Bà Rịa-Vũng Tàu: Bắt 3 tàu vận chuyển 210.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc
3 ngày (23/10, 24/10, 25/10), giới chức tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát hiện 3 tàu vận chuyển 210.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.
Ngày 26/10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đang điều tra một phương tiện vận chuyển khoảng 110.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.
Trước đó, khoảng 2h ngày 23/10, tàu tuần tra BP 13-01-01 thuộc Hải đội Biên phòng 2, đang thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển cách mũi Vũng Tàu 82 hải lý về hướng Đông Nam đã phát hiện phương tiện TG-93998.TS do ông Trần Văn Pho (SN 1968, ngụ tỉnh Tiền Giang), làm thuyền trưởng cùng 3 thuyền viên đang vận chuyển khoảng 110.000 lít dầu D.O.
Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Trần Văn Pho đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu trên phương tiện.
Căn cứ vào hành vi vi phạm, tổ công tác đã dẫn giải phương tiện TG-93998.TS, đưa toàn bộ người, tang vật về Vũng Tàu để phục vụ công tác điều tra, xử lý theo quy định.
Cùng ngày (26/10), Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cũng cho biết đang điều tra làm rõ 2 tàu cá vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc trên vùng biển Côn Đảo.
Cụ thể, khoảng 11h45 ngày 24/10, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cũng phát hiện phương tiện ST-01727.TS trên vùng biển cách Côn Đảo khoảng 120 hải lý có dấu hiệu nghi vấn.
Qua kiểm tra cho thấy phương tiện này do ông Hoàng Văn Lượm (SN 1981, quê Kiên Giang) làm thuyền trưởng, đang vận chuyển khoảng 30.000 lít dầu DO nhưng không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa. Cả thuyền trưởng Lượm cùng 5 thuyền viên trên tàu cũng không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
Quá trình làm việc, thuyền trưởng của 2 tàu cá trên cho biết tất cả số dầu DO mà các phương tiện này đang vận chuyển được mua bán trôi nổi trên biển.
Khoảng 8h30 ngày 25/10, tại vùng biển cách phía đông Côn Đảo khoảng 60 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu cá TG-91878.TS do ông Nguyễn Văn Bỉnh (SN 1970, ngụ Tiền Giang) làm thuyền trưởng có nhiều nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Thuyền trưởng khai nhận tàu đang chở khoảng 70.000 lít dầu DO nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Trên tàu có 5 thuyền viên đều không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một lãnh đạo Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết tính từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị trực thuộc đã phát hiện và bắt giữ 11 vụ vận chuyển, mua bán hàng hóa là dầu D.O không có hóa đơn chứng từ hợp pháp với hơn 815.000 lít dầu.
Minh Long
Vụ xe tông văng người tại TP. Pleiku: Tài xế có nồng độ cồn cao hơn 4,200 lần cho phép
Ba người bị thương (trong đó có một trẻ nhỏ), một phụ nữ bị chấn thương sọ não sau khi bị một xe ô tô tông mạnh từ phía sau trước vạch dừng đèn đỏ ở ngã tư. Tài xế sau đó được xác định có nồng độ cồn cao tới hơn 4.200 lần so với mức cho phép.
Công an TP. Pleiku (Gia Lai) cho biết, đơn vị này đang thụ lý điều tra một vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên địa bàn giữa ô tô con và 3 xe mô tô, liên quan đến tài xế ô tô gây tai nạn có nồng độ cồn rất cao.
Theo đó, khoảng hơn 21h ngày 25/10, xe BKS 81A-19942 do ông Nguyễn Văn Tuy (SN 1976 trú thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku) điều khiển lưu thông trên đường Lý Thái Tổ.
Khi xe đi đến ngã tư Lý Thái Tổ, Hùng Vương và Nguyễn Văn Cừ (thuộc tổ 4, phường Diên Hồng) thì mất kiểm soát tông vào 3 xe máy đang dừng trước đèn đỏ tín hiệu giao thông.
Cú tông rất mạnh khiến 4 người bị hất văng ra đường, gồm: chị Đào Thị Mậu (SN 1989, trú tại 30/29 Lý Thái Tổ, tổ 5, phường Diên Hồng, TP. Pleiku); chị Lường Thị Ngọc Ánh (SN 1992, trú tại tổ 5, phường Hội Phú, TP. Pleiku); chị Lưu Thị Bích Loan (SN 1987, trú tại 322 Nguyễn Văn Cừ, phường Lakring, TP. Pleiku) và cháu Hoàng Huy Vũ (SN 2012).
Khoảnh khắc trước và sau khi 4 nạn nhân bị tài xế say xỉn lái xe ô tô tông mạnh từ phía sau, tối 25/10, tại TP. Pleiku (Nguồn: camera giao thông)
Sau vụ tai nạn, chị Ánh bị chấn thương sọ não, được đưa đi cấp cứu, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh; chị Mậu bị thương ngoài da, được đưa về nhà; chị Loan và cháu Vũ bị thương nhẹ đang được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện TP. Pleiku.
Lực lượng công an đã đến và bảo vệ hiện trường, tiến hành điều tra, xử lý.
Qua kiểm tra, lực lượng CSGT Công an TP. Pleiku phát hiện tài xế ô tô gây tai nạn Nguyễn Văn Tuy có nồng độ lên tới 1.053 miligam/1 lít khí thở.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nồng độ cồn không được vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít hơi thở. Theo đó, nồng độ cồn của tài xế Tuy cao tới hơn 4.200 lần mức cho phép.
Mức xử phạt đối với người điều khiển xe trên đường có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng (điểm a khoản 10 Điều 5) và tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (điểm h khoản 11 Điều 5).
Thạch Lam
Bắt thêm 2 bị can vụ nhận hối lộ tại trung tâm đăng kiểm
Liên quan đến vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 66-02D, ngày 26/10, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Trần Lập Nghĩa (49 tuổi; ngụ phường 3, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), Kim Thị Huỳnh Duy (32 tuổi; ngụ huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh).
Trước đó, vào lúc 15h ngày 14/10, Công an huyện Châu Thành đã bắt quả tang 4 đối tượng là lãnh đạo và nhân viên Chi nhánh Trung tâm có hành vi đang nhận tiền hối lộ của các tài xế để bỏ qua lỗi các xe ô tô đến kiểm định và cấp giấy đăng kiểm với số tiền là 900.000 đồng.
Bước đầu các đối tượng khai đã bàn bạc và thống nhất thu tiền “phí phụ thu” (là tiền hối lộ) của các phương tiện có lỗi để bỏ qua và cấp giấy đăng kiểm đạt yêu cầu với mức thu từ 300.000 đồng – 1,2 triệu đồng tùy theo lỗi của mỗi phương tiện. Chỉ tính riêng trong ngày 14/10, các đối tượng đã tiến hành đăng kiểm 44 phương tiện và đã thu tiền hối lộ là 20,5 triệu đồng.
Đến nay, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đình chỉ tham gia hoạt động xe cơ giới đối với các đăng kiểm viên và toàn bộ trung tâm đăng kiểm này.
Huệ Liên
Hà Tĩnh: Nhóm người lừa cấp visa đi Hàn Quốc, lừa đảo tới hơn 3 tỷ đồng
Thông qua Facebook, nhiều người trên cả nước đã bị một nhóm 5 người lừa cấp visa đi Hàn Quốc. Số tiền bị lừa đảo lên tới hơn 3 tỷ đồng chỉ trong vòng 7 tháng.
Sáng ngày 26/10, Công an huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Xuân vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 người để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.
Năm người bị khởi tố gồm: Đoàn Văn Trưởng (SN 1997, trú tại xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), Đỗ Uyển Nhi (SN 2005, trú tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), Đặng Phước Quân (SN 1988), Huỳnh Thị Minh Thư (SN 2000), Đặng Hồ Hải (SN 1998, cùng trú tại phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM).
Trước đó, ngày 14/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) nhận được đơn trình báo của chị L.T.H. (trú tại thôn Nam Sơn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn trình báo, do có nhu cầu đi du lịch Hàn Quốc nên ngày 1/8, chị H. liên hệ với một tài khoản mạng xã hội Facebook có tên “Nguyễn Minh” để thỏa thuận, thuê người này làm visa du lịch. Sau đó, người sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn Minh” đã lừa chị H. chuyển khoản 3 lần vào tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Đức Minh 65 triệu đồng rồi chiếm đoạt.
Sau khi nhận đơn trình báo, Công an huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) đã phối hợp với Công an huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) để điều tra, xác minh vụ việc. Đến 20h15 ngày 15/10, cơ quan công an đã bắt giữ Đoàn Văn Trưởng.
Cơ quan công an xác định Trưởng là chủ mưu, cầm đầu nhóm lừa đảo bằng hình thức nhận làm visa Hàn Quốc. Đồng phạm của Trưởng gồm có 4 người: Nhi (bạn gái của Trưởng), Quân, Thư và Hải.
Về cách thức hoạt động của nhóm này, Trưởng giao cho Nhi, Hải, Thư và Quân sử dụng các tài khoản Facebook “ảo”, sim điện thoại “rác” để đăng các bài viết trên các nhóm Facebook quảng cáo làm thủ tục đi du lịch Hàn Quốc.
Khi có người liên hệ làm visa du lịch Hàn Quốc, những người này tư vấn, yêu cầu đặt cọc 5 triệu đồng/visa vào các tài khoản ngân hàng do Trưởng quản lý và sử dụng. Đặt cọc xong, nhóm này yêu cầu khách gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp chân dung và hẹn 15 – 20 ngày sẽ làm visa xong thì gửi cho họ.
Sau đó, từ ảnh chụp và thông tin cá nhân mà khách cung cấp, Trưởng dùng phần mềm chỉnh sửa tạo ra ảnh visa giả rồi gửi cho các đồng phạm trong nhóm để gửi cho khách.
Sau khi nhận được ảnh visa, khách hàng bị yêu cầu chuyển thêm 50 triệu đồng/visa rồi mới được nhận visa. Khi khách chuyển tiếp số tiền theo yêu cầu, nhóm của Trưởng tiếp tục tạo ảnh vé máy bay, lịch bay giả rồi gửi cho họ và yêu cầu chuyển thêm 10 triệu đồng/vé máy bay.
Khi khách hàng tin tưởng và chuyển tiếp số tiền trên, nhóm này cắt liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà họ đã chuyển.
Tất cả số tiền lừa đảo được sẽ chuyển vào các tài khoản ngân hàng “ảo” do Trưởng quản lý và sử dụng. Hàng tháng, Trưởng sẽ trả cho mỗi người từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.
Qua điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định từ khoảng tháng 4/2022 đến lúc bị bắt, tổng số tiền nhóm này lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại trên cả nước là hơn 3 tỷ đồng.
Ngày 24/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) đã khởi tố 5 người, bắt tạm giam 4 người gồm: Trưởng, Quân, Thư, Hải. Riêng bị can Nhi bị cấm đi khỏi nơi cư trú và cấm xuất cảnh.
Hiện Công an huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) đang điều tra mở rộng vụ án. Đơn vi này thông báo ai là nạn nhân của vụ án trên, hãy liên hệ với Công an huyện Nghi Xuân (196 Nguyễn Du, tổ dân phố Giang Thuỷ, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) – Điều tra viên Nguyễn Lê Thành (SĐT: 0916.996.678) để được giải quyết.
Khánh Vy
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo “thả tim trả tiền”, “lướt Tiktok kiếm tiền triệu”
Kiếm tiền dễ dàng, hoa hồng cao, lương trả ngay trong ngày; ngồi nhà lướt video Tiktok kiếm tiền triệu; chỉ cần làm 2-3 giờ “bỏ túi” 200.000-400.000 đồng/ngày,… thực chất là những lời mời mọc dẫn dụ nạn nhân vào bẫy lừa đảo.
Theo đó, những người lao động sẽ nhận được cuộc điện thoại hoặc tin nhắn mời làm việc để có thêm thu nhập. Cách thức kiếm tiềm là xem video, thả tim, chia sẻ video để tăng tương tác. Lợi ích được mời chào đầy hấp dẫn như lương được trả ngay trong ngày, ngồi nhà lướt video, chỉ cần làm 2-3 giờ “bỏ túi” 200.000-400.000 đồng/ngày,…
Tuy nhiên, đó là những lời đường mật dẫn dụ nhiều người trở thành nạn nhân của trò lừa đảo trên mạng.
Trong thời gian đầu, nhóm lừa đảo gây dựng niềm tin với nạn nhân bằng cách trả lương rất đầy đủ. Sau đó, nạn nhân được nâng cấp nhiệm vụ với hứa hẹn được nâng mức lương. Lúc này, các đối tượng bắt đầu thực hiện các chiêu trò dẫn dắt để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Bản tin cảnh báo của Công an tỉnh Thanh Hóa dẫn lời anh L.V.T (ngụ huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) – một nạn nhân bị lừa đảo trên mạng kể lại: “Ban đầu thì ngày kiếm được 2 đến 300 (nghìn), nhưng dần dần thì mọi người ở bên kia chuyển tôi làm một hướng khác, theo hướng đó thì tôi chỉ việc chuyển tiền cho các bạn khác nhưng tôi chuyển tiền nhiều lần thì cứ báo về máy tôi là sai cú pháp, tôi lại phải lấy tiền của tôi để bắn cho các bạn. Cứ dần dần tôi mất nhiều quá, đến khi tôi gọi lại cho những người kia thì không liên lạc được.”
Khác với các hình thức lừa đảo trên mạng đã phổ biến (như chiếm quyền sử dụng Facebook, Zalo, giả danh chủ tài khoản; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, ngân hàng; thông báo trúng thưởng và nhận quà tặng), đây là hình thức lừa đảo mới, nhấn mạnh kiếm tiền đơn giản, làm việc tại nhà, thu nhập tốt, được trả lương ngay trong ngày… đánh vào lòng tham, ảo tưởng kiếm tiền nhanh của nhiều người. Do nhận thức chủ quan, mất cảnh giác nên nhiều người dễ dàng bị sập bẫy các chiêu lừa đảo này.
Cơ quan chức năng khuyến cáo mọi người phải cảnh giác trước các lời mời gọi tham gia kiếm tiền trên không gian mạng; khuyến cáo khi liên hệ, giao dịch trên mạng cần biết rõ đối phương là ai, việc chuyển tiền cho bất kỳ ai phải có sự xác thực.
Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các công việc cần phải bỏ tiền để đầu tư, yêu cầu đặt cọc, chuyển khoản tiền trước; tìm hiểu kỹ các hình thức kiếm tiền, kiểm chứng rõ các thông tin liên quan; kiểm tra, xác minh các tài khoản mạng xã hội, những số điện thoại lạ mời gọi tham gia đầu tư; không cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân như CCCD, tài khoản ngân hàng… cho người lạ; không truy cập, đăng nhập vào các đường link, ứng dụng lạ khi chưa rõ thông tin.
Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, người dân phải thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc đường dây nóng của Công an tỉnh Thanh Hóa (02373.725.725) để được hướng dẫn xử lý.
Theo công bố của Công an tỉnh Thanh Hóa, kể từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh này đã phát hiện 59 vụ liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 16,3 tỷ đồng; khởi tố 32 vụ với 16 bị can.
Thạch Lam
Vụ ‘trùm buôn lậu’ Mười Tường: Cựu Phó Phòng Cảnh sát kinh tế An Giang bị bắt
Ông Lê Tấn Tài bị bắt với cáo buộc để tội phạm thông cung, khai báo gian dối.
Ngày 26/10, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Tấn Tài, cựu Phó phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an tỉnh An Giang, để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hồi tháng 12/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác lập chuyên án liên quan đến đường dây buôn lậu tại tỉnh An Giang do Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) đứng đầu.
Khi đã bắt được một số hàng buôn lậu, C03 Bộ Công an chuyển vụ án về PC03 Công an tỉnh An Giang để điều tra theo thẩm quyền. Ông Lê Tấn Tài khi ấy là Phó trưởng phòng PC03 được phân công chỉ huy hoạt động điều tra vụ án.
Tuy nhiên, kết quả điều tra ban đầu xác định, do có mối quan hệ anh em họ hàng với Mười Tường, ông Lê Tấn Tài đã chỉ đạo điều tra viên thực hiện quy trình điều tra không đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các nghi phạm thông cung, thống nhất khai báo gian dối…
Hành vi của cựu phó phòng PC03 đã dẫn đến bỏ lọt hành vi phạm tội và bỏ lọt các nghi phạm chủ mưu, cầm đầu trong vụ án không bị xử lý trước pháp luật.
Nguyễn Thị Kim Hạnh được biết đến là “trùm buôn lậu” vàng ở An Giang. Bà Hạnh bị điều tra trong 6 vụ án với cáo buộc có hành vi buôn lậu đối với ít nhất 51kg vàng, một lượng lớn đường cát, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (200.000 USD năm 2020), tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và rửa tiền…
Đầu tháng 2, bà Hạnh bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, với cáo buộc vận chuyển 470.000 USD (gần 11 tỷ đồng) từ Campuchia về Việt Nam.
Phạm Toàn