Nga tấn công cơ sở hạ tầng, nhắm vào điện nước trên khắp Ukraine
Tờ Reuters đưa tin, Nga tiến hành không kích nhắm vào các cơ sở hạ tầng trên khắp Ukraine vào sáng thứ Ba (18/10). Đây được cho là chiến dịch có chủ ý của Moscow nhằm phá hủy các cơ sở điện và nước của Kyiv trước mùa đông.
Tờ Reuters dẫn lời Phó chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko cho biết, thành phố Zhytomyr với 263.000 dân đã hứng chịu các cuộc không kích vào sáng 18/10 dẫn đến tình trạng mất điện và nước trên toàn thành phố.
Ông Tymoshenko cho hay, hai đợt tấn công nhằm vào cơ sở năng lượng ở trung tâm thành phố Dnipropetrovsk với gần 1 triệu dân đã gây “thiệt hại nghiêm trọng”. Nhiều mục tiêu hạ tầng trọng yếu khác của Ukraine tiếp tục bị Nga tập kích.
Một nhân chứng của tờ Reuters cho biết, tại cảng Mykolaiv thuộc miền nam Ukraine, một tên lửa đã lao vào một tòa nhà chung cư khiến ít nhất một người đàn ông thiệt mạng. Các vụ nổ làm rung chuyển Kyiv và khói đen bốc lên bao trùm toàn thành phố.
Cũng có báo cáo về việc các cơ sở năng lượng điện đang được nhắm mục tiêu ở thành phố Kharkiv, một thành phố có dân số trước chiến tranh là 1,43 triệu người, giáp ranh với biên giới Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cáo buộc Nga khủng bố và sát hại dân thường bằng các cuộc không kích diễn ra một ngày sau khi máy bay không người lái tấn công Kyiv và các thành phố khác khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
“Ukraine đang bị quân chiếm đóng nã đạn. Họ tiếp tục làm những gì họ giỏi nhất – khủng bố và sát hại dân thường”, ông Zelenskyy cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
“Nhà nước khủng bố sẽ không thay đổi bất cứ điều gì. Họ sẽ chỉ xác nhận bản chất hủy diệt và giết người của mình”, ông nói.
Không có thông tin ngay lập tức về số người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công.
Đầu tháng này, Nga đã bổ nhiệm Tướng Sergei Suvorikin làm lãnh đạo “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột diễn tiến hết sức phức tạp. Ông Suvorikin từng phục vụ ở Syria và Chechnya, nơi các lực lượng Nga tấn công các thành phố trong chính sách thiêu đốt vũ khí của quân thù.
Ông Suvorikin được giới truyền thông Nga đặt biệt danh là “Tướng Armageddon” (hay Tướng quân của sự hủy diệt) vì được biết đến là người theo đường lối cứng rắn. Chỉ hai ngày sau khi ông Surovikin được bổ nhiệm, tên lửa đã trút xuống khắp lãnh thổ Ukraine để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng, sưởi ấm và giao thông ở ít nhất 20 thành phố và thị trấn, sát hại ít nhất 19 người.
Tại Kyiv, nơi bị tấn công lần đầu tiên kể từ tháng 6, quân Nga tấn công các công viên, sân chơi và những người đi làm trong giờ cao điểm trên những chiếc xe bốc cháy.
Nga đã tiến hành các cuộc không kích mới nhất vào thứ Ba (18/10) sau khi Mỹ cảnh báo rằng nước này sẽ buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về bất kỳ tội ác chiến tranh nào.
Moscow phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đang thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp Ukraine bằng vũ khí chính xác cao.
Tại thành phố cảng Mykolaiv, một nhân chứng của tờ Reuters cho biết họ đã nghe thấy ba tiếng nổ lớn vào buổi sáng ngày 18/10.
Các nhân chứng cho hay, tên lửa đã phá hủy hoàn toàn một tòa nhà ở khu vực trung tâm thành phố, để lại một miệng hố lớn. Sau đó, một đội cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường và thu gom thi thể một người đàn ông thiệt mạng từ đống đổ nát.
“Ở Mykolaiv, kẻ thù đã phá hủy một tòa nhà dân cư bằng tên lửa S-300. Một người thiệt mạng. Ngoài ra còn có một cuộc tấn công ở chợ hoa và công viên. Không biết kẻ khủng bố Nga muốn chống lại cái gì tại những nơi yên bình này?”, ông Zelenskyy nói.
Các cuộc tấn công của Nga diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Ukraine đang tiến công về phía đông và phía nam nước này. Bên cạnh đó, vụ nổ cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea hôm 8/10 được cho là nguồn cơn khiến Nga trút mưa tên lửa xuống lãnh thổ Ukraine.
Thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên hôm thứ Hai (17/10) rằng Nhà Trắng “lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công tên lửa của Nga” và “sự tàn bạo” của ông Putin.
Nhà lãnh đạo Nga Putin đã gửi hàng chục nghìn quân vào Ukraine từ hôm 24/2 trong cái mà ông gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm loại bỏ tận gốc cái mà nước này gọi là “những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm”.
Các lực lượng Ukraine đã chống trả quyết liệt bằng vũ khí được viện trợ từ Mỹ và các đồng minh. Bên cạnh đó, Washington cũng áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng lên Nga trong nỗ lực buộc nước này phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.
Lam Giang
Theo Reuters
Bốn nghi phạm gián điệp Nga bị bắt giữ ở Na Uy
Cảnh sát Na Uy cho biết, bốn công dân Nga đã bị tạm giữ ở Na Uy sau khi bị bắt gặp đang chụp ảnh khu vực nhạy cảm.
Theo TASS, phát biểu với đài NRK TV, phát ngôn viên của cảnh sát Na Uy cho hay, các nhà chức trách đã bắt giữ ba người đàn ông và một phụ nữ, đang lái một chiếc xe hơi mang biển số Nga, sau khi bắt quả tang họ chụp ảnh một khu vực cấm. Bốn người này khẳng định rằng họ chỉ đơn giản là khách du lịch, nhưng cảnh sát đã tạm giữ họ sau khi khám xét chiếc xe cho thấy họ sở hữu các thiết bị chụp ảnh và tài liệu.
Phát ngôn viên này tiết lộ: “[Bốn người Nga] đã bị tạm giữ sau khi khám xét xe. Một lượng lớn thiết bị chụp ảnh và một lượng khá lớn tài liệu chụp ảnh đã được tìm thấy.”
Đại diện của cảnh sát cũng lưu ý, các nhà chức trách đang điều tra các tài liệu chụp ảnh mô tả những gì và nhấn mạnh họ biết cách làm thế nào.
Cảnh sát không nêu chi tiết những người Nga đã chụp ảnh những gì, nhưng đài NRK TV phỏng đoán rằng do họ bị bắt ở Mosjoen, có khả năng đó là trại Drevjamoen, một trung tâm hậu cần do quân đội Na Uy điều hành, nằm cách nơi bốn người Nga bị tạm giữ khoảng 18,6 dặm.
Đây là vụ bắt giữ công dân Nga thứ ba ở Na Uy bị tình nghi liên quan đến gián điệp trong một tuần qua. Theo hãng tin AP, hôm thứ Ba tuần trước (11/10), một công dân Nga đã bị bắt giữ tại một cửa khẩu biên giới sau khi bị bắt quả tang mang một máy bay không người lái chứa đầy terabyte dữ liệu ảnh chụp. Ông ấy bị bắt giữ với lý do vi phạm lệnh cấm của Cơ quan Hàng không Dân dụng Na Uy ban hành ngày 28/2. Lệnh này cấm tất cả người Nga vận hành bất kỳ máy bay nào, bao gồm cả máy bay không người lái, trong không phận Na Uy sau khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.
Washington Post trước đó đưa tin, một công dân Nga khác đã bị cảnh sát Na Uy tạm giữ hôm thứ Sáu (14/10) sau khi bị bắt quả tang đang điều khiển máy bay không người lái chụp ảnh một sân bay Na Uy, trong đó có máy bay trực thăng quân sự Na Uy.
Cảnh sát nhận định, ba vụ việc này trước mắt chưa được cho là có liên quan với nhau.
Theo Reuters, trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Emilie Enger Mehl nhấn mạnh: “Chúng ta đang thấy hậu quả của tình hình an ninh mới ở Na Uy. Chúng ta không thể loại trừ các vụ việc khác [có thể xảy ra].”
Gia Huy (Theo washingtonexaminer)
Bạn gái cũ của Bộ trưởng Quốc phòng Nga bị tước giấy phép cư trú ở Litva
Yelena Kaminskas, bạn gái cũ của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, đang đưa đơn kiện để được ở lại Liên minh châu Âu sau khi bà bị mất giấy phép cư trú tại Litva vào mùa hè này.
Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Litva (LRT) hôm Chủ nhật đưa tin rằng bà Kaminskas, còn gọi là Shebunova, đã bị thu hồi giấy phép cư trú do Bộ An ninh Nhà nước Litva lo ngại rằng sự hiện diện của bà ở nước này có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, do mối liên hệ của bà với Nga.
Hãng tin The Insider đưa tin vào năm 2019 rằng bà Kaminskas, một cựu tiếp viên tại Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga (MES), nơi ông Shoigu lãnh đạo trong 21 năm, bị cáo buộc có hai con với Bộ trưởng Quốc phòng – một con trai sinh năm 2001, và một con gái sinh năm 2008.
LRT cho biết, cô con gái [sinh năm 2008] được cho là đã có quốc tịch Litva vào năm 2019 sau cuộc hôn nhân của mẹ cô với Adolfas Kaminskas, một công dân và doanh nhân người Litva, người đã nhận cô bé này là con gái của ông.
Bà Kaminskas có hai người con khác trong cuộc hôn nhân của bà với Adolfas Kaminskas.
LRT phát hiện rằng bà Kaminskas đã mất giấy phép cư trú tại Litva vào mùa hè này sau khi bà và chồng chuyển đến Nga. Bà Kaminskas đã có giấy phép cư trú tạm thời ở Lithuania từ năm 2017.
Ông Adolfas Kaminskas đã nhận được hộ chiếu Nga vào mùa xuân này và do đó đã trở thành công dân Nga, theo sổ đăng ký chính thức của Nga.
Bà Kaminskas đã kháng cáo quyết định của Bộ Di trú về việc thu hồi giấy phép cư trú tại Litva của bà vào cuối tháng 8. Một phiên điều trần về vụ này vẫn chưa được lên lịch.
Olga Lautman, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), cho biết việc con gái của ông Shoigu có quốc tịch Litva là “kỳ quái”.
“Con gái của Bộ trưởng Quốc phòng tội phạm chiến tranh Nga Shoigu có quốc tịch Litva”, bà viết trên Twitter, chia sẻ bài báo của The Insider. “Nga tiến hành các hoạt động liên tục chống lại phương Tây nhưng không có vấn đề gì khi tận hưởng tất cả những thứ xa xỉ và sự bảo vệ thông qua các thể chế của chúng ta. Điều này phải dừng lại.”
Chồng của bà Kaminskas đã mua lại một số doanh nghiệp ở Lithuania trị giá gần 20 triệu euro (19,5 triệu USD) vào khoảng thời gian cặp đôi kết hôn, theo The Insider.
Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược nước láng giềng Ukraine vào ngày 24/2, ông bắt đầu bán tài sản ở Litva của mình, ấn phẩm cho biết. Bà Kaminskas và chồng được cho là sở hữu nhiều công ty ở Nga.
Ông Shoigu đã bị EU và Hoa Kỳ trừng phạt vì quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Putin gần 8 tháng trước.
Nhật Minh (theo Newsweek)
92 người tị nạn khỏa thân được tìm thấy ở biên giới Hy Lạp
Hôm 15/10, gần biên giới giữa phía bắc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh sát Hy Lạp đã tìm thấy và giải cứu 92 người đàn ông nhập cư bất hợp pháp gần như khỏa thân, một số người còn bị thương.
Những người này bị nghi là đến từ Syria. Nạn nhân nói với Cơ quan bảo vệbiên giới châu Âu (Frontex) rằng họ bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ buộc lên 3 chiếc xe đến sông Marica tại biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó họ bị ép phải cởi bỏ quần áo, và lên thuyền vượt sông sang Hy Lạp.
Ông Notis Mitarachi, Bộ trưởng Bộ Di trú của Hy Lạp, hôm 15/10 đã đăng một bức ảnh lên tài khoản Twitter cá nhân, trong ảnh có hơn 20 người đàn ông khỏa thân đang cúi mình ở ngoài trời.
“Hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ đối với 92 người di cư mà chúng tôi đã giải cứu ở biên giới là một sự xấu hổ cho nền văn minh. Chúng tôi hy vọng Ankara sẽ điều tra vụ việc,” ông Mitarachi bình luận bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Anh.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả lại lời chỉ trích trên, và cáo buộc Chính phủ Hy Lạp tạo “tin tức giả”, và lên án những người tị nạn bị ngược đãi ở Hy Lạp.
Ông Fahrettin Altun, người đứng đầu cơ quan truyền thông của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, kiêm phát ngôn viên chính của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, đã mô tả các cáo buộc là “vô căn cứ và không có cơ sở” trong một loạt các bài viết được đăng trên Twitter vào cuối ngày 16/10.
Ông Altun viết: “Cỗ máy tin tức giả của Hy Lạp đã hoạt động trở lại.”
Dù thế nào đi nữa, vụ việc những người tị nạn này gần như khỏa thân đã gây náo động châu Âu. Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ từng đạt được một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), trong đó nước này đồng ý ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp quá mức vào châu Âu, để đổi lấy hàng tỷ euro viện trợ của EU.
Hy Lạp hứng chịu cuộc khủng hoảng di cư châu Âu vào năm 2015 và 2016 khi có khoảng 1 triệu người tị nạn từ Syria, Iraq và Afghanistan đến đất nước này, chủ yếu qua Thổ Nhĩ Kỳ, để trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói.
Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên cáo buộc Hy Lạp “đẩy” người di cư trở lại một cách thô bạo, trong khi Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ “đẩy” người di cư đi để gây áp lực lên EU.
As you couldn’t find one single case of human rights violation by 🇹🇷, you just seek to expose image of your cruelty you’ve inflicted as if 🇹🇷’s done!
— İsmail ÇATAKLI (@ismailcatakli) October 15, 2022
Spend your time to obey human rights, not for manipulations & dishonesty!
C’mon, it’s not big deal; just be little bit civilised! https://t.co/Wu45kEN8tQ
(Nội dung tweet: “Vì các ông không thể tìm thấy một trường hợp vi phạm nhân quyền nào, nên các ông chỉ tìm cách phơi bày hình ảnh về sự tàn ác của các ông như nó đã xảy ra! Hãy dành thời gian của các ông để tuân thủ nhân quyền, chứ không phải để thao túng và không trung thực! Đó không phải là vấn đề lớn, chỉ cần văn minh một chút!”)
“Mare Liberum” – Nhóm nhân quyền có trụ sở tại Berlin, đã đăng tweet cáo buộc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hàng ngày đều phạm tội nhân quyền có hệ thống, đối với những người di cư tại vùng Evros giữa biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi các quan chức chính phủ 2 nước công khai thảo luận về những tội ác này, họ chỉ đổ thêm dầu vào lửa đối trong cuộc xung đột kéo dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, thay vì bảo vệ những người di cư đó.
Về vấn đề này, “Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn” (UNHCR) vô cùng đau buồn, và kêu gọi hai bên ngừng đổ lỗi cho nhau, cùng tiến hành điều tra càng sớm càng tốt, hy vọng rằng tình trạng này sẽ không tái diễn trong vài ngày tới. UNHCR lên án bất kỳ sự đối xử tàn nhẫn hoặc hạ nhục nhân phẩm nào.
Bình Minh (t/h)
Bộ Quốc phòng Anh: Bắc Kinh ‘săn’ cựu phi công Anh để đào tạo quân đội
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Bắc Kinh đang tuyển dụng nhiều phi công quân đội đã nghỉ hưu của Anh để đào tạo lực lượng vũ trang Trung Quốc cách đánh bại máy bay chiến đấu phương Tây.
Truyền thông Anh dẫn lời các quan chức quốc phòng cho biết, khoảng 30 cựu phi công lái máy bay phản lực nhanh và máy bay trực thăng của nước này đã bị ‘dụ’ với khoản tiền hào phóng – 270.000 USD/năm – để giúp huấn luyện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Các quan chức Anh cho hay Trung Quốc không trực tiếp tuyển dụng; việc ‘săn đầu người’ được thực hiện thông qua các bên thứ ba, bao gồm một học viện đào tạo bay có trụ sở tại Nam Phi.
Các phi công bị ‘mua chuộc’ được cho là đã phục vụ trong quân đội Anh chứ không chỉ trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF). Họ từng lái Typhoons, Jaguars, Harriers và Tornados.
Bộ Quốc phòng Anh đã ban hành một cảnh báo, trong đó nói rằng các phi công không nên giúp đỡ Trung Quốc.
Bộ trưởng các Lực lượng vũ trang Anh James Heappey tuyên bố Bộ Quốc phòng nước này đã tiếp cận những người liên quan và nói rõ rằng “chúng tôi mong đợi họ sẽ không tiếp tục là một phần” của hoạt động đó.
Khi nhận hợp đồng làm việc cho Trung Quốc, các cựu phi công Anh không vi phạm Luật Bí mật Chính thức của Anh; tuy nhiên, ông Heappey nói với Sky News:
“Chúng tôi dự định đưa vào luật rằng sau khi mọi người đã được cảnh báo thì việc tiếp tục với khóa đào tạo đó sẽ trở thành hành vi phạm tội”.
“Trung Quốc là đối thủ đang đe dọa lợi ích của Vương quốc Anh ở nhiều nơi trên thế giới”, ông nói thêm. “Rất rõ ràng là họ đang cố gắng tiếp cận bí mật của chúng ta; việc họ tuyển dụng phi công của chúng ta để hiểu rõ năng lực lực lượng không quân của chúng ta hiển nhiên là mối quan ngại của chúng ta và của bộ phận tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Anh”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Anh đã xấu đi rất nhanh trong những năm gần đây do chính phủ Anh phản đối việc Bắc Kinh đàn áp phong trào dân chủ ở Hong Kong – nơi Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Xuân Hoa
Theo Alexander Zhang – The Epoch Times
Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển biến thể Covid mới giết chết 80% chuột thí nghiệm
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát triển một chủng Covid chết chóc mới trong phòng thí nghiệm.
Theo Metro, biến thể nhân tạo – lai giữa Omicron và virus Vũ Hán gốc – đã giết chết 80% số chuột trong phòng thí nghiệm tại Đại học Boston.
Tuy nhiên, khi một nhóm tương tự của loài động vật gặm nhấm này tiếp xúc với chủng Omicron tiêu chuẩn, chúng đều sống sót và chỉ gặp các triệu chứng “nhẹ”.
Các nhà khoa học cũng đã dùng biến thể lai để lây nhiễm các tế bào của con người và nhận thấy nó có khả năng lây nhiễm cao gấp 5 lần so với Omicron. Điều này cho thấy virus nhân tạo này có thể là loại dễ lây lan nhất.
Trong nghiên cứu mới, một nhóm các nhà khoa học từ Boston và Florida đã chiết xuất được protein gai của Omicron – một cấu trúc đặc biệt giúp virus gắn kết và xâm nhập vào các tế bào của con người.
Các nhà khoa học đã gắn protein gai của Omicron với chủng virus ban đầu ở Vũ Hán.
Họ viết trong bài báo: “Ở chuột, trong khi Omicron gây nhiễm trùng nhẹ, không gây tử vong, thì vi rút mang protein gai của Omicron lại gây ra bệnh nặng với tỷ lệ tử vong là 80%”.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong khi protein gai chịu trách nhiệm về sự lây nhiễm, thì những thay đổi tại các phần khác trong cấu trúc của virus sẽ xác định mức độ chết chóc của nó.
Các nhà khoa học cũng xem xét tác động của các chủng Covid khác nhau lên các tế bào phổi của con người được nuôi trong phòng thí nghiệm.
Covid bám vào các tế bào của con người bằng protein gai và hướng dẫn các tế bào khỏe mạnh tạo ra các bản sao của chính nó.
Các nhà khoa học đã đo lường số lượng bản sao mà mỗi biến thể tạo ra cho các tế bào khỏe. Họ phát hiện ra chủng lai tạo ra nhiều hạt virus hơn 5 lần so với Omicron ban đầu.
Các nhà khoa học thừa nhận loại virus lai này khó có khả năng gây tử vong ở người cao như ở chuột. Họ lưu ý rằng một hạn chế trong nghiên cứu của họ là giống chuột được sử dụng, vì các loại chuột khác tương tự với con người hơn.
Chuột và người cũng không có phản ứng miễn dịch giống nhau, vì có sự khác biệt về DNA và gen. Các gen quy định hệ thống miễn dịch hoạt động khác nhau, và phản ứng với căng thẳng là khác nhau ở chuột và người.
Loại chuột được sử dụng trong nghiên cứu được phát triển đặc biệt để nghiên cứu nhiễm trùng Covid nghiêm trọng, nhưng hiện tại, không có loại chuột mô phỏng lại được tất cả các khía cạnh của bệnh Covid ở người.
Phòng thí nghiệm Các bệnh Truyền nhiễm Mới nổi Quốc gia của Đại học Boston là một trong 13 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 ở Hoa Kỳ, được ủy quyền để xử lý các mầm bệnh nguy hiểm nhất.
Các thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm này thường liên quan đến việc nghiên cứu virus động vật để cải tiến các phương pháp điều trị và vaccine có thể được sử dụng trong một đợt bùng phát dịch bệnh tương lai.
Văn Thiện