Huyền Anh
Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kết thúc, chứng kiến việc ông Tập Cận Bình giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ. Việc Trung Quốc sẽ ‘đi đâu về đâu’ đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế thời gian gần đây. Truyền thông Mỹ phân tích rằng, Đài Loan, tên lửa và gián điệp sẽ là ba mục tiêu chiến lược trong nhiệm kỳ mới của ông Tập Cận Bình.
Washington Post: Ba ưu tiên trong nhiệm kỳ mới của ông Tập Cận Bình
Tờ Washington Post đã đăng tải một bài viết nói rằng, để hiểu được những dự định của ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ thứ ba, công chúng chỉ cần nhìn vào đội ngũ 24 thành viên mới được bổ nhiệm của Bộ Chính trị.
Bài báo phân tích rằng, các thành viên Bộ Chính trị do ông Tập Cận Bình “đích thân” lựa chọn nhấn mạnh vào những cá nhân có năng lực về lĩnh vực phát triển công nghệ và năng lực quân sự tiên tiến.
4 thành viên cuối cùng có xuất thân trong quân đội và mới được ông Tập bổ nhiệm vào Bộ Chính trị.
- Lý Cán Kiệt, Bí thư tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc, cũng là một chuyên gia về an toàn hạt nhân.
- Mã Hưng Thụy, Bí thư khu Tân Cương phía tây Trung Quốc, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
- Viên Gia Quân, Bí thư tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
- Trương Quốc Thanh, Bí thư tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, từng là Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc (China Ordnance Industries Group Corporation Limited (Norinco Group).
Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc là nhà sản xuất các sản phẩm thương mại và quân sự thuộc sở hữu nhà nước. Tập đoàn này được biết đến nhiều hơn với cái tên Norinco Group (North Industries Corporation) khi làm ăn với các quốc gia khác.
Chuyên gia Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh ở Đài Loan, cho rằng ông Tập sẽ tiếp tục ưu tiên sự ổn định chính trị nội bộ trong nhiệm kỳ thứ ba của mình.
“Hầu hết các ủy viên Bộ Chính trị đều là những thân tín của ông Tập. Đội hình này nhấn mạnh rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc duy trì ổn định nội bộ của ĐCSTQ”, ông Tô Tử Vân nói trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times hôm 23/10.
“ĐCSTQ chắc chắn không nới lỏng nỗ lực quân sự chống lại Đài Loan. Tuy nhiên, hiện tại Đài Loan không nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của ĐCSTQ. Chỉ khi xảy ra các vấn đề nội bộ nghiêm trọng, ĐCSTQ mới chuyển trọng tâm sang việc leo thang quân sự chống lại hòn đảo”, ông Tô nhận định.
Ông Neil Thomas, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Eurasia Group, một tổ chức tư vấn của Mỹ, nói với The Washington Post rằng, đội hình này phản ánh một thực tế là ông Tập rất coi trọng năng lực về chuyên môn khoa học và công nghệ của những thân tín mới được bổ nhiệm. Điều này sẽ cho phép Trung Quốc tránh được cái “bẫy thu nhập trung bình” và không còn bị phương Tây bóp nghẹt đối với các công nghệ cốt lõi. Bẫy thu nhập trung bình là một tình trạng trong phát triển kinh tế khi mà một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) và giậm chân tại mức thu nhập ấy mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn.
Một vấn đề trọng yếu khác khi bổ nhiệm nhân sự trong Bộ Chính trị của ông Tập là Đài Loan, theo Washington Post.
Theo nguồn tin từ tờ SCMP, 15 trong số 24 thành viên của Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ ít nhiều có mối quan hệ với Đài Loan. Một số được cho là đã quản lý các liên kết kinh tế và thương mại xuyên eo biển, một số khác được coi là có liên quan đến cuộc tấn công quân sự vào Đài Loan trong tương lai.
Trong số này có Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ (Cai Qi), người mới được bổ nhiệm vào Ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ, đã đến thăm Đài Loan vào năm 2012 với tư cách là một quan chức địa phương ở tỉnh Chiết Giang. Ông cũng đã viết một bài báo khuyến khích các doanh nhân Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc và tiếp xúc với các chính trị gia Quốc dân đảng của Đài Loan.
Một Ủy viên Bộ Chính trị khác là Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp (72 tuổi) cũng được coi là có liên quan đến Đài Loan. Ông Trương từng tham gia chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979. Nếu ông Tập Cận Bình muốn phát động chiến tranh với Đài Loan, ông Trương Hựu Hiệp sẽ có đất dựng võ.
Sau khi Đại hội 20 bế mạc, ông Trương Văn Thanh, Bộ trưởng Bộ An ninh, đã được ông Tập Cận Bình đề bạt vào Bộ Chính Trị.
Ông Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang), nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Stanford của California, nhận định rằng, Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình sẽ mở đường cho “các điệp viên bước chân vào trung tâm quyền lực” của đất nước, giống như KGB trong thời Liên Xô. Có vẻ như ông Tập Cận Bình thực sự muốn tập trung toàn lực không chỉ để kiểm soát các lực lượng xã hội dân sự, mà còn nhằm giám sát giới tinh hoa chính trị và quan hệ đối ngoại.
Đại hội 20 – Dấu chấm hết của kỷ nguyên cải cách và mở cửa
Vào ngày 23/10, ĐCSTQ đã công bố danh sách các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới. Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với đài VOA gần đây rằng, danh sách các thành viên mới của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ là rất “đáng ngạc nhiên”, đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên cải cách và mở cửa.Ông Wuttke, từng sinh sống tại Trung Quốc trong 33 năm, nói rằng, ông nghĩ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ là Ủy viên Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Ông Wuttke cho hay, có “hai người” là ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế Thủ tướng nhưng thật ngạc nhiên khi họ không được chọn.
Theo quan điểm của ông Wuttke, “tác động trực quan” của việc ông Hồ Cẩm Đào, cựu tổng bí thư ĐCSTQ, bị đưa khỏi hội nghị càng cho thấy rõ “sự kết thúc của một kỷ nguyên”.
Về việc ông Lý Cường đảm nhận vị trí Thủ tướng thay ông Lý Khắc Cường, ông Wuttke nói rằng kể từ năm 1988, người ta chưa từng thấy một Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc nào “không học hỏi kinh nghiệm của người tiền nhiệm” trước khi nhậm chức.
Ông Wuttke cho biết, Trung Quốc hiện đang “trong một giai đoạn hỗn loạn, với cuộc khủng hoảng bất động sản, tác động nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, gánh nặng nợ nần tại địa phương tăng vọt và không biết khi nào Trung Quốc mới thoát khỏi chính sách Zero Covid cực đoan”.
Ông Wuttke thẳng thắn nói: “Có thể vào lúc kết thúc sự nghiệp ở Trung Quốc, tôi sẽ phải chứng kiến cảnh tượng nước này tiếp tục quay lại chính sách bế quan tỏa cảng một lần nữa”.Huyền Anh