Úc tăng cường ngăn chặn sự ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Châu Á-Thái Bình Dương

Huyền Anh

Australia tăng cường ngăn chặn sự ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Châu Á-Thái Bình Dương
Ngoại trưởng Úc Penny Wong tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Suva, Fiji hôm 26/05/2022. (Ảnh: Pita Simpson/Getty Images)

Chính phủ Australia đang tiếp tục chống lại sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương, đánh dấu bằng việc ký kết một thỏa thuận truyền thông giữa nước này với Quần đảo Marshall vào ngày 14/10.

Kể từ khi bà Penny Wong được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Úc hồi tháng 5, bà đã thực hiện chuyến thăm song phương chính thức thứ tám tới khu vực Thái Bình Dương. Chuyến thăm gần đây tới các quốc gia thuộc Quần đảo Marshall và Nauru nhằm thắt chặt mối quan hệ ngoại giao và văn hóa trong khu vực.

Thông báo về thỏa thuận truyền thông mới giữa đài phát thanh truyền hình Quần đảo Marshall V7AB và đài truyền hình quốc gia Australia (Australian Broadcasting Corporation-ABC) đối với tám chương trình phát thanh, bà Wong nhấn mạnh rằng thỏa thuận nhằm thể hiện mong muốn tăng cường thắt chặt mối quan hệ song phương của Úc với và Quần đảo Marshall.

“Úc và cá nhân tôi với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, rất quan tâm đến những câu chuyện của các dân tộc bản địa First Nation. Chúng tôi coi đó là một phần của việc truyền tải thông điệp rằng chúng ta là ai. Thông qua trao đổi với Bộ trưởng và nhiều quan chức khác của quần đảo Marshall, tôi hiểu rằng việc duy trì mối quan hệ với người dân trên Quần đảo Eo biển Torres là tối quan trọng. Và những mối liên hệ đó đã có từ rất lâu”, bà Wong nói

“Và Úc muốn hợp tác với quần đảo Marshall để đảm bảo rằng khu vực, đại dương, văn hóa mà chúng ta chia sẻ, đều là một phần rất trọng yếu trong cuộc sống của chúng ta. Đây cũng là khu vực phản ánh ước mơ chung của chúng ta về chủ quyền, hòa bình, ổn định, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng khu vực”.

Các bình luận từ bà Wong được đưa ra khi Úc và Cộng hòa Quần đảo Marshall kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sau khi Australia trở thành quốc gia thứ hai công nhận quốc gia này.

Ngoại trưởng Úc được chào đón nồng nhiệt bởi các quốc đảo Thái Bình Dương

Bà Wong là Bộ trưởng quốc tế đầu tiên đến thăm quốc gia Thái Bình Dương và nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ chính quyền Quần đảo Marshall. Bộ trưởng Ngoại giao của nước này, Kitlang Kabua, nhấn mạnh rằng nếu có cơ hội, bà nghĩ rằng cả nước sẽ tập trung lại để chào đón ​​sự xuất hiện của ngoại trưởng Úc .

Hoan nghênh thỏa thuận truyền thông, Ngoại trưởng Quần đảo Marshall nói rằng thỏa thuận sẽ tăng cường kết nối nữa quốc gia nhỏ bé ở Thái Bình Dương với các khu vực khác trên thế giới.

“Sự xuất hiện của Ngoại trưởng Penny Wong và phái đoàn của bà thực sự đánh dấu tình bạn độc đáo và bền chặt mà cả hai chính phủ của chúng ta đang có”, bà Kabua nói.

“Chúng tôi mong muốn một mối quan hệ đối tác hiệu quả và tăng cường giữa hai quốc gia khi làm việc cùng nhau nhằm tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho cả hai dân tộc”.

Bà Kabua cũng ám chỉ đến sự cạnh tranh địa chiến lược ngày càng tăng trong khu vực, nhấn mạnh rằng cả hai quốc gia đều phải đối mặt với các tình huống địa chính trị khiến họ “rơi vào thế bấp bênh”.

Bà nói: “Điều quan trọng là chúng ta phải nắm tay nhau, cùng sát cánh và cố gắng tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong khu vực, cũng như cho người dân trên toàn thế giới”.

Các quốc gia phương Tây đối đầu với Bắc Kinh về trục Thái Bình Dương

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Wong diễn ra sau quyết định của Australia, Mỹ và New Zealand trong việc mở rộng các hoạt động đối ngoại trong khu vực để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Trước đó, Bắc Kinh đã ký kết một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon có thể cho phép nước này thiết lập các căn cứ quân sự ở vị trí chiến lược trọng yếu trong khu vực.

Theo nhà phân tích quốc phòng cấp cao Derek Grossman của Rand Corporation, động thái xoay trục này đang được tiến hành.

Ông Grossman lập luận trong một bài đăng trên The Rand Blog vào tháng 7 rằng, Bắc Kinh đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trong việc tăng cường sức ảnh hưởng trong khu vực.

Ông lưu ý rằng chỉ riêng trong năm nay, đã có rất nhiều ví dụ về việc các nhà lãnh đạo của nhiều quốc đảo Thái Bình Dương đẩy mạnh chống lại các nỗ lực ngoại giao cưỡng ép của Bắc Kinh.

Ví dụ, Tuvalu rút khỏi một hội nghị đại dương của Liên Hợp quốc (LHQ) vì Bắc Kinh ngăn cản sự tham gia của Đài Loan.

Theo đó, ba chuyên gia Đài Loan được sắp xếp thuộc phái đoàn Tuvalu để tham dự trong Hội nghị Đại dương của LHQ kéo dài 5 ngày tại Lisbon, Bồ Đào Nha, bắt đầu từ 27/6. Tuy nhiên Trung Quốc thuộc ủy ban thông tin của LHQ đã phản đối việc đưa chuyên gia Đài Loan vào dự với lý do hòn đảo không phải thành viên LHQ. Bắc Kinh cũng cảnh báo thu hồi toàn bộ chứng nhận của phái đoàn nếu Tuvalu không tuân thủ yêu cầu.

Động thái này khiến Ngoại trưởng Tuvalu Simon Kofe rút khỏi phái đoàn ngay lập tức. Tuvalu thiết lập quan hệ với đảo Đài Loan năm 1979 và là một trong 14 quốc gia chính thức công nhận hòn đảo. Sau đó, cơ quan đối ngoại Đài Loan đã gửi lời cảm ơn Tavalu vì sự ủng hộ mạnh mẽ và giúp hòn đảo tham dự các sự kiện quốc tế.

Ngoài ra, việc Bắc Kinh cố gắng thông qua Tầm nhìn phát triển chung Trung Quốc-các đảo quốc Thái Bình Dương thông qua Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương cũng đã gây ra sự chỉ trích giữa các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương. Tổng thống Micronesia David Panuelo gọi kế hoạch (pdf) là “màn khói cho một chương trình nghị sự lớn hơn” để “đảm bảo sự kiểm soát của Trung Quốc đối với ‘an ninh truyền thống và phi truyền thống'” của các hòn đảo này.

Trong khi đó, Tổng thư ký Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương Henry Puna chỉ trích sự thúc đẩy của Trung Quốc, nói rằng: “Nếu ai đó biết chúng tôi muốn gì, chúng tôi cần gì và ưu tiên của chúng tôi là gì, thì đó không phải là một ai khác. Là chính chúng tôi”.

Tuy nhiên, lo ngại về ý định của Bắc Kinh không được nhân rộng đối với các nước như Úc và Mỹ, ông Grossman lập luận.

Ông nói: “Vấn đề đối với Trung Quốc là Hoa Kỳ cùng với những người bạn láng giềng truyền thống là Australia và New Zealand vẫn là lực lượng ưu tiên và có khả năng chiếm ưu thế, do đó mới khiến Bắc Kinh khó lòng thâm nhập vào khu vực và gây dựng ảnh hưởng của riêng mình”.

”Những người phản đối Bắc Kinh ở Thái Bình Dương có nhiệm vụ trau dồi các chiến lược can dự của họ để ưu tiên thách thức tồn tại của biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch COVID-19 và các chương trình kinh tế phù hợp với nhu cầu của người dân quốc đảo Thái Bình Dương. Làm như vậy sẽ khiến Trung Quốc rơi vào quên lãng”

.Huyền Anh

Related posts