Bảo Nguyên
Hàng chục nghìn công nhân nhà máy Foxconn Trịnh Châu đã quyết định đi bộ về quê, sau một đợt bùng phát COVID dữ dội gần đây diễn ra tại nhà máy. Chờ đợi họ sau “cuộc di cư” đằng đẵng là các trại cách ly tại quê nhà.
Một đoạn video cho thấy những nhóm thanh niên lớn đang đi bộ trên cánh đồng và trên đường cao tốc, với vali và túi xách khi họ đang trên đường trở về nhà.
Đoạn video về chuyến đi của họ đã được lan truyền mạnh mẽ ở Trung Quốc và nước ngoài, bất chấp sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc.
Một số được nhìn thấy đang đi qua cổng của hàng rào đã từng bị chặn, và một số đang trèo qua hàng rào để thoát khỏi khu vực đã bị chặn.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, những người trẻ tuổi này là công nhân của nhà máy sản xuất điện tử Foxconn ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, đã rời khỏi nhà máy sau khi đợt bùng phát COVID-19 gần đây khiến hàng chục nghìn nhân viên rơi vào diện phong tỏa theo chính sách zero-COVID cứng rắn của chế độ Trung Quốc.
Foxconn, tên chính thức là Hon Hai Technology Group, có trụ sở chính tại Đài Loan. Công ty này tự tuyên bố là “nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới” và có hơn 40 nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, theo các trang web của công ty.
Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, thành phố thủ phủ của tỉnh Hà Nam, có ba cơ sở đặt tại Khu Kinh tế Sân bay Trịnh Châu, Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ Trịnh Châu, và Huyện Trung Mưu. Công ty có tầm quan trọng chính yếu về kinh tế và tài chính đối với chính quyền địa phương Trịnh Châu.
Theo Reuters, cơ sở của Foxconn tại Khu Kinh tế Sân bay Trịnh Châu có 200.000 công nhân và là nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới của Apple. Nhà máy sản xuất “một nửa nguồn cung toàn cầu của Apple”, New York Times dẫn lời ông Ming-Chi Kuo, nhà phân tích tại TF International Securities, một tập đoàn dịch vụ tài chính. Đây là nhà xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc vào năm 2019, xuất khẩu hàng điện tử trị giá 32 tỷ USD ra nước ngoài, theo Financial Times.
Nhà máy Foxconn chưa chính thức tiết lộ có bao nhiêu công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, nhưng trong một tuyên bố hôm thứ 4 (02/11), họ cho biết “một số lượng nhỏ nhân viên đã được yêu cầu cách ly”.
Cuộc di cư của công nhân Foxconn
Mặc dù chính quyền địa phương và ban quản lý nhà máy đã đưa ra thông báo khẳng định cung cấp xe buýt và hỗ trợ cho những người lao động về quê, hàng chục nghìn người đã quyết định rời nhà máy và đi bộ về nhà. Tờ Financial Times đã mô tả cuộc rời đi quy mô lớn này là một “cuộc di cư” trong bài báo vào ngày 30/10.
Phần lớn công nhân đến từ các thành phố hoặc thị trấn lân cận.
Đoạn video được đăng tải trực tuyến cho thấy một số công nhân bước ra khỏi những cánh cửa mở ở các khu vực của nhà máy, nhưng một số phải trèo qua hàng rào để có thể thoát ra ngoài.
Cảnh sát, đồn trú trên các con đường chính, đã chặn các công nhân bỏ chạy, và được nhìn thấy đã xô đẩy công nhân một cách thô bạo, và yêu cầu họ quay trở lại nhà máy.
Sợ bị chặn lại, các công nhân rời khỏi cơ sở của nhà máy vào một tối thứ 7, và đi bộ dọc theo đường cao tốc, qua các cánh đồng và trên các con đường nông thôn.
Một công nhân từ Tiêu Tác, một thành phố cấp địa khu ở phía tây bắc tỉnh Hà Nam, đã bị chặn lại tại một trạm kiểm soát và phải đi thoát bằng đường nông thôn. Lộ trình thông thường từ Trịnh Châu đến Tiêu Tác là khoảng 50 dặm, nhưng một công nhân giấu tên đã đi bộ hơn 100 dặm để về nhà, theo một bài đăng trực tuyến.
Dân làng và cư dân địa phương để thức ăn và đồ uống dọc theo các con đường nông thôn và đường cao tốc, với các biển báo “đồ cung cấp miễn phí cho công nhân trở về nhà của Foxconn”. Nguồn cung cấp này là rất quan trọng đối với những người lao động này, vì họ không thể mua thực phẩm do các cửa hàng đã đóng cửa do bị phong tỏa.
Người đàn ông trong đoạn video, được tải lên vào ngày 31/10, nói rằng ông ấy đã thiết lập một trạm cung cấp cho các nhân viên Foxconn đang rời đi và rằng ông cung cấp nước và thức ăn miễn phí.
Nhân viên có tên Chen Hui của Foxconn, nói với The Epoch Times rằng cảnh sát đã cố gắng ngăn họ vào các khu đô thị của Trịnh Châu.
“Chúng tôi vừa ra khỏi một lùm cây và đụng phải năm hoặc sáu cảnh sát. Chúng tôi vô cùng sợ hãi khi nhìn thấy họ”, ông Chen kể lại. Nhưng may mắn thay, cảnh sát đã rời đi sau khi thấy rằng ông Chen và các đồng nghiệp không đi đến Trịnh Châu, ông Chen nói.
“Chúng tôi cố gắng tránh xa dân làng địa phương trên đường đi của mình, nhưng họ rất tốt bụng và cung cấp sự chỉ đường cũng như đồ ăn thức uống cho chúng tôi”, ông Chen nói.
Một tài xế dừng lại dọc đường cao tốc để phát miếng dán huỳnh quang cho những công nhân đang về nhà.
“Hãy dán nhãn này vào hành lý của bạn để giữ an toàn, vì phía trước không có đèn đường”, người lái xe nói với những người đi bộ.
“Họ còn quá trẻ; một số người trong số họ chỉ là thanh thiếu niên”, người đàn ông khóc nức nở.
Cách ly tại quê nhà
Tuy nhiên, khi người lao động về đến quê, họ phải được cách ly.
Theo Deutsche Welle (DW), một hãng truyền thông Đức, các thành phố và quận gần Trịnh Châu đã gửi thư ngỏ cho người dân của họ làm việc trong nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, tuyên bố rằng họ “sẵn sàng tiếp nhận cư dân địa phương” trở về từ Trịnh Châu.
Thành phố Vũ Châu, thành phố Trường Cát, thành phố Thấm Dương, huyện Ngụy Đô của thành phố Hứa Xương và huyện Tây Hoa cho biết trong thư ngỏ của họ rằng những người lao động trở về là cư dân của những thành phố này phải đăng ký trước khi về đến nơi và phải được cách ly trong một cơ sở cách ly tập trung trong bảy ngày, bằng chi phí tự túc, và sau đó cách ly tại nhà trong ba ngày.
Khi mà chính quyền Trung Quốc sử dụng một ứng dụng mã sức khỏe trên điện thoại để kiểm soát việc di chuyển của công dân Trung Quốc, người dân Trung Quốc không được tự do đi lại mà không bị phát hiện.
Tình hình tại khuôn viên nhà máy
Theo chính sách zero-COVID cứng rắn của chế độ Trung Quốc, các doanh nghiệp ở Trung Quốc áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt đối với nhân viên của họ.
Vào ngày 19/10, nhà máy ở Trịnh Châu của Foxconn đã thông báo thông qua tài khoản WeChat chính thức của mình rằng việc ăn uống trong căng tin của nhà máy bị cấm và nhân viên phải đeo khẩu trang mọi lúc ngoại trừ khi ở trong ký túc xá, trải qua kiểm tra PCR mỗi ngày, và sử dụng các tuyến đường được chỉ định để đi đến và đi khỏi nơi làm việc.
Các công nhân bị nhốt trong phòng ký túc xá và các cơ sở cách ly tạm thời với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, truyền thông Trung Quốc đưa tin. Thực phẩm và vật tư y tế thiếu thốn và có tồn tại nguy cơ lây nhiễm cao.
“Nhà máy có nhiều nhân viên, và đại dịch bùng phát dữ dội. Chúng tôi cảm thấy như [chúng tôi đang] ở ngay cạnh virus COVID-19 mỗi ngày”, ông Li (tên giả), một nhân viên của Foxconn, nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vào ngày 26/10.
Vài ngày trước đó, các công nhân nói với The Epoch Times rằng 10.000 đến 20.000 nhân viên đang bị cách ly tại một cơ sở được xây dựng thô ở địa phương và Foxconn cũng đã thuê các khu dân cư và khách sạn thương mại để thực hiện cách ly.
Bà Su nói trong bài đăng của mình: “Hãy nghĩ về thành phố hoặc quận của bạn. Đã mất bao lâu để kiểm soát [sự bùng phát] của đại dịch? Với tổn thất gì? Ngoài túi rau tượng trưng mà bạn thỉnh thoảng nhận được, bạn còn nhận được gì nữa? Chính phủ của bạn đã cung cấp cho bạn ba bữa ăn mỗi ngày chưa?”
Cây bút Wang He, người đóng góp cho ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, nói rằng Foxconn đang cố gắng giữ nhân viên của mình ở lại khuôn viên nhà máy.
“Chừng nào Foxconn vẫn có thể giữ nhân viên của mình ở trong khuôn viên, những người không tiếp xúc với xã hội bên ngoài, thì sự bùng phát sẽ được kiểm soát trong khuôn viên”, ông Wang nói, khi nói chuyện với The Epoch Times vào ngày 27/10. “Foxconn muốn duy trì tình trạng hiện tại để đảm bảo nó có thể [duy trì] sản xuất”.
Bảo Nguyên
Theo Sophia Lam – The Epoch Times