50 quốc gia tại LHQ lên án vi phạm nhân quyền của TQ ở Tân Cương
Ngày 31/10, 50 quốc gia đã ký vào bản tuyên bố trình bày tại một cuộc tranh luận của Liên Hợp Quốc lên án những vi phạm nhân quyền “nghiêm trọng và có hệ thống” ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc.
“Chúng tôi hết sức quan ngại về tình hình nhân quyền ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đặc biệt là những vi phạm nhân quyền đang diễn ra với nhóm người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác ở Tân Cương,” theo tuyên bố được đại diện Canada đọc trong cuộc tranh luận của Ủy ban thứ ba của Đại hội đồng LHQ, cơ quan xử lý các vấn đề về nhân quyền.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) hồi tháng 8 đã công bố một báo cáo về Tân Cương, trong đó nêu ra những tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ nhằm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác. Báo cáo nêu thực trạng, hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vẫn đang bị giam giữ tại các trại tập trung ở khu vực Tân Cương.
Bắc Kinh vẫn luôn bác bỏ cáo buộc, khẳng định chính sách của họ nhằm chống khủng bố và đảm bảo sự phát triển của khu vực.
“Những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống như vậy không thể được biện minh trên cơ sở chống khủng bố. Xét về mức độ nghiêm trọng trong đánh giá của OHCHR, chúng tôi hết sức lo ngại bởi đến nay Trung Quốc vẫn từ chối thảo luận về các phát hiện trong bản báo cáo,” tuyên bố cho biết thêm.
Trong số 50 nước ký tên vào bản tuyên bố bao gồm cả Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Pháp, Úc, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Guatemala và thậm chí cả Somalia.
Họ thúc giục Bắc Kinh “thực hiện các khuyến nghị theo bản đánh giá OHCHR” bao gồm “nhanh chóng tiến hành các bước trả tự do cho tất cả các cá nhân bị tước quyền tự do một cách tùy tiện ở Tân Cương, đồng thời nhanh chóng làm rõ số phận và nơi ở của các thành viên gia đình mất tích, tạo điều kiện cho liên lạc và đoàn tụ an toàn”.
Hồi đầu tháng 10, Trung Quốc đã cố gắng tránh một cuộc thảo luận về báo cáo của OHCHR tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Về vấn đề này, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 31/10 đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc “cố gắng một lần nữa” tiến hành cuộc tranh luận “càng sớm càng tốt”.
“Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi các thành viên hội đồng cố gắng một lần nữa có thể sớm thảo luận và xem xét thiết lập một cơ chế do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để điều tra thêm trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc đối với các vi phạm nhân quyền,” giám đốc tổ chức Louis Charbonneau nhấn mạnh.
Ngân Hà (Theo AFP)
Bộ Quốc phòng Anh: Tân binh Nga được trang bị súng trường ‘gần như không sử dụng được’
Theo Guardian, Bộ Quốc phòng Anh trong một báo cáo tình báo mới nhất của mình cho biết, khoảng vài nghìn quân dự bị mới được điều động mà Nga triển khai tới tiền tuyến thường được trang bị rất kém với súng trường trong tình trạng “hầu như không sử dụng được”.
Báo cáo cho biết: “Vào tháng 9, các sĩ quan Nga lo ngại rằng một số lính dự bị được điều động gần đây đã đến Ukraine mà không có vũ khí.
Hình ảnh từ các nguồn mở cho thấy rằng những khẩu súng trường được cấp cho những người dự bị động viên thường là AKM, một loại vũ khí được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1959. Nhiều khẩu trong tình trạng gần như không sử dụng được do bảo quản kém.
AKM bắn đạn 7,62 ly trong khi các đơn vị chiến đấu thông thường của Nga hầu hết được trang bị súng trường AK-74M hoặc AK-12 bắn đạn 5,45 ly.
Việc tích hợp các đơn vị dự bị với các binh sĩ hợp đồng và các cựu chiến binh ở Ukraine sẽ có nghĩa là các nhà hậu cần Nga sẽ phải đưa hai loại đạn dược đến các vị trí tiền tuyến, thay vì một loại. Điều này có thể sẽ làm phức tạp thêm các hệ thống hậu cần vốn đã căng thẳng của Nga”.
Trần Phong
Ông Putin gọi cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraina là để trả thù cho Sevastopol
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga đã thực hiện một cuộc tấn công hoả tiễn quy mô lớn vào Ukraina vào thứ Hai, ngày 31 tháng 10, ít nhất là “ở một mức độ” để đáp trả cuộc tấn công gần đây vào Hạm đội Biển Đen của Nga ở Vịnh Sevastopol.
Theo tường thuật của mạng báo Pravda của Ukraina, trong cuộc họp báo ở Sochi, một phóng viên nêu câu hỏi ‘các cuộc không kích trên diện rộng trên lãnh thổ Ukraina có phải là phản ứng đối với các sự kiện gần đây ở Sevastopol?’.
Ông Putin đáp lời: “Điều này đúng ở một mức độ nào đó. Nhưng chúng tôi có thể làm được nhiều hơn thế.”
Vào ngày 29 tháng 10, các vụ nổ đã được báo cáo tại thành phố Sevastopol do Nga chiếm đóng ở bán đảo Crimea. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng Lực lượng vũ trang Ukraina đã tấn công Sevastopol bằng xuồng không người lái (USV) vào lúc 04 giờ ngày 29 tháng 10. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng tàu quét mìn Ivan Golubets bị hư hại do vụ tấn công.
Sau đó, các báo cáo từ Ukraina cho biết ít nhất ba tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga, bao gồm cả soái hạm Đô đốc Makarov, đã bị hư hại do cuộc tấn công của USV vào ngày 29 tháng 10.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các USV đã tấn công các tàu ở Hạm đội Biển Đen vào ngày 29 tháng 10 đã được phóng đi từ một tàu dân sự gần Odesa, đang được sử dụng như một phần của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Ông Volodymyr Zelenskyy, Tổng thống Ukraina và ông Oleksii Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraina, bác bỏ những tuyên bố của Nga nói rằng Matxcova ‘hoang tưởng’.
Trần Phong
Trong ba phút, hai ‘Cá sấu chúa’ Ka-52 của Nga bị tiêu diệt ở vùng Kherson
Truyền thông Ukraina pravda cho biết, Lực lượng Phòng không Ukraina đã bắn rơi 2 trực thăng Nga trên bầu trời vùng Kherson tối 31/10.
Ban Dân vận Bộ Tư lệnh Không quân Miền Nam cho biết: “Vào ngày 31 tháng 10, từ 6 giờ 45 đến 6 giờ 48, hai máy bay trực thăng tấn công Ka-52 của Nga đã bị bắn rơi bởi một đơn vị thuộc lữ đoàn tên lửa phòng không Odessa của Bộ tư lệnh không quân” miền Nam “ở quận Berislav của vùng Kherson.”
Ka-52 là máy bay trực thăng tấn công đa nhiệm hoạt động được trong nhiều điều kiện thời thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Ka-52 còn được mệnh danh là cá sấu chúa, nó được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép và không bọc thép, nhân lực, chiến đấu cơ và các máy bay khác của đối phương trên tiền tuyến và trong chiều sâu chiến thuật.
Nga không phản hồi trước các báo cáo của Ukraina đưa ra
Tại một diễn biến khác, trong bài phát biểu vào đêm 31/10, ông Volodymyr Zelenskyi nói rằng “đội quân thứ hai trên thế giới” bây giờ thậm chí không phải là đội thứ đứng 22 về tính hiệu quả”
Tổng thống Zelenskyi tuyên bố Ukraina sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phòng không. Ông nói: “Bây giờ, cứ mười lần bắn trúng, bọn khủng bố phải tốn thêm ít nhất bốn quả tên lửa. Nga có thành tích thậm chí còn tồi tệ hơn đối với máy bay không người lái, đặc biệt là những máy bay do các đối tác Iran cung cấp, theo UNN.
Ông Zelensky nhấn mạnh: “Thế giới nhìn thấy điều đó. “Đội quân thứ hai của thế giới” giờ không còn là xếp thứ 22 nếu xét về hiệu quả của nó. Và chúng tôi sẽ làm mọi cách để nó lọt vào danh sách đứng thứ hàng trăm. Và quân Nga sẽ như vậy”.
Ông Zelensky cho biết, vào sáng ngày 31/10, quân Nga đã bắn 55 tên lửa hành trình vào Ukraina, 45 trong số đó đã bị bắn hạ. Trong buổi sáng 31/10, chỉ riêng trong phạm vi Kyiv, Ukraina đã ghi nhận 16 cuộc không kích, trong đó ít nhất 12 tên lửa đã bị tiêu diệt.
Trần Phong
Ngoại trưởng Mỹ – Trung điện đàm về vấn đề Ukraine, chuẩn bị cho thượng đỉnh
Cuối tuần qua, các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Mỹ đã có cuộc điện đàm về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, cũng như tình hình thương mại và an ninh quốc tế. Đây được coi là một nỗ lực để mở đường cho cuộc gặp của hai nguyên thủ quốc gia vào tháng tới tại Indonesia.
Trong cuộc điện đàm vào ngày 30/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ông Vương Nghị đã được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hồi đầu tháng và trở thành nhà ngoại giao cấp cao nhất của quốc gia này.
“Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và quản lý mối quan hệ Mỹ – Trung một cách có trách nhiệm”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một tuyên bố.
“Ngoại trưởng nêu vấn đề xung quanh cuộc xung đột của Nga ở Ukraine, cũng như những rủi ro mà cuộc chiến gây ra đối với an ninh toàn cầu và ổn định kinh tế”.
Trước đây, các quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã ngấm ngầm hỗ trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine.
Nhà lãnh đạo ĐCSTQ được cho là đã biết về cuộc xâm lược ở Ukraine trước ít nhất một tháng và đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin hoãn khai chiến cho đến khi kết thúc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. ĐCSTQ cũng hạn chế các quan điểm chỉ trích về cuộc chiến này trên mạng xã hội và không ngừng lên án các biện pháp trừng phạt đa phương chống lại Nga, cáo buộc những hành vi đó là vi phạm chủ quyền của Nga.
Sau những cáo buộc về việc ĐCSTQ đang cân nhắc viện trợ kinh tế và quân sự cho nỗ lực chiến tranh của Nga, các nhà chức trách Mỹ đã gặp đại diện của ĐCSTQ trong một cuộc họp kéo dài 7 giờ vào tháng 3. Cuộc họp diễn ra sau khi một nguồn tin tiết lộ rằng, các thực thể có trụ sở tại Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch tấn công mạng quy mô lớn chỉ một ngày trước cuộc xâm lược, nhằm làm tê liệt cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự của Ukraine.
Trong khi thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hai Ngoại trưởng Mỹ – Trung đã thảo luận về các hậu quả tiềm tàng xung quanh cuộc xung đột Ukraine đối với an ninh toàn cầu và ổn định kinh tế, thì truyền thông Trung Quốc chỉ đề cập đến Ukraine ở đoạn cuối của bản tin.
Thay vì tập trung vào vấn đề Ukraine, bản tin của ĐCSTQ về cuộc điện đàm đã lên án các biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ đối với Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Bên cạnh đó, ông Vương Nghị tuyên bố rằng “sự phát triển của nhân loại” sẽ phụ thuộc vào quá trình “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” và sự tận tâm đối với “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Bất chấp những luận điệu cứng rắn của truyền thông trong nước, ông Vương Nghị vẫn gọi cuộc điện đàm này là một “tín hiệu tích cực” và tuyên bố ông Blinken đã bày tỏ sự sẵn sàng của Mỹ trong việc duy trì liên lạc và hợp tác với Trung Quốc.
Cuộc điện đàm có thể được coi là một phép thử về mối quan hệ của hai cường quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gặp nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11. Cho đến nay, vẫn chưa có bên nào lên tiếng xác nhận về việc tham dự hội nghị này. Đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của hai nguyên thủ quốc gia trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden. Việc cả hai bên đề cập đến sự sẵn sàng trao đổi về một số vấn đề có thể báo hiệu rằng, việc lập kế hoạch cho cuộc họp gặp mặt tới đây tại Indonesia đang diễn ra một cách thuận lợi.
Huyền Anh
Văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo cắt điện khẩn cấp trên toàn quốc
Còi báo động không kích đã vang lên khắp Ukraine vào sáng hôm 31/10 trong bối cảnh một số cơ sở năng lượng trọng yếu của đất nước này tiếp tục bị tấn công, theo tờ TASS. Cùng ngày, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Kirill Timoshenko thông báo việc cắt điện khẩn cấp sẽ được tiến hành trên khắp Ukraine sau khi các cơ sở hạ tầng quan trọng bị hư hại nặng do không kích.
“Chúng tôi phải cắt điện khẩn cấp vì các vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào phần hạ tầng quan trọng. Đội phản ứng đang khắc phục hậu quả”, ông Timoshenko cho hay.
Trước đó, hãng truyền thông Ukraine Zerkalo Nedeli đưa tin cùng ngày, các nhà máy thủy điện Dnieper, Dniester và Kremenchuk ở Ukraine đã bị tấn công, làm gián đoạn một phần nguồn cung cấp điện.
Trong khi đó, báo Klymenko Time dẫn lời ông Anatoly Kurtev, Chủ tịch Hội đồng thành phố Zaporizhzhia do Kyiv kiểm soát, cho biết thành phố này đã bị cắt điện từ sáng 31/10.
Tại thành phố Dnipro, người đứng đầu chính quyền quân sự tại địa phương, ông Valentin Reznichenko cho hay các thiết bị bay cảm tử đã tấn công vào một cơ sở sản xuất năng lượng ở quận Kamenskoye, khiến nguồn cung năng lượng tại đây bị gián đoạn.
Ở một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát đi tín hiệu cho biết Điện Kremlin có thể sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh với Ukraine, trong điều kiện phương Tây đáp ứng một số điều kiện nhất định. Thông điệp trên được đưa ra sau khoảng 8 tháng kể từ khi Moscow mang quân đội vào lãnh thổ Ukraine với cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” hôm 24/2.
Mặc dù Nga ban đầu hy vọng chiến thắng nhanh chóng, nhưng cuộc xâm lược đã bộc lộ những điểm yếu trong quân đội của họ, đồng thời làm tổn thất lợi ích của Điện Kremlin.
Ở chiều ngược lại, Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây, tăng cường các nỗ lực quốc phòng và cho phép quân đội của họ phát động một cuộc phản công mạnh mẽ để giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng.
Khi giao tranh nổ ra, các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia Đông Âu đã bị đình trệ. Ukraine là quốc gia đã chứng kiến nỗ lực đáng ngạc nhiên khi mong muốn tiếp tục chiến đấu cho đến khi Nga bị lật đổ hoàn toàn khỏi lãnh thổ của mình.
Trong khi đó, Nga tỏ ra không mấy quan tâm đến việc chấm dứt chiến tranh, mặc dù phải đối mặt với những tổn thất ngày càng tăng, cả về kinh tế lẫn ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Lavrov đã thảo luận về khả năng đàm phán giữa Nga và phương Tây trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga, hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm 29/10.
Ngoại trưởng Nga nói rằng Nga “luôn sẵn sàng lắng nghe những người đồng cấp phương Tây nếu họ đưa ra yêu cầu để tổ chức một cuộc đối thoại.
Anh: Nga sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng nếu dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine
Ngày 31/10, Vương quốc Anh đã cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, đồng thời cho rằng một bước đi như vậy sẽ thay đổi bản chất của cuộc chiến.
Ngoại trưởng James Cleverly cũng kêu gọi Nga không cản trở việc xuất khẩu ngũ cốc. Ông nhìn nhận, “những tuyên bố ngày càng tuyệt vọng” từ Điện Kremlin được đưa ra nhằm đánh lạc hướng nỗ lực chiến tranh đang chùn bước của họ.
Ông Putin luôn nói rằng Nga không tính đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, thay vào đó là cáo buộc Kyiv có thể tạo ra và kích nổ một “quả bom bẩn”.
Tuy nhiên, ông Cleverly nhìn nhận, việc Ukraine lên kế hoạch cho nổ một quả bom như vậy là một “lời tuyên bố vô lý”. Ông cũng nhận xét, luận điệu của ông Putin về vấn đề vũ khí hạt nhân là “lời nói vô trách nhiệm”.
“Không có quốc gia nào khác tính đến chuyện sử dụng hạt nhân. Không có quốc gia nào đang đe dọa Nga hay Tổng thống Putin,” Ngoại trưởng Cleverly nói với các nhà lập pháp.
“Ông ta nên ý thức rõ rằng, đối với Vương quốc Anh và các đồng minh của chúng ta, bất kỳ động thái nào nhằm sử dụng vũ khí hạt nhân cũng sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc chiến. Và Nga sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.”
Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc, các nhân viên hải quân Anh đã làm nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào tháng trước, và các “chuyên gia Anh” từ cùng đơn vị này đã chỉ đạo các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea hôm 29/10.
Phía Anh khẳng định, những cáo buộc này là sai sự thật. Ngoại trưởng Cleverly không trực tiếp đề cập đến những bình luận đó, nhưng ông lưu ý: “Giờ đây, Điện Kremlin đang dùng cách lan truyền những tuyên bố sai sự thật, tạo ra những câu chuyện bịa đặt – mà chúng lại phản ánh sự rạn nứt trong chính phủ Nga nhiều hơn là những thông tin về chúng ta.”
Ngày 29/10, Nga đã đình chỉ việc tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, với lý do vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hạm đội của họ.
Về vấn đề này, ông Cleverly nhận định, việc đình chỉ thỏa thuận dẫn đến người dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình phải gánh chịu hậu quả là hành động “vô lương tâm”.
Ông kêu gọi Nga ngừng cản trở sáng kiến quan trọng đang nuôi sống những người phải chịu cảnh đói nghèo trên toàn thế giới này và đồng ý tiếp tục gia hạn thỏa thuận.
Nhật Minh (Theo Reuters)