Mỹ công bố tọa độ các căn cứ của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc

Huyền Anh

Mỹ công bố tọa độ các căn cứ của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc
Quân đội Mỹ công bố vị trí của các Lực lượng Tên lửa của ĐCSTQ. Hình ảnh mô tả căn cứ số 63 của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc ở Hoài Hóa, Hồ Nam, Trung Quốc. (Ảnh chụp từ một báo cáo của quân đội Mỹ)

Khi ĐCSTQ vừa kết thúc Đại hội 20, quân đội Mỹ lập tức công bố một báo cáo tiết lộ tọa độ của tất cả các căn cứ quân sự của Lực lượng Tên lửa của quân đội Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định rằng, động thái này của Mỹ nhằm cảnh báo Trung Quốc về ý định tấn công Đài Loan.

Mỹ tiết lộ tọa độ của tất cả các căn cứ của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc

Báo cáo của quân đội Mỹ tiết lộ chín căn cứ chính của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc gồm: các chỉ huy hiện tại của từng căn cứ; các bộ phận trực thuộc; các chỉ huy của từng bộ phận (bao gồm cả chỉ huy cũ); vị trí địa lý của các căn cứ và vị trí của từng bộ phận.

Sở chỉ huy căn cứ số 61 của Lực lượng Tên lửa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm tám lữ đoàn. Trong đó có trung đoàn huấn luyện, trung đoàn thông tin liên lạc, trung đoàn hỗ trợ chiến đấu, trung đoàn hỗ trợ toàn diện, trung đoàn dịch vụ kỹ thuật, trung đoàn kiểm tra, trung đoàn máy bay không người lái và bệnh viện quân y 96601, đặt tại Hoàng Sơn.

Trụ sở chính của căn cứ số 61 đặt tại thành phố Hoàng Sơn, tỉnh An Huy, có vĩ độ và kinh độ lần lượt là: 29.695635, 118.300243402.

Báo cáo của quân đội Mỹ cũng nêu chi tiết tình hình các căn cứ khác nhau của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc trên khắp đất nước, như sở chỉ huy căn cứ 62 ở Côn Minh, với 7 lữ đoàn; sở chỉ huy căn cứ 63 ở Hoài Hóa, Hồ Nam, với 6 lữ đoàn; sở chỉ huy căn cứ 64 ở Lan Châu, với 7 lữ đoàn; sở chỉ huy căn cứ 65 ở Thẩm Dương, với 6 lữ đoàn; Sở chỉ huy căn cứ 66 ở Lạc Dương, Hà Nam, với 6 lữ đoàn;

Một cảnh báo nghiêm trọng

Quân đội Mỹ tuyên bố rằng, thời gian triển khai Lực lượng Tên lửa của ĐCSTQ là rất quan trọng. Hôm Chủ nhật (23/10), tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 20 đã khẳng định vai trò lãnh đạo nòng cốt của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ. Ông Hà Vệ Đông (He Weidong), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương vừa được bổ nhiệm, từng có kinh nghiệm công tác ở Biển Hoa Đông trong một thời gian dài và được cho là đang giám sát các cuộc diễn tập quân sự xung quanh Đài Loan.

Hôm 24/10, ông Tập Cận Bình đã tham dự một hội nghị của các nhà lãnh đạo quân đội và khuyến khích họ học tập tinh thần của ĐCSTQ trong Đại hội 20. Theo đó, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan.

Liên quan đến báo cáo quân sự của Mỹ, ông Lý Chính Tu (Li Zhengxiu), một chuyên gia quân sự tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan (National Policy Foundation), nói với The Epoch Times rằng, báo cáo này nhằm cảnh báo Trung Quốc.

“Điểm cốt yếu là cảnh báo ông Tập Cận Bình rằng Mỹ hiện đang dẫn đầu về mặt công nghệ và vượt trội hơn so với Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh không nên hành động hấp tấp”.

“Sau khi đội ngũ mới của ĐCSTQ được công bố, Mỹ đã nhanh chóng tiết lộ điểm mấu chốt trước đây của ĐCSTQ dưới dạng một bài báo nghiên cứu của Học viện Không quân Mỹ. Đây là một cảnh báo cực kỳ nghiêm trọng”, ông nói với The Epoch Times.

Chuyên gia: Mỹ liên tục chứng minh khả năng tình báo của mình để ngăn chặn ĐCSTQ

Vào ngày 26/10, Ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghiệp và Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng, Mỹ đã tiết lộ tất cả các tọa độ cho các căn cứ của Lực lượng Tên lửa của ĐCSTQ và sau đó kiểm tra từng căn cứ một. Đây là minh chứng cho khả năng tình báo của Mỹ.

Ông Thẩm Châu (Shen Zhou) – một nhà bình luận và một cựu kỹ sư thiết kế các phương tiện quân sự Trung Quốc – nói với The Epoch Times rằng, bất cứ khi nào ĐCSTQ có động thái lạ, quân đội Mỹ đều có thể can thiệp. Quân đội Mỹ có khả năng tấn công các địa điểm này của Lực lượng Tên lửa bất cứ lúc nào. Trên thực tế, Mỹ luôn biết vị trí chính xác của các Lực lượng Tên lửa của ĐCSTQ.

“Các nhiệm vụ này được thực hiện bởi máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ. Họ đóng quân ở Australia, có thể băng qua Ấn Độ và tiến vào Trung Quốc từ phía tây. Máy bay B-21 đang được chế tạo cũng chủ yếu nhằm vào ĐCSTQ”, ông nói.

“Nếu F-35 xuất phát từ các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ sẽ có thể thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu trong vùng lãnh thổ ven biển của Trung Quốc, cũng như các cuộc không kích vào Bắc Kinh. Đây là biện pháp răn đe mạnh mẽ nhất mà Mỹ sử dụng để ngăn chặn sự bành trướng của ĐCSTQ”.

Theo ông Tô Tử Vân, ba định hướng chính trong tư tưởng quốc phòng và an ninh của Mỹ là phòng ngừa, răn đe và đẩy lùi. Bây giờ Washington đang trong giai đoạn phòng ngừa.

Lực lượng tên lửa của Trung Quốc phát triển không ngừng

Theo báo cáo của quân đội Mỹ, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc phát triển đều đặn trong suốt một thập kỷ qua. Đáng kinh ngạc, lực lượng này đã bổ sung ít nhất 10 lữ đoàn tên lửa từ năm 2017 đến cuối năm 2019. Sự tăng trưởng đáng kể về quy mô, từ 29 lên 39 lữ đoàn, đánh dấu mức tăng hơn 33% chỉ trong ba năm.

Ông Lý Chính Tu lập luận rằng, ĐCSTQ bắt đầu từ con số không và phát triển nhanh chóng, nhưng khả năng của quân đội Mỹ còn vượt trội hơn rất nhiều so với các khả năng của ĐCSTQ. Do đó, Trung Quốc cần phải thận trọng, bằng không, cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Ông Tô Tử Vân nhận định rằng, năng lực tấn công hạt nhân liên quan đến ba khía cạnh:

  • Thứ nhất là số lượng đầu đạn hạt nhân;
  • Thứ hai là phương tiện phóng hiện có. Thường dựa vào lực lượng tên lửa của lục quân và máy bay ném bom của không quân cùng tên lửa hành trình hoặc bom hạt nhân.
  • Thứ ba là tàu ngầm hạt nhân chiến lược, hay còn gọi là tam giác chiến lược hạt nhân, là lực lượng phóng hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không.

Ông cũng cho rằng, các báo cáo chính trị và sắp xếp nhân sự của Đại hội 20 đã truyền đi một tín hiệu về một cuộc chiến tranh với Đài Loan. Nếu xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, chắc chắn Mỹ sẽ can thiệp. Tất nhiên, ĐCSTQ sẽ thua trong một trận chiến thông thường, nhưng nếu ĐCSTQ tiến hành chiến tranh hạt nhân thì sao? Mỹ cần phải có kế hoạch và đưa ra các biện pháp phòng vệ.

Ông nói rằng, chính quyền ông Biden công bố Chiến lược an ninh quốc gia một cách có chủ đích trước thềm Đại hội 20 của ĐCSTQ. Đồng thời, lệnh cấm là một trong những hành động mạnh tay nhất của Washington trước Bắc Kinh trong hàng thập kỷ.

Lệnh cấm chip của Mỹ có tác động sâu sắc đến quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Ông Tô Tử Vân nói rằng, vũ khí hạt nhân chiến lược không chính xác cũng không thành vấn đề; vũ khí hạt nhân chiến thuật thì thiên về độ chính xác, còn vũ khí thông thường nếu không có chip thì sẽ không thể làm được gì. Chip ở Trung Quốc hiện nay là tối quan trọng. Mặc dù Trung Quốc có thể sản xuất chip 28 nanomet, nhưng có sự khác biệt về năng suất và hiệu suất.

Trước đó, Nga từng phàn nàn rằng chip của Trung Quốc cung cấp không ổn định, khiến cho máy bay nước này gặp phải sự cố.

Sức mạnh của Lực lượng tên lửa Trung Quốc

Khi Lực lượng tên lửa của ĐCSTQ được thành lập, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng “Lực lượng tên lửa là lực lượng nòng cốt trong khả năng răn đe chiến lược của nước ta”, và Lực lượng tên lửa cần tăng cường khả năng răn đe, phù hợp với các yêu cầu chiến lược của cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường.

Trước tình hình biến động của thế giới, ông Tô Tử Vân khẳng định rằng, mối đe dọa dễ thấy nhất là nguy cơ chiến tranh hạt nhân, chẳng hạn như vấn đề bom bẩn trong chiến tranh Nga-Ukraine và vụ thử hạt nhân theo của Triều Tiên. Đặc biệt, rủi ro lớn nhất đến từ ĐCSTQ.

Ông cho rằng, canh bạc gần đây nhất của ĐCSTQ là vũ khí hạt nhân. Đây cũng là mối đe dọa quân sự lớn nhất thế giới hiện nay. Nếu ĐCSTQ không bị tan rã, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ xảy ra xung đột. Về vấn đề này, chúng ta không được xem nhẹ, không được ảo tưởng và phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để ứng phó một khi xung đột xảy ra.

Huyền Anh

Related posts