Không nghi ngờ gì nữa, ông Tập đã trở thành nhà độc tài quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao. Và theo quy luật của các thể chế độc tài, chiến tranh sẽ phải nổ ra, chỉ là sớm hay muộn.
Không một ai, truyền thông hay ngoại giới khắp toàn cầu, ngạc nhiên trước kết quả sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình chính thức bước vào nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 3; một ngoại lệ chưa từng có kể từ thời Mao.
Quyền lực tuyệt đối
Không có gì ngạc nhiên khi Tập Cận Bình được bầu lại vào vị trí Tổng bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, nắm trong tay quyền lực tập trung tuyệt đối trong 5 năm tiếp theo. Nhiều người tin rằng điều này sẽ mở đường cho ông Tập giữ chức vụ người lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ suốt đời.
Truyền thông Mỹ cho biết 07 chức sắc mới được bổ nhiệm trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính đều là những người ủng hộ trung thành của ông Tập Cận Bình.
“Ông Tập Cận Bình đã củng cố địa vị của mình với tư cách là hoàng đế của Trung Quốc trong thế kỷ 21”. Dân biểu Hoa Kỳ Michael Waltz nói trên Fox News.
“Ông ấy đã trở thành nhà độc tài Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông”, ông Waltz nói.
Tại lễ bế mạc Đại hội ĐCSTQ (ngày 22/10), truyền thông toàn cầu đã bị sốc trước khoảnh khắc cực kỳ hiếm hoi và kỳ lạ khi cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người ngồi bên cạnh Tập Cận Bình, dường như đã bị buộc phải rời khỏi Đại hội.
Đoạn phim cho thấy một người đàn ông đến gần nhà cựu lãnh đạo Trung Quốc 79 tuổi và “giúp đỡ” ông Hồ rời khỏi ghế.
Hãng thông tấn Nhà nước Tân Hoa Xã đã tweet rằng ông Hồ Cẩm Đào do tuổi cao, phải rời khỏi Đại hội trong phiên bế mạc vì sức khỏe yếu.
“Ông Hồ Cẩm Đào cảm thấy không khỏe trong cuộc họp, nhân viên của ông Hồ đã tháp tùng ông ấy đến phòng bên cạnh để nghỉ ngơi”, dòng tweet cho biết. “Bây giờ, ông Hồ Cẩm Đào đã khoẻ hơn nhiều”.
Tuy nhiên, ông Hồ Cẩm Đào trong tình trạng sức khoẻ “tốt hơn nhiều” đã không quay trở lại chỗ ngồi của mình.
Cảnh tượng được mô tả rộng rãi là sự coi thường của ông Tập đối với cựu Chủ tịch nước, người từng đứng đầu ĐCSTQ, một người từng ủng hộ ông Tập kế vị trước tập đoàn chính trị Giang Trạch Dân; đối thủ sống còn của ông Tập trong suốt 10 năm qua. Màn biểu diễn đã phô diễn triệt để sức mạnh quyền lực vô song của ông Tập trong nội bộ ĐCSTQ ngày nay.
“Ông ấy (Tập Cận Bình) đã làm bẽ mặt người tiền nhiệm của mình”, Nghị sĩ Waltz bình luận.
Rõ ràng, ông Tập chỉ có thể làm thế khi đã nắm trong tay đủ quyền lực độc tài. Và quyền lực độc tài ở Trung Quốc ngày nay, rất có thể, không hề kém hơn thời Mao.
Những gì xảy ra với cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chỉ là màn trình diễn không thèm che đậy mà thôi. Sự độc tài và mức độ gay gắt của nó hoàn toàn bộc lộ mạnh mẽ qua chính sách ‘Zero-Covid’ đang áp dụng trên khắp Đại lục.
Số người chết dưới các chế độ độc tài nhiều hơn chiến tranh
Một nghiên cứu thú vị được xuất bản trên Tạp chí Phố Wall vào ngày 7/7/1986; thống kê số lượng người bị giết chết trong chiến tranh của thế kỷ 20 và số người bị đàn áp đến chết bởi các chế độ độc tài trong cùng thời gian này. Tác giả của nghiên cứu là R.J. Rummel. Bài nghiên cứu có tiêu đề: “Chiến tranh không phải là tên sát thủ lớn nhất thế kỷ này”.
Thế kỷ 20 mở đầu bằng hàng loạt các cuộc chiến đẫm máu. Thế chiến I cướp đi sinh mạng của 9 triệu người. Thế chiến thứ II con số leo thang lên 15 triệu người. Thậm chí, số người thiệt mạng trong các cuộc cách mạng và nội chiến thế kỷ 20 đã lập nên những kỷ lục lịch sử.
Cán bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc treo một tấm biểu ngữ trên cổ một người đàn ông trong cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966.
Tổng cộng, các trận chiến của thế kỷ 20, gồm cả thế chiến I, II, các cuộc cách mạng, các cuộc xung đột bạo lực trong nội bộ các quốc gia hay trong quốc tế, số người thiệt mạng (thống kê tới 1986) là 35.654.000 sinh mạng.
Con số này xấp xỉ ước tính số người có thể tử vong trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Nhưng khủng khiếp hơn cả chiến tranh là số lượng người thiệt mạng vì các chế độ độc tài. Các nạn nhân của chế độ độc tài, đáng sợ thay, vượt xa con số của chiến tranh.
Tác giả R.J. Rummel không liệt kê số người chết trong hai nạn đói gây ra bởi chính quyền của Mao ở Trung Quốc năm 1958 – 1961 và chính quyền Liên Xô năm 1921-19222 (số liệu báo cáo chính thức vào khoảng 4,27 triệu người) vào số người chết bởi đàn áp của chế độ độc tài. Tổng cộng, số người chết do các chế độ độc tài đàn áp (đánh đập, bắt bớ, giết hại, bỏ tù,…) lên đến gần 120 triệu nạn nhân; một con số gấp gần 3 lần số người tử vong do chiến tranh.
Trong 120 triệu nạn nhân khắp toàn cầu, có tới gần 100 triệu người là nạn nhân tử vong bởi chế độ Trung Quốc và Liên Xô.
Trung Quốc ngày nay phát triển cả hai: Độc tài và chiến tranh
Ông Tập Cận Bình đang phát triển không chỉ một quyền lực tập trung tuyệt đối cho bản thân mình, ông Tập cũng có khát vọng đưa Trung Quốc trở thành siêu cường thế giới.
Điều gì xảy ra mới một chế độ độc tài và nghĩ rằng mình đã là siêu cường hoặc chế độ đó muốn bẻ lái dư luận trong nước khỏi các sai lầm lịch sử, các thất bại kinh tế trong ảo tưởng về siêu cường? Chắc chắn đó sẽ là chiến tranh.
Nghị sĩ Hoa Kỳ Waltz chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình đã trở thành một “nhà độc tài” có một không hai bằng cách thâu tóm và tập trung quyền lực chưa từng có trong nỗ lực thống trị Trung Quốc và đưa Trung Quốc trở thành “siêu cường toàn cầu” theo quan niệm chính trị của ông; dĩ nhiên để đạt được mục tiêu thống trị thế giới.
Ông Tập đã tỏ ra dư sức trong việc chặn đứng con đường thăng tiến của phe phái khác, chặn đứng ý kiến trái chiều của bất kỳ nhà chức trách ĐCSTQ nào khác. Ông ấy dư sức đưa người trung thành tuyệt đối với mình vào các vị trí chủ chốt. Ông Tập thậm chí còn thay đổi Hiến pháp và xoá bỏ giới hạn nhiệm kỳ.
“Vì vậy, về bản chất, giờ đây ông ấy là một nhà độc tài suốt đời, đang thực hiện một bước tiến lớn đối với những gì ông ấy coi là di sản (chính trị) của việc đưa Trung Quốc trở thành siêu cường toàn cầu. Không chỉ là siêu cường mà còn là siêu cường toàn cầu”, nghị sỹ Waltz nói.
Bởi vậy, nguy cơ Trung Quốc khai hoả một cuộc chiến tranh đầy tham vọng với Đài Loan đã gia tăng đáng kể trong nhiệm kỳ III của ông Tập Cận Bình.
“Để làm được điều đó, ông ấy (Tập Cận Bình) đã nói với quân đội của mình phải nhanh chóng hiện đại hóa”, ông Waltz bình luận.
“Ông Tập cũng nói với nền kinh tế của Trung Quốc phải tự chủ về công nghệ và sản xuất để họ có thể chống lại bất kỳ loại áp lực bên ngoài nào” Waltz nói.
Và cuối cùng, ông Waltz dự báo rằng có lẽ ông Tập đang “chuẩn bị cho chiến tranh vào năm 2027”.
NTDVN giới thiệu Chuyên đề về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc với Đài Loan bằng một câu hỏi: “Ông Tập sẽ lập tức đánh chiếm Đài Loan sau Đại hội Đảng 20?“
Không hiểu, chiến tranh sẽ nổ ra ngay khi ông Tập bước vào nhiệm kỳ III hay thời điểm trước khi kết thúc nhiệm kỳ III. Dù là gì, thứ chờ đợi người Trung Quốc là các chính sách hà khắc hơn, tàn bạo hơn. Thứ chờ đợi thế giới là một kỷ nguyên bất ổn hơn.
Thanh Đoàn