Truyền thông Ireland và Tây Ban Nha đưa tin nhà chức trách 2 nước này đang điều tra việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập “Trạm dịch vụ cảnh sát 110” ở nước ngoài. Được biết ĐCSTQ đã thiết lập hơn 50 cơ sở kiểu này gây chú ý từ nhiều Chính phủ.
Thời báo Ireland (Irish Times) hôm thứ Bảy (8/10) đưa tin Chính phủ nước này đang tìm kiếm câu trả lời từ Đại sứ quán ĐCSTQ về “Trạm dịch vụ cảnh sát 110” ở nước ngoài do ĐCSTQ thiết lập ở thủ đô Dublin. Nguồn tin cho biết Chính phủ Ireland đang xem xét liệu động thái này có tuân thủ luật pháp Ireland hay quốc tế hay không.
Một “Trạm dịch vụ cảnh sát 110” của cảnh sát Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc) đã xuất hiện ở Dublin vào đầu năm nay, trụ sở nằm trong một tòa nhà văn phòng trên phố Capel ở Dublin, chia sẻ chung địa điểm với một số cơ quan khác của Trung Quốc. Sau khi truyền thông đăng tải, vào tuần trước bảng chỉ dẫn của “trạm dịch vụ” này tại lối vào của tòa nhà đã được dỡ bỏ, đến nay không biết liệu “trạm dịch vụ” đó có còn hoạt động không. Thời báo Ireland gọi cho Đại sứ quán Trung Quốc và số điện thoại của “trạm dịch vụ 110” nhưng không được trả lời.
Đại sứ quán ĐCSTQ trước đó đã tuyên bố rằng “[trạm dịch vụ] 110 hải ngoại” nhằm hỗ trợ hành chính cho công dân Trung Quốc sống ở Ireland, chẳng hạn như hỗ trợ gia hạn giấy phép lái xe. Cơ quan chức năng ĐCSTQ phủ nhận cáo buộc vấn đề có liên quan đến các hoạt động thực thi pháp luật của Bắc Kinh.
Thời báo Ireland cho rằng Chính phủ Ireland đang đối mặt chất vấn từ Quốc hội trong vụ việc này. Ngoại trưởng Simon Coveney chỉ ra các quan chức Bộ Ngoại giao đã nêu quan ngại với với Đại sứ quán Trung Quốc về “Trạm Cảnh sát 110 hải ngoại” và “các cuộc thảo luận đang diễn ra”. Ông nói rằng các quan chức đang tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp khác trong toàn bộ Chính phủ để giải quyết vấn đề và đảm bảo động thái của Trung Quốc “áp dụng phù hợp luật pháp quốc tế và trong nước có liên quan”.
Bộ trưởng Tư pháp Helen McEntee cho biết không nghi ngờ gì về việc các trụ sở “dịch vụ cảnh sát” ở nước ngoài của ĐCSTQ này đang cung cấp các dịch vụ trong hoạt động trị an trong nước [Trung Quốc].
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cũng mở cuộc điều tra
Trong khi đó tờ El Correo của Tây Ban Nha hôm Chủ nhật (9/10) xác nhận rằng “trạm 110 hải ngoại” thực sự đã được sử dụng để thuyết phục người Trung Quốc trở về Trung Quốc xét xử. Nguồn tin dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao tại ĐCSTQ trú tại Thượng Hải cho hay: “Các hiệp ước song phương rất rườm rà, phía nhà chức trách châu Âu không muốn cho dẫn độ sang Trung Quốc, và tôi không nghĩ có gì sai khi gây áp lực buộc tội phạm (về Trung Quốc) chịu xét xử”.
Quan chức Trung Quốc này nhấn mạnh rằng những hành động như vậy không phải là bất hợp pháp theo luật pháp Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Tây Ban Nha cũng xác nhận nội dung báo cáo của một số tổ chức phi Chính phủ có tên “Người Bảo vệ An ninh” (Safeguard Defenders). Báo cáo cho thấy ít nhất 2 điểm “dịch vụ 110” của ĐCSTQ ở Tây Ban Nha được đề cập trong báo cáo thực sự đang hợp tác với cảnh sát ĐCSTQ. Những cơ sở dịch vụ 110 này có liên quan đến các hoạt động trị an bất hợp pháp [theo luật nước sở tại] của Tây Ban Nha.
Theo thông tin, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã mở cuộc điều tra.
Theo báo cáo vào tháng Chín của Safeguard Defenders cho thấy “dịch vụ 110” hải ngoại là một phần của mạng lưới toàn cầu gồm các văn phòng thực thi pháp luật ở nước ngoài của ĐCSTQ. Báo cáo trích dẫn tài liệu từ Chính phủ Trung Quốc cho biết 54 trạm dịch vụ cảnh sát hải ngoại của Hoa kiều đã tham gia hành động “khuyên trở về” nhắm vào cư dân Hoa kiều.
Báo cáo cho rằng có một số trong số “trạm 110 hải ngoại” này bị cáo buộc gây áp lực hoặc đe dọa những người nhập cư Trung Quốc và gia đình của họ để buộc họ trở về Trung Quốc. Những cư dân Trung Quốc này quay trở lại, phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì chống lại ĐCSTQ.
Báo cáo cũng chỉ rõ nhiều “hành động khuyên trở về” này của nhà chức trách ĐCSTQ tại nước ngoài là thực thi pháp luật xuyên biên giới bất hợp pháp tại nước ngoài, “rõ ràng vi phạm luật nhân quyền quốc tế và chủ quyền lãnh thổ của nước sở tại”.
Cách đặt tên của 54 “trạm dịch vụ cảnh sát” ở nước ngoài của ĐCSTQ này không đồng nhất, đã phân bố ở 30 nước mà chủ yếu nằm ở châu Âu (36 địa điểm) và một số ít hơn nằm ở Bắc Mỹ. Báo cáo nêu chi tiết các nước và thành phố nơi đặt 54 trạm này, nhưng phạm vi chỉ giới hạn thuộc “Trạm Dịch vụ Cảnh sát và Hoa kiều Phúc Châu [tỉnh Phúc Kiến]” và “Trạm dịch vụ Cảnh sát Hoa kiều” của Thanh Điền – Chiết Giang.
Báo cáo chỉ ra các trạm dịch vụ cảnh sát người Hoa như vậy có liên hệ với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, một trong những mục đích là để kiểm soát công dân Trung Quốc. Những cơ sở đó vi phạm các quy định của nước sở tại khi không đăng ký việc họ có liên lạc với cảnh sát ĐCSTQ.
Nhà chức trách ĐCSTQ cho biết kể từ tháng 4/2021 đã có khoảng 230.000 người Hoa tại hải ngoại “được thuyết phục” trở về Trung Quốc. Nhiều người đã bị cáo buộc tham gia vào các vụ lừa đảo qua điện thoại nhắm vào công dân Trung Quốc trong và ngoài nước.
Tờ Daily Telegraph của Anh đưa tin rằng ở thủ đô London có 2 “trạm dịch vụ cảnh sát 110” của ĐCSTQ lần lượt là văn phòng môi giới bất động sản và văn phòng phân phối thực phẩm, ngoài ra ở Glasgow có một trạm khác trong một nhà hàng Trung Quốc.
Tờ Globe and Mail của Canada đã điều tra 3 trạm dịch vụ cảnh sát cho người Hoa ở nước ngoài kiểu này ở Canada: một địa điểm tại nhà riêng, một địa điểm khác tại một trung tâm mua sắm tập trung nhiều doanh nghiệp và nhà hàng nhỏ của Trung Quốc, còn địa điểm thứ 3 tại một khu thương mại.
Theo Lâm Yến, Epoch Times