Nga phai nhạt ảnh hưởng với Trung Á
Hai xung đột biên giới nổ ra giữa các nước Trung Á cho thấy tiếng nói của Nga đang giảm sức nặng trong khu vực, khi chiến sự Ukraine kéo dài.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên đến trễ trong các cuộc gặp với lãnh đạo nhiều nước. Ông từng để thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tổng thống Mỹ Donald Trump phải chờ đợi trong những sự kiện tiếp xúc song phương và đây được coi là cách để ông thể hiện thế thượng phong của mình.
Ông Erdogan và phái đoàn chờ đợi bên ngoài phòng họp của ông Putin tại Moskva năm 2020.
Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng trước tại Uzbekistan, lãnh đạo Nga lại rơi vào tình thế lạ lẫm: Ông là người phải chờ đợi. Hình ảnh được công bố tại sự kiện cho thấy lãnh đạo ba nước Kyrgyyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đến muộn hơn cả Tổng thống Nga, để ông phải đứng một mình, đọc lại tài liệu cho buổi gặp.
“Những diễn biến gần đây gửi đi thông điệp đáng chú ý, cho thấy Tổng thống Nga dường như đang mất dần ảnh hưởng ở không gian hậu Xô Viết”, Anna Arutunyan, chuyên gia về chính trị Nga tại Trung tâm Wilson, tổ chức tư vấn chính sách có trụ sở ở Mỹ, nhận định.
Những dấu hiệu rõ ràng nhất bắt đầu xuất hiện từ tháng 9, khi các láng giềng Trung Á của Nga bùng phát xung đột biên giới.
Giao tranh cục bộ dọc biên giới Kyrgyzstan – Tajikistan nổ ra, với sự tham gia của xe tăng và pháo binh, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hơn 100,000 người sơ tán.
Trong khi đó, tiếng súng lại vang lên tại vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan, khơi lại những bất ổn tạm lắng sau cuộc chiến biên giới kéo dài 6 tuần giữa hai bên vào năm 2020. Lực lượng Azerbaijan khi đó đã giành lợi thế trước Armenia nhờ ưu thế hỏa lực áp đảo cùng những máy bay không người lái (UAV) vũ trang được Do Thái và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.Trước đó Armenia là đồng minh của Nga và được Nga hỗ trợ về vũ khí nhưng lần này Nga không giúp gì cả.
Giới quan sát đánh giá Nga thể hiện vai trò nhạt nhòa trong cả hai cuộc xung đột biên giới tháng trước. Khi xung đột nổ ra, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đề nghị kích hoạt Điều 4 của Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), đề nghị các nước thành viên đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới nước này.
CSTO hiện bao gồm 6 thành viên là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Điều 4 của hiệp ước quy định các quốc gia thành viên “sẽ lập tức cung cấp hỗ trợ cần thiết, bao gồm cả biện pháp quân sự” cho một thành viên nếu họ yêu cầu.
Đây là căn cứ pháp lý để Nga hồi đầu năm triển khai hơn 3.000 quân cùng nhiều khí tài hiện đại tới Kazakhstan ổn định tình hình theo đề nghị của Tổng thống nước này, sau khi biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu bùng phát thành bạo loạn.
Năm 2020, Nga cũng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh sau cuộc chiến Armenia – Azerbaijan. Hiện diện quân sự của Nga ở Nagorno-Karabakh được coi là chỗ dựa an ninh cho Armenia trước Azerbaijan vượt trội về nguồn lực.
Nhưng lần này, không nước nào thuộc CSTO hưởng ứng đề nghị can thiệp của Armenia. Nga chỉ dừng ở mức lên tiếng kêu gọi các bên đối thoại. Azerbaijan và Armenia tháng trước ký kết thỏa thuận đình chiến, nhưng do Mỹ đóng vai trò trung gian đàm phán.
Jeff Markoff, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Washington, nhận định Nga đang phải dồn nguồn lực quân sự cho chiến trường Ukraine, nên không thể đáp ứng lời kêu gọi của đồng minh Armenia. Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến Moskva dần đánh mất ảnh hưởng ở khu vực Trung Á.
Lực lượng quân sự Nga nhiều năm qua giữ vai trò “chốt an toàn” cho Trung Á, khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn do bất đồng giữa các nước. Trung Á cũng đóng vai trò như vùng đệm an ninh giữa Nga và Afghanistan, nơi Moskva lo ngại về mối đe dọa khủng bố từ các nhóm cực đoan.
“Nga đang rút dần lực lượng khỏi Trung Á. Năng lực kiểm soát tình hình của Nga tại khu vực do đó đã suy giảm”, Markoff nhận định.
Lính gìn giữ hòa bình Nga làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh, khu vực tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia, vào tháng 11/2020. Ảnh: AFP.
Theo Markoff, trong nhiều năm qua các nước Trung Á xem Nga là “nhân tố đảm bảo an ninh chính yếu” trên toàn khu vực. Lãnh đạo các nước trong không gian hậu Xô Viết giữ tư duy truyền thống kỳ vọng Moskva hỗ trợ giải quyết những vấn đề quốc gia lẫn liên quốc gia.
“Hiện diện của lực lượng quân sự Nga, cùng với kỳ vọng vào vai trò của Nga đã trở thành suy nghĩ quen thuộc, khiến cho mâu thuẫn Kyrgyzstan – Tajikistan không bùng nổ nghiêm trọng như nhiều người lo ngại trong một thời gian dài. Nhưng khi sức ảnh hưởng của Nga suy giảm, rủi ro xung đột ngày càng lớn”, Markoff cảnh báo.
Moskva không chỉ suy giảm tiếng nói trong các vấn đề khu vực Trung Á, mà trong vài tháng qua còn vấp phải một số tín hiệu phản kháng từ khu vực vốn được coi là vùng ảnh hưởng truyền thống, theo chuyên gia Arutunyan.
Hồi tháng 6, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, đồng minh thân thiết vừa được Moskva hỗ trợ củng cố an ninh chưa đầy nửa năm trước, đã từ chối tiếp bước Nga công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Ukraine. Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, tại Hội nghị thượng đỉnh Nga – Trung Á ở Astana hôm 14/10, bất ngờ công khai chỉ trích cách Nga ứng xử với nhóm nước này.
“Chúng tôi luôn tôn trọng quan hệ với Nga, đối tác chiến lược chủ lực của khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn nhận lại sự tôn trọng. Chúng tôi muốn được đối xử bình đẳng như mọi quốc gia khác”, ông nói.
Arutunyan cho rằng phát biểu mạnh mẽ của ông Rahmon là “chưa từng có tiền lệ” trong giao thiệp giữa một lãnh đạo quốc gia Trung Á với Nga. Chuyên gia này cho rằng đây có thể là cách chính trị gia 70 tuổi, lãnh đạo chính phủ Tajikistan từ năm 1994, gây sức ép để nhận được hỗ trợ tài chính nhiều hơn từ Nga.
“Tajikistan phụ thuộc nhiều vào thương mại với Nga, cũng như dòng kiều hối từ khoảng một triệu người gốc Tajikistan đang làm việc tại nước này. Ấn tượng về sức ảnh hưởng đang bị suy giảm của Nga có thể đã thôi thúc ông Rahmon thử tìm cách gây áp lực”, Arutunyan nói.
Giới chuyên gia cho rằng duy trì ảnh hưởng ở Trung Á có vai trò quan trọng với Nga, nhằm tạo vị thế cho Moscow trong quan hệ với đồng minh quan trọng khác như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…, đặc biệt khi Nga đang bị phương Tây cô lập.
Các đồng minh này sẽ liên tục cân nhắc mức độ hợp tác với Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, còn Mỹ cùng đồng minh liên tục đe dọa mở rộng lưới trừng phạt thứ cấp đối với bất cứ quốc gia nào hợp tác cùng Nga.
“Nhiều đối thủ địa chính trị muốn thế chân Nga trong bàn cờ tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á. Họ chắc chắn nhận ra cơ hội khi Nga vướng vào khủng hoảng Ukraine và phải giảm hiện diện cũng như ảnh hưởng trong khu vực”, Markoff nhận định.
Thanh Danh (Theo Insider, Globe and Mail)
Nga đập phá tượng đài tưởng niệm “nạn đói đỏ” ở Ukraine
Mới đây, chính quyền thành phố cảng Mariupol của Ukraine đã rơi vào tay quân Nga sau một cuộc bao vây kinh hoàng hồi đầu năm. Người Nga đã hạ gục đài tưởng niệm các nạn nhân Ukraine trong nạn đói của Stalin hôm thứ Tư, 19/10/2022.
Kyiv gọi nạn đói do con người tạo ra vào những năm 1930 dưới thời Joseph Stalin là một tội ác diệt chủng, trong khi Moskva coi đó là một tập phim của nạn đói trên khắp Liên bang Xô Viết.
Tượng đài được làm từ hai khối đá granit, trên cùng là thân cây lúa mì và dây thép gai.
Từ năm 1932 đến 1933, một nạn đói khủng khiếp đã diễn ra tại Liên bang Xô Viết. Gần 5 triệu người đã bị chết đói, trong đó có đến 4 triệu tại Ukraine. Được gọi là “holodomor” (diệt chủng bằng nạn đói), thảm trạng này không phải do thiên tai hay mất mùa, là mà hậu quả của chính sách cưỡng bức tập thể hóa ở nông thôn do Đảng Cộng Sản đưa ra, buộc nông dân phải từ bỏ mảnh đất thân yêu của họ để vào nông trang hợp tác.
Tại Ukraine, một loạt các chỉ thị trấn áp đã gây ra “nạn đói trong nạn đói, một thảm họa dành riêng cho người Ukraine”. Đó là danh sách đen các làng và nông trang cần phải trừng phạt vì không đạt chỉ tiêu về ngũ cốc, tịch thu tất cả những thứ gì có thể ăn được, kiểm soát biên giới không cho những người nông dân đói khổ ra khỏi làng…
Song song đó, là một chiến dịch đàn áp trí thức Ukraine: giáo sư, nhà văn, nghệ sĩ, linh mục bị vu khống, đày ải, tàn sát, nhằm hủy hoại từ gốc rễ mọi ý định dân tộc vừa chớm nở – bị coi là thách thức cho sự “đoàn kết” của Liên bang Xô Viết, được Stalin tưởng tượng ra.
“Diệt chủng bằng nạn đói” hoàn toàn bị che giấu trong thời Liên Xô cũ: về mặt chính thức, thì không hề có nạn đói. Các tài liệu lưu trữ bị hủy một cách có phương pháp, gây khó khăn cho mọi nghiên cứu về chủ đề này, ngoài những nhân chứng còn sống sót. Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, người dân bắt đầu lên tiếng và các bằng chứng xuất hiện.
Nhà sử học kiêm nhà báo Anne Applebaum, đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2004 với tác phẩm “Gu-lắc, một câu chuyện” lần này ra mắt cuốn sách gây chấn động “Nạn đói đỏ”. Tác phẩm kể lại một chương tang tóc trong quá khứ của Ukraine, nay đã trở thành một quốc gia độc lập nhưng luôn phải chiến đấu với nước láng giềng to lớn là Nga để bảo vệ chủ quyền.
Theo Anne Applebaum: Cuốn sách là sự tiếp nối những cuốn trước, theo một cách nào đó. Tôi đã viết hai cuốn khác về chủ nghĩa Stalin, và nay có thể coi như một bộ ba cuốn. Từ lâu tôi đã muốn tìm hiểu về nạn đói này: Tại sao nó xảy ra? Tại sao Nhà nước lại để xảy ra? và vì sao người dân lại chấp nhận?
Trong thập niên 80, nhà sử học tên tuổi Robert Conquest đã viết một tác phẩm nổi tiếng là “Mùa mưa đẫm máu”. Ngày nay khi chúng ta có thể tham khảo văn khố, thì thời kỳ này phải được mô tả cụ thể hơn, từ đầu cho đến cuối. Tôi muốn viết về lịch sử Liên Xô là vì vậy: chúng ta có thể tham khảo các tài liệu lưu trữ mới, các hồi ký, một điều không thể có được cách đây mười năm.
Phải chăng nạn đói không phải là không tránh được, nhưng Stalin vẫn để cho diễn ra?
Còn hơn thế nữa! Năm 1932, sự hỗn loạn, nạn đói ngự trị khắp nơi tại Liên bang Xô Viết, và Stalin biết rằng Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Ông ta đã có một loạt quyết định vào mùa thu 1932, nhằm làm trầm trọng thêm nạn đói ở Ukraine. Quota (chỉ tiêu) ngũ cốc phải nộp được tăng lên, kèm theo các đạo luật làm giảm đi khả năng sử dụng ngôn ngữ Ukraine. Nói cách khác, đây là sự tấn công vào bản sắc Ukraine. Có những vụ bắt bớ hàng loạt trí thức. Stalin muốn thông qua sự hỗn loạn từ nạn đói để tiêu diệt chí hướng xác lập chủ quyền Ukraine.
Lịch sử nạn đói cho thấy tư duy của Moskva về Ukraine. Điều làm Stalin lo sợ là khả năng nổ ra một phong trào quốc gia Ukraine, tách rời Ukraine ra khỏi Liên Xô, thách thức lý tưởng Bôn-sê-vich. Stalin lo ngại chủ nghĩa dân tộc tự do phương Tây và ý hướng dân chủ, sợ Ukraine quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.
Những điều lo ngại của Stalin nay vẫn tiếp tục ám ảnh Putin. Việc nghiên cứu lịch sử một cách nghiêm túc sẽ tìm ra câu trả lời cho cuộc chiến mà Putin đang tiến hành ở Ukraine!
Phan Thế Hải
Tập đoàn Unilever thu hồi sản phẩm nghi chứa chất gây ung thư ở Mỹ, Canada
Theo The Epoch Times, Tập đoàn Unilever đã thông báo thu hồi tự nguyện một số nhãn hiệu sản phẩm bình xịt dầu gội khô ở thị trường Mỹ, Canada do phát hiện chất Benzen, một chất có thể gây ung thư. Sau đó, tại Việt Nam, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng vừa có văn bản yêu cầu Unilever phản hồi về những sản phẩm nghi chứa chất Benzen.
Theo một thông báo của công ty được đăng trên trang web của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), các thương hiệu bao gồm: Dove, Nexxus, Suave, TIGI (Rockaholic và Bed Head) và TRESemmé. Các sản phẩm bị thu hồi được sản xuất trước tháng 10/2021 và đã được phân phối rộng rãi tại thị trường Mỹ.
Tập đoàn Unilever cũng cho biết dựa trên đánh giá nguy cơ sức khỏe độc lập “việc tiếp xúc hàng ngày với Benzen trong các sản phẩm bị thu hồi ở mức được phát hiện trong thử nghiệm sẽ không gây ra hậu quả bất lợi cho sức khỏe”.
“Một cuộc điều tra nội bộ đã xác định chất đẩy là nguồn gốc và Unilever đã làm việc với các nhà cung cấp nhiên liệu đẩy của mình để giải quyết vấn đề này”. theo thông báo.
Được biết, Benzen là một chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt, có mùi ngọt và rất dễ cháy, có thể gây ung thư ở người nếu tiếp xúc hằng ngày với môi trường trong nhà và ngoài trời, bằng việc hít phải, tiếp xúc miệng hoặc qua da.
Các nhà bán lẻ ở Mỹ, Canada đã được yêu cầu loại bỏ các sản phẩm bị thu hồi khỏi kệ của họ.
“Người tiêu dùng nên ngừng sử dụng các sản phẩm dầu gội khô dạng khí dung bị ảnh hưởng và truy cập UnileverRecall.com để được hướng dẫn về cách nhận bồi hoàn cho các sản phẩm đủ điều kiện”, thông báo viết.
“Các phản ứng bất lợi hoặc các vấn đề chất lượng gặp phải khi sử dụng sản phẩm này có thể được báo cáo cho chương trình Báo cáo sự kiện bất lợi MedWatch của FDA trực tuyến, qua thư thông thường hoặc qua fax”.
Đức Minh