Xung đột Nga-Ukraine kéo dài 7 tháng rưỡi vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Liệu ông Tập Cận Bình sẽ ‘bỏ rơi’ ông Putin để giảm bớt căng thẳng với Mỹ và châu Âu, hay sẽ tăng cường hỗ trợ để đảm bảo Moscow không sụp đổ? Mọi động thái của ĐCSTQ đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Hoa Kỳ.
Tại sao ĐCSTQ lại thắt chặt mối bang giao với cả Mỹ và Nga?
Trong hai năm qua, mối bang giao giữa Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và hầu hết các nước phương Tây ngày một xấu đi. Mỹ và Châu Âu không ngừng lên án Trung Quốc về nhân quyền, cũng như việc xây dựng và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, đàn áp các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, tăng cường khiêu khích quân sự chống lại Đài Loan và che giấu sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Và một cường quốc lớn khác – Nga, cũng đang có quan hệ ngày một xấu đi với Mỹ và châu Âu. Do đó, một mặt, ĐCSTQ tìm cách bắt tay Nga để cân bằng sức mạnh với các nước phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Mặt khác, ĐCSTQ tìm cách giành được sự ủng hộ của Nga trong vấn đề Đài Loan.
Ông Jakub Jakóbowski, một nhà nghiên cứu cấp cao tại “Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông” của Ba Lan và một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đã đăng bình luận lên Twitter rằng Trung Quốc và Nga chia sẻ hai mục tiêu cơ bản. Đó là duy trì sự ổn định của chế độ và lật đổ vị thế lãnh đạo của Mỹ. Để đạt được hai mục tiêu này, Trung Quốc và Nga chỉ có thể lợi dụng lẫn nhau.
Ông nói: “Không có đối thủ quốc tế lớn nào khác có thể giúp Trung Quốc đạt được hai mục tiêu này, ngoại trừ Nga”.
Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24/2, ĐCSTQ luôn từ chối coi cuộc chiến này là cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine và sử dụng các phương tiện truyền thông chính thức của mình để mở rộng tuyên truyền của các phương tiện truyền thông nhà nước Nga. Trung Quốc cũng tố cáo các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và lợi dụng việc Nga ngày càng bị phương Tây cô lập để tăng cường mua dầu của Moscow nhằm trục lợi.
Mặt khác, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ sự tương tác giữa Trung Quốc và Nga. Nhà Trắng không ít lần cảnh báo về hậu quả nếu Trung Quốc giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của phương Tây hoặc cung cấp viện trợ quân sự. Và Tổng thống Biden đã trực tiếp đưa ra lời cảnh báo này với ông Tập Cận Bình trong một cuộc điện đàm hồi tháng 3 năm nay.
Cho đến nay Bắc Kinh vẫn né tránh làm bất cứ điều gì có thể khiến nước này hứng chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ vào giữa tháng 9, ông John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, nói rằng Washington chưa nhận thấy ĐCSTQ cung cấp cho ông Putin bất kỳ sự hỗ trợ đáng kể nào trong cuộc chiến Ukraine. Và không có dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đã vi phạm các lệnh trừng phạt.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã cảnh báo Trung Quốc vào tháng 7 rằng, việc chống lại Hoa Kỳ sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp.
Ông Taylor Fravel, giám đốc chương trình nghiên cứu bảo mật tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và đối ngoại của Trung Quốc, cho hay: “Cho đến nay, Trung Quốc không sẵn sàng trả giá đắt để viện trợ cho Nga. Động thái này chứng tỏ rằng liên minh Trung-Nga yếu hơn nhiều so với suy nghĩ của công chúng, và khó có khả năng thay đổi hướng đi ngay từ thời điểm này”.
Hãng tin AP cho biết chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ cho Nga nhằm gây nguy hiểm cho thị trường Mỹ và châu Âu. Ngay cả khi Bắc Kinh muốn nhập khẩu thêm khí đốt và hàng hóa khác của Nga, thì khả năng hỗ trợ cho ông Putin cũng bị hạn chế đáng kể.
Thất bại liên hoàn của Nga khiến ĐCSTQ xấu hổ
Gần đây, quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công quyết liệt, sử dụng vũ khí do Mỹ và châu Âu hỗ trợ, và đã đạt được những bước tiến vững chắc ở khu vực phía nam Ukraine. Tháng trước, cuộc phản công của Ukraine ở phía đông bắc đã tiến triển nhanh hơn, giúp nước này giành lại hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ từ tay người Nga chỉ trong vài ngày.
Hôm thứ Bảy (8/10), vụ đánh bom cầu Crimea có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Nga, lại gây thêm một cú sốc nữa đối với ông Putin. Cây cầu là huyết mạch giao thông giúp tàu hỏa và xe tải Nga vận chuyển nhân lực và khí tài đến bán đảo Crimea. Lửa lớn, khói đen đặc bốc lên từ các khu vực bị cháy trên cầu Kerch nối Crimea với Nga, sau khi một chiếc xe tải phát nổ hôm 8/10/2022. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Nhà lãnh đạo Nga sau đó cáo buộc Ukraine tấn công cây cầu. Ukraine chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc.
Tờ Wall Street Journal hôm thứ Bảy (8/10) cho hay, Ukraine đã sử dụng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp để phá hủy một ngã ba đường sắt mà lực lượng Nga sử dụng ở khu vực Donetsk. Ngã ba đường sắt đóng vai trò là một tuyến đường tiếp tế trọng yếu khác cho lực lượng Nga đang chiếm đóng lãnh thổ Ukraine.
Ông Craig Singleton, một nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ, viết trên tạp chí Foreign Policy rằng ông Tập dường như lo ngại về loạt tổn thất của ông Putin ở Ukraine. Phía Trung Quốc cũng như các đồng minh phương Tây có thể rất mong đợi cuộc chiến sẽ kéo dài vài tuần chứ không phải vài tháng. Và không ai có thể lường trước được rằng Ukraine sẽ mở một cuộc phản công thành công vào sâu lãnh thổ Ukraine do Nga nắm giữ. Nếu ông Tập cho rằng chính quyền Moscow đang bắt đầu sụp đổ, ông sẽ buộc phải tính toán đến các phương án rủi ro. Câu hỏi đặt ra là ông Tập Cận Bình sẽ cứu ông Putin được đến mức nào?
Giáo sư Hal Brands tại Đại học Johns Hopkins, đăng một bài viết lên Twitter cho hay, những thất bại của Nga ở chiến trường Ukraine khiến Trung Quốc rơi vào tình thế khó xử.
Ông Brands cho biết, một mặt, Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng nếu Trung Quốc giúp đỡ Nga, họ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Mặt khác, Bắc Kinh không thể ngồi nhìn Nga bị đánh bại ở Ukraine, vì điều này sẽ khiến Nga suy yếu nghiêm trọng, thậm chí có thể gây ra bất ổn chính trị tại Moscow. ĐCSTQ vốn dĩ là một đồng minh “không mấy tích cực”, nay lại càng không thể đánh lạc hướng Washington.
Tờ Reuters dẫn lời ông George Magnus, tác giả của cuốn sách Red Flags, cho biết: “Tôi cho rằng ông Tập Cận Bình mới là người lo lắng nhất về tình hình chiến sự của ông Putin. Trên thực tế, ông Tập lo lắng không biết liệu ông Putin hay Nga có còn giữ vững phong độ trong cuộc chiến hay không, vì Trung Quốc vẫn cần một ban lãnh đạo chống phương Tây ở Moscow”.
Ngày 30/9, ông Putin tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraine. Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã bỏ phiếu lên án âm mưu sáp nhập lãnh thổ Ukraine của Nga. Nga bác bỏ phiếu phủ quyết, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Ông Zhiqun Zhu, Giáo sư Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bucknell (Mỹ), nói với đài BBC rằng chính phủ Trung Quốc đang cố gắng làm hài lòng cả hai bên về vấn đề hóc búa của cuộc chiến Nga-Ukraine. Vì vậy thái độ của họ tỏ ra mập mờ chứ không thể hiện rõ lập trường trước các vấn đề cụ thể. Với mối quan hệ Trung-Nga hiện tại, Bắc Kinh sẽ không lên tiếng phản đối nhưng cũng không lên tiếng công nhận về cuộc trưng cầu dân ý và việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.
Chuyên gia: Ông Tập lấy làm tiếc về tuyên bố hợp tác ‘không giới hạn’ với ông Putin
Quan hệ Trung-Nga đạt đến đỉnh cao trước chiến tranh Nga-Ukraine. Khi ông Putin và ông Tập gặp nhau tại Bắc Kinh vào ngày 4/2, họ đã ký một tuyên bố chung tuyên bố rằng hợp tác Trung-Nga là “không giới hạn”.
Nhưng sau khi ông Putin xâm lược Ukraine, ông Tập Cận Bình tỏ ra dè dặt về hợp tác Trung-Nga. Mặc dù Trung Quốc mua năng lượng từ Nga, nhưng dường như họ không cung cấp cho Nga vũ khí hoặc các sản phẩm công nghệ cao có thể kéo theo các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc. Tờ Nikkei Asia cho biết Nga được cho là rất thất vọng trước sự hỗ trợ hạn chế của Bắc Kinh.
Ông Ian Bremmer, Chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, đã đăng bài viết lên Twitter vào ngày 8/10 rằng trong những ngày gần đây, ban lãnh đạo ĐCSTQ đã có cuộc tranh luận với những người đồng cấp Nhật Bản và châu Âu, nhấn mạnh rằng họ không ủng hộ cuộc chiến của ông Putin.
Tờ Nikkei Asia cho biết trong một bài báo được xuất bản vào ngày 22/9 rằng, sự thay đổi lập trường của ĐCSTQ phản ánh nhu cầu cấp thiết của Bắc Kinh là phải giữ một khoảng cách nhất định với cuộc chiến xâm lược của ông Putin, đặc biệt là khi quân đội Nga đang ở thế bại trận ở miền đông Ukraine.
Ông Singleton, một nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ, cho biết Bắc Kinh không thể giải quyết các khó khăn của ông Putin như: những thất bại về chiến lược, tổ chức, chỉ huy, hậu cần và sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Do đó, những thách thức quan trọng đối với ông Tập có thể không phải là đảm bảo cho chiến thắng của ông Putin, mà là việc Trung Quốc sẵn sàng đi bao xa với Moscow.
Trong trường hợp chiến tranh diễn ra không suôn sẻ, Nga gần đây ám chỉ rằng họ sẽ không loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tờ Daily Beast đăng một bài báo hôm 8/10, cho rằng việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây tổn hại đến lợi ích của ĐCSTQ. Điều mà ĐCSTQ cần bây giờ là một môi trường toàn cầu ổn định cho phép họ tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước – yếu tố then chốt để duy trì sự gắn kết quốc gia. Và việc ông Putin phóng vũ khí hạt nhân sẽ không mang lại một môi trường quốc tế ổn định.
Chính sách thanh toán bù trừ bằng không cực đoan của ĐCSTQ đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước này. Trong khi đó, thị trường bất động sản Trung Quốc đang gặp khủng hoảng, doanh số bán nhà giảm mạnh và giá nhà giảm trong 12 tháng liên tiếp. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức kỷ lục. Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay từ 4,3% xuống 2,8%. Mục tiêu ban đầu của ĐCSTQ là 5,5%. Khu nhà Evergrande ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 26/09/2021. (Ảnh: Getty Images)
Liệu Trung Quốc có bỏ rơi Nga hay không?
Tờ Nikkei Asia đăng một bài báo về vấn đề này vào ngày 6/10, cho hay có nhiều đồn đoán rằng ĐCSTQ đang tìm cách giữ khoảng cách với Moscow, nhưng sẽ không bỏ rơi Nga.
Nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm này đã trích dẫn những bình luận của ông Putin trong cuộc gặp ngày 15/9 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Uzbekistan. Vào thời điểm đó, ông Putin nói rằng ông hiểu Bắc Kinh có “câu hỏi và lo ngại” về các hành động của Nga ở Ukraine, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang bày tỏ sự không hài lòng về tình hình ở đó.
Chiều hướng của quan hệ Trung-Nga là chủ đề chính của một hội nghị quốc tế ở Tbilisi, thủ đô của nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Gruzia, vào đầu tháng 9. Các chuyên gia tại cuộc họp gần như chia thành hai phe: một phe dự đoán rằng do sự khác biệt về lợi ích chiến lược lâu dài của hai bên, quan hệ đồng minh Trung-Nga thân thiết sẽ chẳng kéo dài được bao lâu. Phe còn lại cho rằng Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục duy trì một liên minh chặt chẽ vì họ có chung mục tiêu là làm xói mòn phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.
Tờ Nikkei Asia tin rằng trong hai quan điểm trên, quan điểm thứ hai thực tế hơn vì ĐCSTQ khó có thể chia rẽ với Nga, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn.
Có hai lý do để giải thích cho quan điểm này.
Thứ nhất là nếu Bắc Kinh bỏ rơi Nga vì vấn đề Ukraine, Moscow sẽ ôm mối hận với ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ. Điều này sẽ tạo ra một cơn ác mộng chiến lược cho Bắc Kinh: vừa đối đầu với Mỹ trên mặt trận Thái Bình Dương và vừa đối đầu với Nga ở phía Bắc nước này.
Lý do thứ hai là sự hiện diện của Mỹ, kẻ thù chung của Trung Quốc và Nga. Đối với Trung Quốc, Nga là đồng minh duy nhất trong các cường quốc chống lại Mỹ.
Bài báo cho rằng nếu Nga sụp đổ sau thất bại trong cuộc chiến với Ukraine, Trung Quốc sẽ phải đơn phương chống chọi với phương Tây. Để ngăn chặn viễn cảnh u ám này, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục cung cấp hỗ trợ ngoại giao và kinh tế cho ông Putin, trừ viện trợ quân sự.
Bài báo kết luận rằng, điều tối quan trọng đối với các nước phương Tây do Mỹ đầu, là ngăn cản Trung Quốc và Nga làm sâu sắc hơn nữa mối bang giao “không giới hạn”. Giải pháp trước mắt là Mỹ sẽ theo dõi sát sao nhất cử nhất động của Trung Quốc để đảm bảo nước này không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Cách tiếp cận như vậy không chỉ hạn chế hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Nga mà còn có thể làm sâu sắc thêm mối bất hòa giữa hai nước.
Lam Giang
Theo The Epoch Times