Trường Trung học Thánh Francis Xavier ở Tsuen Wan, Hồng Kông cáo buộc 14 học sinh trên sân chơi “không tôn trọng nhà trường” và vi phạm “Luật An ninh Quốc gia” vì không đứng lên làm lễ chào cờ (diễn ra bất ngờ), đồng thời đình chỉ học các em ít nhất 3 ngày.
Dựa trên đơn khiếu nại của phụ huynh và độc giả gửi đến truyền thông Hồng Kông, vào lúc 8h05 sáng ngày 5/10, một số học sinh của trường Trung học Thánh Francis Xavier ở Tsuen Wan vẫn đang ăn sáng trong khu vực ăn uống của sân chơi.
Đột nhiên trong trường phát bài quốc ca, khiến 14 học sinh không kịp tập trung. Sau đó Hiệu phó họ La bước ra sân chơi và khiển trách các em.
Hiệu phó họ La và trưởng khoa giáo dục từng cho rằng những em học sinh này đã vi phạm “Luật an ninh Quốc gia” và phải giao vụ việc cho cảnh sát. Ngay sau khi biết vụ việc, Hiệu trưởng Hà Chí Hồng đã đình chỉ học 14 em trong 3 ngày.
Độc giả cũng cho biết thêm, do hôm đó có cán bộ của Phòng Giáo dục đến thăm trường, nên nhà trường yêu cầu học sinh nghỉ học vì lý do “có âm mưu” là điều vô lý.
Phụ huynh: Cách làm của nhà trường quá cứng nhắc
Bà Trần, phụ huynh học sinh, chỉ trích nhà trường quá cứng nhắc. Đa số 14 học sinh đều sắp tốt nghiệp cấp 2, nếu vì không kịp tập trung và đứng nghiêm trang trước bài quốc ca mà bị đuổi khỏi trường và phải nghỉ học, thì cũng tương đương với việc hủy hoại những nỗ lực trong quá khứ và tương lai của các em. Bà cho rằng tiền lệ này sẽ được các trường khác học theo, và gây áp lực tâm lý rất lớn cho học sinh.
Học sinh: Em không biết trước là sẽ có lễ chào cờ
Một trong những học sinh có liên quan nói với truyền thông rằng khi người cầm cờ bước vào lễ đường, em mới biết có lễ chào cờ, nên không kịp đứng dậy. Nhưng hiệu trưởng lại suy diễn rằng học sinh không đứng lên làm lễ chào cờ, nên đình chỉ học 3 ngày để cảnh cáo. Nhà trường còn cáo buộc hành vi này đã vi phạm “Luật an ninh Quốc gia”.
Nhà trường: Vi phạm nội quy của trường
Phó hiệu trưởng La Thúy Liên trả lời về vụ việc rằng hôm đó không phải bất ngờ vang lên bài quốc ca, mà học sinh vẫn đang ăn sáng khi đã có thông báo.
Bà giải thích rằng bà không đối thoại trực tiếp với các em, cũng không tố cáo các em vi phạm “Luật An ninh quốc gia”. Khi hiệu trưởng đang trách phạt các em, bà chỉ cảnh cáo rằng những hành vi tương tự bên ngoài trường có thể vi phạm “Luật An ninh quốc gia”.
Phát ngôn viên của Chính sách Giáo dục của Đảng Dân chủ: Nhà trường quá nhạy cảm, tước quyền đi học của học sinh
Phát ngôn viên của Chính sách Giáo dục của Đảng Dân chủ, ông Chu Tử Lạc đã chỉ trích nhà trường vì hình phạt này quá nặng khi tước quyền đi học của học sinh, đồng thời yêu cầu nhà trường xem xét lại.
Ông cho biết theo tình hình được nhà trường tiết lộ, các học sinh liên quan không chống lại việc thực hiện các quy định tại thời điểm đó. Ngoài ra, một số em kiên quyết nói rằng các em đã đứng khi phát bài quốc ca, khác với tuyên bố của nhà trường. Nhưng bất kể sự thật là gì, các em đã bị đình chỉ học 3 ngày.
Ông cho rằng nhà trường không nên nhạy cảm quá mức về lễ chào cờ.
Bình luận viên: Trường học phải chịu trách nhiệm về việc lạm quyền
Nhà bình luận thời sự Hồng Kông Phan Trách Hồng (Jason Chuk-Hung Poon) đăng trên Facebook:
Thứ nhất, 14 học sinh không biết việc nhà trường bất ngờ kéo quốc kỳ và phát bài quốc ca nên vẫn đang “ăn sáng”. Hiệu phó La Thúy Liên không thể chỉ đổ lỗi cho học sinh, mà không xem xét lại trách nhiệm của nhà trường trong việc thuyết phục và thông báo cho các em, cũng như trách nhiệm quản lý các xung đột giữa giờ chào cờ và giờ ăn sáng, và càng không nên đuổi các em ra khỏi trường và đình chỉ học 3 ngày.
Thứ 2, trừ khi có trở ngại không thể cưỡng lại, hoặc đe dọa đến sự an toàn của các bạn trong lớp và giáo viên trong việc thực hiện giáo dục học sinh, nhà trường mới được tước quyền đi học của các em. Bà La Thúy Liên bị nghi ngờ đã vi phạm hướng dẫn giáo dục và lạm dụng quyền lực, Cục Giáo dục phải truy cứu trách nhiệm cá nhân của bà La.
Thứ 3, việc ăn sáng trong thời gian kéo quốc kỳ và hát quốc ca không liên quan đến “Luật An ninh Quốc gia”, mà là “Quy định về Quốc ca”, “Quy định về Quốc kỳ và Quốc huy”. Bà La Thúy Liên cáo buộc các sinh viên vi phạm “Luật An ninh Quốc gia”, thậm chí còn dọa gọi cảnh sát là sai.
Cư dân mạng để lại tin nhắn nói rằng lại có thêm sự cố khác khiến các bậc phụ huynh quyết định di cư.
Kể từ khi “Luật An ninh Quốc gia” được thực thi ở Hồng Kông vào ngày 1/7/2020, đã diễn ra một làn sóng di dân chưa từng có và chưa có dấu hiệu suy giảm. Theo số liệu thống kê do Cục quản lý Xuất nhập cảnh Hồng Kông cung cấp, trong 2 năm qua, lượng người dân Hồng Kông di cư xuất cảnh qua sân bay lên tới gần 380.000 người.
Bình Minh (t/h)