Tin thế giới tối thứ Năm: Pháp tuyên bố sẽ cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine

Pháp tuyên bố sẽ cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố hôm 12/10 vừa qua rằng nước này sẽ cung cấp hệ thống phòng không và radar cho Ukraine trong những tuần tới, theo hãng tin Reuters.
hệ thống phòng không
Lựu pháo Caesar. (Ảnh: Flying Camera/Shutterstock)

Cụ thể, Tổng thống Macron cho biết rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang bước vào giai đoạn chưa từng có. Một làn sóng không kích vào các thành phố của Ukraine trong tuần này đã làm gia tăng rủi ro, khiến Kyiv yêu cầu các bên ủng hộ cung cấp thêm vũ khí, bao gồm hệ thống phòng không.

Tổng thống Macron cho biết hệ thống radar và tên lửa phòng không sẽ được chuyển giao trong những tuần tới nhằm bảo vệ Ukraine trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái. Dẫu vậy, nhà lãnh đạo này không tiết lộ chi tiết loại tên lửa phòng không nào cũng như số lượng vũ khí sẽ được chuyển cho Ukraine.

Không chỉ hệ thống phòng không, Pháp xác nhận đã thống nhất với Đan Mạch chuyển 6 khẩu pháo tự hành Caesar đã đặt của nước này sang cho Ukraine. Chi tiết giao dịch vẫn chưa được công bố.

Trước đây Paris từng cung cấp tên lửa phòng không vác vai Mistral cho Ukraine. Một nguồn tin biết về vấn đề này tiết lộ rất có thể Pháp sẽ cung cấp tên lửa phòng không tầm ngắn Crotale, được sử dụng để đánh chặn tên lửa và máy bay tầm thấp.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ukraine đã đăng một đoạn video lên mạng xã hội vào ngày 12/10, trong đó thúc giục Pháp thể hiện sự ủng hộ của nước này thông qua động thái cung cấp vũ khí sau nhiều lần chỉ trích Paris làm chưa đủ.

Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết họ đang tăng cường hỗ trợ sườn phía đông của NATO bằng việc điều động thêm xe tăng đến Romania, máy bay chiến đấu Rafale đến Litva và lực lượng bộ binh tới Estonia.

Phan Anh

Mỹ xem xét cấm hoàn toàn việc nhập khẩu nhôm từ Nga

Hôm 12/10 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang xem xét áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc nhập khẩu nhôm từ Nga, theo tờ Reuters.

Cụ thể, hãng tin Reuters đã dẫn các nguồn thạo tin cho hay rằng Nhà Trắng đang cân nhắc một lệnh cấm hoàn toàn, tăng thuế quan lên mức trừng phạt để có thể áp đặt lệnh cấm có hiệu quả, hoặc trừng phạt công ty sản xuất kim loại của Nga, United Co Rusal International PJSC, nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.

Nhà Trắng đã kiềm chế việc áp đặt biện trừng phạt cấm nhập khẩu nhôm của Nga khi nước này bắt đầu tiến hành cuộc tấn công nhắm vào Ukraine do lo ngại điều này có thể làm gián đoạn hoạt động cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện có ít hơn các sản phẩm nhôm của Nga để Mỹ và các đồng minh của Ukraine có thể áp đặt lệnh cấm và cuộc thảo luận của Nhà Trắng về lệnh cấm đã diễn ra trong nhiều tuần qua.

Ở một diễn biến khác, sau khi Nga tiến hành không kích các thành phố của Ukraine nhằm trả đũa vụ nổ trên cầu Crimea, phía Mỹ đã đẩy nhanh chuyển giao vũ khí cho Ukraine, theo hãng tin CNN.

Mỹ đang tăng tốc vận chuyển 2 hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine trong bối cảnh Tổng thống Volodymyr Zelenskiy yêu cầu phương Tây tăng cường việc cung cấp vũ khí tân tiến hơn để đối phó với Nga.

Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố rằng tập đoàn Raytheon của Mỹ sẽ đẩy nhanh tiến độ lắp ráp các đơn vị Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) bằng cách sử dụng các bộ phận hiện có thay vì chế tạo mới. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang ký hợp đồng để sản xuất nhiều bộ phận khác trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine.

Lầu Năm Góc cho hay trong một tuyên bố đưa ra hôm 11/10 vừa qua: “Chúng tôi đang sử dụng một số công cụ để chuyển tiền và hoàn thành quá trình ký hợp đồng một cách nhanh chóng. Chúng tôi tập trung vào tốc độ và đây là một ví dụ về khả năng làm việc nhanh chóng với ngành này để đẩy nhanh quá trình giao vũ khí”.

Phan Anh

Chuyên gia: Moscow chịu áp lực nặng nề, Belarus có khả năng tham chiến

TT Belarus có nhiều động thái quân sự gây chú ý trong tuần này gần biên giới với Ukraine. (Ảnh minh họa: Sasa Dzambic Photography/Shutterstock)

Gần đây Belarus đã có nhiều hoạt động quân sự thu hút sự lo ngại của Ukraine và phương Tây như một dấu hiệu cho thấy Tổng thống (TT) Alexander Lukashenko có thể sử dụng quân đội Belarus để hỗ trợ chiến tranh tại quốc gia láng giềng. Vào tháng 2, khi Nga xâm lược Ukraine đã sử dụng Belarus như một hướng tấn công trên bộ.

Theo đó, ông Lukashenko đã ra lệnh cho quân đội triển khai với các lực lượng Nga gần biên giới Ukraine và Bộ Quốc phòng của ông cho biết các cuộc tập trận “sẵn sàng chiến đấu” đang được tiến hành.

Hôm thứ Ba, Bộ Nội vụ đã tổ chức các cuộc tập trận để loại bỏ “các nhóm phá hoại” gần Yelsk, chỉ cách biên giới với Ukraine 20km.

TT Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu liên minh các nước thuộc khối G7 (G7) đặt một phái bộ quan sát viên quốc tế gần biên giới, trong khi Pháp cảnh báo Belarus rằng họ có thể phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây hơn nếu họ tăng cường sự tham gia của mình vào chiến trường Ukraine.

Belarus cho phép Nga được sử dụng lãnh thổ làm bệ phóng cho cuộc xâm lược Ukraine vào hôm 24/2, nhưng đã không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến.

Các nhà phân tích cho rằng ông Lukashenko sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu ông tham gia cuộc chiến, vào thời điểm này Moscow đang quay cuồng với một loạt thất bại và phải đối mặt với những lời chỉ trích công khai chưa từng có về những lần thua trận của các tướng lĩnh.

Nhưng phương Tây hoài nghi rằng sự can thiệp của Belarus sẽ tạo ra nhiều khác biệt. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, các lực lượng vũ trang của nó chỉ có tổng cộng 48.000 nhân viên, và đã không chiến đấu trong một cuộc chiến tranh trong hơn 30 năm độc lập kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

“Đó không hẳn là một lực lượng vũ trang đã được thử nghiệm chiến đấu”, Samir Puri, tác giả cuốn sách “Con đường chiến tranh của Nga với Ukraine” cho biết.

Tuy nhiên, ông nói rằng nguy cơ can thiệp của Belarus có thể buộc Ukraine phải tăng cường an ninh ở phía Bắc đất nước, kéo các lực lượng ra khỏi tiền tuyến với Nga ở phía Nam và phía Đông.

Việc ông Zelenskyy kêu gọi các nhà quan sát nước ngoài là một dấu hiệu cho thấy Ukraine coi trọng rủi ro nhưng nó có thể không khả thi về mặt ngoại giao, ông Puri nói.

Không rõ ai sẽ cung cấp một lực lượng như vậy, vì Moscow sẽ phủ quyết bất kỳ vai trò nào của Liên Hợp Quốc và các nhà quan sát NATO hoặc EU có thể bị lôi kéo vào các cuộc đụng độ với các lực lượng Nga.

Bộ Quốc phòng Belarus đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Hôm thứ Ba, họ cho biết việc triển khai với quân đội Nga là một biện pháp phòng thủ “nhằm đáp trả đầy đủ các hành động gần biên giới của chúng tôi”.

Belarus có chung biên giới với 3 thành viên của khối NATO, một yếu tố cũng có thể là một phần trong tính toán của TT Putin khi ông tìm cách lôi kéo đồng minh của mình vào cuộc chiến.

Nhất Tín, theo Channelnewsasia

Ukraina nói 75 khu định cư được giải phóng ở Kherson

Ông Yaroslav Yanushevych, người đứng đầu Cục quản lý quân sự Kherson.

Ông Yaroslav Yanushevych, người đứng đầu Cục quản lý quân sự Kherson cho biết quân phòng thủ Ukraine đã giải phóng 75 khu định cư trong khu vực.

Ông Yanushevych phát biểu trên truyền hình quốc gia: “75 khu định cư ở Kherson đã được xác nhận giải phóng khỏi quân xâm lược Nga. Chỉ trong tháng 10, Lực lượng vũ trang Ukraine đã giành lại 29 khu định cư và treo lá cờ xanh-vàng”.

Vị quan chức Ukraina nhấn mạnh: “Việc giải phóng Kherson vẫn tiếp tục. Tôi không thể nói [bất kỳ] điều gì thêm, bởi vì cần phải duy trì sự bí mật về thông tin, nhưng chúng ta nên mong đợi tin tốt mỗi ngày.”

Theo ông Yanushevych, tình trạng tại các khu định cư được giải phóng là rất khủng khiếp: lính Nga đã phá hủy rất nhiều nhà cửa, bệnh viện, trường học, đường ống dẫn khí đốt, đường dây điện,…

Trước đó, ông Yanushevych nói rằng thông tin liên lạc di động đang dần được khôi phục tại các khu định cư đã được giải phóng ở Kherson.

Trần Phong

Tỷ phú Elon Musk phủ nhận nói chuyện với ông Putin về chiến tranh Ukraina

Tỷ phú Elon Musk phủ nhận nói chuyện với ông Putin về chiến tranh Ukraina

Tỷ phú Elon Musk phủ nhận tin ông nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi đăng trên Twitter cuộc thăm dò về các đề xuất chấm dứt cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina.

Người đứng đầu công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, Ian Bremmer cáo buộc, chính ông Musk đã cho mình biết về cuộc nói chuyện với ông Putin.

“Elon Musk nói với tôi rằng ông ấy đã nói chuyện trực tiếp với Putin và Điện Kremlin về Ukraina. Ông ấy cũng cho tôi biết những lằn ranh đỏ của Điện Kremlin là gì ”, ông Bremmer viết trên twitter.

Nhưng Elon Musk hiện đã bác bỏ thông tin trên. “Tôi chỉ nói chuyện với Putin một lần và đó là khoảng 18 tháng trước. Chủ đề là không gian”, ông Musk viết trên Twitter.

Tuần trước, CEO của Tesla đã kêu gọi 107,7 triệu người theo dõi của mình bầu chọn về cách giải quyết cuộc chiến Ukraina.

Các lựa chọn trong cuộc thăm dò bao gồm đề xuất tổ chức bỏ phiếu ở những vùng của Ukraina bị Nga chiếm đóng mà Điện Kremlin đã tuyên bố sáp nhập. Ý kiến của ông được Matxcova hoan nghênh.

Tỷ phú này nói “Nga rút đi nếu đó là ý muốn của người dân.”

Tổng thống Putin đã tuyên bố bốn khu vực của Ukraina là một phần của Nga, sau cái gọi là trưng cầu dân ý mà Kyiv và các đồng minh phương Tây tố cáo là gian lận. Nga không hoàn toàn kiểm soát bất kỳ khu vực nào trong bốn nơi này.

Ông Musk cũng đề nghị thế giới “chính thức” công nhận Crimea – bị Matxcova sáp nhập bất hợp pháp năm 2014 – là một phần của Nga.

Cuộc thăm dò trên Twitter của ông Musk gây tranh cãi khắp nơi.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraina Dmytro Kuleba nói những người đề nghị Ukraina từ bỏ người dân và đất đai mình “nên ngừng dùng chữ ‘hòa bình’ như một lối uyển ngữ để ‘cho phép người Nga sát hại và hãm hiếp hàng ngàn người Ukraina vô tội, và chiếm thêm đất đai’.”

Kiện tướng cờ vua người Nga Garry Kasparov gọi câu tweet của ông Musk là “phát biểu ngu dốt về đạo đức, lặp lại tuyên truyền của Điện Kremlin, và phản bội lòng dũng cảm và sự hy sinh của người Ukraina.”

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hoan nghênh các đề nghị của ông Musk, nói “Rất tốt khi một người như Elon Musk tìm kiếm biện pháp hòa bình để rút khỏi tình trạng hiện giờ.”

Đầu chiến tranh, tỷ phú này rất được yêu thích ở Ukraina khi gửi các trạm internet vệ tinh Starlink tới Ukraina. Sau đó, ông được Tổng thống Volodymyr Zelenskyy mời đến thăm.

Nhưng những câu tweet gần đây của ông đã làm mối quan hệ trở nên xấu đi, và ông Zelenskyy phản bác nặng nề các thăm dò của ông Musk trên Twitter.

Trần Phong

NATO: Nếu Nga tấn công hạt nhân, sẽ có ngay “phản ứng vật chất”

Một cuộc tấn công hạt nhân của Nga sẽ thay đổi tiến trình của cuộc xung đột và gần như chắc chắn gây ra “phản ứng vật chất” từ các đồng minh của Ukraine và có khả năng từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, một quan chức cấp cao của NATO cho biết hôm thứ Tư (12/10).

“Bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Moscow sẽ gây ra hậu quả chưa từng có đối với Nga,” quan chức này cho biết trước cuộc họp kín của nhóm hoạch định hạt nhân của NATO hôm thứ Năm.

Nói với điều kiện giấu tên, ông cho biết một cuộc tấn công hạt nhân của Moscow “gần như chắc chắn sẽ đưa đến phản ứng vật chất từ nhiều đồng minh, và có khả năng từ chính NATO”.

Tuy nhiên, Moscow dường như vẫn chỉ đang đe dọa hạt nhân, chủ yếu để ngăn chặn NATO và các quốc gia khác trực tiếp tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, ông nói thêm.

Hơn bảy tháng sau cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã chịu tổn thất lớn về người và thiết bị và bị đánh bại trên một số mặt trận trong tháng trước.

Đáp lại, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố việc sáp nhập các lãnh thổ Ukraine và đe dọa sẽ bảo vệ chúng bằng vũ khí hạt nhân.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hồi tháng trước cho biết Mỹ đã nói rõ với Moscow về “hậu quả thảm khốc” mà nước này sẽ phải đối mặt nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Tuy nhiên, ông Sullivan không nêu chi tiết các phản ứng theo kế hoạch của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, phát biểu trước các phóng viên tại trụ sở NATO hôm thứ Tư, cho biết Hoa Kỳ đang theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào về sự thay đổi đáng lo ngại trong các động thái hạt nhân của Nga.

“Chúng tôi chưa thấy bất kỳ chỉ số nào vào thời điểm này cho thấy điều đó [Nga sử dụng vũ khí hạt nhân],” ông Austin nói.

Các nhà ngoại giao cho rằng Moscow đang cố gắng khiến phương Tây giảm bớt sự ủng hộ đối với Kyiv bằng cách ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để bảo vệ các vùng lãnh thổ đã sáp nhập của Ukraine.

Trong khi đó, NATO cho biết họ sẽ tiến hành cuộc tập trận chuẩn bị hạt nhân thường niên mang tên “Steadfast Noon” vào tuần tới, trong đó lực lượng không quân NATO thực hành việc sử dụng bom hạt nhân của Mỹ đặt tại châu Âu với các chuyến bay huấn luyện.

Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết việc hủy bỏ các cuộc tập trận vì cuộc chiến ở Ukraine sẽ phát đi một “tín hiệu rất sai lầm”.

Ông nói: “Đây là một cuộc tập trận để đảm bảo rằng hoạt động răn đe hạt nhân của chúng ta vẫn an toàn, bảo mật và hiệu quả,” đồng thời nói thêm rằng sức mạnh quân sự của NATO là cách tốt nhất để ngăn chặn bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào.

Chủ tịch Wealth Magazine: Cuộc chiến chip Mỹ – Trung “đánh đến chết”, không có đường lui

Mỹ đã thông qua “Đạo luật chip” vào tháng 8, chính quyền Biden vào ngày 7/10 tuyên bố rằng họ sẽ hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc và ngăn chặn hoàn toàn việc ĐCSTQ có được chip cao cấp. Ông Tạ Kim Hà, Chủ tịch của Wealth Magazine Đài Loan, chỉ ra rằng cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc đang “đánh đến chết” và không có đường lui.

Ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), người sáng lập TSMC, đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với người dẫn chương trình Lesley Stahl của Đài CBS, Trong cuộc phỏng vấn, ông Trương Trung Mưu đặc biệt đề cập đến tấm chắn silicon của con chip. Ông nói một số người Đài Loan tin rằng ngành công nghiệp chip có thể bảo vệ họ khỏi cuộc tấn công của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông nhấn mạnh rằng nếu lợi ích kinh tế là ưu tiên của “người đó”, thì họ sẽ tránh tấn công; nếu ưu tiên của “người đó” là xâm lược Đài Loan, thì mọi thứ sẽ bị phá hủy.

Ông Tạ Kim Hà cho biết trong một bài đăng trên Facebook: “Nhận xét này đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu TSMC, với khoảng cách trong một ngày là 36,5 Đài tệ, và chứng khoán Đài Loan cũng giảm 596,25 điểm. Trong năm qua, chứng khoán Đài Loan đã tăng mạnh nhờ TSMC, TSMC đã tăng lên 688 Đài tệ, chỉ số cũng tăng lên 18.619,63, lần này TSMC ghi giá thấp nhất là 401 Đài tệ, chứng khoán Đài Loan cũng phải đối mặt với thử thách 13.000 điểm.”

Ông Tạ Kim Hà chỉ ra rằng mặc dù doanh thu của TSMC trong 3 quý đầu năm nay là 1.638 tỷ Đài tệ, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần trong nửa đầu năm là 16,96 Đài tệ, hoạt động của TSMC vẫn không thể để chống chọi với đà suy giảm. Mấu chốt lớn nhất là cuộc chiến chip Mỹ – Trung vốn đã hướng đến một tình thế tuyệt vọng “chiến đấu đến cùng”.

Tổng thống Mỹ Biden đã ký “Đạo luật CHIPS và Khoa học” (CHIPS and Science Act) vào ngày 9/8 để chuẩn bị cho cuộc chạy đua công nghệ chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Tạ Kim Hà chỉ ra rằng Mỹ đã chặn ĐCSTQ từ điểm đến mặt, từ “Đạo luật CHIPS” đến “Liên minh bộ tứ chip”, cho đến các hạn chế EDA (phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử), kiểm soát xuất khẩu chip AI và GPU đối với Nvidia và AMD.

Ông Tạ Kim Hà nói rằng cuộc chiến chip này của Mỹ có trọng điểm vây chặn toàn diện, bao gồm cấm bán chip cao cấp cho Trung Quốc, cấm dòng chảy của các công nghệ liên quan vào Trung Quốc và cấm người Mỹ (bao gồm cả người Trung Quốc có hộ chiếu Mỹ) làm việc cho ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Điều này tương đương với cuộc chiến về các sản phẩm, công nghệ và nhân tài. Do đó, tờ Financial Times của Anh mô tả rằng Mỹ đang cố gắng “đánh cho ĐCSTQ trở lại thời kỳ đồ đá”.

Ông nói rằng đòn sát thủ này của Chính phủ Mỹ cũng sẽ làm tổn hại đến ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Chỉ số SOX giảm 44,75%, Nvidia giảm 67%, AMD giảm 64%, TSMC Adr cũng giảm 53,95%, TSMC của Đài Loan tất nhiên không thể chống lại “sự giết chóc” này. Tiếp theo, có một vấn đề nghiêm trọng ở Đài Loan, ngành thiết kế vi mạch của Đài Loan đều là lấy thị trường Trung Quốc để vươn ra biển lớn, những công ty có doanh thu trên 5 tỷ Đài tệ thì có đến 50% là tại thị trường Trung Quốc, trong đó có 6 công ty chiếm 80% của thị trường Trung Quốc.

Ông chỉ ra rằng trước đây, Mỹ đã liệt kê danh sách thực thể, công ty Đài Loan vẫn có thể bước đi trong vùng xám, nhưng hiện giờ lỗ hổng đã bị bịt lại, tình hình kinh doanh trong tương lai có thể đối mặt với thử thách lớn. Ngày 11/10, có rất nhiều công ty mở cửa sàn giao dịch đã đặt giới hạn xuống, tương lai áp lực e là sẽ nặng nề hơn nữa.

Chung Nguyên, theo Epoch Times

Related posts