Giới nhà giàu Trung Quốc ‘tháo chạy’ sẽ tăng tốc sau Đại hội 20
Sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ thứ 3 tại Đại hội 20, đã có tin đồn về làn sóng người giàu và tinh anh nước này rời khỏi đất nước.
Nguồn tin từ Financial Times
Tờ Financial Times (Anh) ngày 25/10 đưa tin, vào thời điểm Đại hội 20 của ĐCSTQ, cùng xu thế phe cánh thân tín Tập Cận Bình nắm quyền, giới nhà giàu nước này đã tăng tốc làn sóng lên kế hoạch rời khỏi Trung Quốc. Luật sư David Lesperance, người có nhiều trải nghiệm làm việc với các gia đình giàu có ở Hồng Kông và Trung Quốc, chỉ ra việc ông Tập Cận Bình kéo dài thời gian cầm quyền là một bước ngoặt đối với giới thượng lưu và kinh doanh của Trung Quốc – những người trước đây đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập niên.
Ông Lesperance cho biết nhiều khách hàng của ông đã chuẩn bị rời Trung Quốc từ nhiều năm trước, bao gồm cả việc chuyển tài sản hợp pháp đến các khu vực tài phán nước ngoài an toàn, bố trí cho các thành viên gia đình nhập quốc tịch mới để cư trú. Ông nói rằng những người giàu có của Trung Quốc không chỉ lo lắng nhà cầm quyền sẽ sử dụng hệ thống thuế cao và buộc họ chia sẻ tài sản, mà còn ngày càng lo lắng về an toàn của chính họ.
Nguồn tin chỉ ra những năm gần đây, có hiện tượng nhiều người nổi tiếng của Trung Quốc đã bất ngờ “mất tích” trong thời gian ngắn hoặc dài đã khiến giới nhà giàu Trung Quốc lo lắng hơn về an toàn của họ: ví dụ như Mã Vân (Jack Ma) – người sáng lập Alibaba – từng “mất tích” một thời gian, Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) – người sáng lập Minh Thiên đã bị xét xử và kết án ở Thượng Hải sau khi “mất tích” 5 năm, tin đồn nữ doanh nhân Đoàn Vỹ Hồng (Duan Weihong) bị điều tra vì liên quan đến vụ án tham nhũng của cựu ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài…
Ông Lesperance mô tả rằng người giàu có Trung Quốc trước đây vẫn có phương án “chuẩn bị một chiếc tàu cao tốc ở bến cảng với vàng miếng và bộ hồ sơ thứ 2; bây giờ chuyển thành chuẩn bị một chiếc máy bay riêng, hộ chiếu và tài khoản ngân hàng nước ngoài”.
Nguồn tin cũng đề cập đến việc hãng luật Dentons Reid LLP trụ sở tại Singapore có 6.000 nhân viên tại Trung Quốc, đối tác cấp cao của họ là Kia Meng Loh cho biết trong vài tháng qua, liên tục nhận được chỉ thị và yêu cầu của giới nhà giàu Trung Quốc về việc đặt văn phòng gia đình (family offices) tại Singapore. Văn phòng gia đình được những người giàu có sử dụng để quản lý tài sản của gia đình.
Ông Kia Meng Loh nói trước đây, Hồng Kông từng là điểm đến cho giới thượng lưu và giàu có Trung Quốc đặt văn phòng gia đình, nhưng với việc ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát Hồng Kông thì sức hấp dẫn của Hồng Kông đã giảm sút.
Giám đốc Ryan Lin của công ty luật Bayfront Law có trụ sở tại Singapore cũng cho biết, trong thời gian Đại hội 20 của ĐCSTQ ông đã tiếp nhận 5 gia đình Trung Quốc bày tỏ mong muốn thành lập văn phòng gia đình tại Singapore, trong số đó có 3 gia đình đang trong quá trình thực hiện. Trong năm qua, ông đã thành lập khoảng 30 “văn phòng gia đình” ở Singapore, hầu hết những người giàu Trung Quốc đều muốn chuyển địa điểm và chuyển tài sản sang Singapore.
Theo Ngân hàng tư nhân CITI, số lượng văn phòng gia đình được thành lập tại Singapore đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2017 – 2019, từ 400 vào cuối năm 2020 lên 700 vào cuối năm 2021.
Tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng. Người sáng lập một nền tảng bất động sản của Mỹ dành cho giới giàu có của Trung Quốc cho biết, ông đang vật lộn với vô số yêu cầu vì hầu hết khách hàng đều mong muốn rời khỏi Trung Quốc mà không có kế hoạch chu đáo.
Đồng thời, các công ty nhập cư ở Thượng Hải và Bắc Kinh đã nhận được một số lượng lớn đơn xin thẻ xanh Mỹ từ những người có thành tích xuất sắc. Đối với họ thì thời gian chờ đợi sẽ nhanh hơn so với những người siêu giàu có thể nhận được thẻ xanh bằng cách đầu tư.
Khoảng 10,000 người giàu rời khỏi TQ trong nửa đầu năm 2022
Đầu tháng 7 năm nay, Bloomberg đã công bố thông tin đặc biệt cho biết do dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc và suy thoái kinh tế, khoảng 10.000 người giàu Trung Quốc đã rời khỏi nước này.
Khi đó, công ty tư vấn nhập cư đầu tư Henley & Partners (có trụ sở tại London – Anh) ước tính rằng việc di cư của những người giàu có này đã mang khỏi Trung Quốc 48 tỷ USD. Trong số 10.000 cá nhân có giá trị ròng cao (VHNWI), có khoảng 4.200 người đã di cư ra nước ngoài từ tháng 1 – 6 năm nay. Theo lựa chọn, nước ưa thích của họ để di cư là Mỹ, tiếp theo là Canada, Úc, Vương quốc Anh và Singapore.
Nguồn tin đã lấy chủ sở hữu họ Hồ của một nhà hàng ở Thượng Hải làm ví dụ, nói rằng chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 hà khắc của ĐCSTQ khiến người này đã quyết định bán một phần vốn sở hữu của mình trong hai nhà hàng cao cấp trị giá 20 triệu nhân dân tệ, đồng thời đã thuê một luật sư nhập cư và người quản lý tài sản để giúp anh ta chuyển đến Canada.
Theo công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners tiết lộ, “Mặc dù chúng tôi không chắc chắn về số lượng chính xác VHNWI sẽ chuyển đến Singapore trong năm nay, nhưng con số cho cả năm sẽ vượt quá 500”.
Theo công ty môi giới bất động sản Hedeng Group, so với quý trước thì doanh số bán căn hộ cao cấp trong khu vực Singapore đã tăng 64% trong quý II, và các yêu cầu từ người mua nước ngoài cũng tăng lên. Vào tháng 6 năm nay, một người mua lại khu Canninghill Piers ở Fort Canning (Singapore) cũng là người từ Trung Quốc, đã mua một lúc 20 căn, tất cả là căn lớn 3 – 4 phòng ngủ với tổng giá trị giao dịch ước tính hơn 85 triệu đô la Singapore (hơn 61,5 triệu USD).
Các nguồn tin cho biết, người mua có thể còn mua thêm 10 căn nữa, nâng tổng giá trị giao dịch lên hơn 100 triệu đô la Singapore và đóng góp khoảng 30 triệu đô la Singapore tiền thuế trước bạ cho Chính phủ Singapore.
Giáo sư Nick Thomas tại Đại học Thành phố Hồng Kông – người từng biên tập một số cuốn sách về đại dịch COVID-19 và các mối quan hệ chính trị – nói với Bloomberg rằng sự ra đi của những người giàu này “là một cái giá rõ ràng đối với nền kinh tế Trung Quốc”, và rằng “rủi ro từ COVID-19 đang được đưa vào các kế hoạch kinh tế và mô hình doanh nghiệp”.
Lê Tiểu Quỳ, Vision Times
Đại gia chip Trung Quốc YMTC yêu cầu nhân viên cốt cán quốc tịch Mỹ từ chức
Nguồn tin cho biết, nhà sản xuất chip Trung Quốc Yangtze Memory (YMTC) đã yêu cầu các nhân viên người Mỹ ở các vị trí công nghệ cốt lõi rời đi, để tuân thủ các biện pháp mới kiểm soát xuất khẩu chip của Hoa Kỳ. Điều này cho thấy ngành công nghiệp chip Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề, và đang mất đi những nhân tài chủ chốt.
Theo Financial Times, hiện không rõ có bao nhiêu công dân Hoa Kỳ và thường trú nhân (người có thẻ xanh) sẽ bị buộc rời khỏi YMTC, nhưng một số người đã rời khỏi công ty sản xuất chip này.
Một kỹ sư cấp cao tại YMTC cho biết, một số người Mỹ rời đi là nhân viên cốt lõi cho bước đột phá trong sản xuất chip nhớ Nand (bộ nhớ điện tĩnh flash có thể lưu trữ dữ liệu ngay cả khi không được kết nối với nguồn điện). Tuy nhiên, đối mặt với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, công ty thực sự không thể làm gì khác.
Sau khi Washington công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt trong tháng này, các công ty chip trên khắp thế giới đang xem xét cách tuân thủ những quy định mới.
Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn lớn của Hoa Kỳ gồm LAM Research, Applied Materials và KLA đã đình chỉ việc bán hàng và dịch vụ cho nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc.
Công ty ASML có trụ sở tại Hà Lan đã nói với các nhân viên Hoa Kỳ của mình rằng trong khi xem xét các lệnh trừng phạt, họ sẽ ngừng phục vụ tất cả các khách hàng Trung Quốc.
Ngày 7/10, Hoa Kỳ đã đưa ra một biện pháp kiểm soát xuất khẩu toàn diện và nghiêm ngặt nhất, nhằm hạn chế việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết hợp dân sự và quân sự sử dụng công nghệ chip của Mỹ để phát triển siêu máy tính, AI và các công nghệ khác.
Ông Jim Lewis, chuyên gia an ninh tại “Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế” (CSIS) cho biết: “Điều này sẽ khiến Trung Quốc thụt lùi lại một vài năm.”
Ông Ngô Tư Hạo (SzeHo Ng), Giám đốc điều hành của China Renaissance, cũng nhận định: “Nói dễ hiểu, (các công ty Trung Quốc) về cơ bản đã trở lại thời kỳ đồ đá.”
Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu chip, công nghệ và thiết bị tiên tiến sang Trung Quốc, Hoa Kỳ còn cấm “người Mỹ” hỗ trợ các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực chip tiên tiến “nghiên cứu, phát triển hoặc sản xuất” khi chưa được phép.
“Người Mỹ” bao gồm công dân Hoa Kỳ và người có thẻ xanh, bất kỳ ai vi phạm điều cấm này sẽ bị tước quốc tịch Hoa Kỳ hoặc tình trạng thường trú nhân thẻ xanh của họ. Điều này cũng được áp dụng với nhiều nhân tài đã trở về Trung Quốc sau khi có được hộ chiếu Mỹ nhờ đến Hoa Kỳ học tập và đào tạo.
Hàng trăm kỹ sư người Mỹ gốc Hoa, những người từng là nhân vật chủ chốt trong các công ty bán dẫn Trung Quốc, đã chọn giữ lại quốc tịch Mỹ và vội vã từ chức trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Ngoại giới tin rằng điều này sẽ phá hủy nguồn nhân tài quan trọng của ngành công nghiệp chip Trung Quốc, và có thể dẫn đến làn sóng từ chức của các giám đốc điều hành và kỹ thuật viên trong ngành, đẩy nhanh sự tách rời giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về công nghệ bán dẫn.
Cựu giám đốc YMTC, ông Dương Sĩ Ninh (Simon Yang), người có hộ chiếu Hoa Kỳ, đã từ chức trước khi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được công bố. Theo nguồn tin cho biết đây là kết quả của áp lực chính trị và kiểm soát.
3 nhân viên YMTC nói rằng ông Simon Yang đã trở thành Phó giám đốc của công ty sau khi từ chức CEO vào cuối tháng Chín. Nhưng các quy định mới của Hoa Kỳ trong tháng này sẽ khiến vị trí của ông tại công ty không rõ ràng, mặc dù hồ sơ cho thấy ông vẫn là thành viên của YMTC.
“Bạn phải từ bỏ quyền công dân của mình, hoặc bỏ việc,” một giám đốc điều hành bán dẫn Trung Quốc cho biết.
Financial Times đưa tin, Giám đốc Trung Quốc của một công ty sản xuất chip nhà nước có trụ sở tại Thượng Hải cho biết công ty này đang đàm phán các điều khoản từ chức với một số nhân viên không muốn từ bỏ hộ chiếu Hoa Kỳ của họ.
“Giờ đây, chúng tôi không chỉ đang cố gắng xây dựng dây truyền sản xuất ‘không có nước Mỹ’, mà còn phải khử Mỹ hóa đội ngũ,” vị giám đốc điều hành cho biết.
Những công ty tuyển dụng nhân sự cho biết quy định mới sẽ làm giảm nguồn nhân tài của các công ty bán dẫn Trung Quốc, “giảm một nửa số ứng viên hiện có cho các công việc hàng đầu tại các nhà sản xuất chip và thiết bị”.
Đài Á Châu Tự Do cho biết, vào ngày lệnh cấm có hiệu lực, ngoài YMTC, nhân viên người Mỹ của các công ty bán dẫn khác như ChangXin Memory Technologies, Shanghai IC R&D Center Jiading Factory, Hefei ChangXin Memory Technologies, Hangzhou HFC Semiconductor, v.v, đều lần lượt từ chức.
Bình Minh
Video đầy đủ quá trình ông Hồ Cẩm Đào được “mời” ra khỏi hội trường Đại hội 20
Một đoạn video đầy đủ về việc ông Hồ Cẩm Đào đột ngột được “mời” rời khỏi hội trường trong lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20 của ĐCSTQ) đã lan truyền trên Internet.
Kênh truyền thông Singapore Channel News Asia (CNA) hôm thứ Ba (ngày 25/10) đã công bố đoạn video đầy đủ về việc ông Hồ Cẩm Đào được “mời” ra ngoài trong lễ bế mạc Đại hội 20 của ĐCSTQ vào ngày 22/10. Đoạn video dài gần 3 phút, đã thu hút hơn 200.000 lượt xem chỉ trong vài giờ trên YouTube.
Đầu tiên, tại lễ bế mạc, ông Tập Cận Bình ngồi ở chính giữa sân khấu với Hồ Cẩm Đào (79 tuổi) ở bên trái. Bên trái ông Hồ Cẩm Đào là ông Lật Chiến Thư, thường ủy Bộ Chính trị sắp mãn nhiệm.
Cảnh quay cho thấy ông Lật Chiến Thư lấy một bộ tài liệu từ ông Hồ Cẩm Đào, sắp xếp lại và đặt lại trên bàn, đồng thời nghiêng người nói chuyện với ông Hồ.
Cảnh tượng này xảy ra ngay sau khi đoàn báo chí, bao gồm cả truyền thông nước ngoài, được phép vào sảnh từ khu vực chờ, bắt đầu đặt máy quay, chờ quay lại diễn biến cuộc họp.
Ít phút trước khi các phóng viên vào hội trường cuộc họp, các phương tiện truyền thông nhà nước của ĐCSTQ vừa đưa tin rằng đại hội đảng đã bầu ra một ủy ban trung ương mới.
Tiếp theo, đoạn video cho thấy ông Tập Cận Bình đang nhìn ông Hồ Cẩm Đào và ông Lật Chiến Thư nói chuyện, trong khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường, ngồi bên phải ông Tập, vẫn nhìn thẳng về phía trước.
Sau đó, ống kính máy quay chuyển sang cảnh quay chỉ có ông Hồ Cẩm Đào và ông Lật Chiến Thư. Ông Lật Chiến Thư rút tập tài liệu từ tay ông Hồ Cẩm Đào ra, đồng thời nói với ông Hồ điều gì đó, trong khi vị cựu lãnh đạo này đang nhìn về phía trước.
Ông Vương Hỗ Ninh, người ngồi bên trái ông Lật Chiến Thư (đã được xác nhận sẽ ở lại Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ) đã có cử chỉ với ông Hồ Cẩm Đào.
Cùng lúc đó, ông Tập Cận Bình dường như đang cố gắng gọi người phục vụ đến, và sau đó ông Khổng Thiệu Tốn (Kong Shaoxun), Phó chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ, bước tới nghe và nói với ông Tập rồi rời đi.
Ngay sau đó, một nhân viên khác đến gần ông Hồ Cẩm Đào, dùng hai tay ôm ghế, đồng thời cúi xuống lắng nghe ông Tập Cận Bình, ông Tập làm thế tay với các tài liệu trên bàn của ông.
Nhân viên này gật đầu, sau đó đi đến giữa ông Hồ Cẩm Đào và ông Lật Chiến Thư. Ông Hồ Cẩm Đào tiếp tục nghe ông Tập Cận Bình nói, nhưng ánh mắt hai người không chạm nhau.
Trong thời gian sau đó, ông Lật Chiến Thư nói vài câu với nhân viên, và nhân viên cầm tài liệu trên bàn ở chỗ ngồi của ông Hồ Cẩm Đào.
Phóng viên của CNA cho biết, vào thời điểm đó các phương tiện truyền thông được bố trí trên tầng hai của Đại lễ đường Nhân Dân và họ nhìn thấy ông Vương Hỗ Ninh liếc về hướng truyền thông và nói điều gì đó.
Sau đó, nhân viên đã đỡ cánh tay của ông Hồ Cẩm Đào, có vẻ đang cố gắng nhấc ông lên khỏi ghế. Anh ta cũng đang cầm một cặp kính, có lẽ là cặp đã được đặt trước mặt ông Hồ Cẩm Đào trước đó.
Khi ông Hồ Cẩm Đào đứng dậy, ông Khổng Thiệu Tốn bước tới để giúp di chuyển chiếc ghế, nhưng ông Hồ Cẩm Đào dường như quay lại và quay trở lại chỗ ngồi của mình, và có lúc với lấy tài liệu trong tay nhân viên.
Cuối cùng, với sự giúp đỡ của các nhân viên, ông Hồ Cẩm Đào bắt đầu đi về phía lối ra.
Ông ấy đã dừng lại và nói điều gì đó với ông Tập Cận Bình. Ông Tập gật đầu và trả lời ông Hồ Cẩm Đào một cách ngắn gọn. Khi ông Hồ Cẩm Đào rời đi, ông còn vỗ vai ông Lý Khắc Cường.
Khi Hồ Cẩm Đào rời đi từ phía sau, một số thành viên của đoàn chủ tịch đại hội, chẳng hạn như Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì, và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương – Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, đều đang ngồi ở hàng đầu tiên, tất cả đều nhìn thẳng về phía trước.
Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa không những không có trong danh sách Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, mà còn mất cả ghế ủy viên Bộ Chính trị. Khi ông Hồ Cẩm Đào đi phía sau ông ấy, ông ấy đang ngồi và khoanh tay.
Ông Hồ Xuân Hoa (59 tuổi) từng được coi là người kế nhiệm tiềm năng của ông Lý Khắc Cường sắp mãn nhiệm và được mệnh danh là “Tiểu Hồ” vì sự nghiệp chính trị của ông tương đồng với ông Hồ Cẩm Đào. Ông Hồ Xuân Hoa cũng được coi là người của ông Hồ Cẩm Đào, có liên quan đến phe Đoàn thành niên ĐCSTQ.
Sau khi ông Hồ Cẩm Đào rời đi, cuộc họp tiếp tục, với các đại biểu biểu quyết về các mục khác trong chương trình nghị sự, bao gồm cả sửa đổi Điều lệ đảng.
Sau đó, vị cựu lãnh đạo ĐCSTQ này đã không trở lại hội trường như tòa đại sứ của Trung Quốc ở Tây Ban Nha đưa tin.
Trí Đạt