26-10-2022
“Bộ Y tế cho biết báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 01/01/2021 – 30/6/2022 trên cả nước cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác)” (Theo Sức khỏe và đời sống).
“Theo bộ trưởng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), năm 2022 tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước hơn 16.000 người/tổng số 1,6 triệu giáo viên. Tính bình quân 100 giáo viên có 1 người bỏ việc, chiếm tỉ lệ 1%” (Theo Tuổi trẻ).
Những con số đưa ra thật lạnh lùng. Và lý giải nguyên nhân cũng lạnh lùng. Nguyên nhân chung: Áp lực công việc cao, thu nhập thấp. Riêng ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo coi bỏ việc 1% là không đáng kể, thiếu giáo viên là do dân số tăng, chỉ tiêu biên chế giảm.
Tôi vừa đọc trên mạng thấy có vị nói lạnh lùng hơn: Ông bước ra thì có bà đi vào. Không biết vị này là quan chức hay dân. Dẫu sao cũng rất đúng với thực tế. Cứ nghỉ việc hết đi, người ta sẽ nhận người mới. Lợi ích xin việc thuộc về ai, con mèo cũng biết. Cho nên, cơ quan chủ quản không lo mà mừng.
Là một người gắn với sự nghiệp giáo dục đã 30 năm, tôi lo. Lo vì người giỏi ra đi hết, đến lúc chỉ nhận vào kẻ phẩm chất kém và năng lực tồi tệ. Sàng lọc một hồi chỉ còn lại chỉ toàn kẻ kém cỏi và tồi tệ trong hệ thống y tế và giáo dục, rộng hơn là cơ quan nhà nước. Nhà nước quản nhân dân, chăm lo sức khỏe và giáo dưỡng tâm hồn, trí tuệ cho dân mà kém cỏi, tồi tệ thì chỉ có chết dân. Khi hệ thống y tế, giáo dục tư nhân chưa phát triển đảm bảo trong điều kiện tự do và công bằng thì nhân dân đi vào ngõ cụt.
Trong các nguyên nhân mà các quan chức chia sẻ trên, tôi nghĩ không là lí do chính. Áp lực công việc thì… trừ những kẻ sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, còn lại những người tâm huyết với nghề đều có áp lực. Vì tâm huyết và trách nhiệm, người ta biến áp lực thành thử thách để vượt qua một cách vui vẻ. Bằng chứng, dịch bệnh vừa rồi, đa số bác sĩ và giáo viên vẫn nhiệt thành và trách nhiệm hết mình trong công việc. Họ chỉ thất vọng ê chề khi “cời làm cối ăn”. Câu thành ngữ ai oán này có từ thời hợp tác xã. Lương và thu nhập thì ngày nay so với ngày trước khá hơn nhiều. Thời hợp tác xã khó khăn vậy mà bác sĩ và giáo viên tâm huyết vẫn bám nghề. Nếu không tâm huyết, chính tôi đã bỏ nghề từ lâu!
Tâm huyết với nghề chính là động lực để mỗi cá nhân có thể vượt qua tất cả, dù có thời đói khát đến thảm hại.
Từ tôi (không đến mức bức bối) suy ra đến lực lượng giáo viên phổ thông (bức bối gấp trăm lần vì những thứ gây bức bối không đáng có), tôi hiểu nguyên nhân nằm ở chỗ khác.
Đơn giản thế này. Tôi bị buộc phải làm những việc vô bổ ngoài chuyên môn, như mỗi ngày phải làm các thủ tục hành chính như kê khai hết cái này đến cái kia, theo mẫu này mẫu kia, tôi loạn não vì cái mạch tư duy về chuyên môn bị cắt đứt. Bắt tôi đi học chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn của những kẻ chuyên môn kém hơn tôi, tôi không chỉ thấy bức bối mà còn thấy nhục. Vậy mà giáo viên phổ thông bị hành đến ra bã từ mẫu giáo án, giáo án mẫu và đủ các loại hồ sơ sổ sách hành chính, họ chỉ có thể phát điên. Bắt giáo viên học hết chứng chỉ ngoại ngữ đến tin học, hết giữ ngạch rồi nâng ngạch, hết bồi dưỡng thường xuyên đến chứng chỉ tích hợp liên môn. Nhưng chương trình học thì toàn những thứ không phục vụ cho nhu cầu chuyên môn, lại phải bỏ ra liên tục từ học phí đến các loại phí, kiệt luôn cả đồng lương còm cõi. Kẻ yêu nghề mà không có thời gian chăm lo chuyên môn thì đến lúc hết yêu nghề. Trong số những người nghỉ việc mà báo đăng, tôi tin chắc đó là những người tâm huyết, chịu không nổi mới bức xúc bỏ nghề, chứ loại không làm gì được bèn chui vào ngành y hay ngành giáo thì còn lâu mới bỏ nghề!
Đêm qua trao đổi với đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, tôi nói thẳng, anh có thể là người tốt với những đề xuất mong sự tốt đẹp cho ngành y và ngành giáo, nhưng đề xuất của anh lập tức bị lợi dụng bởi các nhóm lợi ích làm tiền. Việc bắt buộc bác sĩ phải đào tạo liên tục để duy trì chứng chỉ hành nghề sẽ không khác các loại chứng chỉ của ngành giáo đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những kẻ buôn chứng chỉ. Đề xuất của anh tất yếu sẽ làm cho các nhóm lợi ích hả hê kiếm ăn, ngược lại gây áp lực lớn cho viên chức. Và hóa ra anh chính là thủ phạm đẩy những người tâm huyết bỏ nghề, bỏ việc đấy.
Học cả đời là nhu cầu và động lực thôi thúc cá nhân. Cứ tạo ra một cơ chế cho sự cạnh tranh lành mạnh bằng phẩm chất và năng lực, tôi đảm bảo các cá nhân tự cập nhật tri thức và rèn luyện kỹ năng chuyên môn, không cần ai đào tạo nữa. Về nguyên tắc, học xong đại học, thạc sĩ và tiến sĩ là có thể tự học suốt đời, sao phải cần người dạy dỗ như trẻ trâu nữa? Tôi, tiến sĩ, dạy học 30 năm mà bắt tôi phải đi học cái gọi là “chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm” do những người không biết gì về sư phạm dạy, có phải hạ nhục tôi không? Đó là chưa nói, trong chương trình đào tạo kia, đâu chỉ chuyên môn, người ta lồng vào đó giáo dục chính trị, đạo đức, do chính những kẻ cơ hội chính trị và vô đạo đức lên lớp. Thử hỏi, trong lịch sử giáo dục của nhân loại có bao giờ con người bị hạ nhục thê thảm vậy không?