời cảnh báo đối với ông Tập Cận Bình vài tuần trước Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 ở Bắc Kinh. Phát động cuộc chiến chống Đài Loan sẽ không chỉ là một cuộc phiêu lưu vô cùng mạo hiểm có thể khiến ông Tập phải trả giá đắt mà còn khiến Trung Quốc bị ruồng bỏ.
Cuộc trao đổi ngày 16 tháng 9 của ông Tập với ông Putin tại Samarkand, Uzbekistan, đã minh họa cho sự bối rối, khó xử của lãnh đạo Trung Quốc. Khác hẳn với lúc cam kết mạnh mẽ đứng về phía Nga, ông Tập Cận Bình lần này tỏ ra vô cùng thận trọng, tránh lời hứa viện trợ quân sự cho Nga trong chiến tranh, và tránh lặp lại những tuyên bố trước đó về một sự hợp tác “vô bờ bến” với Nga.
Hơn bao giờ hết, nỗi kinh hoàng mà lính Nga gây ra ở Ukraina đã khiến vị thế của Tổng thống Nga Vladimir Putin bị suy yếu trên trường quốc tế, đó là điều mà ông Tập Cận Bình chắc chắn không muốn vấp phải nếu quyết định khởi động chiến dịch quân sự chống lại Đài Loan, một cuộc chiến chắc chắn sẽ gây nhiều tổn thất về nhân mạng.
Trên đây là nhận định của chuyên gia Pierre-Antoine Donnet được đăng trên trang mạng châu Á The Asialyst. Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) Việt Ngữ trích dịch hôm 10 tháng 10.
Sau đây xin gửi đến quý vị nội dung của bài viết.
Trung Quốc đã chọn nhầm phe?
Những hố chôn tập thể được phát hiện ở Mariupol, rồi ở Izium sau khi quân Nga rời đi, đã làm dấy lên sự phẫn nộ trên thế giới và khiến Nga bị ruồng bỏ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, những tuyên bố đe dọa mới đây của ông Putin về chiến tranh hạt nhân cũng ngay lập tức gây ra làn sóng phẫn nộ trên thế giới, kể cả ở những nước vốn dĩ vẫn giữ thái độ trung lập về chiến tranh Ukraina.
Đáng quan tâm hơn nữa là phản ứng chưa từng có của Trung Quốc: một trong những phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, đã đề nghị rõ ràng các bên tham chiến “ngừng bắn ngay lập tức”, phát biểu mà Bắc Kinh cho tới khi đó vẫn cẩn trọng né tránh. Quan chức Ngoại Giao Trung Quốc còn nhấn mạnh cần tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia và bổ sung rằng “Một số người nói là nếu không cùng Mỹ và các nước Tây phương khác lên án và trừng phạt Nga, tức là Trung Quốc dường như chọn nhầm phe trong lịch sử, nhưng Trung Quốc theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập về hòa bình và xác định lập trường của mình căn cứ theo bối cảnh.”
Những tuyên bố nói trên hoàn toàn đi ngược lại với những phát biểu của ông Tập Cận Bình về nước Nga và về ông Vladimir Putin, “người bạn tốt nhất”. Dù không được nói ra rõ ràng, nhưng điều đó cho thấy thực tế là hiện nay giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra quy mô, mức độ nguy hiểm mà Trung Quốc có thể gặp phải nếu vẫn kiên quyết không lên án cuộc xâm lược Ukraina và đứng về phía Nga. Hơn nữa, đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, việc ông Putin cứ đe dọa chiến tranh hạt nhân là cách hành xử vô trách nhiệm và nguy hiểm. Đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn thích sự ổn định hơn là một cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy. Hơn nữa, với quyền lực mềm không còn tốt và hình ảnh trong mắt Tây phương đã ngày càng xấu đi trong những năm gần đây, Trung Quốc có dám ủng hộ các tội ác của quân đội Nga?
Xâm lăng Đài Loan, Trung Quốc sẽ gặp nhiều nguy cơ hơn so với việc Nga xâm lược Ukraina?
Các lực lượng Ukraina đã được quốc tế viện trợ quân sự đáng kể, đặc biệt là Mỹ và châu u. Và chủ tịch Trung Quốc biết rất rõ là nếu xảy ra chiến tranh ở Đài Loan, Washington cũng sẽ có những trợ giúp tương tự, thậm chí là nhiều hơn, để bảo vệ đảo Đài Loan, vốn là một chốt chiến lược quan trọng sống còn cho phép Mỹ tiếp cận Thái Bình Dương. Việc từ bỏ các đồng minh sẽ là một thất bại lớn của Mỹ trước sự kìm kẹp của Trung Quốc trong một khu vực vốn dĩ vừa là nguồn tăng trưởng kinh tế chính của thế giới, vừa là tâm điểm địa chiến lược trong cán cân địa chiến lược toàn cầu.
Mặt khác, đối với Trung Quốc, chinh phục Đài Loan sẽ là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm hơn nhiều so với việc Nga giành quyền kiểm soát Ukraina. Quả thực, Đài Loan là một nhóm các đảo, với đảo chính nằm rất gần Hoa lục, thế nhưng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không những không có kinh nghiệm đổ bộ vào Đài Loan theo đường biển mà còn chưa từng trắc nghiệm các năng lực quân sự trên bộ kể từ sau cuộc xung đột ngắn với Việt Nam hồi năm 1979.
Sự kháng cự của Đài Loan sẽ mạnh hơn và thiệt hại nhân mạng cũng sẽ nhiều hơn?
Hơn nữa, khi tìm cách xâm lược Đài Loan, một mặt, các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt và đầy quyết tâm từ các lực lượng Đài Loan vốn dĩ đã chuẩn bị cho một cuộc đối đầu như vậy từ suốt nhiều năm nay, và còn phải chống lại cả một liên minh quân sự bao gồm Mỹ, Nhật, Úc, chắc chắn là cả Hàn Quốc và có thể là cả Ấn Độ, một kẻ thù truyền kiếp của Trung Quốc.
Trên hết, một cuộc xung đột như vậy không chỉ gây nhiều thiệt hại về nhân mạng, (một số nghiên cứu của Mỹ dự báo sẽ có tới 500.000 người thiệt mạng), mà còn dẫn tới các biện pháp trừng phạt thương mại từ Mỹ và nhiều đồng minh của Washington. Đó sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế Trung Quốc hiện giờ đang trong tình cảnh rất khó khăn, tăng trưởng GDP sụt giảm nghiêm trọng và hàng trăm nhà đầu tư phương Tây đã rời đi.
Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nói rằng việc thống nhất Đài Loan với Hoa lục là một “sứ mệnh thiêng liêng” cần được thế hệ hiện tại thực hiện, kể cả bằng vũ lực, nếu cần. Nhưng theo nhiều nhà phân tích, mục tiêu này ngày càng khó thực hiện. Bởi vì cho dù quân đội Trung Quốc ngày càng hoàn thiện nhưng các quốc gia láng giềng châu Á của Trung Quốc cũng có xu hướng tập hợp lại để đối phó với một Trung Quốc ngày càng trở nên một mối đe dọa lớn hơn.
Tương quan lực lượng Nga – Trung hiện ra sao?
Trên thực tế, việc Nga có nhiều khả năng sẽ thất bại trong cuộc chiến Ukraina có thể khiến Trung Quốc thắng lớn ít nhất tại một điểm: so với Matxcơva, Bắc Kinh hiện đang chiếm thế thượng phong ở châu Á và điều này sẽ còn được duy trì trong một thời gian dài.
Trên tạp chí Mỹ, Foreign Affairs, chuyên gia Nga Alexandre Gabuev về các vấn đề Trung Quốc tại Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức phi chính phủ chuyên về phát triển hợp tác giữa các Nhà nước và thúc đẩy lợi ích của Mỹ trên trường quốc tế, nhận định là để làm hài lòng Trung Quốc, các nhà chức trách Nga “hầu như sẽ không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc phải chấp thuận các điều khoản bất lợi trong các cuộc đàm phán thương mại” với Bắc Kinh và sẽ “buộc phải ủng hộ” Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như ở Liên Hợp Quốc.
Thậm chí, Matxcơva sẽ buộc phải từ bỏ các ưu thế chính trị và ngoại giao với các nước như Ấn Độ và Việt Nam, những nước từ trước đến nay vẫn làm đối trọng với Trung Quốc. Alexandre Gabuev cho rằng “quan hệ Trung – Nga trên thực tế rất bất bình đẳng, bởi sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc sẽ khiến Nga trở thành một công cụ quý giá cho cuộc chơi lớn của Bắc Kinh trên toàn thế giới, một thắng lợi đáng kể của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.”
Thế nhưng, cũng trên tạp chí này của Mỹ, bà Thái Hà (Cai Xia), từng là giáo sư Trường Đảng Cộng Sản Trung Ương ở Bắc Kinh trước khi sang Mỹ sống lưu vong vì đã chỉ trích thế lực Tập Cận Bình, lại khẳng định rằng quyền lực của ông Tập chưa bao giờ vấp phải nhiều thái độ chống đối như vậy trong giới chóp bu đảng Cộng Sản Trung Quốc. Khi loại bỏ thông lệ lâu năm về quyền lực lãnh đạo tập thể và phạm hàng loạt sai lầm về chính sách, Tập Cận Bình đã khiến những người ủng hộ ông ta thất vọng và trong hậu trường, sự phẫn nộ trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc đang gia tăng.
Giới chức Mỹ nhìn nhận ra sao về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan?
Đối với nhiều chuyên gia Mỹ về Trung Quốc, ông Tập Cận Bình muốn quân đội Trung Quốc có khả năng dùng vũ lực đánh chiếm Đài Loan trước năm 2027. Phó Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ CIA, David Cohen, hồi nửa cuối tháng 9 giải thích: “Chúng tôi đang chăm chú quan sát cách mà Trung Quốc hiểu tình hình Ukraina và hiểu cách hành xử của Nga và Ukraina, cũng như các tác động của vấn đề này tới các kế hoạch riêng của Trung Quốc đối với Đài Loan”.
Gần đây, Colin Kahl, thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ bình luận: “Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn đặt mình vào vị trí như của Nga hiện nay”. Còn hôm 19/09, trong cuộc gặp gỡ giới báo chí, tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh ở khu vực Thái Bình Dương đã thể hiện rõ ràng về mối nghi ngờ là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không thể xâm chiếm Đài Loan trước năm 2027.
Ông Wilsbach tổng kết tình hình: “Vấn đề Nga vấp phải lẽ ra là khá dễ giải quyết : Họ chỉ cần vượt qua biên giới và nắm quyền kiểm soát quốc gia mà vốn dĩ Nga vượt trội về mặt quân sự. Thế nhưng họ đã hứng chịu nhiều thất bại và chắc chắn là đã không đạt được những mục tiêu mà họ đã đề ra”. Tuy nhiên, theo tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, nếu tấn công Đài Loan, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “một vấn đề khó giải quyết hơn” vì muốn đổ bộ đến đảo Đài Loan thì quân Trung Quốc phải tiến hành chiến dịch thủy lục quân phối hợp vượt qua eo biển Đài Loan với các cuộc không kích “nhắm vào một nơi được phòng vệ và nơi này thì rõ ràng là có ý định phòng thủ”.
Thái độ của Trung Quốc đối với Đài Loan trong những tháng tới sẽ như thế nào?
Một số lời giải đáp cho câu hỏi này chắc chắn sẽ được đưa ra cùng với kết quả được công bố sau Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng 10 này. Tuy nhiên, Tập Cận Bình và thái độ trước đây của ông ta, ít nhất cũng là thái độ gần gũi, hòa nhã với đồng nhiệm Nga Putin có thể khiến ông Tập rơi vào tình thế khó khăn khi đối mặt với các kẻ thù trong nội bộ Đảng. Ngay cả khi những nhân vật này vẫn cẩn trọng không công khai thái độ chống đối, nhưng họ vẫn luôn hiện diện và kiên nhẫn chờ đợi ngày mà “ngôi sao” Tập Cận Bình bắt đầu suy yếu nghiêm trọng.
Giờ thì vẫn chưa đến lúc đó. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng vẫn là ông Tập Cận Bình có thể làm gì nếu như ông ta rơi vào tình huống như ông Vladimir Putin hiện nay, tức là bị đe dọa mất quyền lực. Nhiều người sợ rằng, khi tuyệt vọng, người ta có thể đưa ra một quyết định có thể dẫn đến ngày tận thế, như nguy cơ xảy ra hiện nay với tổng thống Nga (ý nói tới việc ông Putin sử dụng vũ khí nguyên tử).