Đông Phương
Trong báo cáo tại Đại hội 20, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng bước tiếp theo sẽ là dẫn dắt người dân đi đến “thịnh vượng chung”. Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đề xuất “quy phạm cơ chế tích lũy của cải”, chính là quy định về phạm vi và cơ chế tích lũy của cải.
Trong báo cáo trước Đại hội 20, ông Tập nhắc đến việc “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử thoát nghèo, công thành và toàn diện xây dựng xã hội tiểu khang, hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ nhất”. Ông coi đây là một trong ba việc lớn trong 10 năm cầm quyền.
Ông nói thêm rằng, để đạt được mục tiêu 100 năm lần thứ hai, cần “thúc đẩy toàn diện công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa theo hướng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”.
Trung Quốc lần đầu đề xuất ‘quy phạm cơ chế tích lũy của cải’
Báo cáo còn đề xuất tăng tỷ lệ trả lương lao động trong phân phối sơ cấp (phân phối thu nhập lần đầu, trực tiếp qua tiền lương). “Kiên trì làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, khuyến khích chăm chỉ lao động để trở nên giàu có”. “Cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách phân phối theo các yếu tố”, như tăng cường điều chỉnh các khoản thuế, an sinh xã hội và trợ cấp thu nhập, v.v.
Báo cáo lần đầu tiên đề cập đến “quy định về phạm vi và cơ chế tích lũy của cải”, bao gồm: cải thiện hệ thống thuế thu nhập cá nhân, chuẩn hóa trật tự phân phối thu nhập, bảo vệ thu nhập hợp pháp, điều tiết thu nhập quá mức, và cấm thu nhập bất hợp pháp.
The Beijing News, tờ báo ngôn luận của ĐCSTQ, nói rằng thuật ngữ mới “quy phạm cơ chế tích lũy của cải” có ý nghĩa sâu rộng. Và rằng “tăng cường quy phạm [quy định phạm vi] con đường ‘phát tài’ của một số nhóm người giàu lên trước hay phất lên nhanh chóng là một nội dung nên có trong việc quy phạm cơ chế tích lũy của cải”. Theo đó, cơ chế này có lợi cho việc xóa bỏ vùng xám của nhóm người làm lũng đoạn thị trường và kiếm được những khoản lợi khổng lồ.
Bình mới rượu cũ
Đài Á châu Tự do (RFA) trích lời ông Lỗ Nan (Lu Nan), một nhà bình luận độc lập tại Mỹ, cho hay: “Thay đổi phương thức tích lũy của cải chỉ là bình mới rượu cũ. Ông ấy có thể phải loại bỏ một nhóm người, nhưng một nhóm người khác vẫn cần thông qua quyền lực nhà nước để đạt được thành công lớn”.
Ông Lỗ phân tích rằng, có hai loại người được gọi là siêu giàu ở Trung Quốc, một loại là vô hình, loại còn lại là có thể thống kê được trên bề mặt. Bởi vì khi làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc, nếu không dính dáng tới quyền lực nhà nước, không có giới quyền quý hậu thuẫn, thì khó mà chiếm được thế độc quyền và trở thành người giàu có thực sự.
Ông lấy ví dụ, giống như Jack Ma (Mã Vân) của Alibaba, dữ liệu của 1,4 tỷ dân Trung Quốc nằm trong tay ông ấy. Nếu không có người chống lưng thì không thể thành công. Tương tự vậy, WeChat của Pony Ma (Mã Hóa Đằng) cũng không thoát khỏi quyền lực của nhà nước. Nó là công cụ kiểm soát ngôn luận, tự do và mọi động thái của người dân, bao gồm cả tiền bạc và ý chí tư tưởng.
Cho nên, “cái gọi là thay đổi cách thức tích lũy của cải ấy, chẳng qua là cách nói biến tướng hoặc là chuyển hướng sang một nhóm người khác và lấy của cải từ họ”, ông Lỗ nói.
Ông Tập không thích khu vực kinh tế phi sản xuất?
Ông Lưu Mạnh Tuấn (Liu Mengjun), Giám đốc Viện Kinh tế Đại lục thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa (CIER) của Đài Loan, nói với RFA rằng, từ bài báo cáo của Tập Cận Bình có thể thấy ông ấy coi trọng khu vực kinh tế thực.
Nói cách khác, ông ta không vui khi thấy người ta kiếm tiền từ tư bản hoặc độc quyền, ví dụ: trò chơi di động, trò chơi máy tính, ngành công nghiệp giải trí… – những thứ ông ấy gọi là “thuốc phiện tinh thần”; hay kiếm tiền từ ba lĩnh vực chi phối cuộc sống của người dân: giáo dục, đời sống, y tế – bao gồm ngành dạy thêm, ngành bất động sản, ngành chăm sóc sức khỏe, v.v. Đây đều là những lĩnh vực mà ông Tập muốn phân phối lại của cải.
Theo ông Lưu, “Một mặt, đây thực sự là áp lực cuộc sống của người dân thường; mặt khác, nó tượng trưng cho quan điểm của Tập Cận Bình về giá trị kinh tế. Ông ấy cho rằng việc dùng sức lao động để kiếm tiền nên được tôn trọng. Đây là giá trị lao động Mác-xít của ông ấy, ông ấy nói rằng bản thân theo chủ nghĩa Marx”.
Tuy nhiên, ông Lưu cũng chỉ ra rằng, ông Tập Cận Bình không rõ về điểm mù trong phát triển khoa học công nghệ. Ông giải thích rằng, chống độc quyền là chống nền kinh tế dữ liệu nền tảng. Đặc điểm của nền kinh tế số đã hình thành nên hiện trạng “ông lớn mãi lớn, ông nhỏ mãi nhỏ”. Tất nhiên là có thể quy phạm, nhưng không thể ép buộc chọn một trong hai hoặc dùng vị thế thị trường để buộc khách hàng phải lựa chọn. Ông nhắc nhở rằng, “có thể điều chỉnh, nhưng không được đả kích”.
Liệu động thái này có phải là bước tiếp theo để đàn áp kinh tế tư nhân? Ông Lưu cho rằng phải, vì “Nếu chỉ chú trọng vào nền kinh tế thực thể mà không chú ý đến phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp và thị trường hiện đại, nó có thể gây ra ảnh hưởng lớn”.
Phân phối lại vì thịnh vượng chung chỉ là một khẩu hiệu hoa mỹ
Về cái gọi là “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, The Beijing News giải thích rằng đó là hiện đại hóa theo hướng chủ nghĩa xã hội do ĐCSTQ lãnh đạo, là hiện đại hóa vì thịnh vượng chung của toàn thể nhân dân, và phải thúc đẩy vững chắc “thịnh vượng chung”. Tờ báo này chỉ ra rằng, hệ thống phân phối là hệ thống cơ bản để thúc đẩy thịnh vượng chung.
Nhưng “cái gọi là giấc mơ giàu có đồng đều, từ xưa tới nay hàng nghìn năm đều không thực hiện được. Nó cũng là điều không thể dưới sự cai trị của ĐCSTQ, đó chỉ là một khẩu hiệu hoa mỹ”, nhà bình luận Lỗ Nan nói.
Ông Lỗ nhớ lại, ĐCSTQ đã nói về “thịnh vượng chung” ngay từ cuối những năm 1920 khi họ thành lập căn cứ địa cách mạng ở núi Tỉnh Cương (giữa hai tỉnh Hồ Nam và Giang Tây), nhưng tới nay nhiều người Trung Quốc vẫn sống ở dưới chuẩn nghèo. “Nhiều người nói rằng làm quan mà không phát tài thì tôi theo ĐCSTQ làm gì?”. Chính vì vậy, khi ông Tập Cận Bình bắt giữ hàng triệu quan chức trong chiến dịch chống tham nhũng, câu hỏi đặt ra là: “Quyền lực và hệ thống phân phối của họ đến từ đâu, của cải tham ô của họ đến từ đâu? Không phải đến từ đảng cầm quyền sao?”.
Ông Lỗ cho rằng, sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, tất cả các cơ chế pháp lý và giám sát đều không có tác dụng, và cái gọi là chống tham nhũng chỉ nhằm loại bỏ một số người bất đồng chính kiến với ông Tập mà thôi.
Đông Phương