Người dân Thái Bình Dương nói ‘Không, cảm ơn’ với ‘tình bằng hữu’ của Trung Quốc

Richard A.Bitzinger

Thủ tướng Tongan Huakavameiliku (thứ hai bên trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (bên phải) có chuyến thăm tới Tonga. Hai bên đã tổ chức một cuộc họp tại văn phòng thủ tướng tại thủ đô Nukualofa của nước này, hôm 31/05/2022. (Ảnh: Linny Folau/MatangiTonga/AFP qua Getty Images)

Hồi cuối tháng Năm, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo của một số quốc gia cộng hòa thuộc khu vực Thái Bình Dương để lôi kéo họ tham gia một thỏa thuận an ninh và kinh tế chung do Bắc Kinh dẫn đầu. Hội nghị này kết thúc không tốt đẹp.

Trong cuộc họp, Bắc Kinh đề nghị Liên bang Micronesia, Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, Niue và Đông Timor tham gia vào một hiệp ước “Tầm nhìn Phát triển Chung Trung Quốc-Các Đảo quốc Thái Bình Dương.”

Hiệp ước được đề xướng này có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa các quốc gia thành viên, cũng như cung cấp hỗ trợ nhân đạo và viện trợ COVID-19. Giao ước này cũng bao gồm sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc huấn luyện lực lượng cảnh sát Đảo Thái Bình Dương, tăng cường an ninh mạng, và lập bản đồ hàng hải.

Đáng ngại hơn, kế hoạch này đề xướng rằng các Đảo quốc Thái Bình Dương này chấp nhận sự hiện diện của lực lượng an ninh và tàu bè của Trung Quốc tại quốc gia của họ. Điều này có thể cung cấp cho quân đội hoặc Hải cảnh Trung Quốc khả năng tiếp cận mở rộng đến Thái Bình Dương và cho họ một “vị thế tốt hơn trong một cuộc xung đột” với Hoa Kỳ.

Thật vậy, người Trung Quốc có lý do để lạc quan về một hiệp ước đầy tham vọng như vậy. Đầu năm nay, Bắc Kinh đã ký một hiệp định khung về hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon. Thỏa thuận này cho phép Trung Quốc điều động cảnh sát, quân nhân, và các lực lượng chấp pháp khác đến Solomons để hỗ trợ “duy trì trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, cũng như viện trợ nhân đạo.”

Hiệp ước này còn cho phép tàu bè của Trung Quốc tiếp cận các cảng của Quần đảo Solomon để thực hiện “bổ sung hậu cần”, làm dấy lên lo ngại rằng một ngày nào đó Trung Quốc có thể có được một căn cứ hải quân ở quốc gia này.

Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon Jeremiah Manele bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sau khi đưa ra các thông cáo báo chí chung đánh dấu việc thiết lập mối bang giao giữa hai quốc gia tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 21/09/2019. (Ảnh: Naohiko Hatta/Getty Images)

Ngoài ra, gần đây Bắc Kinh đã ký các thỏa thuận hợp tác song phương với Samoa và Kiribati. Đặc biệt, thỏa thuận với Kiribati tập trung vào nhiều lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng (như kiến thiết lại đường băng), y tế và ứng phó đại dịch, biến đổi khí hậu, và các vấn đề hàng hải.

Tuy nhiên, cuộc họp của Trung Quốc với các đảo quốc Thái Bình Dương khác đã kết thúc với sự phản kháng lớn từ đối phương. Hầu hết các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương từ chối hoặc trì hoãn hành động, cho rằng đề xuất này trước tiên cần phải được sửa đổi.

Một số nhà lãnh đạo Thái Bình Dương đặc biệt cảnh giác với những ý định lâu dài của Trung Quốc. Ông David Panuelo, Tổng thống Liên bang Micronesia, kêu gọi “cần thận trọng” trong thời gian tới và cảnh báo rằng khía cạnh an ninh của thỏa thuận được đề xướng này “thể hiện ý đồ của Trung Quốc trong việc chuyển hướng lòng trung thành của Thái Bình Dương về phía họ.”

Ông Panuelo nói thêm rằng “kế hoạch Tầm nhìn Phát triển Chung này cùng lắm thì có nguy cơ mang đến một kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh mới, còn viễn cảnh xấu nhất là sẽ mang đến một cuộc Thế Chiến.”

Phản ứng của Trung Quốc không hề dễ chịu. Trước sự phản đối hiệp ước được đề xướng, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói với người dân các quốc đảo Thái Bình Dương là: “Đừng quá lo lắng và đừng quá căng thẳng.” Ông còn nói thêm rằng Trung Quốc sẽ cung cấp viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương mà “không có ràng buộc chính trị nào.”

Với hành vi ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở những nơi như Biển Đông, những lời trấn an như vậy có nhiều khả năng gây lo ngại hơn là an ủi họ. Hầu hết các đảo quốc Thái Bình Dương có thể sẽ đối phó với Trung Quốc theo phương thức cụ thể hơn và mang tính giao dịch qua lại nhiều hơn, bỏ ra ít nhất nhưng thu về lợi ích nhiều nhất.

Các quốc gia này cũng vậy, nhiều khả năng sẽ chống lại ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc trong khu vực lân cận bằng cách tương tác song song, chặt chẽ với phương Tây. Đặc biệt, nhiều quốc gia trong số này có thể tham gia “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng” (IPEF) mới do Hoa Kỳ dẫn đầu.

IPEF có thể được coi là sự kế thừa của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bị hủy bỏ, một hiệp ước thương mại được đề xướng bao gồm hầu hết các quốc gia lớn ở vành đai Thái Bình Dương, kể cả các quốc gia Mỹ Latinh. Ông Donald Trump đã khai tử hiệp ước TPP khi đắc cử tổng thống.

Quan trọng là, IPEF không phải thỏa thuận thương mại tự do như TPP. Thay vào đó, hiệp ước này được sử dụng như một khuôn khổ để thúc đẩy các mối liên hệ thương mại và kinh tế tốt hơn giữa các quốc gia thành viên. Các nỗ lực của IPEF sẽ xoay quanh bốn trụ cột: thương mại công bằng và bền vững; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, và giảm phát thải khí nhà kính (khử carbon); và các biện pháp chống tham nhũng và thuế.

Ít nhất một quốc đảo Thái Bình Dương — Fiji — đã tham gia IPEF, bên cạnh các thành viên khác là Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Nam Hàn, Thái Lan, và Việt Nam, cũng như Hoa Kỳ.

Nói chung, hiệp ước này được thành lập nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của nền kinh tế Trung Quốc, cả trong khu vực và trên toàn thế giới. Trên thực tế, Bắc Kinh chỉ trích IPEF là một nỗ lực để buộc các quốc gia Á Châu-Thái Bình Dương “chọn bên” trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.

Điều này có lẽ đúng và IPEF có thể được coi là khía cạnh kinh tế của mạng lưới an ninh mới nổi do Hoa Kỳ dẫn đầu trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được chứng minh bởi thỏa thuận AUKUS và Đối thoại An ninh Bộ tứ Úc-Ấn-Nhật-Hoa Kỳ, còn được gọi là Bộ Tứ (Quad).

Hầu hết các quốc gia trong khu vực có lẽ muốn cân bằng giữa hai cường quốc, thu lợi từ cả hai bên. Điều đó nói lên rằng, người ta không nên mong đợi việc gác lại hiệp ước Tầm nhìn Phát triển Chung sẽ là một dấu chấm hết cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm lôi kéo các quốc đảo Thái Bình Dương vào trong phạm vi ảnh hưởng của họ. Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực song phương để tiếp cận với các quốc gia này, và Trung Quốc cho biết sẽ sớm đưa ra quan điểm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Thái Bình Dương.

Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng nóng dần lên, và ngày càng mở rộng ra Thái Bình Dương.

Ông Richard A. Bitzinger là một chuyên gia phân tích an ninh quốc tế độc lập. Trước đây, ông từng là một thành viên cao cấp của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, và ông từng đảm nhận các vị trí trong chính phủ Hoa Kỳ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông chuyên về các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, bao gồm cả sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, và quá trình hiện đại hóa quân đội cũng như phát triển vũ khí trong khu vực này.

Khánh Ngọc biên dịch

Related posts