Trong bối cảnh nhà máy tại Trịnh Châu, Trung Quốc, bị phong tỏa do COVID, Apple đã lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng của tình hình lên chuỗi cung ứng iPhone. Đây là nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới của Apple, chuyên sản xuất các mẫu iPhone cao cấp, đắt tiền nhất.
Apple cảnh báo việc phong tỏa COVID-19 ở Trung Quốc đang ảnh hưởng “đáng kể” đến chuỗi cung ứng iPhone của họ.
“Các hạn chế COVID-19 đã tạm thời ảnh hưởng đến cơ sở lắp ráp iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max chính đặt tại Trịnh Châu, Trung Quốc”, công ty cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật (06/11). “Cơ sở hiện đang hoạt động với công suất giảm đáng kể”.
Nhà máy được nói tới sản xuất các mẫu iPhone cao cấp, đắt tiền nhất của Apple.
Khi cuộc sống và sinh kế của các nhân viên trong dây chuyền lắp ráp của Apple tại Trung Quốc bị xáo trộn bởi các chính sách zero-COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Apple đang cảm thấy những tác động của các hạn chế COVID-19 đang diễn ra.
Công ty cảnh báo người tiêu dùng: “Hiện tại, chúng tôi dự kiến lượng hàng vận chuyển iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max sẽ thấp hơn so với dự đoán trước đây và khách hàng sẽ trải qua thời gian chờ đợi lâu hơn để nhận được sản phẩm mới của họ”.
Theo tuyên bố, công ty đang “ưu tiên sức khỏe và sự an toàn của người lao động trong chuỗi cung ứng của chúng tôi”.
Nhà cung cấp của Apple bị ảnh hưởng ở Trịnh Châu là Foxconn. Nhà máy ở Trịnh Châu của hãng này là nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất trên thế giới của Apple và là nguồn cung cấp chính toàn cầu của Apple.
Foxconn cho biết hôm thứ 2 (07/11) nhằm đáp lại tuyên bố của Apple rằng họ “hiện đang làm việc với chính phủ trong [một] nỗ lực phối hợp để dập dịch và tiếp tục sản xuất với công suất tối đa càng nhanh càng tốt”.
Công ty nói thêm rằng các biện pháp mới sẽ được thực hiện để hạn chế sự lây lan của COVID-19 tại nhà máy thông qua một hệ thống hạn chế việc di chuyển của công nhân nhà máy.
Theo chính sách của ĐCSTQ, nhiều công nhân tại nhà máy ở thủ phủ Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam đã bị buộc phải cách ly bắt buộc sau khi một loạt các trường hợp dương tính với COVID-19 được phát hiện vào cuối tháng trước.
Theo thông báo, hàng chục nghìn công nhân đã bị cách ly trong đợt bùng phát ban đầu, mặc dù một số sau đó đã được thả sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính liên tiếp trong nhiều ngày. Tờ Financial Times mô tả con số công nhân rời nhà máy về quê như một đợt “di cư” hàng loạt trong một bài báo vào ngày 30/10.
Các nhà chức trách đã ra lệnh phong tỏa 7 ngày đối với khu công nghiệp nơi đặt nhà máy sản xuất iPhone vào ngày 02/11.
Những người có kết quả xét nghiệm dương tính vẫn bị mắc kẹt trong khu vực cách ly. Các công nhân tại đây phàn nàn về việc thiếu thực phẩm, thuốc men và vật dụng sinh hoạt cơ bản.
Nhà máy Foxconn Trịnh Châu có khoảng 300.000 nhân viên.
Chuỗi cung ứng Trung Quốc của Apple
Chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc đã phải chịu tổn hại bởi các hạn chế COVID của ĐCSTQ kể từ ít nhất là tháng 4 năm nay. Một nhà cung cấp Đài Loan khác, Pegatron, với các nhà máy ở Thượng Hải đã báo cáo những tác động đối với hoạt động sản xuất do tình trạng phong tỏa hàng loạt khét tiếng của thành phố vào thời điểm đó gây nên. Pegatron dự đoán sự gián đoạn sẽ khiến công ty mất tới 8 tỷ USD doanh thu trong quý đó.
Một số nhà máy của Foxconn ở miền nam Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi phong tỏa. Vào tháng 8, công ty đã ký một biên bản ghi nhớ trị giá 300 triệu USD với một nhà phát triển để mở rộng cơ sở của mình ở miền Bắc Việt Nam. Điều này cho thấy những cân nhắc để mở rộng hoạt động bên ngoài Trung Quốc, vì các doanh nghiệp ở đó vẫn đối mặt với sự không chắc chắn trước các chính sách zero-COVID gây trì trệ kinh tế, dường như được áp dụng vô thời hạn của ĐCSTQ.
Năm 2021, Foxconn đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, theo thông tin từ chính phủ Việt Nam. Nhà cung cấp của Apple cũng có các địa điểm sản xuất nhỏ hơn ở Ấn Độ.
Hôm thứ 2, Foxconn cho biết họ đã điều chỉnh giảm triển vọng quý IV trong năm. Công ty sẽ công bố thu nhập quý III vào ngày 10/11.
Bảo Nguyên