Tin Việt Nam sáng thứ Ba: Cựu Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên cùng loạt giới chức tỉnh bị xét xử vụ ‘bán sỉ’ 262 lô đất

Cựu Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên cùng loạt giới chức tỉnh bị xét xử vụ ‘bán sỉ’ 262 lô đất

Ông Nguyễn Chí Hiến (thứ 3 từ trái sang) khi tại chức Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên trong một buổi kiểm tra thực địa việc giải phóng mặt bằng dự án tại huyện Đông Hòa, tháng 2/2020. (Ảnh: ptpphuyen.vn)

Ông Nguyễn Chí Hiến – cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cùng 4 nguyên lãnh đạo sở, ngành tỉnh này đang bị đưa ra xét xử với cáo buộc can thiệp vào quá trình đấu, “bán sỉ” 262 lô đất trong khu đô thị cho một nữ doanh nhân trong tỉnh thấp hơn giá trị thực hàng trăm tỷ đồng.

Sáng 17/10, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên xét xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Chí Hiến (SN 1960) – nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2016-2021, bà Nguyễn Thị Nở (SN 1964) – nguyên Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính Phú Yên, ông Mai Hắc Lợi (SN 1962) – nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp, ông Ngô Quang Phú (SN 1980) – nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, ông Nguyễn Ngọc Duy (SN 1976) – nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Năm người trên bị cáo buộc sai phạm trong việc giảm tiền đấu giá 262 lô đất tại Khu đô thị Nam Tuy Hòa, gây thiệt hại 8 tỷ đồng.

Ngày 27/9, TAND tỉnh Phú Yên đã mở phiên xét xử vụ án song bị hoãn vì 3 luật sư của 1 bị cáo vắng mặt và chỉ có 21/68 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại tòa.

Trong phiên xử ngày 17/10, chỉ có có 12/68 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng lời khai của những người vắng mặt đã có trong hồ sơ, trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết tòa sẽ công bố.

Theo cáo trạng, tỉnh Phú Yên triển khai dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Nam Tuy Hòa trên diện tích hơn 49 ha.

Dự án đang triển khai, chưa hoàn thành nhưng để bán đấu giá quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Chí Hiến thay mặt UBND tỉnh Phú Yên ký các quyết định thành lập hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất do ông này làm chủ tịch hội đồng, ông Mai Hắc Lợi làm phó chủ tịch hội đồng cùng 9 thành viên.

Theo chỉ đạo của ông Hiến, ngày 8/11/2016, bà Nguyễn Thị Nở chủ trì cuộc họp với một số thành viên của hội đồng, thống nhất đề xuất hỗ trợ, giảm giá cho nhà đầu tư tham gia đấu giá 5% trên tổng giá trị khu đất đưa ra đấu giá. Theo đó, số tiền đề xuất hỗ trợ khoảng 39,2 tỷ đồng cho 468 lô, trong đó có 262 lô đất ở liền kề tại Khu đô thị Nam Tuy Hòa.
Giảm giá bán sỉ đất trái luật khi không họp triển khai

Cũng trong ngày 8/11/2016, ông Hiến đã ký công văn xin ý kiến thường trực Tỉnh ủy, thường trực HĐND tỉnh Phú Yên về việc thực hiện chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất Khu đô thị mới Nam Tuy Hòa.

Ngày 28/11, ông Huỳnh Tấn Việt – Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên chủ trì cuộc họp bàn về chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Ông Việt kết luận đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh và phân công ông Võ Minh Thức – Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh ký thông báo kết luận của chủ tịch HĐND tỉnh về chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư.

Ngày 30/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức hội nghị do ông Huỳnh Tấn Việt – Bí thư Tỉnh ủy, chủ trì bàn về chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất và được các thành viên dự họp thống nhất.

Ngày 2/12, ông Việt ký kết luận thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh; giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, sau đó, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Yên không tổ chức họp triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhưng ông Hiến vẫn ký phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có nội dung hỗ trợ 5% trên tổng giá trị khu đất theo giá khởi điểm cho người trúng đấu giá.

Do không có người tham gia đấu giá 468 lô đất nên ông Hiến chỉ đạo phân thành 4 khu để đấu giá từng khu, bỏ qua năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, đồng thời bổ sung nội dung cho phép cá nhân được tham gia đấu giá vào phương án đấu giá.

Tháng 5/2017, tại phiên bán đấu giá, bà Ngô Thị Điều – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh (trụ sở tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã mua toàn bộ 262 lô nhà ở liền kề với giá trúng đấu giá 162,4 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm chỉ 1,6 tỷ đồng (tương đương gần 1%).

Sau khi giảm 5%, giá 262 lô đất chỉ còn 154 tỷ đồng, thấp hơn giá khởi điểm 6 tỷ đồng. Dù phương án đấu giá sai quy định, ngày 6/6, ông Hiến vẫn ký quyết định công nhận kết quả đấu giá cho bà Điều, trong đó có có nội dung hỗ trợ cho người trúng đấu giá 5% trên tổng giá trị khu đất theo giá khởi điểm, tương đương hơn 8 tỷ đồng.

Sau khi trúng đấu giá, bà Điều không xây dựng căn hộ để bán lẻ theo chính sách hỗ trợ mà chuyển nhượng đất nền cho người khác để kiếm lời. Đến ngày 14/9/2020, bà Điều đã bán toàn bộ 262 lô đất nêu trên với tổng số tiền hơn 328 tỷ đồng, hưởng chênh lệch 168 tỷ đồng.

VKSND tỉnh Phú Yên xác định ông Hiến có vai trò chủ chốt trong việc giảm giá trái quy định pháp luật 262 lô đất, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 8 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm, giúp sức cho ông Hiến.

Trước khi bị khởi tố, ông Hiến từng trả lời rằng phương án đấu giá các lô đất đã được Thường trực HĐND tỉnh và Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên thống nhất. Do không có người mua 468 lô đất, UBND tỉnh phải đưa ra phương án phân thành 4 khu và bán đấu giá 262 lô theo phương thức được thống nhất trước. Ông Hiến nói mình không tư lợi. UBND tỉnh thực hiện việc đấu giá vì nhiệm vụ chung là trả khoản mà tỉnh đã nợ kéo dài.

Dự kiến phiên tòa diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19/10.

Bảo Khánh

Ông Nguyễn Văn Thể xin thôi làm Bộ trưởng GTVT theo ‘nguyện vọng cá nhân’

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: quochoi.vn)

Thông tin trên do Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu ra tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, ngày 17/10.

Ông Bùi Văn Cường cho hay ông Nguyễn Văn Thể đã được Quốc hội khóa XV phê chuẩn bổ nhiệm tại kỳ họp thứ nhất.

Trong thời gian giữ chức Bộ trưởng GTVT, ông Thể đã cùng tập thể lãnh đạo Bộ “thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao”. Ông Nguyễn Văn Thể đã xuất hiện, tham gia trả lời các phiên chất vấn của Quốc hội.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đến nay theo “nguyện vọng cá nhân và cũng theo phân công của các cấp có thẩm quyền”, dự kiến tại kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề xuất để miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể.

“Đây là chuyện bình thường trong công tác nhân sự, Đảng bố trí nhân sự, còn Quốc hội sẽ thực hiện theo đúng quy trình”, ông Cường nói thêm.

Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 15/11. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác.

Dự kiến, công tác nhân sự sẽ được Quốc hội tiến hành ngày đầu tiên khai mạc. Cuối phiên làm việc chiều 20/10, Quốc hội sẽ họp riêng, nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội cũng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở đoàn về nội dung này.

Sáng 21/10, Quốc hội tiếp tục quy trình nhân sự với việc bỏ phiếu kín để miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; Thủ tướng trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.

Quy trình bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành chiều cùng ngày.

Ông Nguyễn Văn Thể sinh năm 1966, quê ở Đồng Tháp. Sau khi kinh qua nhiều chức vụ khác nhau ở địa phương, ông Thể có 2 năm đảm nhận cương vị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (2013 – 2015).

Sau 2 năm về làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, năm 2017, ông Thể được điều động trở lại công tác tại Bộ Giao thông vận tải với cương vị Bộ trưởng. Ông Thể giữ cương vị này từ đó đến nay.

Những thay đổi về nhân sự của Bộ Y tế và Kiểm toán Nhà nước xuất phát từ việc ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) bị bắt hồi đầu tháng 6, do có sai phạm liên quan đại án Việt Á.

Sau khi ông Nguyễn Thanh Long bị bắt và bãi nhiệm chức vụ Bộ trưởng Y tế, bà Đào Hồng Lan (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) được Bộ Chính trị phân công về Bộ Y tế và được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Y tế.

Tổng kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh khi đó cũng được phân công về Hà Nội giữ chức Phó bí thư Thành ủy, sau đó được bầu làm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thay cho vị trí của ông Chu Ngọc Anh.

Cùng thời điểm đó, ông Ngô Văn Tuấn khi đang là Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, được điều động về giữ chức Phó tổng phụ trách Kiểm toán Nhà nước.

Hoàng Minh

Bình Dương: Băng nhóm giả shipper, xe ôm công nghệ trộm hàng loạt xe máy

Vụ lấy trộm xe diễn ra ngay sát người đàn ông mặc áo khoác đen đứng dưới lòng đường. Một người mặc áo xe ôm công nghệ vờ hỏi đường để đánh lạc hướng. Ba người (khoanh tròn) được xác định cùng một nhóm trộm cắp xe máy. (Ảnh chụp màn hình clip)

Một nhóm gồm 3 thanh niên đi trên 2 xe Exciter, đóng giả shipper, xe ôm công nghệ chở khách đang trộm cắp hàng loạt xe máy tại TP. Thuận An (tỉnh Bình Dương). Công an tỉnh Bình Dương công bố đang truy tìm kèm hình ảnh trích xuất từ camera an ninh.

Ngày 16/10, theo tin từ Công an tỉnh Bình Dương, đơn vị này đang điều tra một băng nhóm gồm 3 thanh niên đi trên 2 xe Exciter đóng giả shipper, xe ôm công nghệ để thực hiện hàng loạt vụ trộm cắp xe máy tại TP. Thuận An.

Theo công an, chỉ riêng trong chiều ngày 15/10, camera ghi lại nhóm này đã thực hiện 5 vụ trộm xe.

Qua xác minh ban đầu, khoảng 14h20 ngày 15/10, nhóm này tiếp cận một quán cà phê trên Quốc lộ 13, đoạn qua phường Bình Hoà (TP. Thuận An). Lúc này, người cầm lái mặc áo của một hãng xe ôm công nghệ chở một thanh niên mặc áo sơ mi trắng, quần tối màu, trông chỉn chu, lịch sự.

Thanh niên mặc sơ mi trắng đi vào trong bãi xe bẻ khóa thành công 1 xe tay ga hiệu Vario trị giá hơn 50 triệu đồng. Còn 2 thanh niên mặc đồ shipper đứng ngoài canh chừng.

Nửa giờ sau, nhóm này tiếp tục xuất hiện tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (phường Lái Thiêu, TP. Thuận An) và lấy trộm thành công một xe tay ga khác cũng hiệu Vario. Lúc này, có một người đàn ông đứng cách đó chưa tới 2m. Một người trong nhóm (mặc áo xe ôm công nghệ màu cam) đi lên vờ hỏi đường người này để đánh lạc hướng.

Cảnh trộm xe dựng trước một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (phường Lái Thiêu, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương), chiều 15/10. (Nguồn: dẫn qua nld.com.vn)

Tới 16h, 3 thanh niên này vào đường D4, khu dân cư Việt Sing (phường An Phú, TP. Thuận An) bẻ khóa trộm một chiếc xe máy hiệu Sonic tại một quán cà phê. Trong lúc bỏ trốn, tên trộm bị tai nạn nên đã bỏ lại chiếc xe tại hiện trường. Sau đó, chiếc xe này được đưa về Công an phường An Phú.

Sau đó, tới 16h30, cả ba tiếp cận một tiệm hớt tóc trong khu dân cư Việt Sing (phường Thuận Giao, TP. Thuận An). Khi người trong nhóm định bẻ khóa chiếc xe máy màu đen dựng trước tiệm, con chó trong nhà sủa lớn nên cả nhóm bỏ đi.

Tiếp đó, 15 phút sau, nhóm này tới một cửa hàng mua bán xe máy trên đường Nguyễn Văn Tiết (phường Lái Thiêu, TP. Thuận An) và bẻ khóa thành công một xe tay ga.

Theo đó, qua hình ảnh do camera an ninh ghi lại, băng nhóm này đã thực hiện ít nhất 5 vụ trộm xe máy trong hơn 4 giờ đồng hồ, chiều 15/10. Thủ đoạn của nhóm này là đóng giả shipper, xe ôm công nghệ, dàn cảnh hỏi đường và chủ yếu chọn những xe máy có giá trị trên 50 triệu đồng để trộm.

Công an tỉnh Bình Dương công bố đang tiếp tục điều tra về nhóm trộm này.

Khánh Vy

Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí vào nội đô

Ảnh minh hoạ.

Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô. Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô.

Cụ thể theo báo Vietnamnet đưa tin, đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” (đề án thu phí xe ô tô vào nội đô) vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông – vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội lần thứ 3.

Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm).

Khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào. Cụ thể, là phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng – trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Đối tượng thu phí được đề án xác định là ô tô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông. Nhóm xe được miễn phí, gồm: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng…

Nhóm xe được giảm phí gồm ô tô của các doanh nghiệp công ích, ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe vận tải trung chuyển hành khách); vận tải nội bộ từ 10 chỗ trở lên (bao gồm cả lái xe); ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa (xe taxi tải, xe kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường, xe kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp); ô tô từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả lái xe) của hộ gia đình trong khu vực thu phí, ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí.

Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô. Dự kiến mức thu để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện.

Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h – 21h. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.

Về thời gian thực hiện, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024.

Huệ Liên

Related posts