Bảo Nguyên
Một nghiên cứu phân tích dữ liệu ánh sáng ban đêm từ vệ tinh đã xác định được mức độ phóng đại GDP của các chế độ chuyên quyền như Trung Quốc. Hành vi thao túng và thổi phồng dữ liệu kinh tế của Trung Quốc đã được giới chuyên gia nhận thấy và đã có từ lâu.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được biết đến là đã điều chỉnh dữ liệu kinh tế. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 10 đã sử dụng ánh sáng ban đêm để xác định rằng Trung Quốc, cũng như các chế độ chuyên quyền khác, phóng đại quá mức dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ.
Nghiên cứu của Mỹ đã thu thập dữ liệu ánh sáng ban đêm (NTL) từ vệ tinh và sử dụng dữ liệu đó để đo lường mức độ phóng đại dữ liệu GDP chính thức của các chế độ chuyên quyền.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng các chế độ chuyên quyền đã phóng đại GDP của họ lên khoảng 35%.
Nghiên cứu được công bố vào tháng 10 trên Tạp chí Kinh tế Chính trị, do ông Luis R. Martínez, giáo sư trợ lý (Assistant professor, chức vụ ngay sau Associate professor) tại Trường Harris về Chính sách Công và Trường Đại học, Đại học Chicago, là tác giả.
Theo ông Martinez, các chính phủ thuộc mọi loại hình đều có xu hướng có “động cơ để phóng đại” các số liệu kinh tế của họ, vì chúng là yếu tố quyết định chính đến sự thay đổi chính phủ, nhưng ông đã tìm ra “sự phóng đại tương xứng về tăng trưởng GDP trong các chế độ chuyên quyền”.
Ông Martinez đã kiểm tra dữ liệu GDP của 184 quốc gia được lấy từ Ngân hàng Thế giới trong khoảng thời gian hơn hai mươi năm, và ông đã so sánh những dữ liệu này với dữ liệu NTL từ Chương trình Vệ tinh Khí tượng Quốc phòng của Không quân Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn ảo với VOA hôm thứ Ba, ông Martinez cho biết tại các quốc gia dân chủ, có xu hướng tồn tại “việc kiểm tra và cân bằng để hạn chế” các chính phủ phóng đại quá mức doanh thu kinh tế của họ, thứ vốn “hầu như thiếu vắng” trong các chế độ độc tài.
Đối với các quốc gia độc tài, “nếu tốc độ tăng trưởng thực sự là 1%, thì chế độ độc tài sẽ báo cáo tỷ lệ tăng trưởng là 1,3%”, ông Martinez nói với VOA.
Một quan chức hàng đầu của Trung Quốc gần đây đã thừa nhận rằng dữ liệu GDP của ĐCSTQ là không đáng tin cậy, ông Martinez viết trong nghiên cứu của mình.
“Mô hình của ông Martinez cho thấy Bắc Kinh có thể đã phóng đại quá mức tăng trưởng GDP lên một phần ba trong hai thập kỷ qua, khiến nền kinh tế của họ nhỏ hơn nhiều so với công bố”, VOA đưa tin.
Vào ngày 24/10, Trung Quốc đã công bố tốc độ tăng trưởng GDP 3,9% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, sau sự trì hoãn bất thường gần một tuần. Con số này vượt quá mức 3,4% như dự báo của thị trường và tốt hơn mức tăng 0,4% của quý II năm 2022. Quang cảnh ban đêm của thành phố ở Thâm Quyến, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, vào ngày 13/07/2022. (Ảnh: JADE GAO / AFP qua Getty Images)
Thông tin từ NTL
Ông Su Tzu-yun, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia có trụ sở tại Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vào ngày 01/11 rằng dữ liệu NTL là một phép đo rất trực diện về hoạt động kinh tế, vì đèn càng mạnh và càng sáng thì càng có nhiều hoạt động.
Ông Su lưu ý rằng ánh sáng vào ban đêm cũng có thể tiết lộ một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Ông đưa ra ví dụ khi đại dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.
Ông Su nói rằng khi đại dịch bùng phát ban đầu ở Vũ Hán, ĐCSTQ đã che đậy đại dịch trước thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ sau đó đã quan sát thấy từ các bức ảnh vệ tinh vào ban đêm rất nhiều phương tiện di chuyển xung quanh các bệnh viện ở Vũ Hán, gây ra tắc đường. Lưu lượng giao thông bất thường cho thấy khả năng bùng phát đại dịch trên diện rộng.
Thao túng dữ liệu kinh tế
Hành vi thao túng dữ liệu kinh tế của Trung Quốc đã được nhận thấy bởi các nhà kinh tế và các chuyên gia về Trung Quốc bên ngoài Trung Quốc.
ĐCSTQ vẫn điều chỉnh dữ liệu kinh tế và bản thân các quan chức Trung Quốc cũng không tin dữ liệu kinh tế của chính họ, nhà quan sát và bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc Wang He nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times hôm 01/11.
“Ở Trung Quốc, các quan chức được thăng chức vì những thành tựu kinh tế của họ. Do đó, họ có động lực để thổi phồng dữ liệu kinh tế để phục vụ việc được thăng chức của họ”, ông nói.
Ông nói: “Trước đây, các chính quyền địa phương của Trung Quốc công bố số liệu GDP của chính họ, con số này tổng cộng lớn hơn nhiều so với số liệu GDP do quốc gia công bố”. Ông cũng nói thêm rằng ĐCSTQ phải cấm các chính quyền địa phương công bố dữ liệu do địa phương thu thập và cơ quan thống kê quốc gia đã được chỉ định để công bố dữ liệu chính thức thay thế.
Tuy nhiên, số liệu thống kê quốc gia cũng bị phóng đại quá mức, ông Wang nói. Ông nghi ngờ về tốc độ tăng trưởng GDP 3,9% trong quý thứ ba của năm này.
Ông nói: “Theo dữ liệu của hãng thông tin tài chính Caixin của Trung Quốc, chỉ số PMI của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 9 là dưới 50, cho thấy sản xuất đang giảm dần”, ông nói. “Làm thế nào có thể có tăng trưởng 3,9%?”
PMI là viết tắt của “Chỉ số nhà quản lý mua hàng”, cho biết liệu thị trường đang mở rộng, giữ nguyên hay đang thu hẹp. Chỉ số PMI trên 50 thể hiện sự mở rộng, trong khi chỉ số PMI dưới 50 cho thấy sự thu hẹp. Chỉ số PMI là 50 có nghĩa là không thay đổi.
Vào năm 2019, The Economist đã báo cáo rằng từ năm 2008 đến năm 2016, Trung Quốc đã “phóng đại tăng trưởng GDP thực tế lên trung bình hai điểm phần trăm mỗi năm”, trích dẫn một nghiên cứu của tác giả Chang-Tai Hsieh thuộc Đại học Chicago và ba đồng tác giả từ Đại học Hong Kong của Trung Quốc. Do đó, với sự gia tăng mỗi năm trong khoảng thời gian đó, dữ liệu GDP chính thức cho năm 2016 đã bị phóng đại lên 16%, tương đương hơn 1,5 nghìn tỷ USD.
Bảo Nguyên
Theo Sophia Lam – The Epoch Times