Tin VN chiều thứ Sáu: Khởi tố vụ án 3 con gái đổ xăng đốt mẹ đẻ…

Hưng Yên: Khởi tố vụ án 3 con gái đổ xăng đốt nhà mẹ đẻ để điều tra tội giết người

Người dân đưa được các nạn nhân ra ngoài (ảnh: VOV).

Liên quan đến vụ án 3 con gái mua xăng đốt nhà mẹ ngày 30/10 gây xôn xao dư luận. Sáng 4/11, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự tội Giết người, theo quy định tại Điều 123, Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể theo báo Dân Trí, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản (chia quyền thừa kế đất), khoảng 9h30 ngày 30/10, 3 con gái của bà V.T.Đ. (61 tuổi, ở xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) gồm: Đỗ Thị Định (40 tuổi, ở xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên); Đỗ Thị Điểm (38 tuổi, ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và chị Đỗ Thị Đưa (32 tuổi, ở thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mang theo một can xăng loại 10 lít đến nhà bà V.T.Đ..

Tại đây, chị Điểm đã đổ xăng xuống nền nhà gian phòng khách nhà bà Đ. rồi châm lửa đốt cháy. Hậu quả, bà Đ., chị Điểm, chị Định, chị Đưa bị thương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50 triệu đồng.

Liên quan đến sức khoẻ các nạn nhân, báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ Viện Bỏng quốc gia cho biết, hiện nay viện đang điều trị cho bốn bệnh nhân liên quan đến vụ đốt xăng tại tỉnh Hưng Yên.

Trong đó, có ba bệnh nhân bị bỏng sâu trên diện rộng, đang được điều trị chống sốc, nhiễm trùng, tiên lượng xấu, một người bỏng nhẹ hiện đang điều trị hồi sức. Bên cạnh đó các bệnh nhân đều gặp khó khăn trong việc chi trả chi phí điều trị.

Sáng nay 4/11, con trai của bà Đ. cho biết mẹ mình bị bỏng 80% từ đầu đến chân, bác sĩ nhận định nguy hiểm đến tính mạng nên đang hội chẩn tính toán phương án phẫu thuật.

Cũng theo con trai bà Đ., nguồn cơn vụ việc đau lòng có lẽ từ lúc gia đình xây nhà mới, từ đó chị em trong gia đình sinh mâu thuẫn, lòng tham, đố kỵ nảy ra.

Từ cuối năm 2020, người con gái thứ ba đã có đơn đề nghị hòa giải gửi đến UBND xã Trung Hòa về việc giải quyết phân chia tài sản thừa kế từ người cha để lại.

Tài sản để lại gồm hai mảnh đất: mảnh thứ nhất ở trong ngõ, cách đường trục chính của làng khoảng 200m, có nhà cấp bốn. Mảnh thứ hai sát mặt đường chính của làng, cả gia đình cùng góp công sức đổ nền để làm nhà ở và hiện đang có nhà mới xây.

Trong những lần hòa giải, người mẹ nêu quan điểm: gia đình có hai thửa đất thì thửa đất hiện tại (ở sát mặt đường) bà và con trai đang ở, nếu sau này bà mất đi sẽ để lại cho con trai thờ cúng. Còn thửa đất phía trong bà sẵn sàng cho ba cô con gái.

Tuy nhiên, người con gái thứ ba nhất quyết không đồng ý nhận thửa đất phía trong và bày tỏ mong muốn mẹ chia thửa đất phía ngoài cho ba chị em để còn kinh doanh, sinh sống.

Huệ Liên

Thu hồi 50 triệu đồng tiền hỗ trợ COVID-19 Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau chưa giải ngân

Hội Chữ thập đỏ Cà Mau (ảnh: CTV/Dân Trí).

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hôm 3/11 cho hay, vừa thu hồi số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng tỉnh chưa kịp thời cấp phát.

Theo Dân Trí, số tiền trên được hỗ trợ để làm chương trình “Chợ nhân đạo”. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau có kế hoạch thực hiện vào giữa tháng 5/2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên Hội chưa thực hiện được.

Sau khi dịch COVID-19 ổn định, số tiền này không còn phù hợp với mục đích chi nên chưa giải ngân. Trung ương Hội quyết định thu hồi số tiền này.

Trước đó Thanh tra tỉnh Cà Mau vừa có kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau.

Thanh tra phát hiện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau chưa kịp thời cấp phát số tiền 50 triệu đồng kinh phí Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phân bổ để hỗ trợ cho những hộ gặp hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng COVID-19.

TP.HCM: Thu giữ hàng ngàn sản phẩm “nhái” Hermès, Gucci,… ở Saigon Square

Một sản phẩm giày “nhái” thương hiệu Mỹ, Nike được QLTT TP.HCM ghi nhận có nhãn mác “Sản xuất tại Trung Quốc”. (Ảnh: dms.gov.vn)

Trung tâm thương mại (TTTM) Saigon Square vốn nổi tiếng là nơi mua sắm nhộn nhịp lâu đời ở TP.HCM, vừa bị Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra và thu giữ hàng ngàn túi xách, quần áo, ví cầm tay,… “nhái” các thương hiệu lớn như: Chanel, Gucci, Dior, Louis Vuitton, Hermès, Burberry, v.v…

Theo truyền thông trong nước, đầu tháng 11, Tổng cục QLTT tổ chức kiểm tra và thu giữ những sản phẩm thời trang “đạo nhái” các thương hiệu lớn, không rõ nguồn gốc của các tiểu thương ở TTTM Saigon Square (Quận 1, TP.HCM).

Tổng cục QLTT cho biết trung tâm này là “điểm nóng” của việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc,… Do vậy, vào chiều ngày 1/11, cơ quan này kết hợp cùng các lực lượng chính quyền ở TP.HCM đã tiến hành kiểm tra các gian hàng tại Saigon Square.

Khi đoàn kiểm tra xuất hiện, những người bán ở đây đã nhanh chóng thu dọn hàng hóa, đóng cửa hàng để né tránh bị kiểm tra.

Toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm được chuyển về kho tang vật của cơ quan QLTT để tạm giữ cũng như tiếp tục điều tra. Do số lượng lớn nên đến sáng ngày 2/11, cơ quan chức năng TP.HCM chưa thể thống kế đầy đủ số lượng, chủng loại.

Đến ngày 3/11, Tổng cục QLTT cho biết lực lượng chức năng tiếp tục đưa thêm người đến kiểm tra và thống kê số lượng hàng hóa tại đây.

Tiểu thương đóng cửa, tránh gặp mặt QLTT trong đợt kiểm tra lần này. (Ảnh: dms.gov.vn)

Theo ghi nhận thời điểm hôm 3/11, trước sự kiểm tra của cơ quan chức năng, hàng loạt cửa hàng tại đây chọn cách đóng cửa, nhiều tiểu thương vắng mặt, hoặc có mặt nhưng chủ yếu để thăm dò tình hình, chưa dám mở bán lại.

Đoàn kiểm tra của Tổng cục QLTT cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra các địa điểm khác có nhiều dấu hiệu của việc mua bán hàng giả, hàng nhái.

Theo Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng Tài sản Trí tuệ và Bất động sản EU (vào năm 2019), trái với sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, thị trường thương mại hàng giả, hàng nhái vẫn tăng trưởng đều đặn trong nhiều năm qua và chiếm tới 3,3% giá trị thương mại toàn cầu.

Theo đó, giày dép, quần áo, đồ da hàng hiệu và các thiết bị công nghệ là những mặt hàng dễ bị làm giả nhất. Phần lớn trong số chúng, khoảng trên 70% có nguồn gốc từ Hồng Kông và Trung Quốc.

Các loại kính mát giả, nhái các thương hiệu lớn như: Chanel, Gucci,… (Ảnh: dms.gov.vn)

Giá trị hàng giả nhập khẩu ước tính khoảng 509 tỷ USD, tăng từ 461 tỷ USD của năm 2013, con số khổng lồ này còn chưa tính đến lượng hàng giả được sản xuất và tiêu thụ nội địa, hoặc được bán qua Internet.

Tập đoàn đa quốc gia LVMH của Pháp, công ty mẹ sở hữu các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng toàn cầu như: Celine, Dior, Givenchy và Louis Vuitton công bố báo cáo doanh thu khoảng 53 tỷ USD vào năm 2018, khá khiêm tốn so với giá trị thị trường của các phiên bản ‘”nhái” tương đương.

Việc buôn bán hàng giả ảnh hưởmg lớn đến doanh thu từ các doanh nghiệp kinh doanh chính hãng và nguồn thu của Chính phủ.

Theo Báo cáo của tổ chức Better Business Bureau, việc làm giả và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ từ 200 – 250 tỷ USD. Gần 24% trong số 590 tỷ USD hàng giả bị thu giữ thuộc quyền sở hữu trí tuệ do các tập đoàn Mỹ nắm giữ.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 91,1 tỷ USD (tăng hơn 12% so với cùng kỳ), chiếm tỷ trọng tới 33,1% trong tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam.

Tuấn Minh

Làm thất thoát gần 1,4 tỷ đồng, một nguyên Trưởng phòng TN-MT huyện bị khởi tố

Ông Lê Văn Khánh nghe công an đọc lệnh khởi tố và bắt tạm giam. (Ảnh: conganthanhhoa.gov.vn)

Sau khi về hưu, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thường Xuân bị cáo buộc đã tư vấn cho Chủ tịch huyện ký các quyết định trái luật, gây thất thoát ngân sách Nhà nước gần 1,4 tỷ đồng.

Ngày 3/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Văn Khánh (SN 1960, trú tại xã Yên Tâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Khánh nguyên là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa).

Theo kết quả điều tra, vào năm 2014, với vai trò là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thường Xuân, ông Khánh đã kiến nghị cho Chủ tịch UBND huyện phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân phê duyệt mức giá chuyển mục đích sử dụng đất là 100.000 đồng/m2 (thấp hơn giá quy định).

Đồng thời, ông Khánh trực tiếp ký 2 phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai ghi rõ mức giá 100.000 đồng/m2, tiếp tay cho người dân xây dựng cơ sở chế biến lâm sản trái quy định về đất đai. Hành vi này của ông Khánh bị xác định đã gây thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Được biết, ông Khánh đã có thời gian dài làm Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Xuân, sau đó chuyển công tác làm Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thường Xuân trước khi nghỉ chế độ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Khánh Vy

Miễn nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đối với ông Lê Tuấn Phong

Ông Lê Tuấn Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Baochinhphu.vn)

HĐND tỉnh Bình Thuận đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đối với ông Lê Tuấn Phong sau hai năm nhận nhiệm vụ.

Ngày 4/11, tại kỳ họp thứ 10 (chuyên đề), HĐND tỉnh Bình Thuận khoá XI đã thực hiện các thủ tục miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đối với ông Lê Tuấn Phong.

Qua hình thức bỏ phiếu kín, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận đã đồng ý miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026, đồng thời thống nhất việc thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh của ông Lê Tuấn Phong. 

Trong tháng 10/2022, ông Lê Tuấn Phong đã có nguyện vọng và có đơn xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, thôi làm đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 vì lý do cá nhân.

Hồi tháng 4/2022, tại kỳ họp thứ 14, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật ông Lê Tuấn Phong bằng hình thức cảnh cáo.

Đến tháng 7/2022, ông Phong bị Thủ tướng kỷ luật cảnh cáo do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công việc gây hậu quả nghiêm trọng. 

Sau ông Phong, Chính phủ đã thi hành kỷ luật hành chính nhiều quan chức và cựu quan chức khác của tỉnh Bình Thuận do những sai phạm trong quá trình làm việc. 

Ông Lê Tuấn Phong (48 tuổi, quê huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) có trình độ chuyên môn thạc sĩ kỹ thuật xây dựng, kỹ sư xây dựng cầu đường, trình độ lý luận chính trị cao cấp. 

Ông Phong từng giữ các chức vụ: Phó chủ tịch UBND TP. Phan Thiết; Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư; Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trước khi được HĐND tỉnh khóa XI bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2021 – 2026 từ ngày 18/01/2021.

Mạnh Hùng

Phụ huynh ép hiệu trưởng quỳ xin lỗi bị khởi tố vì làm nhục người khác

Trường Tiểu học Sơn Lâm – nơi xảy ra sự việc. (Ảnh CTV/Vietnamnet).

Liên quan đến việc phụ huynh ở Hà Tĩnh bắt thầy Phan Đình Thống, hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lâm quỳ gối xin lỗi vì bức xúc khi bị phát loa tên 2 con do chưa đóng tiền bảo hiểm. Phụ huynh này đã bị khởi tố để điều tra về hành vi làm nhục người khác.

Cụ thể theo báo PLO, chiều 2/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Võ Văn Điệp (40 tuổi, trú xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn) về tội làm nhục người khác.

Bị can Điệp được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra.

Tối 1/11, chia sẻ với VietNamNet, thầy Phan Đình Thống cho biết nguyên nhân dẫn đến việc chiều 31/10 phụ huynh Điệp vác dao xông vào trường đe dọa giáo viên, bắt hiệu trưởng xin lỗi xuất phát từ việc trường thu bảo hiểm y tế bắt buộc chưa đạt chỉ tiêu nên đã phát loa ở trường sau tiết chào cờ sáng thứ hai (31/10) nêu tên các học sinh chưa nộp tiền, trong đó có 2 con của phụ huynh Điệp trên.

Cũng theo thầy Thống, thầy đã biết lỗi và rút kinh nghiệm về hành xử khi đã phát loa gọi tên các em trước trường. Nhưng dù vậy, nhà trường cảm thấy áp lực khi thu bảo hiểm chưa đủ chỉ tiêu.

“Bảo hiểm y tế bắt buộc, thực tế là bên bảo hiểm phải thu nhưng có văn bản của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Tĩnh gửi lên Sở GD&ĐT và chỉ đạo trên xuống giao cho nhà trường có trách nhiệm tuyên truyền đến cán bộ giáo viên, học sinh, tổ chức thu bảo hiểm y tế để đạt 100% học sinh phải tham gia. Nếu không đạt, trước hết, Phòng GD&ĐT phê bình bằng miệng do không hoàn thành nhiệm vụ, sau đó, UBND huyện sẽ có nhắc nhở”, thầy Thống nói.

Trước câu hỏi “việc thu Bảo hiểm Y tế được cho là việc ngoài xã hội, tại sao lại yêu cầu nhà trường phải làm?“, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lâm cho biết: “Đây là việc chung thì phải làm và trường cảm thấy rất áp lực. Hiện tại, trường đã thu được 93%, còn 14 em chưa nộp, trong đó có 2 học sinh con của phụ huynh vác dao xông vào trường. Mỗi học sinh phải đóng từ 402.000-563.000 đồng tùy hoàn cảnh gia đình”.

Thầy Phan Đình Thống chia sẻ thêm: “Sau sự việc bị phụ huynh vác dao đến trường xưng ‘tao – mày’, đòi chém giáo viên, bắt tôi phải quỳ xin lỗi, tôi cảm thấy rất xấu hổ và nhục nhã. Đồng thời, tôi nhận thấy việc trường phát loa thông báo nêu tên các em giữa trường là chưa phù hợp trong thời điểm này, tôi xin lỗi và xin rút kinh nghiệm trước hành xử chưa đúng”.

Huệ Liên

Related posts