Thanh Hải
Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân DF-41 của Trung Quốc trong một cuộc diễn hành quân sự ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 01/10/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)
Hôm 2/11, các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, Trung Quốc tỏ ra không quan tâm đến việc giảm thiểu rủi ro của vũ khí hạt nhân. Washington tin rằng, Bắc Kinh đang mở rộng lực lượng hạt nhân, vươn tới mục tiêu sở hữu lên tới 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Theo Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về kiểm soát, xác minh và tuân thủ vũ khí, Alexandra Bell, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược và không phổ biến vũ khí hạt nhân, bất chấp tuyên bố hồi năm ngoái rằng Bắc Kinh sẽ hợp tác với Washington về vấn đề này.
“Bước đầu tiên, chúng tôi thực sự muốn thảo luận với họ về học thuyết của mỗi bên, về giao tiếp khủng hoảng và quản lý khủng hoảng”, ông Bell nói trong một cuộc thảo luận ngày 1/11 với Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.
“Chúng tôi chưa tiến tới mức đó với Bắc Kinh. Vì vậy, có nhiều việc phải làm để bắt đầu cuộc thảo luận. Theo chúng tôi, cả hai bên cần hợp tác song phương”, ông tiếp tục.
Bình luận của ông Bell được đưa ra chỉ vài tuần sau khi nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ tăng cường năng lực hạt nhân của nước này, bất chấp những cam kết được đưa ra vào tháng 11/2021 rằng, Trung Quốc sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán ổn định chiến lược với chính quyền ông Biden.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã từ chối các yêu cầu đàm phán về vũ khí với Washington. Ban lãnh đạo Lầu Năm Góc tin rằng, Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hạt nhân, vươn tới mục tiêu sở hữu lên tới 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Đối thoại không có khả năng ngăn chặn ĐCSTQ mở rộng kho vũ khí hạt nhân
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Walter Slocombe cho hay, việc chính quyền ông Biden theo đuổi nỗ lực đàm phán với Trung Quốc về kiểm soát vũ khí hạt nhân khó có thể mang lại kết quả tốt đẹp.
“Tôi hoài nghi về việc ‘đối thoại’ sẽ giải quyết được vấn đề này”, ông Slocombe nói trong một hội thảo sau những bình luận của ông Bell.
“Chúng ta đối thoại với Trung Quốc. Tài liệu Đánh giá vị thế hạt nhân cũng đối thoại với Trung Quốc. Nhưng người Trung Quốc đối thoại với chúng ta qua những gì họ nói”, ông cho hay.
Đối thoại cũng là một giải pháp, nhưng sẽ không thực sự hiệu quả, ông nhấn mạnh.
Ông Slocombe nhận định rằng, Mỹ nên ít tập trung vào việc ngăn chặn Trung Quốc triển khai vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, nước này nên dồn lực vào việc ngăn chặn Trung Quốc lợi dụng mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân để chèn ép các quốc gia khác.
Ông cảnh báo rằng, việc Trung Quốc và Nga ngày càng tập trung vào phát triển vũ khí hạt nhân là một dấu hiệu đáng lo ngại. Hai quốc gia này coi vũ khí hạt nhân là yếu tố then chốt trong chiến lược quốc phòng và ngoại giao của họ. Điều này cho thấy, hai cường quốc trên có khả năng dựa vào mối đe dọa hạt nhân để bắt các quốc gia khác hành xử theo ý mình.
Ông Slocombe nói: “Tôi không cho rằng người Trung Quốc nói dối nhiều hơn chúng ta, nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề trọng tâm là cần phải sử dụng biện pháp cưỡng bức”.
Đánh giá vị thế hạt nhân mới của Mỹ không đủ để răn đe Trung Quốc
Bản đánh giá vị thế hạt nhân mới được công bố của chính quyền ông Biden là một phần của Chiến lược Quốc phòng Mỹ (pdf), cáo buộc rằng ĐCSTQ đang mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình với mục đích đe dọa Washington và các đồng minh.
Tài liệu cho biết thêm, Trung Quốc đang phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình trong khi vẫn hợp tác ở một mức độ nào đó với Nga. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ phải đồng thời ngăn chặn cả hai đối thủ hạt nhân gần như cùng một lúc.
“Đây là câu hỏi trọng tâm của bốn hoặc năm năm tới:“ Làm thế nào để Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân của cả hai nước đồng cấp”, Cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Soofer cho biết.
Ông Soofer nói rằng, bất chấp tất cả các cuộc thảo luận về cạnh tranh và đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán, chính quyền ông Biden đã chấm dứt nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc phổ biến vũ khí hạt nhân.
Với suy nghĩ đó, chính quyền ông Biden sẽ cần phải phát triển theo hướng hoàn toàn mới để hiểu và đối phó với các khả năng và chiến lược hạt nhân của ĐCSTQ.
Ông Soofer nói: “Cụm từ chính là “cường quốc hạt nhân”.
“Vào thời điểm Trung Quốc tiến hành triển khai 1.000 vũ khí hạt nhân, đó không chỉ là những con số, mà thực tế là họ sở hữu đầy đủ bộ ba vũ khí. Ngoài các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược, Trung Quốc cũng sẽ sở hữu các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đây là một khuôn khổ hoàn toàn mới”.
Thanh Hải