Thượng Hải bác tin đồn việc cung cấp nước có vấn đề, người dân mua nước tích trữ
Do hiện tượng xâm nhập mặn, chất lượng nước của nhiều hồ chứa tại cửa sông Dương Tử ở Thượng Hải đã vượt quá tiêu chuẩn về nồng độ clorua. Việc này khiến người dân Thượng Hải hoảng sợ, nhiều người dân bắt đầu tích trữ nước.
Trước đó, cư dân mạng đăng ảnh chụp màn hình đoạn chat với các quan chức chính quyền Thượng Hải cho biết nguồn nước của 3 hồ chứa lớn tại đây đang cạn kiệt. Hạn hán ở thượng nguồn khiến nguồn nước không được bổ sung, chất lượng nước máy dân dụng đã vượt tiêu chuẩn 4 lần. Vì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 (Đại hội 20) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp diễn ra, tin tức chưa được công bố, cho nên có lời kêu gọi mọi người hãy tích trữ nước tinh khiết. Một cư dân mạng khác tiết lộ: “Trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 đến nay, nước máy của chúng tôi có màu hơi vàng, có mùi rỉ sét”.
Hồ chứa Qingcaosha (Thanh Thảo Sa) và Hồ chứa Chenhang (Trần Hàng) lần lượt là hồ chứa lớn nhất và lớn thứ ba ở Thượng Hải, đồng thời cũng là nguồn nước chính tại đây. Theo giám sát trước đó của cơ quan cấp nước Thượng Hải, lượng nước của hồ chứa Qingcaosha đã trải qua một số đợt xâm nhập của thủy triều kể từ 10h tối ngày 5/9, và của hồ chứa Chenhang kể từ 4h chiều ngày 14/9. Trang Caixin đưa tin vào ngày 11/10, do ảnh hưởng của việc xâm nhập mặn, cả hồ chứa Qingcaosha và hồ chứa Chenhang đã chọn đóng cửa lấy nước.
Vào tối ngày 11/10, tài khoản chính thức của Cục các vấn đề nước Thượng Hải thông báo rằng cửa sông Dương Tử đã bị xâm nhập mặn từ đầu tháng 9, nhưng bác tin đồn và cho rằng “việc sản xuất và cung cấp nước máy vẫn bình thường, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn”. Cùng ngày, Weibo chính thức của Thượng Hải cho biết việc cung cấp nước ở Thượng Hải diễn ra bình thường và có trật tự.
Xâm nhập thủy triều mặn diễn ra tại nơi tiếp giáp của sông và biển, khi dòng chảy sông nước ngọt ở thượng nguồn không đủ, nước biển sẽ đổ vào cửa sông, từ đó hình thành thủy triều mặn. Xâm nhập mặn có thể dẫn đến tăng nồng độ clorua trong nước.
Sau khi chính quyền bác tin đồn, người dân cho rằng vấn đề chất lượng nước là có thật:
“Ít nghe lời của chính quyền, nghe nhiều sẽ thành thảm họa, nên tích trữ thì hãy tích trữ đi.”
“Mau tích trữ nước đi. Còn nhớ đại dịch Thượng Hải đã cắt đứt hậu cần ở Giang Tô, giá của rau quả tăng vọt trong một tháng.”
“Chính quyền Thượng Hải bác tin đồn rồi, được rồi, lập tức đặt hàng mua nước.”
“Hễ tin đồn bị phản bác, vậy thì đúng rồi, hãy nhanh tích trữ nước đi.”
“Tôi vốn là người Thượng Hải không tích trữ nước, nhưng khi tôi thấy chính quyền bác tin đồn, tôi đã nhanh chóng đặt hàng để dự trữ nước.”
“Tự dưng tôi nghĩ đến câu nói của nửa đầu năm nay ‘Có thể lừa tôi, nhưng hãy chú ý số lần lừa được’. Mặc cho tin đồn là thật hay giả, dù sao thì tôi cũng đã mua nước để tích trữ rồi…”
Vào tháng 3 năm nay, các quan chức tuyên bố rằng thành phố Thượng Hải sẽ không bị phong tỏa và không cần phải tích trữ vật tư một cách mù quáng, nhưng ngay lập tức sau đó thành phố này đã bị phong tỏa. Việc thành phố bị đóng cửa đột ngột dẫn đến nhiều thảm họa thứ cấp: chết đói không có thức ăn, chết vì bệnh tật mà không được chữa trị, tự tử bằng cách nhảy lầu, phụ nữ mang thai bị đánh đập, v.v. “Tiếng nói tháng Tư” là chỉ về đoạn phim ngắn ghi lại nhiều thảm họa thứ cấp khác nhau khi Thượng Hải bị phong tỏa.
Nồng độ clorua trong chất lượng nước vượt quá tiêu chuẩn, người dân Thượng Hải tích trữ nước
Bà Mã, một công dân Thượng Hải, nói với phóng viên Epoch Times vào tối ngày 11/10 rằng tin tức về chất lượng nước được phỏng đoán là đúng sự thật. Nếu đúng như vậy thì vấn đề là rất nghiêm trọng.
Bà Mã nói: “Trong cuộc sống của chúng tôi, hồ Qingcao thực sự là một nguồn nước rất quan trọng, chiếm gần một nửa nguồn nước của Thượng Hải. Chỉ riêng điều này đã ảnh hưởng đến một nửa số người của Thượng Hải.”
Ông Hà, một cư dân ở Thượng Hải, nói với phóng viên Epoch Times vào tối ngày 11/10: “Nếu tin tức được lan truyền, nước sạch và nước khoáng có thể bị tranh nhau mua hết trong chốc lát.”
Hình ảnh trên Weibo tại Trung Quốc Đại Lục (ảnh 1, ảnh 2) cho thấy người dân Thượng Hải mua nước trong siêu thị hoặc mua nước trực tuyến. Cư dân mạng cho rằng “nhiều người ở Thượng Hải đang dự trữ nước” và chỉ ra rằng các siêu thị, sân ga và một số nhãn hiệu nước uống đã hết hàng.
Ông Phạm, một công dân Thượng Hải, nói với Epoch Times vào ngày 12/10: “Hiện tại nước từ sông Dương Tử đã ít hơn, và chúng tôi không biết lượng nước trong hồ chứa còn có thể dùng được sẽ tồn tại trong bao lâu”.
“Tôi chuẩn bị tiêu nhiều tiền hơn để mua cây lọc nước. Vì lượng nước tiêu thụ rất lớn, mua nước về thì lại chiếm dụng không gian, trong khi chỉ cần lọc nước nhiễm mặn một chút thì chất lượng tương tự như nước đóng chai.”
Vào ngày 12/10, người dân Thượng Hải đăng một đoạn video nói rằng nước trong nhà của họ đã bị cắt nước.
Phóng viên của Epoch Times phát hiện Weibo chính thức của Văn phòng Quản lý Cấp nước Thượng Hải bắt đầu đăng thông tin về tình trạng tạm ngưng cấp nước từ ngày 8/10 và kéo dài đến ngày 11/10.
Trang Caixin đưa tin, vào đầu tháng 8 năm nay, dữ liệu quan trắc thủy văn cho thấy nồng độ clorua ở các sông bên ngoài cửa cống như Sanjiagang (Tam Giáp Cảng) dọc theo cửa sông Dương Tử ở Phố Đông tiếp tục “vượt tiêu chuẩn”. Kể từ ngày 15/8, nồng độ clorua trong các cửa hút nước của một số cửa sông Dương Tử đã lần lượt vượt quá tiêu chuẩn.
Báo cáo cho biết, đợt xâm nhập mặn năm nay đến sớm, kéo dài và ảnh hưởng lớn, nguyên nhân chính là do hạn hán liên tục ở lưu vực sông Dương Tử và thiếu nước ở thượng nguồn. Vào tháng 9, bị ảnh hưởng bởi các cơn bão như Hinnamnor, Muifa, Nanmadu, nước biển đã tràn vào cửa sông Dương Tử.
Tiêu Luật Sinh, Lạc Á / Epoch Times
Nga cấm bác sĩ, nhân viên y tế rời khỏi đất nước
Các bác sĩ và nhân viên y tế Nga đã được chính quyền yêu cầu không được rời khỏi đất nước, theo các hãng tin địa phương.
Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga đưa tin, ủy ban chăm sóc sức khỏe của St.Petersburg nói với các nhân viên bệnh viện trong một bức thư rằng họ không được rời khỏi đất nước cho các chuyến đi liên quan đến công việc vì “lý do an ninh”.
“Cho đến khi có thông báo mới, người đứng đầu và nhân viên của các tổ chức trực thuộc ủy ban y tế phải hạn chế các chuyến công tác ra nước ngoài, bao gồm cả lãnh thổ của các quốc gia thành viên CIS”, chủ tịch ủy ban chăm sóc sức khỏe Dmitry Lisovets ký cho biết.
Tài liệu đề cập đến Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), một khối chính trị do Nga lãnh đạo bao gồm Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc gặp với những người đứng đầu cơ quan tình báo của các nước CIS tại Cung điện Constantine gần St.Petersburg vào ngày sinh nhật lần thứ 70 của ông hôm ngày 7/10.
Các nhân viên y tế và bác sĩ cũng được thông báo rằng du lịch với tư cách cá nhân sẽ phải được phép của thống đốc thành phố và nếu được chấp thuận, sẽ chỉ được phép đến các nước CIS.
Hãng thông tấn địa phương Fontanka đưa tin, các y tá và bác sĩ đã được yêu cầu ký vào “một tờ giấy không rời khỏi Liên bang Nga, bao gồm cả các nước CIS”.
Ủy ban không giải thích lý do tại sao biện pháp được thực hiện.
Động thái này diễn ra khi các quan chức quốc phòng cho biết 300.000 người Nga sẽ được huy động để chiến đấu ở Ukraine như một phần của sắc lệnh động viên một phần của ông Putin, được công bố vào ngày 21 tháng 9.
Sau khi ông Putin công bố lệnh điều động, Quốc hội Nga cho biết có thể triệu tập khoảng 3.000 bác sĩ và nhân viên y tế.
Các nhân viên y tế được huy động sẽ là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học quân y được đào tạo về y học dã chiến, bác sĩ có kinh nghiệm chiến đấu và tốt nghiệp đại học quân y chuyên ngành phẫu thuật, gây mê và chấn thương.
Một quan chức Nga cho biết: “Những y tá không được đào tạo thích hợp cũng như không có kinh nghiệm làm việc trong điều kiện chiến đấu sẽ không được huy động, họ không phải là đối tượng điều động”. “Hơn nữa, nhân viên y tế sẽ không được huy động từ các cơ sở y tế nông thôn…”
Ít nhất 370.000 người Nga đã chạy sang các quốc gia láng giềng, bao gồm Georgia, Phần Lan, Kazakhstan và Mông Cổ để tránh bị nhập ngũ. Con số này nhiều hơn tổng số mà các quan chức quốc phòng cho biết sẽ nhập ngũ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 4/10 thông báo hơn 200.000 người đã nhập ngũ cho đến nay.
Bộ Quốc phòng Nga trước đây đã nói rằng việc huy động không đặt ra hạn chế đối với việc di chuyển của công dân.
Ngân Hà
Ông Zelensky tweet bằng tiếng Trung được cư dân mạng Trung Quốc ủng hộ sôi nổi
Bình Minh
Hôm thứ Năm (13/10), trong một dòng tweet, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn các quốc gia ủng hộ Ukraine bằng các ngôn ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập, và cả tiếng Trung giản thể. Cư dân mạng bình luận rằng kỳ thực ông Zelensky đang “tát thẳng” vào mặt Chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hồi tháng 9, sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, Moscow tuyên bố sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia. Ukraine và nhiều nước phương Tây đã lên án động thái này.
Hôm thứ Tư (12/10), các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã áp đảo thông qua nghị quyết lên án Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, trong đó Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Ông Zelensky viết bằng tiếng Trung giản thể rằng: “Cảm ơn 143 quốc gia đã ủng hộ nghị quyết lịch sử của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) ‘Về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine: Duy trì các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc’. Thế giới đã biểu đạt rằng: Nỗ lực thôn tính lãnh thổ của Nga là vô hiệu, và sẽ không bao giờ sẽ được các quốc gia tự do công nhận.”
感谢143个国家支持#联合国大会 “关于乌克兰领土完整:维护联合国宪章原则”的历史性决议。世界已表态:俄罗斯企图吞并领土是无效的,且永远不会得到自由国家的承认。
— Володимир Зеленський (@ZelenskyyUa) October 13, 2022
Trong cuộc bỏ phiếu, 143 quốc gia (tương đương 3/4 trong số 193 thành viên) không công nhận việc mở rộng lãnh thổ mới nhất của Nga, nhưng cũng có 35 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc bỏ phiếu trắng gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi, Thái Lan và Việt Nam.
5 nước bỏ phiếu phản đối gồm Nga, Syria, Nicaragua, Triều Tiên và Belarus; số còn lại không bỏ phiếu.
Dòng tweet bằng tiếng Trung này của Tổng thống Zelensky đã nhận được 30.000 lượt thích và 4.000 lượt ‘retweet’ (chia sẻ) trong vòng 4 hoặc 5 giờ, và đang rất hot.
Cư dân mạng @ Gavin_188 nói bằng tiếng Trung giản thể: “Tiếng Trung, tát thẳng vào mặt”; @ DB8906 nói: “Tôi cứ nghĩ rằng điện thoại trục trặc, tiếng Trung tát thẳng vào mặt”.
Nhiều người Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine, có người cáo buộc ĐCSTQ là xã hội đen, hy vọng ông Zelensky sẽ nhìn ra sự thật càng sớm càng tốt.
(John: “ĐCSTQ là một tổ chức xã hội đen lưu manh tự tư tự lợi, mong ông Zelensky hãy nhận rõ bộ mặt phản nhân loại này. Các bạn đã bị lừa hàng không mẫu hạm, bị lừa giải giáp vũ khí hạt nhân, trong đó đều có công lao của ĐCSTQ.”
Isabella Huang: “Thưa ngài Tổng thống, toàn thế giới yêu chuộng hòa bình, và những người yêu mến ngôi nhà của mình đều đứng về phía ngài và người dân đất nước ngài, ủng hộ các bạn. Xin hãy tiếp tục kiên trì, thắng lợi và vinh quang chắc chắn sẽ thuộc về Ukraine.”)
Một số người so sánh ĐCSTQ với “nước Nga miền Nam”.
(404: “Cố tình tweet bằng tiếng Trung là để nói cho miền Nam nước Nga nghe.”
Minh Tùng: “Vinh quang thuộc về Ukraine”
iFreedom: “Ông Zelensky làm tuyệt lắm, tweet bằng tiếng Trung, còn để cho ai xem nữa, những người hiểu đều hiểu, 193 nước thành viên bỏ phiếu, 143 nước tán thành, Trung Quốc cộng sản đã bỏ phiếu trắng.”)
Nhiều người cũng thích dòng tweet của ông Zelensky bằng tiếng Trung.
Triều Tiên đưa máy bay quân sự gần biên giới, Hàn Quốc xuất kích máy bay chiến đấu
Triều Tiên đã phóng ít nhất một tên lửa ra biển trong khi đưa máy bay quân sự đến gần biên giới với Hàn Quốc, khiến Seoul phải xuất kích các máy bay chiến đấu trong một loạt leo thang mới nhất làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo.
Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc hôm thứ Năm báo cáo rằng 10 máy bay Triều Tiên đang bay về phía Đường trinh sát đặc biệt, ranh giới do Hàn Quốc chỉ định ở phía bắc của biên giới giữa hai quốc gia đối địch, theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc.
Đáp lại, Bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc đã huy động lực lượng không quân của mình, bao gồm cả các máy bay chiến đấu F-35A, để thực hiện các cuộc xuất kích.
Ngay sau đó, các lực lượng vũ trang của cả Hàn Quốc và đồng minh của Mỹ là Nhật Bản đã báo cáo về việc Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo chưa xác định về phía Biển Nhật Bản.
Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng công bố giao thức ba điểm được thiết lập để đáp trả các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Chúng bao gồm “Dành nỗ lực tối đa để thu thập, Phân tích thông tin, và Cung cấp thông tin đầy đủ và nhanh chóng cho công chúng”, “Đảm bảo an toàn cho máy bay, tàu thuyền và các tài sản khác” và “Thực hiện tất cả các biện pháp có thể để đề phòng, bao gồm cả việc sẵn sàng cho các trường hợp bất thường.”
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng phản ứng về vụ phóng tên lửa mới nhất này: “Chúng tôi biết về một vụ phóng tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên… Chúng tôi đánh giá rằng sự kiện này không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho nhân viên hoặc lãnh thổ của Hoa Kỳ, hoặc cho các đồng minh của chúng tôi.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình để giám sát các vụ phóng tên lửa đạn đạo gây mất ổn định của CHDCND Triều Tiên”, thông báo cho biết thêm. “Các cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn không thay đổi.”
Bình Nhưỡng đã tăng cường đáng kể các vụ thử tên lửa trong năm qua, và đặc biệt là trong những tuần gần đây để phản đối rõ ràng các cuộc tập trận chung do Washington, Seoul và Tokyo tiến hành trong khu vực.
Trong bối cảnh các vụ phóng gần đây, Nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un đã đề cập về khả năng hạt nhân của đất nước mình, đồng thời cảnh báo rằng ông sẵn sàng sử dụng chúng để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào.
Trong thông điệp mới nhất của mình, được đưa ra khi giám sát vụ phóng một tên lửa hành trình tầm xa khác vào thứ Tư, ông Kim ca ngợi “lực lượng tác chiến hạt nhân” của mình, mà ông nói “đã chứng minh một lần nữa sự chuẩn bị đầy đủ của họ cho cuộc chiến thực sự để đưa kẻ thù vào tầm kiểm soát,” theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA.
“Vụ bắn thử là một lời cảnh báo rõ ràng khác đối với kẻ thù và sự xác minh thực tế và minh chứng rõ ràng về độ tin cậy tuyệt đối và năng lực chiến đấu của lực lượng răn đe chiến tranh của nhà nước chúng ta”, Kim Jong Un nói thêm, và rằng Triều Tiên nên tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của các lực lượng vũ trang chiến lược hạt nhân để “kiên quyết ngăn chặn bất kỳ cuộc khủng hoảng quân sự và khủng hoảng chiến tranh quan trọng nào vào bất kỳ lúc nào và hoàn toàn chủ động trong cuộc chiến đó.”
Những diễn biến này diễn ra khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cân nhắc về các biện pháp mới để ngăn chặn hành động tiếp theo của Triều Tiên, với một số nhà lập pháp kêu gọi hủy bỏ một thỏa thuận quân sự năm 2018 với Bình Nhưỡng và thậm chí khả năng tái triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ cho Hàn Quốc trong ba thập kỷ.
Khi được hỏi về khả năng liệu chính quyền của Tổng thống Joe Biden có xem xét một động thái như vậy hay không, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nói với tờ Newsweek hôm thứ Tư rằng “Tổng thống Biden khẳng định cam kết răn đe mở rộng của Hoa Kỳ đối với Hàn Quốc bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ, bao gồm hạt nhân, thông thường, và khả năng phòng thủ tên lửa.”
Người phát ngôn cũng lưu ý đến việc tái hoạt động của Nhóm tham vấn và Chiến lược Răn đe Mở rộng cấp cao, được nhóm họp vào tháng trước.
Trong khi các hoạt động tên lửa của Triều Tiên khiến Mỹ và các đồng minh lên án mạnh mẽ, Trung Quốc và Nga đã tránh chỉ trích trực tiếp quốc gia láng giềng và kêu gọi các nỗ lực ngoại giao mới để giải quyết tình trạng bế tắc kéo dài hàng thập kỷ trên Bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết “các bên liên quan cần thực hiện các nghĩa vụ và cam kết quốc tế tương ứng của mình, đồng thời thực hiện các hành động cụ thể để duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo và trong khu vực.”
Đối với các vụ phóng của Triều Tiên, bà nói, “lập trường của Trung Quốc về vấn đề Bán đảo Triều Tiên vẫn không thay đổi” và nước này “cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.”
Mặc dù Bắc Kinh có truyền thống là đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng, đã trực tiếp hậu thuẫn Triều Tiên trong cuộc chiến những năm 1950 với Hàn Quốc do Mỹ và Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, nhưng Moscow đã phát triển quan hệ đặc biệt thân thiết với Bình Nhưỡng trong những năm gần đây, đặc biệt là khi ông Kim tuyên bố ủng hộ Nga cho cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Georgy Zinoviev, người đứng đầu Vụ Châu Á thứ nhất thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết hôm thứ Ba rằng “chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ vững chắc mà chính phủ Triều Tiên đã và đang dành cho hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.” Và ông cho biết Moscow quan tâm “đến việc mở rộng hơn nữa hợp tác giữa các nước chúng ta để đảm bảo hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên”, theo Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga.
Xuân Lan