Hoàng Mạnh Hải
“Tất cả phải được bắt đầu bằng định nghĩa” – (Socrates). Vậy trước hết ta cần định nghĩa dân trí là gì.
1. ĐỊNH NGHĨA VỀ DÂN TRÍ
Dân trí là khả năng phân biệt đúng sai của người dân. Trình độ dân trí phần lớn nằm ở sự hiểu biết về Chính trị, Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, Khoa học, Nghệ thuật và các vấn đề quốc tế. Người dân có hiểu biết về những thứ đó cao thì việc quản lý xã hội sẽ có hiệu quả cao dù có thể gặp nhiều phản biện. Người dân hiểu biết về các lĩnh vực đó thấp thì dễ cai trị vì ít gặp phản đối nhưng xã hội sẽ có xu hướng bị tha hóa, trì trệ, đi ngược lại dòng chảy của văn minh và kết quả là tụt hậu so với thế giới. Nói đến dân trí là nói đến các ngành giáo dục, xuất bản và báo chí. Không thể nâng cao dân trí bằng một chương trình giáo dục lạc hậu, xuất bản kém chất lượng và báo chí thì thiếu tự do. Cùng một chủng tộc nhưng Lào và Thái Lan có mức độ phát triển khác nhau là bởi điều đó.
Các quốc gia chủ trương cai trị thì sẽ không quan tâm thật sự đến giáo dục dù họ có nói thế nào. Trong đó đặc biệt môn triết là bị hạn chế nhiều nhất bởi năng lực khai hóa của nó. Những tên tuổi thuộc hàng đại thụ trong triết học như Socrates, Platon, Aristotle, Khổng Tử, Lão Tử, Spinoza, Kant, Hegel, Descartes, Voltaire, Rousseau… rất xa lạ đối với học sinh. Chỉ cần nhìn vào môn triết trong chương trình giáo dục, ta có thể biết được chủ trương quản trị quốc gia.
Muốn biết trình độ dân trí của một nước, trước tiên phải nhìn vào GIỚI VĂN NGHỆ SĨ, nhìn vào chất lượng các tác phẩm của họ. Tại sao giới văn nghệ sĩ phải được nhìn vào trước tiên? Đó là vì họ biểu hiện rõ nhất của sự tự do tư tưởng. Không có tự do tư tưởng thì không bao giờ sáng tác được.
Dân trí biểu hiện qua văn hóa đọc sách. Các ấn phẩm xuất bản càng phong phú và có chất lượng cao thì dân trí càng cao. Dân trí là câu chuyện chất lượng chứ không phải số lượng. Nó không được đo bằng số người có bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ hay số người tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp phổ thông. Có bằng cấp cao mà không hiểu những từ vựng trong bảng khảo sát thì thua một người không có bằng cấp mà hiểu biết nhiều hơn.
Trong 3 phần Giáo dục, Xuất bản và Báo chí, Giáo dục là có tính nền tảng, Xuất bản mang tính phổ biến và Báo chí có trách nhiệm cập nhật. Thiếu một trong ba thì dân trí không thể nào đi lên được.
2. VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC, XUẤT BẢN VÀ BÁO CHÍ.
Ta hãy xem cách giáo dục của Mỹ để hiểu tại sao họ dẫn đầu thế giới.
Trung tâm văn minh của thế giới từng nằm ở Hy Lạp cách đây hai ngàn mấy trăm năm, sau dời qua La Mã, đến châu Âu khoảng vài trăm năm trước và dịch chuyển sang Mỹ rồi ở lại đó từ đầu thế kỷ 20.
Nước Mỹ với cuộc cải cách giáo dục hồi đầu thế kỷ 20 mà cốt lõi của nó là chuyển từ việc “lấy người dạy làm trung tâm” (Teacher-centered learning) sang “lấy người học làm trung tâm” (Student-centered learning) theo lý thuyết của John Dewey, Jean Piaget và Lev Vygotsky đã mang đến cho nước Mỹ một nền giáo dục tiên tiến nhất. Với việc lấy người học làm trung tâm, tất cả các hoạt động giáo dục chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Giáo sư có nhiệm vụ giúp sinh viên tự học chứ không phải là người mớm kiến thức; thư viện thì mở cửa 24/7 chứ không chỉ mở cửa trong giờ hành chính; sách giáo khoa, sách biên khảo, các loại tạp chí chuyên môn trăm hoa đua nở; các phòng thí nghiệm được đầu tư tối đa, khoa học cơ bản lên ngôi vua chứ không phải là khoa học ứng dụng (dù khoa học ứng dụng của họ cũng luôn ở đỉnh).
Và bây giờ, nếu họ có một cuộc cách mạng mới để tiếp tục dẫn đầu thế giới thì đó chính là “đưa môn Triết vào chương trình tiểu học”. Động lực thúc đẩy lớn nhất để loài người đi về phía văn minh là môn Triết. Môn Triết giúp phân biệt đúng sai, giúp con người nâng cao đời sống tinh thần vốn quan trọng hơn nhiều so với đời sống vật chất. Nếu môn triết được đưa vào chương trình tiểu học, ta sẽ thấy thế hệ tương lai gồm những con người đàng hoàng và hiệu quả. Xã hội tương lai sẽ vững mạnh và phồn vinh. Sau đây là vài ý giải thích tại sao như thế. Nếu học môn Triết sớm, ta sẽ thấy:
– Học sinh cấp 1 (tiểu học) bàn luận về các vấn đề như “Cách cư xử đúng trong các tình huống là gì?”, “Tại sao nên tránh làm phiền người khác?”.
– Học sinh cấp 2 (trung học đệ nhất cấp) tranh luận về các đề tài như “Nghĩa vụ quân sự nên là bắt buộc hay không bắt buộc?”, “Có thể yêu nhân loại mà không cần yêu nước được không?”.
– Học sinh cấp 3 (trung học đệ nhị cấp) có thể trình bày ý kiến của mình một cách sơ lược về các đề tài như “Thượng đế có hiện hữu không?”, “Linh hồn có bất tử không?” hay “Ý chí có tự do không?”.
Môn Triết là đòn bẩy nâng trình độ dân trí. Môn Triết cũng làm cho trình độ “quan trí” được nâng lên mà “quan trí” cao thì tham nhũng giảm, thất thoát giảm và hiệu quả sử dụng tiền thuế được tăng lên.
Đó là nói về giáo dục. Còn vai trò của hai ngành xuất bản và báo chí cũng quan trọng trong việc phổ biến và cập nhật thông tin trên tin thần nâng cao kiến thức và tôn trọng sự thật. Từ đó, giúp cho dân trí được tăng lên, theo kịp với trình độ chung của thế giới. Xuất bản thì ngoài việc chất lượng các ấn phẩm phải tốt thì một trong những điều kiện cần có nữa là “văn hóa đọc sách”. Theo số liệu thống kê thì bình quân trên thế giới mỗi người đọc 12 cuốn sách/năm. Các nước như Do Thái, Ấn Độ, Đức đọc 40 cuốn/năm. Các nước Thái Lan, Singapore, Nhật đọc hơn 10 cuốn/năm. Việt Nam bình quân mỗi người đọc 0,8 cuốn/năm, nghĩa là chưa đến một cuốn! Không thể không suy nghĩ. Cuối cùng là báo chí. Đây là nơi sự thật được tôn trọng và thông tin được cập nhật cho mọi người. Tính đa chiều của một diễn đàn tự do là điều kiện cần thiết cho cái đúng được bảo vệ. Dân trí được nâng lên nhờ cập nhật kiến thức.
3. TƯ DUY SÂU SẮC VÀ NÔNG CẠN
Điểm kế tiếp cần bàn là tùy theo trình độ dân trí, người ta sẽ có những biểu hiện sâu sắc hay nông cạn trên một vấn đề. Ví dụ:
– Phản ứng trước kết quả mỗi trận đấu cho thấy chúng ta không hề yêu bóng đá mà chỉ yêu những trận thắng thôi. Ta sẵn sàng chửi thậm tệ một cầu thủ lỡ gây ra một lỗi dẫn đến bàn thua trong trận này, dù trong trận trước đó anh ta là người hùng. Ta không hề quan tâm tới cầu thủ, ta chỉ quan tâm đến cảm giác của mình. Như thế là nông cạn.
– Chúng ta không yêu công việc, chúng ta chỉ yêu tiền lương và tiền thưởng. Ta vẫn vui vẻ bình thường miễn có thu nhập tốt dù công ty đang vật vã vì cuối năm không đạt mục tiêu. Một người có thể làm việc ngoài giờ rất nhiều để tăng thu nhập nhưng không muốn ở lại họp trễ một tiếng khi công ty cần. Như thế là biểu hiện của sự nông cạn.
– Một kiểu nhầm lẫn nữa là khi ai đó nói rằng người VN yêu thương gia đình hơn so với người Âu Mỹ. Chưa chắc đâu. Nếu xem kỹ sẽ thấy, nói rằng chúng ta không yêu thương người ngoài thì có lẽ đúng hơn. Ta sẵn sàng “hy sinh đời bố củng cố đời con” và cho đó là lẽ phải nhưng đối với người Âu Mỹ, làm như vậy là vi phạm pháp luật, là biểu hiện hiểu biết nông cạn.
– Chúng ta không phân biệt giàu có với quý phái, không phân biệt đời sống tinh thần với đời sống vật chất. Tất cả mọi chuyện đều quy về tiền. Vấn đề nhỏ thì cần ít tiền để giải quyết, vấn đề lớn phải có nhiều tiền, vấn đề rất lớn thì cần rất nhiều tiền. Tài năng và tư cách đều bị xếp sau. Đó là biểu hiện nghiêm trọng của tính nông cạn.
Nông cạn thì không thể có tác động tích cực với thế giới, với nhân loại. Uy tín của một dân tộc thể hiện một phần qua quyền lực của cuốn hộ chiếu. Hộ chiếu Nhật và Singapore thay nhau giữ vị trí dẫn đầu, đi được nhiều nước nhất thế giới không cần xin cấp visa là do họ làm việc gì cũng cân nhắc sâu sắc, biết tôn trọng lẽ phải. Sâu sắc hay nông cạn không phải tự nhiên, mà là kết quả cao hay thấp của việc nâng cao dân trí, rất khó làm và rất nghiêm túc chứ không phải chuyện chơi.
Dân trí cao thì con người sống có trách nhiệm vì danh dự của họ được gắn liền với trách nhiệm đó. Dân trí thấp thì người ta kém tinh thần trách nhiệm vì họ không biết đến khái niệm danh dự. Danh tiếng và danh dự có chỗ khác nhau. Ta hãy phân tích thêm một chút.
Danh dự có được là do người ta biết tôn trọng phần đã định danh nên mình. Ta chỉ có thể được người khác tôn trọng nếu chính mình cũng tôn trọng những phần đã được định danh đó. Danh dự sinh ra từ lòng tự trọng và biết làm cho người khác tôn trọng danh phận của mình. Vì thế phải lo hoàn thành trách nhiệm. Ngược lại, người không có khái niệm danh dự thì chỉ lo bảo vệ danh tiếng. Họ không biết danh tiếng có liên quan đến trách nhiệm nên tưởng rằng chỉ cần nắm truyền thông là đủ. Đây là sai lầm thuộc loại ghê gớm nhất của những người có quyền lực hoặc các đại gia.
4. THĂM DÒ DÂN TRÍ
Dân trí không phải được đo bằng những hiện tượng đơn lẻ như các giải thưởng quốc tế của vài cá nhân kiệt xuất, mà là mặt bằng hiểu biết chung của đa số người dân. Nói cách khác, đó là “kiến thức” của người dân chứ không phải là “chứng chỉ” hay “bằng cấp” của họ. Nói dân trí cao hay thấp bằng cách đưa ra những dữ liệu như số giáo sư tiến sĩ, số người tốt nghiệp đại học hay tỉ lệ số người biết đọc chữ là không hợp lý nếu như không muốn nói là một sai lầm. Ta phải đo theo cách khác, vừa bề rộng vừa bề sâu.
* Cách đo bề rộng là khảo sát vốn từ vựng, đo mức độ nhận biết của đa số người dân về các lĩnh vực gắn liền với đời sống hằng ngày của họ. Chẳng hạn, họ có hiểu những từ này không?
– Môi trường, lượng tử, di truyền, bản quyền, thừa phát lại, tam đầu chế…
– Quân chủ lập hiến, tam quyền phân lập, con đường tơ lụa, bản lai diện mục…
– Các chữ viết tắt như GDP, UNICEF, ASEAN, WHO, NATO…
* Cách đo chiều sâu là đánh giá khả năng hiểu những khái niệm cũ và mới như công nghệ nano, thế giới phẳng, năng lượng xanh, phổ thông đầu phiếu, thị trường chứng khoán…, mức độ hiểu biết về các tổ chức quốc tế, các hiệp định. Các kiến thức từ đơn giản tới phức tạp, từ thông thường đến chuyên môn sâu. Một bài test tương đối hoàn chỉnh phải bao gồm hàng trăm câu hỏi. Để thoả chút tò mò, tạm thời chúng ta thử suy nghĩ xem, với 10 câu dưới đây thì mặt bằng của chúng ta nằm ở mức nào? Liệu chúng ta có:
1. Biết trái đất quay quanh mặt trời?
2. Biết cách tự tính thuế thu nhập cá nhân?
3. Biết trách nhiệm của mình đối với người khác khi đã trưởng thành?
4. Biết cách sơ cứu người bị nạn như đuối nước, đột quỵ, biết cách dùng bình chữa lửa?
5. Biết tác hại của ô nhiễm môi trường lên sức khoẻ của con người và đời sống kinh tế xã hội?
6. Biết nghe, nói, đọc hoặc viết một ngoại ngữ?
7. Biết tỉ lệ thất nghiệp trong xã hội khoảng bao nhiêu % là bình thường?
8. Biết các nguyên tắc bầu cử phổ biến trên thế giới?
9. Biết lý lẽ của hai bên Nga và Ucraina trong cuộc chiến hiện tại?
10. Biết nhân sinh quan của 3 tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi giáo là gì?
Có được 50% người dân ở tuổi trường thành biết 5/10 vấn đề nêu trên thì có thể tạm xem là dân trí đạt mức trung bình.
“Đầu vào” là như thế, còn “đầu ra”? Bằng cách quan sát hiện tượng ta cũng có thể biết được trình độ dân trí của một cộng đồng.
Chẳng hạn:
– CÁC MỐI QUAN TÂM: Trên Google, từ khóa tìm kiếm thông tin về Shakespeare, Pushkin, Voltaire, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử… càng nhiều thì dân trí càng cao, từ khóa tìm kiếm thông tin về biến đổi khí hậu, về liên hiệp quốc, về thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội, những kiến thức hữu ích khác càng nhiều thì dân trí càng cao. Ngược lại, chỉ toàn những từ khoá tìm kiếm mấy chuyện sex, nữ sinh đánh nhau, những nội dung nói chung là vô bổ là biểu hiện của dân trí thấp.
– PHẢN ỨNG CỦA CỘNG ĐỒNG: Khi có scandal của một ngôi sao điện ảnh nào đó nổ ra, bao nhiêu người comment một cách chừng mực, bao nhiêu người nhắm mắt ném đá rồi mong sự việc ngày càng tệ hơn để cho đoạn kết thêm phần hấp dẫn? Hay khi một bài hát có nội dung nhảm nhí được đưa ra, bao nhiêu người biết thở dài ngao ngán, bao nhiêu người vẫn cảm thấy vậy là hay?
Tóm lại, dân trí là mặt bằng văn hóa của xã hội, là chuyện chất lượng chứ không phải số lượng và có thể đo được bằng các cách gián tiếp. Muốn mở mang dân trí thì chỉ có một con đường là cải thiện chất lượng giáo dục, xuất bản và báo chí. Muốn xã hội ngày càng văn minh tốt đẹp thì phải nâng cao dân trí, không có con đường nào khác hơn.
Nguồn: FB Hoàng Mạnh Hải