Đài Loan và Ukraine có “vận mệnh tương quan”?

Trương Nhân Tuấn

27-10-2022

Cựu quan chức Mỹ thời Trump gần đây có nói rằng “Ukraine and Taiwan are inextricably linked”, báo chí VN viết là Đài Loan và Ukraine có “vận mệnh tương quan”. Vị này cho rằng phương cách tốt nhứt để ngăn chặn tham vọng của Tập Cận Bình (thôn tính Đài Loan) là “đè bẹp giấc mộng đế quốc của Putin”.

Theo tôi, có thể sự thất bại của Putin trong cuộc xâm lược Ukraine sẽ khiến Tập Cận Bình phải suy nghĩ lại về kế hoạch sử dụng vũ lực để “thống nhứt đất nước”. Nhưng nói rằng Đài Loan và Ukraine có “vận mệnh tương quan” là không thuyết phục.

Quân Nga của Putin đang thua Ukraine vì 3 lý do:

1/ Sức chiến đấu dũng mãnh và kiên cường của toàn thể dân quân Ukraine trong công cuộc chống ngoại xâm.

2/ Tính hiệu quả của vũ khí Mỹ (và EU) đồng thời với sự cam kết viện trợ vô thời hạn của Mỹ và EU cho Ukraine.

3/ Quan trọng hơn cả là Ukraine được LHQ bảo vệ, qua các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ. Tức là mọi hình thức ủng hộ Ukraine là “chính đáng, là “phù hợp với luật quốc tế”.

Nếu họ Tập ra quyết định “thống nhứt Đài Loan bằng vũ lực”, liệu dân quân Đài Loan có sức đề kháng và tinh thần đoàn kết “chống ngoại xâm” như dân quân Ukraine hay không? Mỹ và đồng minh có đứng về phía Đài loan để chống lại quân TQ “xâm luợc” hay không? Đài Loan có được Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế bảo vệ hay không?

Ta có thể không nghi ngờ về tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm cũng như sức đề kháng của quân dân Đài Loan.

Yếu tố tinh thần là một chuyện, điều quan trọng hơn là sự hiện hữu một “khung pháp lý” của LHQ, để các việc như viện trợ kinh tế và vũ khí chiến đấu cần thiết và hữu hiệu cho Đài Loan được thể hiện trong tình trạng “hợp pháp”.

Mỹ có các cam kết với Trung Quốc về vấn dề Đài Loan (có giá trị pháp lý như Tuyên bố Thượng hải 1970 hay Taiwan Relations Act 1979). Mỹ ủng hộ “status quo – giữ nguyên trạng” hai bờ eo biển Đài Loan và cam kết bán vũ khí cho Đài Loan nhằm mục tiêu “phòng thủ”. Ta có thể xem các yếu tố này cấu thành “khung pháp lý” để Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan.

Theo tôi, trên nguyên tắc, sự “dấn thân” của quân Mỹ sẽ ngừng lại ở việc “bán vũ khí tự vệ”. Khi Mỹ đã nhìn nhận Đài Loan là một phần của Trung Hoa thì “vấn đề Đài Loan” hiển nhiên được xem là “chuyện nội bộ của Trung Hoa”.

Sức đề kháng của dân quân Đài Loan sẽ giảm sút (và có thể sẽ bị triệt tiêu) nếu cuộc phong tỏa của quân lục địa cắt đứt các hải đảo tiếp tế vũ khí từ Mỹ.

Để bảo vệ nguyên tắc “status quo”, theo tôi, Mỹ cần phải dấn thân xa hơn mức “bán vũ khí”. Mỹ phải đổ quân và phải can thiệp bằng vũ lực, tại khu vực biển chung quanh Đài Loan, mục đích vô hiệu hóa cuộc phong tỏa của quân TQ. (Hải quân Mỹ chỉ có thể thành công việc này nếu (và chỉ nếu) Mỹ thành công vô hiệu hóa giàn hỏa tiễn “chống tiếp cận/chống xâm nhập”, đặc biệt “chống hàng không mẫu hạm” của TQ đặt dày dặt ở bờ lục địa, bên kia eo biển Formosa).

Khung pháp lý nào cần thiết cho Mỹ ở trường hợp này? Mỹ cần có một lý do “pháp lý” thuyết phục, đúng theo tập quán quốc tế và Hiến chương LHQ, kiểu “tự vệ chính đáng tập thể”. Chuyện này không hề đơn giản.

“Tình trạng pháp lý” của hai bên Ukraine và Đài Loan rất khác nhau.

Ukraine là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”, là thành viên của LHQ. Mỹ và các quốc gia EU tích cực giúp đỡ Ukraine về vũ khí và kinh tế, theo đúng tinh thần Hiến chương LHQ, cũng như phù hợp tinh thần các Nghị quyết của LHQ (về vấn đề Ukraine). Mục đích giúp Ukraine thực hiện quyền “tự vệ chính đáng” để “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ” của quốc gia.

Ta cũng thấy trong vấn đề Nga xâm lược Ukraine, tự thân các thành viên LHQ (ngay cả đích thân Tổng thư ký LHQ) trực tiếp vận động các quốc gia thành viên bỏ phiếu chống Nga ở các phiên biểu quyết tại Đại hội đồng LHQ. Ngoài các lý do “bảo vệ các nguyên tắc của LHQ” còn có lý do là nếu không lên án và ngăn cản, cuộc xâm lược Ukraine của Nga có thể đe dọa đến tính chính đáng về sự hiện hữu của LHQ.

Còn Đài Loan, bất kể các tuyên bố đại khái kiểu “Đài Loan (đã từng) là một quốc gia độc lập có chủ quyền mang tên là Trung Hoa dân quốc” của bà Thái Anh Văn. Kể từ khi mất ghế đại diện cho (đất nước và dân tộc) Trung Hoa tại LHQ năm 1970, Đài Loan “bị” xem là một lãnh thổ thuộc về Trung Hoa (lục địa).

Luật quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ chỉ áp dụng cho các lãnh thổ có tư cách pháp nhân là “quốc gia”.

Hội đồng Bảo an LHQ hay Đại hội đồng LHQ sẽ không nhóm họp về vấn đề Đài Loan nếu chính phủ bà Thái Anh Văn có yêu cầu. Đơn giản vì Đài Loan không phải là “quốc gia thành viên” của LHQ.

Đại đa số các quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ, Nhật và các quốc gia EU… đều công nhận chính phủ ở Bắc kinh và nhìn nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ của TQ. Tức là sẽ không có các nghị quyết của LHQ ủng hộ Đài Loan kiểu ủng hộ Ukraine (1/ Lên án chống Nga xâm lược và yêu cầu Nga rút quân. 2/ Các cuộc trưng cần dân ý ở các lãnh thổ của Ukraine mà Nga vừa sáp nhập là bất hợp pháp).

Việc can dự của quân đội các quốc gia như Nhật, Nam Hàn hay lực lượng thuộc tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (OTAN) vào cuộc chiến “chống TQ xâm lược” lại càng không đơn giản.

Nói một cách nôm na, Ukraine được luật quốc tế bảo vệ. Còn Đài Loan thì không.

Ta có thể kết luận rằng, do khác biệt về tình trạng pháp lý mà việc này có thể sẽ “bó tay” Mỹ cũng như các đồng minh.

Hai bên Đài Loan và Ukraine không thể có “vận mệnh tương quan”.

Ukraine thua là dân Ukraine “mất nước”. Quốc gia thành viên LHQ tên gọi Ukraine sẽ bị giải thể. Lãnh thổ Ukraine sẽ sáp nhập vào lãnh thổ Nga và dân tộc (nation) Ukraine từ nay sẽ không còn hiện hữu nữa.

Đài Loan thua thì đơn thuần thêm một lần “Trung Hoa tái hợp nhứt đất nước” thành công. Hiến pháp Trung Hoa dân quốc từ lâu đã qui định, quốc gia Trung Hoa bao gồm dân chúng và lãnh thổ lục địa. Quốc dân đảng là đảng lịch sử của Đài Loan. Đảng này chủ trương thống nhứt đất nước.

Nếu nói Đài Loan và VNCH trước 1975 có “vận mệnh tương quan” thì sẽ khá phù hợp hơn. Chưa bao giờ sông Bến Hải là “biên giới” giữa hai “quốc gia” VNCH và VNDCCH hết cả. Eo biển Đài Loan cũng vậy, chưa bao giờ là “biên giới” giữa hai quốc gia “lục địa” và Đài Loan.

Nhưng vấn đề Đài Loan và lục địa, nếu chiến tranh xảy ra, có thể so sánh với trường hợp chiến tranh Triều Tiên 1950. Tuy nhiên phía lục địa ngày nay có nhiều lý do vững hơn Bắc Triều tiên thời 1950. Ngoài yếu tố “chuyện nội bộ của quốc gia mà các quốc gia thành viên khác của LHQ không có quyền can thiệp”, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng kinh tế của TQ sẽ tạo cho Bắc Kinh một thế đứng vững chắc hơn Bắc Triều Tiên rất nhiều.

Related posts