Mỹ thử nghiệm thành công các thành phần của vũ khí bội siêu thanh

Mỹ thử nghiệm thành công các thành phần của vũ khí bội siêu thanh

Hôm thứ Tư (26/10), quân đội Mỹ đã phóng thử thành công một tên lửa tại Căn cứ bay Wallops của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ở bang Virginia, nhằm thử nghiệm các thành phần của vũ khí bội siêu thanh.

Trong thử nghiệm này, các vũ khí bội siêu thanh được phóng từ tên lửa trong tầng khí quyển trước khi lao tới mục tiêu với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5), tức là khoảng 6.200 km mỗi giờ.

Hải quân Mỹ cho biết, đây là cuộc thử nghiệm thứ hai được thực hiện trong khuôn khổ chương trình tập trung vào phát triển vũ khí bội siêu thanh trên biển và trên đất liền. Cuộc thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào tháng 10/2021.

Khác với vũ khí siêu âm (supersonic), vũ khí siêu vượt âm (hypersonic) được dùng để chỉ các loại vũ khí, phương tiện có tốc độ di chuyển vượt tốc độ âm thanh rất nhiều lần. Theo đó, Mach 1 là tốc độ của âm thanh. Tốc độ từ Mach 1 tới Mach 5 được xem là siêu âm, trong khi trên Mach 5 là siêu vượt âm.

Theo đó, những tên lửa này chứa trọng tải thử nghiệm cung cấp dữ liệu về hiệu suất của vật liệu và hệ thống trong môi trường siêu vượt âm thực tế. Từ đó, có thể xác thực hiệu quả thử nghiệm trên mặt đất và thử nghiệm toàn diện.

Đồng thời, lực lượng này cũng thử nghiệm các vật liệu tiên tiến có thể chịu nhiệt trong “môi trường siêu thanh thực tế”, theo tờ Reuters.

Đài CNN hôm 26/10 đưa tin, tên lửa trải qua 11 thí nghiệm khác nhau để kiểm tra và thu thập dữ liệu cho nghiên cứu phát triển vũ khí bội siêu thanh cũng như giúp cải thiện khả năng chiến đấu cho cả Hải quân và Lục quân Mỹ, nhằm đảm bảo chiếm ưu thế trên chiến trường.

Phó đô đốc Johnny Wolfe, giám đốc Chương trình Vũ khí Chiến lược của Hải quân Mỹ, cho biết: “Vụ phóng hôm 26/10 diễn ra vô cùng tốt đẹp”.

Một tên lửa thứ hai dự kiến ​​được phóng vào thứ Năm (27/10). Hải quân Mỹ cho biết, họ sẽ thực hiện thêm 13 thí nghiệm nữa để thu thập thông tin phục vụ cho chương trình phát triển vũ khí bội siêu thanh.

Dữ liệu thu thập được từ các cuộc thử nghiệm này sẽ giúp Mỹ phát triển hệ thống siêu thanh Đột kích Nhanh Thông thường của Hải quân (Conventional Prompt Strike – CPS) và chương trình Vũ khí Bội Siêu thanh Tầm xa (Long Range Hypersonic Weapon – LRHW) của Lục quân. Cả hai chương trình đều sẽ sử dụng Common Hypersonic Glide Body, một loại đạn được tích hợp với một tên lửa đẩy có khả năng bay tới mục tiêu với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5).

Với tốc độ trên, vũ khí bội siêu thanh sẽ khó bị phát hiện và đánh chặn. Tên lửa cũng có thể cơ động và thay đổi độ cao, cho phép chúng né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Lầu Năm Góc đã đưa chương trình phát triển vũ khí bội siêu thanh trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mình, sau khi Trung Quốc tiến hành các vụ phóng vũ khí bội siêu thanh thành công vào năm ngoái. Trong khi đó, Nga cũng bắt đầu sử dụng tên lửa siêu thanh trong cuộc chiến ở Ukraine.

Sau khi Trung Quốc thử nghiệm vũ khí siêu thanh vào năm 2021, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley gọi vụ thử là “một sự kiện công nghệ rất quan trọng”, và đó chỉ là một phần trong những khả năng quân sự mà Trung Quốc sở hữu.

“Khả năng quân sự của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với một cuộc thử nghiệm này. Họ đang mở rộng nhanh chóng trong không gian, trên mạng và sau đó là ở những khu vực truyền thống như mặt đất, trên biển và trên không”, ông Milley phát biểu trong chương trình Bloomberg Television hồi tháng 10/2021.

Các nhà thầu Lockheed Martin Corp và Raytheon Technologies Corp đang tích cực nghiên cứu để phát triển khả năng vũ khí bội siêu thanh của Mỹ.

Thanh Hải

Related posts