Ngày 20/10, Bắc Kinh mở cuộc họp báo về chính sách ngoại giao trong khuôn khổ Đại hội 20. Các phóng viên nước ngoài cho rằng, cuộc họp báo này giống buổi thể hiện lòng trung thành với ông Tập hơn. Đại diện Trung Quốc cũng không hề nhắc tới vụ việc lãnh sự Trung Quốc tại Anh đánh người biểu tình cách đây vài ngày.
Cuộc họp báo hôm thứ Năm (ngày 20/10) trong khuôn khổ Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tập trung vào chính sách đối ngoại. Bà Thẩm Bội Lị (Shen Beili), Thứ trưởng Bộ Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, và ông Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu), Ủy viên Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã tham dự sự kiện này.
Tuy nhiên, chỉ có hai kênh truyền thông nước ngoài đến từ Indonesia và Syria được đặt câu hỏi, còn lại là truyền thông Trung Quốc hoặc truyền thông Hong Kong; trong khi các câu hỏi từ truyền thông Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan không được chấp thuận.
Cũng như những lần trước đây, buổi họp báo lần này đã được sắp đặt trước: nhân viên công tác mời phóng viên đã được chỉ định, camera được định vị sẵn và ngay lập tức lia tới, phóng viên đọc đúng câu hỏi ghi trong sổ tay, quan chức ở trên bục đọc đúng câu trả lời đã viết sẵn.
Không chỉ vậy, mỗi một câu trả lời đều vô cùng ca ngợi ông Tập Cận Bình. Theo bản ghi của Tân Hoa Xã, cuộc họp báo này kéo dài hơn một giờ đồng hồ và tên ông Tập Cận Bình được nhắc đến hơn 60 lần.
Phóng viên nước ngoài không khỏi thắc mắc: Đây có phải là một cuộc họp báo?
“Đây không phải là một cuộc họp báo, mà là một hoạt động thể hiện lòng trung thành của Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương ĐCSTQ với ông Tập Cận Bình”, nhà báo người Úc Bill Birtles bình luận trên Twitter. Ông Birtles từng là phóng viên ABC thường trú tại Bắc Kinh, hiện là phóng viên đặc phái của ABC tại Đài Loan.
“ĐCSTQ đã truyền gọi một nhóm các nhà báo nước ngoài ‘hữu hảo’ để đặt các câu hỏi được chuẩn bị sẵn tại ‘cuộc họp báo’ theo phong cách đại hội đảng. Các nhà báo giả đã ở đây trong nhiều năm, nhưng giờ họ còn hạn chế số lượng nhà báo thực thụ tham dự cuộc họp báo”, ông Stephen McDonell, phóng viên BBC thường trú tại Trung Quốc, đăng Twitter cho hay.
“Ngay cả theo tiêu chuẩn của ĐCSTQ, cuộc họp báo này (về chính sách đối ngoại dưới thời ông Tập Cận Bình) vẫn vô cùng hoang đường và xa rời thực tế”, ông Fabian Kretschmer, một phóng viên người Đức tại Trung Quốc, viết trên Twitter.
Ông Huệ Hổ Vũ (Hui Huyu), nhà bình luận thời sự người Hoa, nói với The Epoch Times vào ngày 20/10 rằng, “Họ thể hiện cái gọi là thành tựu ngoại giao của một nước lớn trước các phóng viên từ hai nước nhỏ. Đó là để nói với toàn thế giới rằng, không biết xấu hổ là một truyền thống của ĐCSTQ, và đảng ta trước giờ không cần thể diện”.
Hỏi một đằng, trả lời một nẻo
Một phóng viên Indonesia được phép đặt câu hỏi đã hỏi rằng, liệu ông Tập Cận Bình có tham dự G20 ở Bali hay không?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mã Triêu Húc mở đầu bằng một loạt những lời xu nịnh như: “Kể từ sau Đại hội 18, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đích thân thúc đẩy đường lối ngoại giao với khí thế to lớn của nguyên thủ quốc gia”, “phất cờ định hướng” cho Trung Quốc và “chỉ đạo phương hướng…” cho thế giới; “Trong mười năm qua, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã 42 lần đến thăm 69 quốc gia ở năm châu lục, và đã tiếp hơn 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ tại Trung Quốc…”.
Cuối cùng, ông Mã mới trả lời ngắn gọn câu hỏi của phóng viên, rằng: “Vào thời gian thích hợp, chúng tôi sẽ công bố tin tức về quyết định tham dự của nhà lãnh đạo Trung Quốc”.
Phóng viên Úc Bill Birtles nói trên Twitter: “Ông Mã đã trả lời cực kỳ dài dòng về việc trước đây ông Tập Cận Bình có bao nhiêu hội nghị với các nhà lãnh đạo nước ngoài… và ông Tập Cận Bình cao cả, vĩ đại như thế nào. Nhưng lại không trả lời liệu ông Tập có tham dự (G20) hay không”.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA), ông Mã nói, “Trong 10 năm của thời đại mới, tổng số quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đã tăng từ 172 lên 181, đồng thời số quốc gia và khu vực trên thế giới thiết lập quan hệ đối tác đã tăng từ 41 lên 113”.
Ông cũng đề cập rằng, kể từ sau Đại hội 18, Trung Quốc “đã tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, kiên quyết và mạnh mẽ, liên tiếp giành được 9 ‘nước bang giao’ từ tay chính quyền Đài Loan”, và “dám đấu tranh là phẩm chất tinh thần trong ngoại giao của Trung Quốc”.
9 quốc gia đó lần lượt là Gambia, Sao Tome và Principe, Panama, Cộng hòa Dominica, Burkina Faso, El Salvador, Quần đảo Solomon, Kiribati, và Nicaragua.
Nhà bình luận Huệ Hổ Vũ nói, “Ngoại giao trong thời đại Tập Cận Bình không có thành quả gì. Từ quan điểm của ĐCSTQ, cái được tính là thành quả ấy chính là cướp đi một số nước bang giao của Đài Loan”.
Ở một khía cạnh khác, ông Huệ cho rằng, “đó là một thảm họa đối với ĐCSTQ”. Vì trong thời Tập Cận Bình, ngoại giao của ĐCSTQ không có thành tựu gì đáng kể, mối quan hệ với các quốc gia phương Tây cũng rơi xuống mức âm. Ông nêu ví dụ:
- Bắc Kinh bị thế giới yêu cầu giải trình về sự lây lan của dịch bệnh Covid-19;
- Cuộc chiến giành quyền bá chủ với Hoa Kỳ đã gây ra cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, đã làm thay đổi chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ và Mỹ coi ĐCSTQ là mối đe dọa số 1;
- Bắc Kinh cũng chọn sai bên trong vấn đề Nga – Ukraine, họ đang ở thế tiến thoái lưỡng nan và đang phải vật lộn để đối phó với nó;
- ĐCSTQ hủy hoại sự thịnh vượng của Hong Kong, khiến các tập đoàn bè phái trong đảng tức giận nhưng không dám lên tiếng;
- ĐCSTQ thù địch với Nhật Bản, đối đầu với Hàn Quốc, gây xung đột với Ấn Độ ở biên giới, v.v.
“Vì vậy, đó là lý do tại sao họ không dám cho các phóng viên phương Tây đặt câu hỏi, vì rất khó kiểm soát. Các phóng viên phương Tây có thể hỏi bất cứ điều gì và người phát ngôn sẽ không thể ứng phó”, nhà bình luận nói.
Buổi họp báo không nhắc đến vụ ‘Nhà ngoại giao Trung Quốc đánh người’
Gần đây, quốc tế đang xáo động về vụ nhà ngoại giao ĐCSTQ đánh người biểu tình Hong Kong ở Anh. Tuy nhiên, buổi họp báo này lại không hề đả động đến.
Chủ nhật tuần trước (16/10), người biểu tình Hong Kong ở Anh đã bị nhân viên của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Manchester, Vương quốc Anh, kéo vào trong khuôn viên lãnh sự quán và đánh đập. Hôm 16/10, một số nhân viên lãnh sự quán ĐCSTQ tại Anh đã đánh đập một công dân Hong Kong. Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Anh Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan) đã túm tóc người biểu tình (đeo khẩu trang vàng). (Ảnh chụp màn hình video)
Đoạn video cho thấy Tổng lãnh sự Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan) đã xé biểu ngữ của người biểu tình và túm tóc người biểu tình. Tuy nhiên, ông Trịnh nói với Sky News hôm thứ Tư (19/10) rằng , đó là “trách nhiệm của tôi”.
Cảnh sát Manchester cho biết, một người biểu tình đã bị kéo vào lãnh sự quán Trung Quốc và bị đánh đập, các cảnh sát đã bảo vệ và đưa nạn nhân ra khỏi khuôn viên lãnh sự quán. Bộ Ngoại giao Anh gọi hành vi của các nhà ngoại giao Trung Quốc là “không thể chấp nhận được” và đã gửi công hàm cho các quan chức Trung Quốc tại Anh.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết, cuộc biểu tình diễn ra hòa bình và hợp pháp. Một phát ngôn viên của số 10 phố Downing cho hay, ông Cleverly đã triệu kiến đại diện ngoại giao Trung Quốc ở Anh và nói: “Ở Anh, quyền biểu tình hòa bình phải được bảo vệ”. Ngoại trưởng Anh cho biết, đang tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và đang xem xét các bước tiếp theo.
Chuyên gia: Bản chất của ĐCSTQ khiến các nước tránh xa
Tại cuộc họp báo, một phóng viên của Thời báo Hoàn cầu đặt câu hỏi rằng, kể từ sau Đại hội 18, “đấu tranh” ngày càng trở thành từ khóa và là một từ có tần suất xuất hiện cao trong ngoại giao của Trung Quốc, vậy ngoại giao Trung Quốc thể hiện tinh thần đấu tranh như thế nào?
Ông Mã nói, Trung Quốc đã đáp trả mạnh mẽ chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, phản đối hết thảy “Đài Loan độc lập” và hạn chế sự can thiệp của các thế lực bên ngoài… Cuối cùng, ông tuyên bố đường lối ngoại giao tương lai của Trung Quốc là: “Sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đấu tranh và nâng cao bản lĩnh đấu tranh”.
Ông Đổng Tư Tề (Dong Siqi), Phó Tổng thư ký Hiệp hội học thuật Đông Bắc Á Đài Loan, đã phân tích với The Epoch Times vào ngày 20/10 rằng, phát ngôn “đấu tranh” này thực sự phản ánh sự hiểu biết của chính ông Tập Cận Bình về thứ chủ nghĩa mà họ đi theo, cũng như các thủ đoạn và phương pháp mà ông ấy sẽ áp dụng trong tương lai. Trong giai đoạn tới sau khi kinh tế tăng trưởng, ĐCSTQ sẽ không còn che đậy bản chất và đặc điểm đấu tranh của nó.
Ông Đổng cho rằng, khi ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, ĐCSTQ sẽ ngày càng đối đầu với thế giới, đồng thời sẽ hết sức coi trọng việc đấu tranh, sẽ không còn ẩn nhẫn hay che giấu một số tham vọng kinh tế hoặc chính trị đối với các nước khác. Nó có thể dẫn đến các mối quan hệ căng thẳng hơn.
Nhưng quan trọng hơn là, ông Đổng cho rằng sẽ có nhiều quốc gia hơn nữa phê phán ĐCSTQ từ góc độ tự do và dân chủ. Đồng thời, các nước cũng hình thành một chuỗi cung ứng sạch và an toàn trong ngành công nghệ, nhưng gạt bỏ Trung Quốc ra ngoài. Nền chính trị quốc tế sẽ có một số thay đổi cực lớn.
Đông Phương