Người mua xăng cầm can nhựa lao vào ẩu đả với nhân viên cây xăng ở TP.HCM
Ngày 12/10, mạng xã hội lan truyền 2 đoạn clip ghi lại cảnh một số người ẩu đả với nhân viên của một cây xăng trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP.HCM lúc 20h ngày 11/10.
Theo VTC, nguyên nhân là do nhóm khách này không đồng ý với việc chỉ được mua 1,5 lít xăng đổ vào can nhựa thay vì mua 5 lít như yêu cầu.
Cụ thể, vào lúc 20h ngày 11/10, 4 người đàn ông đi trên hai xe máy vào đổ xăng tại một cây xăng trên đường Nguyễn Duy Trinh. 4 người này yêu cầu đổ xăng trực tiếp vào một xe máy với giá 40.000 đồng. Cùng với đó, nhóm khách yêu cầu đổ đầy can xăng 5 lít.
Thời điểm đó, nhân viên cây xăng cho biết, cửa hàng chỉ được bán tối đa 1,5 lít đối với xăng mang đi chứ không thể đổ đầy can. Tuy nhiên, người những vị khách không đồng ý và xảy ra cãi vã. Trong lúc tranh cãi, 4 người đàn ông lao vào ẩu đả với nhiều nhân viên của cây xăng. Sự việc chỉ dừng lại khi có người can ngăn.
Huệ Liên
Quảng Bình: Người dân bất bình vì tiền hỗ trợ thiên tai bị cắt xén
Ngoài ông H. đáng được nhận số tiền 15,4 triệu đồng nhưng sau khi bị trích lại chỉ còn nhận 14,5 triệu đồng., nhiều hộ dân khác cũng chịu cảnh ngộ tương tự. Cá biệt ông Trần Văn Ý được hỗ trợ 5,4 triệu đồng nhưng khi đến nhận tiền thì bị cán bộ “ém” lại, vì lý do chưa nộp thuế đất.
Theo thông tìm hiểu của báo Người Lao Động, sự việc trên xảy ra tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại sau lũ bất bình.
Được biết, tỉnh Quảng Bình có quyết định về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại, dịch bệnh do thiên tai gây ra vào tháng 10/2020 đối với các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 24/9/2020, phường Quảng Phúc tổ chức cấp phát, chi trả 85% tiền hỗ trợ khắc phục thiên tai, lũ lụt cho 37 hộ bị thiệt hại, tùy theo diện tích ao hồ để nhận mức tiền tương xứng.
Thế nhưng, ngay trong buổi chi trả tiền, các cán bộ phường đã tự ý “trích” lại 5% số tiền mà họ đáng được nhận, vì lý do “làm giấy tờ, chi phí cho anh em…”.
Ông T.M.H. ( ở tổ dân phố Me Hội, phường Quảng Thuận) cho biết ông được nhận số tiền 15,4 triệu đồng nhưng sau khi bị trích lại, thực tế chỉ còn nhận 14,5 triệu đồng.
Ngoài ông H., nhiều hộ dân khác cũng chịu cảnh ngộ tương tự. Cá biệt, trong danh sách này có tên ông Trần Văn Ý ( ngụ tổ dân phố Thuận Bài, phường Quảng Thuận) được hỗ trợ 5,4 triệu đồng nhưng khi đến nhận tiền thì bị cán bộ “ém” lại, vì lý do chưa nộp thuế đất.
Ông Ý cho biết ông có thuê lại 2 hồ của ông Nguyễn Xuân Thông với diện tích hơn 1 ha để nuôi tôm, đóng tiền thuê đất từ đầu năm. Việc đóng thuế đất thì trách nhiệm của ông Thông, còn ông là người nuôi bị thiệt hại phải nhận được tiền hỗ trợ nhưng việc “trừ ngang” như vậy là vô lý.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Lao Động, trong danh sách 37 hộ dân ký nhận tiền hỗ trợ tại phường Quảng Phúc, cán bộ buộc họ phải ký “nhận đủ” số tiền chi trả như trong danh sách mới được phát tiền, nhiều người dù không muốn phải ký tên để lấy tiền.
Đáng chú ý, ngay trong buổi chi trả tiền hỗ trợ, ông Nguyễn Thanh Thủy, kế toán phường Quảng Phúc, đã nói với 37 hộ có mặt hôm đó rằng: “Tỉ lệ thì chia ra cả rồi, anh em có trích lại một ít để làm chi phí đi lại kho bạc, làm hồ sơ, phòng hạ tầng và đi quyết toán nữa. Cho nên đã trích lại % rồi” – đoạn hội thoại này đã được người dân ghi âm lại.
Giải thích về việc này, ông Thủy nói rằng hôm đó ông có đến phổ biến chủ trương cho người dân mức hỗ trợ, rồi đi giải quyết công việc. Sau đó, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, thủ quỹ phường Quảng Phúc, trực tiếp chi trả tiền cho bà con, ông không biết và không rõ.
Tuy nhiên bà Oanh phủ nhận việc “bớt xén” và nói số tiền chi trả đầy đủ.
Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch phường Quảng Phúc cho biết, việc người nuôi trồng thủy sản bị “trích” lại 5% khi đến nhận tiền hỗ trợ thì phường không có chủ trương đó. Ông Thành nói chưa nghe phản ánh về việc cán bộ phường tự ý “cắt xén” tiền hỗ trợ.
Huệ Liên
Người lao động Việt có nguy cơ bị mắc kẹt tại một số nước châu Phi
Đại sứ quán Việt Nam tại Angola khuyến cáo người lao động Việt Nam tại Angola và trong nước cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định đi lao động tại các nước châu Phi gồm Cộng hòa dân chủ (CHDC) Congo, Zambia, Cộng hòa (CH) Congo.
Thông tấn xã Việt Nam hôm 12/10 cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Angola vừa cảnh báo công dân Việt Nam tránh bị lôi kéo đưa đi lao động tại các nước CHDC Congo, Zambia, CH Congo.
Ông Nguyễn Tiến Bình, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Angola (kiêm nhiệm CHDC Congo, Zambia, và CH Congo), cho hay thời gian gần đây, Đại sứ quán nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ từ những công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại một số nước.
Những công dân này cho biết đã rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do nghe môi giới lao động (cả người Việt Nam và nước ngoài) rủ rê, lôi kéo sang CHDC Congo, Zambia, và CH Congo làm việc.
Cụ thể, nhiều trường hợp lao động nam bị lôi kéo đi làm công nhân xây dựng, lái xe, với mức lương từ 1.500-3.000 USD/tháng, khi đi chỉ tạm ứng khoảng 1.000 USD. Môi giới cũng hứa hẹn nếu không làm được hoặc muốn về Việt Nam, người lao động chỉ mất tiền vé máy bay.
Một số lao động nữ được môi giới hứa giới thiệu công việc nhẹ nhàng, lương cao (tương đương từ 30-90 triệu đồng), với điều kiện ăn ở tiện nghi, nhưng trên thực tế lại bị đưa tới các cơ sở karaoke trá hình hoặc casino.
Khi người lao động đến các nước trên đã bị chủ sử dụng lao động thu giữ hộ chiếu, khấu trừ tiền ăn ở, nợ lương/giảm lương, chuyển giao cho chủ khác, khấu trừ nợ lên tới 8.000 USD với danh nghĩa chi phí đưa sang nước đó.
Khi muốn trở về Việt Nam, người lao động phải nộp tiền đền bù, nếu không chủ sử dụng lao động sẽ bị báo cảnh sát sở tại bắt giữ vì cư trú trái phép hoặc bị giam giữ, nếu tự ý bỏ trốn sẽ có thể ảnh hưởng tới an toàn của bản thân. Nhiều trường hợp không có ngoại ngữ nên rất khó khăn trong việc tự liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để bảo vệ mình.
Đại sứ quán Việt Nam tại Angola khuyến cáo người lao động Việt Nam tại Angola và trong nước cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định đi lao động tại các nước châu Phi trên.
Trong trường hợp cần hỗ trợ, người lao động tại các nước trên có thể liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola ở địa chỉ: số 74 đường Houari Boumediene, quận Miramar, thủ đô Luanda, Angola.
Email: vnemb.angola@mofa.gov.vn; sqvnangola@gmail.com.
Minh Long
‘Lừa đểu gặp lừa đảo’: Đôi vợ chồng bán tài khoản ngân hàng rồi rút trộm gần 500 triệu
Từ việc một phụ nữ tại Hà Tĩnh báo bị lừa mất 3 tỷ đồng qua mạng xã hội, một đôi vợ chồng tại TP.HCM bị phát hiện có liên quan. Bước đầu, đôi vợ chồng này bị khởi tố vì… lấy trộm tiền trong tài khoản ngân hàng nằm trong đường dây lừa đảo.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Huỳnh Lưu Hữu Minh (SN 2000, trú tại phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) và Trương Thị Ngọc Quyên (SN 2003, trú tại phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) để điều tra về hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 290, Bộ luật Hình sự 2015.
Trước đó, cơ quan điều tra nhận tin trình báo của chị T.T.H (trú tại thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) về việc chị bị một nhóm người lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 3 tỷ đồng qua mạng xã hội.
Qua điều tra, công an phát hiện hai vợ chồng Quyên và Minh có liên quan đến số tài khoản thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chị H.
Theo đó, qua mạng xã hội, hai vợ chồng Quyên và Minh quen biết một số người muốn mua thẻ tài khoản ngân hàng, trong đó có 1 người tên Trạng. Khoảng tháng 2/2022, Quyên làm và bán cho Trạng 3 thẻ tài khoản của các ngân hàng BIDV, VPBank, PVCombank với giá 1 triệu đồng/tài khoản. Các tài khoản này đều mang thông tin Trương Thị Ngọc Quyên và sử dụng số điện thoại sim rác do Trạng đưa cho Quyên để đăng ký dịch vụ Internet Banking. Sau khi mở tài khoản thành công, Quyên giao thông tin đăng nhập dịch vụ Internet Banking, thẻ ATM và sim rác cho Trạng.
Đến khoảng cuối tháng 3/2022, Minh – chồng của Quyên bị ngân hàng VPBank mời lên làm việc vì liên quan đến một tài khoản ngân hàng bị nghi ngờ sử dụng vào việc lừa đảo (ngân hàng đã khóa tài khoản). Tài khoản này do Minh bán cho Trạng trước đó.
Do đó, ngày 29/3, Quyên đến ngân hàng VPBank để làm thủ tục khóa tài khoản ngân hàng VPBank mà trước đó Quyên đã bán cho Trạng. Trước khi khóa tài khoản, Quyên đã đổi số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet Banking từ số sim rác do Trạng cung cấp sang số điện thoại chính chủ của Quyên.
Trong quá trình làm thủ tục tại ngân hàng, Quyên phát hiện trong tài khoản VPBank có số tiền hơn 54 triệu đồng nên Quyên báo cho Minh biết và thống nhất sẽ chiếm đoạt số tiền này để tiêu xài cá nhân. Sau đó, Quyên đã rút 34 triệu đồng tiền mặt và chuyển 20 triệu đồng từ tài khoản VPBank nói trên sang tài khoản của Minh.
Tiếp đó, ngày 22/4/2022 Quyên đến ngân hàng BIDV để đổi số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet Banking của tài khoản BIDV mà Quyên bán cho Trạng từ số điện thoại sim rác do Trạng cung cấp sang một số điện thoại khác.
Trong khi làm thủ tục, Quyên tiếp tục phát hiện trong tài khoản này có hơn 427 triệu đồng nên Quyên nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền trên. Tại trụ sở ngân hàng BIDV, Quyên sử dụng căn cước công dân của mình để rút 50 triệu đồng tiền mặt, đồng thời báo cho Minh về việc phát hiện trong thẻ tài khoản đã bán cho Trạng có số tiền 377 triệu đồng.
Sau đó, Minh sử dụng điện thoại của mình tải ứng dụng Remitano, rồi lấy thông tin cá nhân của Quyên để đăng ký tài khoản ví có tên “ngocquyen1705”. Từ ngày 23/4 đến ngày 25/4, Minh dùng điện thoại di động của Quyên có đăng nhập dịch vụ Internet Banking của tài khoản BIDV mà Quyên đã bán cho Trạng để chuyển toàn bộ số tiền trong thẻ vào ví Remitano “ngocquyen1705” nói trên, rồi tiếp tục chuyển tiền từ ví Remitano “ngocquyen1705” vào tài khoản ngân hàng khác của Quyên.
Hai vợ chồng Quyên và Minh thống nhất cùng nhau rút hết số tiền chiếm đoạt được tại các ngân hàng tự động ở TP.HCM bằng cách nhận diện khuôn mặt và vân tay của Quyên mà không cần thẻ ATM.
Qua điều tra, công an xác định tổng số tiền Quyên và Minh chiếm đoạt thông qua việc sử dụng thẻ tài khoản ngân hàng VPBank và BIDV đã bán cho Trạng là hơn 430 triệu đồng. Ngoài ra, Quyên còn một mình chiếm đoạt 50 triệu đồng trong tài khoản BIDV. Quyên và Minh đã sử dụng hết số tiền chiếm đoạt được để tiêu xài cá nhân.
Hiện bị can Minh bị tạm giam để phục vụ điều tra, riêng Quyên do đang mang thai và đã tới ngày dự sinh nên được tại ngoại.
Khánh Vy
Huyện miền núi Nghệ An thiệt hại hơn 215 tỷ đồng sau lũ ống, lũ quét lịch sử
Trận lũ ống, lũ quét xảy ra vào sáng sớm 2/10 đã gây thiệt hại nặng nề đối với người dân huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) với tổng thiệt hại hơn 215 tỷ đồng.
Thông tin trên do ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nói với báo chí nhà nước ngày 12/10.
Cụ thể, lũ quét đã làm 1 người chết, 621 ngôi nhà của dân bị ảnh hưởng, trong đó 55 nhà ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén bị sập hoàn toàn; 49 nhà ở Tà Cạ và Nậm Cắn bị thiệt hại nặng; số còn lại là thiệt hại từ 50% trở xuống. Tổng thiệt hại 80 tỷ đồng.
Ngành giáo dục chịu thiệt hại 5 tỷ đồng, gồm 3 điểm trường bị ảnh hưởng, thiệt hại rất nặng tại xã Tà Cạ và nhà bán trú Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Cắn bị thiệt hại 30%.
Về nông nghiệp ước thiệt hại 3,5 tỷ đồng, với 10 ha diện tích lúa rẫy của người dân xã Keng Đu, Na Ngoi, Tây Sơn… và 42 ha diện tích lúa ruộng của Na Loi, Nậm Cắn, Phà Đánh, Tà Cạ bị thiệt hại hoàn toàn. 27,5 ha lúa ruộng của xã Nậm Cắn bị thiệt hại rất nặng.
Các tuyến giao thông Quốc lộ 7 đoạn qua thị trấn Mường Xén, xã Tà Cạ và tuyến tỉnh lộ 543D; tuyến đường huyện từ Mường Xén – Tây Sơn; tuyến Khe Nằn Chiêu Lưu – Na Ngoi; tuyến Huồi Tụ – Na Loi – Keng Đu; tuyến Xiêng Thù – Bảo Thắng… và các tuyến đường liên bản, nội bản tại xã Nậm Cắn, Tà Cạ bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, ước thiệt hại 100 tỷ đồng.
Lũ quét còn gây hư hỏng hoàn toàn 7 công trình nước sinh hoạt của bản Cánh, Bình Sơn 1, bản Cầu Tám, Sơn Hà, Hòa Sơn, Sơn Thành của xã Tà Cạ; bản Noọng Dẻ của xã Nậm Cắn, ước thiệt hại 6 tỷ đồng.
Lũ quét cuốn trôi nhiều ô tô, hàng trăm xe máy, xe đạp bị vùi lấp; hàng trăm chiếc ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính, máy lọc nước, bếp ga, hồ sơ cá nhân của cán bộ, công nhân viên chức trong các cơ quan, đơn vị và nhiều cơ sở vật chất khác bị cuốn trôi, ước tính thiệt hại trên 12 tỷ đồng.
Ngoài ra, lũ quét còn làm hàng chục cột điện bị đổ, gãy, dây điện bị đứt, làm sập hoàn toàn nhà làm việc của công an xã Tà Cạ…
Hiện giới hữu trách và người dân đang khắc phục hậu quả của trận lũ.
Minh Long
Bình Thuận: Công an khởi tố vụ án liên quan đến Tina Dương
Ninh Thị Vân Anh, SN 1995, quê Bắc Giang, còn gọi là “Tina Dương”, “Anna Bắc Giang”, gây xôn xao dư luận thời gian qua do có nhiều đơn tố giác liên quan đến lừa đảo.
Chiều 12/10, Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, đã khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến Ninh Thị Vân Anh. Việc khởi tố được đưa ra sau khi cơ quan này có kết quả định giá ô tô BKS 51H-24274.
Theo công an, ô tô BKS 51H-24274 của ông D.Q.T. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho công ty Gia Đình Việt thuê từ 1/12/2021.
Từ ngày 24/1/2022, Ninh Thị Vân Anh ký hợp đồng thuê lại từ công ty trên, đã thanh toán tiền thuê 3 tháng theo hợp đồng là 45 triệu đồng và trả 5 triệu tiền công cho nhân viên công ty khi mang xe ra tận TP. Phan Thiết để giao.
Hết hạn hợp đồng thuê, Vân Anh đã có dấu hiệu chiếm đoạt chiếc xe.
Đầu tháng 6/2022, Vân Anh điều khiển xe này chạy ra TP. Ninh Bình (Ninh Bình), mở cửa hàng bán trái cây.
Đến ngày 9/6, lấy lý do là cần vốn kinh doanh, Vân Anh đã bán chiếc xe cho anh B.Đ.H. (TP. Hà Nội) với giá 450 triệu đồng.
Anh B.Đ.H. đã chuyển cho Ninh Thị Vân Anh 390 triệu đồng. Sau đó, Ninh Thị Vân Anh lên mạng xã hội đặt làm giả 1 giấy đăng ký xe ô tô BS 51H – 242.74 đưa cho anh H. để tạo lòng tin và nói chờ chủ xe là ông D.Q.T. đi công tác về sẽ làm giấy tờ và sang tên.
Cả hai hẹn đến ngày 30/6 làm thủ tục sang tên xe và giao đủ tiền, nhưng sau đó Vân Anh tránh mặt anh H. cho đến nay.
Đại diện Công ty Gia Đình Việt đã tố cáo Ninh Thị Vân Anh đến Công an tỉnh Bắc Giang và đầu tháng 7 vừa qua, cơ quan này chuyển đơn tố cáo cho công an TP. Phan Thiết.
Qua điều tra xác định, ô tô BS 51H – 242.74 đang được Vân Anh để ở Ninh Bình. Ngày 2/10, công an TP. Phan Thiết đã đến TP. Ninh Bình thu giữ chiếc xe tang vật, đưa về Bình Thuận để phục vụ điều tra.
Qua định giá tài sản trong tố tụng, ô tô BS 51H – 242.74 mà Vân Anh đã bán có giá trị trên 500 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định đủ cơ sở để khởi tố vụ án nhằm điều tra hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản đối với “Anna Bắc Giang” Ninh Thị Vân Anh.
Theo công an TP. Phan Thiết, đơn vị còn nhận nhiều đơn tố giác Vân Anh về cùng hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo thượng tá Nguyễn Ngọc Oanh, Phó trưởng Công an TP. Phan Thiết, ngày 15/8, đơn vị nhận đơn tố cáo của ông N.H.N. (38 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM) do công an tỉnh Bình Thuận chuyển đến. Ông N. tố giác Vân Anh lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền là 1,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công an TP. Phan Thiết cũng nhận đơn của ông N.Đ.P. (34 tuổi, ngụ xã Phong Nam, TP. Phan Thiết) tố cáo Vân Anh lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 400 triệu đồng và đơn của bà Đ.T.K.T. (26 tuổi, ngụ TP. Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) tố cáo Vân Anh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 800 triệu đồng.
Theo thượng tá Oanh, đơn tố giác của ông N.Đ.P. và bà Đ.T.K.T. hiện chưa đủ cơ sở xác định hành vi chiếm đoạt tài sản của N.T.V.A. Cơ quan CSĐT đang tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ, xem xét xử lý theo quy định.
Phạm Toàn