Mộc Vệ
Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Đại hội 18, đã thúc đẩy xu thế sùng bái cá nhân trong Đảng và xã hội đối với mình. Tháng 3/2018, ông đã sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc, bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước để mở đường tiếp tục có thể nắm quyền kéo dài. Nhiều nhận định chỉ ra ông Tập có ý định noi gương ông Mao Trạch Đông, thiết lập quyền lực lãnh đạo suốt đời.
Noi theo Mao Trạch Đông
Tờ Deutsche Welle (DW) ngày 11/10 chỉ ra cách làm của ông Tập Cận Bình đã khiến Trung Quốc có xu thế quay trở lại con đường của thời Đảng cai trị bao trùm toàn xã hội, trong khi vị thế “nòng cốt lãnh đạo” Tập Cận Bình của ĐCSTQ tiếp tục được gia cố.
Học giả chính trị độc lập Ngô Cường (Wu Qiang) chỉ ra trong 10 năm qua, hệ sinh thái chính trị của Trung Quốc dưới uy quyền của ông Tập đã có những thay đổi to lớn. Theo đó, vấn đề lãnh đạo tập thể vẫn thấy trong các thế hệ tiền nhiệm (Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào) đã bị loại bỏ. Ngày nay, ông Tập là người có quyền lực duy nhất, tất cả các đảng viên phải trung thành với ông ấy.
Để ngăn chặn thực trạng tập trung quyền lực vào tay một cá nhân như thời đại Mao Trạch Đông, các lãnh đạo ĐCSTQ trước đây đều chấp nhận lãnh đạo theo nhiệm kỳ mà theo đó, người lãnh đạo không làm quá 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên ngày nay, ông Tập đã không ngần ngại sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc để kéo dài nhiệm kỳ quyền lực, mở ra khả năng sẽ có nhiệm kỳ cầm quyền thứ 3 tại Đại hội 20. Như vậy, ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo ĐCSTQ quyền lực nhất từ sau thời Mao Trạch Đông.
Giáo sư Kerry Brown tại ‘King’s College London’ của Anh, là chuyên gia về Trung Quốc, phân tích rằng ông Tập cai trị suốt đời bằng cách thiết lập hình ảnh quyền lực không thể lay chuyển của mình. Điều này giống như vị trí giáo hoàng về lý thuyết có thể nghỉ hưu, nhưng địa vị và ảnh hưởng của giáo hoàng vẫn tồn tại, trường hợp ông Tập giống như vậy.
Mặc dù các phân tích khác nhau thường cho rằng việc ông Tập tái nhiệm và mở rộng quyền lực là vấn đề không thể ngăn cản, nhưng Giáo sư Kerry Brown cho rằng uy quyền của ông ấy cũng không phải là chắc chắn. Nguyên nhân lung lay có thể là do bất mãn leo thang trong dân chúng vì chính sách ‘Zero COVID’, cũng như tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Chuyên gia kinh tế Max Zenglein tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) – tổ chức nghiên cứu về Trung Quốc lớn nhất ở châu Âu, cho biết cách chống dịch COVID-19 của ĐCSTQ hiện nay là điểm yếu của họ. Ngày nay, giới trung lưu của Trung Quốc có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ vì quy mô của tầng lớp này rất lớn. Tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách phòng chống dịch bệnh của nhà cầm quyền, thế nhưng nhà chức trách đã không thể đề xuất các biện pháp cứu trợ nhằm giảm bớt tình trạng khó khăn của họ. Điều này chắc chắn sẽ giá tăng áp lực xã hội lên ĐCSTQ. Liệu chính quyền ĐCSTQ có thay đổi sau Đại hội 20 để gỡ bỏ xu thế uất ức trong lớp người trung lưu tại Trung Quốc hay không, còn là vấn đề bỏ ngỏ.
12 cách tập trung quyền lực của ông Tập Cận Bình
Reuters ngày 10/10 đưa tin, sau khi ông Tập trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ vào năm 2012 đã dần tập trung quyền lực, từ lãnh đạo tập thể đến tập trung quyền lực vào một cá nhân người lãnh đạo cao nhất. Bài viết của Reuters phân tích cách ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực trong 10 năm qua:
1. Lạm quyền xen vào lĩnh vực kinh tế vốn là vai trò của thủ tướng, theo đó tự chủ trì các tiểu ban kinh tế: ví dụ vào năm 2012 thành lập “Ban lãnh đạo trung ương về cải cách sâu toàn diện”, sau đó lại thành lập “Ban lãnh đạo Kinh tế tài chính trung ương”….
2. Thông qua một chiến dịch toàn diện nhằm thanh trừng các quan chức bị cáo buộc là không trung thành, tham nhũng và làm việc kém hiệu quả, từ đó cài đặt thân tín vào các vị trí liên quan, trong động thái này cho đến nay đã có 4,7 triệu quan chức bị điều tra.
3. Cài đặt thân tín để quản lý nhân sự và bổ nhiệm trong Đảng, bao gồm việc bổ nhiệm ông Triệu Lạc Tế làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Cha của ông Triệu Lạc Tế là ông Triệu Hỉ Dân từng là cấp dưới của ông Tập Trọng Huân (cha của ông Tập Cận Bình); sau đó vào năm 2017 lại bổ nhiệm người bạn học tại Đại học Thanh Hoa là ông Trần Hy đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
4. Năm 2015 bắt đầu cải cách quân đội để tăng cường kiểm soát quân đội.
5. Thúc đẩy kiểm soát các cơ quan an ninh quốc gia (Quốc an) thông qua việc liên tục thực hiện chiến dịch “thanh trừng tham nhũng”.
6. Kể từ năm 2015, quy định hàng năm các cơ quan như Quốc vụ viện và Tòa án Tối cao phải có báo cáo tình hình cho tổng bí thư.
7. Năm 2016, chỉ đạo truyền thông nhà nước phải tuân thủ chặt theo đường lối của Đảng và “mang tính Đảng”, từ đó mức tự do truyền thông ngày càng suy giảm, tuyên truyền về Tập Cận Bình ngày càng tăng.
8. Năm 2016, xác lập địa vị chính trị “hạt nhân”, theo đó ông Tập trở thành “hạt nhân” trong Ban Trung ương Đảng và nòng cốt là toàn Đảng.
9. Đại hội 19 năm 2017, sửa đổi Điều lệ Đảng và bổ sung “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới”, trở thành kim chỉ nam cho các hành động của ĐCSTQ; tên của ông Tập được ghi vào Điều lệ Đảng (trước đó chỉ có Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình).
10. Năm 2017, nêu rõ thẩm quyền lãnh đạo của Đảng, tuyên bố “tất cả phải nằm trong quản lý của ĐCSTQ”.
11. Năm 2018, sửa đổi Hiến pháp và bãi bỏ hệ thống nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước, động thái được cho là loại bỏ những trở ngại để ông tiếp tục cầm quyền sau khi hết 2 nhiệm kỳ.
12. Hội nghị toàn thể lần 2 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 tổ chức vào cuối năm 2021 đã đề xuất “2 xác lập”: Xác lập vị trí nòng cốt của đồng chí Tập Cận Bình trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cũng là vị trí nòng cốt của toàn Đảng; xác lập quan điểm chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới.
Mộc Vệ biên dịch, Vision Times