Tin thế giới sáng thứ Ba: Trung Quốc: Lạm phát đạt mức cao nhất trong 29 tháng

Trung Quốc: Lạm phát đạt mức cao nhất trong 29 tháng

Trung Quốc: Lạm phát đạt mức cao nhất trong 29 tháng
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Bắc Kinh hôm 11/01/2021. (Ảnh: Tingshu Wang / Reuters)

BẮC KINH — Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 29 tháng trong tháng Chín, chủ yếu là do giá thịt heo.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (POBC) đã cố gắng thúc đẩy tăng trưởng trong khi tránh việc nới lỏng mạnh mẽ vốn có thể tạo ra áp lực giá và gặp rủi ro khiến dòng tiền chảy ra, khi Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy hôm thứ Sáu (14/10), giá tiêu dùng dự kiến ​​tăng 2.8% so với một năm trước đó, tăng từ 2.5% trong tháng Tám và tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng Tư năm 2020.

Tuy nhiên, nhấn mạnh mức tiêu thụ yếu trong bối cảnh hạn chế COVID-19, lạm phát cốt lõi — không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng thường biến động — đã giảm xuống 0.6% trong tháng Chín từ mức 0.8% trong tháng Tám.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0.9% so với cùng thời kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng 2.3% trong tháng Tám và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 01/2021. Các nhà phân tích đã dự đoán mức tăng 1.0%.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết: “Lạm phát CPI tổng thể [tính trên cơ sở hàng năm] có khả năng sẽ ở mức vừa phải trong những tháng tới do mẫu số cao và nhu cầu dịch vụ thấp hơn.”

“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát PPI hàng năm sẽ tiếp tục giảm do cả tác động mẫu số lẫn áp lực lạm phát giảm bớt do giá hàng hóa giảm.”

Ngân hàng trung ương Trung Quốc có khả năng tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế bị tàn phá bởi COVID, mặc dù những lo lắng về việc tháo chạy vốn có thể hạn chế không gian chính sách của ngân hàng này, vì trong năm nay đồng nhân dân tệ đã giảm khoảng 11% so với đồng USD cho đến nay.

Capital Economics cho biết trong một báo cáo nghiên cứu: “Hạn chế chính vào lúc này là đồng nhân dân tệ đang ở gần với mức yếu nhất trong hơn một thập niên. Chúng tôi không dự tính có việc cắt giảm lãi suất chính sách cho đến khi áp lực lên đồng tiền này giảm bớt.”

Thực phẩm là lý do chính của mức tăng lạm phát tháng trước, với giá tăng 8.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái sau khi tăng 6.1% trong tháng Tám. Giá thịt heo nhảy vọt thêm 36.0% sau khi tăng 22.4% vào tháng trước và giá rau tăng 12.1% sau khi tăng 6.0% trong tháng Tám.

Tính theo tháng, giá tiêu dùng tăng 0.3% sau khi giảm 0.1% trong tháng Tám, do cũng được hỗ trợ bởi giá thịt heo tăng qua các tháng.

Vân Du

Nga cảnh báo Do Thái không được cung cấp vũ khí cho Ukraine

Dmitry Medvedev hiện là phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga (Reuteurs)

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm thứ Hai (17/10) cảnh báo Israel không được cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ông Dmitry Medvedev hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga tuyên bố hôm 17/10 rằng Isreal sẽ phá hủy mối quan hệ với Nga nếu họ chuyển vũ khí cho Ukraine.

“Israel dường như sẽ cung cấp vũ khí cho chế độ Kyiv. Một động thái rất liều lĩnh. Nó sẽ phá hủy tất cả các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta”, ông Dmitry Medvedev viết trên Telegram, theo tờ The Times of Israel đưa tin.

Trước đó, vào Chủ Nhật (16/10), Ngoại trưởng Iran Nachman Shai đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Jerusalem viện trợ quân sự cho Kyiv mặc dù chưa có tuyên bố chính thức từ nhà nước Israel về việc này.

Ông Nachman Shai viết trên Twitter: “Sáng nay, có thông tin cho biết Iran đang chuyển tên lửa đạn đạo cho Nga. Không còn nghi ngờ thêm nữa về việc Israel sẽ ủng hộ bên nào trong cuộc xung đột đẫm máu này. Cũng đã đến lúc chúng ta nên viện trợ quân sự cho Ukraine, giống như Mỹ và các nước NATO đã làm”.

Ông cũng tiết lộ rằng Israel đã cung cấp cho Ukraine viện trợ phi sát thương, trong đó có thiết bị quân sự và các hệ thống phòng thủ tên lửa thông qua khu vực tư nhân.

Tờ Sputnik của nhà nước Nga cho rằng tuyên bố mới nhất của ông Medvedev là để đáp trả phát ngôn của Ngoại trưởng Israel Nachman Shai.

Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Israel viện trợ quân sự kể từ khi Nga phát động tấn công xâm lược hồi cuối tháng Hai.

Ukraine đặc biệt mong muốn Israel sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) giúp nước này đối phó với cuộc tấn công do Nga phát động.

Israel thời gian qua đã nhiều lần chuyển các chuyến hàng viện trợ nhân đạo tới Ukraine, nhưng vẫn từ chối cung cấp vũ khí.

Ông Zelensky nói rằng Israel đã không cung cấp cho Ukraine bất cứ thứ gì để giúp tự vệ. “Israel chẳng cho chúng tôi thứ gì. Không có gì cả, zero. Tôi hiểu họ đang trong tình thế khó khăn với Syria, với Nga”, ông Zelensky nói với kênh TV5Monde của Pháp.

“Tôi hiểu họ cần bảo vệ đất nước họ, nhưng sau đó tôi biết được tin từ cơ quan tình báo rằng Israel cung cấp vũ khí phòng không cho các quốc gia khác. Họ có thể bán, họ có thể xuất khẩu, đó là lý do tôi bị sốc”, ông Zelensky nói tiếp.

Theo tờ The Times of Israel, Israel từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine dường như là nỗ lực nhằm duy trì mối quan hệ hợp tác với Nga, bởi vì Moscow kiểm soát không phận của Syria. Không lực Israel đã đang thực hiện hàng trăm cuộc xâm nhập vào không phận Syria để giám sát các tàu chở vũ khí được cho là của Iran.

Hải Đăng

NATO bắt đầu tập trận hạt nhân bất chấp căng thẳng Nga-Ukraine

Máy bay chiến đấu F-16 tham gia cuộc tập trận Che chắn đường không của NATO gần căn cứ không quân ở Lask, Ba Lan vào ngày 12/10/2022. (Ảnh: Radoslaw Jozwiak/AFP/Getty Images)

Cuộc tập trận “Steadfast Noon” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kéo dài từ ngày 17/10 đến 30/10, với sự tham gia của 14 quốc gia thành viên và tổng cộng 60 máy bay các loại.

NATO đã khởi động các cuộc tập trận hạt nhân thường niên kéo dài một tuần ở châu Âu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang leo thang.

Với tên gọi là “Steadfast Noon”, các cuộc tập trận hạt nhân của NATO diễn ra từ ngày 17/10 đến ngày 30/10, một phát ngôn viên của NATO xác nhận với The Epoch Times.

NATO nhấn mạnh các cuộc tập trận này là thường kỳ và không liên quan đến bất kỳ sự kiện nào đang diễn ra trên thế giới, cũng như không có hoạt động bắn đạn thật trong khuôn khổ cuộc tập trận.

Tổng cộng 14 quốc gia và 60 máy bay các loại tham gia cuộc tập trận Steadfast Noon. Nhóm máy bay này bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát và máy bay tiếp nhiên liệu. Bên cạnh đó, máy bay ném bom chiến lược hạt nhân B-52 của Mỹ cũng được điều động từ căn cứ Không quân Minot ở Bắc Dakota.

Các chuyến bay huấn luyện sẽ diễn ra trên Biển Bắc, Vương quốc Anh. Bỉ là quốc gia đăng cai cuộc tập trận năm nay.

Người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết trong một tuyên bố với The Epoch Times: “Cuộc tập trận Steadfast Noon giúp đảm bảo hoạt động răn đe hạt nhân của liên minh diễn ra một cách an toàn, bảo mật và hiệu quả”.

Phần lớn các cuộc tập trận sẽ được tổ chức cách biên giới với Nga ít nhất hơn 1000 km. Moscow cũng đang lên kế hoạch cho các cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn của riêng mình được gọi là “Grom”, có nghĩa là “sấm sét”.

Giống như các cuộc diễn tập của NATO, các cuộc tập trận của Nga được cho là sẽ diễn ra thường xuyên trong bối cảnh những luận điệu về hạt nhân của Moscow ngày càng leo thang.

“Chúng tôi dự đoán cuộc tập trận sẽ kéo dài vài ngày, bao gồm các hành động trong giới hạn bình thường như những gì Nga đã làm trong quá khứ. Cuộc tập trận sẽ bao gồm các vụ phóng tên lửa trực tiếp và triển khai các hình thái tấn công chiến lược”, ông John Kirby, Điều phối viên về Truyền thông Chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia, nói với đài CNN.

Trong bối cảnh vấp phải một cuộc phản công của các lực lượng Ukraine hồi cuối tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc các cường quốc phương Tây đe dọa hạt nhân và đặt đất nước của ông vào một thế trận thúc đẩy leo thang cuộc xung đột.

Nhà lãnh đạo Nga Putin đã ra lệnh huy động quân sự một phần và tuyên bố sẽ sử dụng “mọi phương tiện sẵn có” trong trường hợp có mối đe dọa đối với lãnh thổ Nga và người dân nước này, đồng thời ông nói thêm rằng đó không phải là “trò lừa bịp”.

Những thất bại gần đây trên chiến trường ở miền đông Ukraine đã khiến nhà lãnh đạo Chechnya kêu gọi Nga cần phải cứng rắn hơn và tấn công Ukraine bằng một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật năng suất thấp.

“Theo ý kiến ​​của cá nhân tôi, cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, kể cả việc ban bố tình trạng thiết quân luật ở các khu vực biên giới và sử dụng vũ khí hạt nhân năng suất thấp”, nhà lãnh đạo Chechnya và đồng minh của Putin, Ramzan Kadyrov cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Điện Kremlin đã phản ứng với nhận xét của ông Kadyrov bằng cách kêu gọi cần phải có một cái đầu lạnh trước việc sử dụng vũ khí hạt nhân dựa trên học thuyết quân sự của Nga thay vì bị chi phối bởi “cảm xúc”.

Học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chúng — hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác — được sử dụng để chống lại Nga hoặc nếu nhà nước Nga phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ vũ khí thông thường.

Điện Kremlin đã tuyên bố rõ ràng rằng bốn khu vực của Ukraine mà Moscow sáp nhập cũng nằm dưới “chiếc ô hạt nhân” của họ.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin thông báo về việc huy động thêm lực lượng quân sự và nhấn mạnh rằng, một số đại diện cấp cao của các cường quốc phương Tây đã tuyên bố “sử dụng vũ khí hạt nhân hủy diệt hàng loạt chống lại Nga”, theo bản dịch nhận xét của ông từ tờ The Scotsman.

“Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ người dân của mình”, ông Putin nói trong một bài phát biểu trên truyền hình trước quốc gia và nói thêm rằng Nga có “rất nhiều vũ khí để đáp trả”.

NATO cho biết các cuộc tập trận hạt nhân năm nay không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào và cũng không “liên quan đến bất kỳ sự kiện nào đang diễn ra trên thế giới”.

Thanh Hải

Gazprom cảnh báo ngừng cấp khí đốt nếu châu Âu áp giá trần

Logo của gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga tại một trong những trạm xăng dầu ở Sofia, thủ đô Bulgaria, ngày 27/4/2022. (Ảnh: Nikolay Doychinov/Getty Images)

Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga hôm Chủ nhật (16/10) cảnh báo sẽ ngừng cung khí đốt nếu châu Âu áp giá trần đối với xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.

“Quyết định đơn phương như vậy của các nước châu Âu tất nhiên là vi phạm các điều khoản thiết yếu của hợp đồng, dẫn đến việc chấm dứt nguồn cung cấp khí đốt”, Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, Alexei Miller, cho biết trên kênh truyền hình Nga hôm 16/10, tờ Reuters đưa tin.

Bình luận của ông Miller được đưa ra trong bối cảnh nhóm bảy cường quốc công nghiệp G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng áp đặt giá trần đối với dầu và khí đốt của Nga. Đây được coi là một phần của vòng trừng phạt thứ tám của EU đối với Điện Kremlin vì cuộc xâm lược Ukraine.

EU hy vọng rằng động thái này sẽ hạn chế nguồn thu nhập của Điện Kremlin và ngăn Nga tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời giữ cho thị trường năng lượng toàn cầu ổn định thông qua nguồn cung liên tục.

Nga đã kiếm được 158 tỷ euro (154 tỷ USD) doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong sáu tháng đầu tiên của cuộc chiến xâm lược Ukraine, từ ngày 24/2 đến ngày 24/8, theo một báo cáo (pdf) từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (Centre for Research on Energy and Clean Air-CREA). Theo báo cáo, EU là người mua lớn nhất, nhập khẩu 54% trong số này, trị giá khoảng 85 tỷ euro (82 tỷ USD).

Vòng trừng phạt mới nhất từ ​​EU đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố hồi đầu tháng 10, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các quan chức EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận về áp giá trần

Theo các lệnh trừng phạt kể trên, việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 và áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế sẽ bắt đầu vào ngày 5/2/2023.

Một khi việc áp giá trần được thực thi, quyết định này sẽ cho phép các nhà khai thác châu Âu thực hiện và hỗ trợ việc vận chuyển dầu của Nga đến các quốc gia khác, với điều kiện giá năng lượng đó vẫn dưới một “mức trần”, theo một tuyên bố từ Ủy ban châu Âu.

“Quyết định này cũng sẽ giúp giải quyết lạm phát và giữ cho chi phí năng lượng ổn định vào thời điểm mà chi phí tăng vọt, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng. Đây cũng là mối quan tâm lớn đối với tất cả người dân châu Âu”, tuyên bố cho biết thêm.

Tuy nhiên, các quan chức EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận về áp giá trần đối với dầu và khí đốt Nga. Một số quốc gia như Đức, thị trường khí đốt lớn nhất châu Âu, cũng đưa ra lo ngại về động thái mà họ cho rằng có thể gây ra sự cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Moscow.

Tháng trước, Tổng thống Nga Putin đã đe dọa cắt nguồn cung cấp năng lượng nếu châu Âu áp giá trần khí đốt Nga.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok, ông Putin khẳng định việc áp giá trần khí đốt Nga đang được Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc là ý tưởng tồi, có nguy cơ dẫn đến việc tăng giá năng lượng. Mặc dù Tổng thống Nga khẳng định Moscow sẽ không thực hiện “các quyết định chính trị mâu thuẫn với hợp đồng”, nhưng ông cảnh báo động thái của EU rõ ràng vi phạm các hợp đồng đã ký, đồng thời nói Nga có thể đáp trả bằng cách ngừng cung cấp nhiên liệu.

“Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi”, ông Putin nói tại diễn đàn kinh tế ở Vladivostok vào tháng 9.

“Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi ấm. Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì”, ông nói thêm.

Kế hoạch áp giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga có thể tiết kiệm 160 tỷ USD hàng năm cho 50 thị trường mới nổi lớn nhất, theo ước tính của Bộ Tài chính Mỹ do tờ Financial Times đưa tin.

Tuy nhiên, việc cắt giảm nguồn cung của Nga – nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, đồng thời là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai sau Ả Rập Xê Út, sẽ làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu, đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Related posts