Trung Quốc sẽ không rót tiền giải cứu các ngân hàng thương mại nếu khủng hoảng xảy ra

Thuỷ Tiên

Trung Quốc sẽ không rót tiền giải cứu các ngân hàng thương mại nếu khủng hoảng xảy ra
Ông Dịch Cương, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho hay “tự giải cứu” nên là cách chính để đối phó với rủi ro tài chính. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Các nhà chức trách Bắc Kinh trong những năm gần đây đã liên tục yêu cầu “giữ điểm mấu chốt là ngăn ngừa rủi ro tài chính hệ thống” nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy rủi ro cục bộ ở địa phương hoặc các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đã xảy ra. Ông Dịch Cương, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, viết rằng “tự giải cứu” nên là cách chính để đối phó với rủi ro tài chính.

Theo một báo cáo trên phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc “Thời báo Chứng khoán” ngày 2/11, ông Dịch Cương, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã cho ra một bài báo “Xây dựng một hệ thống ngân hàng trung ương hiện đại” nói rằng trách nhiệm chính của các tổ chức tài chính và cổ đông nên được thực hiện và sự ổn định của các tổ chức tài chính cần được cải thiện. “Người khác [Nhà nước] cứu” trên quy mô lớn là sự sắp đặt đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử cụ thể.

“Tự giải cứu” nên là cách chính để đối phó với rủi ro tài chính hiện tại và tương lai. Hiện tại, các tổ chức tài chính và cổ đông, với tư cách là chủ thể chính của thị trường, nên chịu trách nhiệm chính về hoạt động độc lập, tự chịu trách nhiệm về lãi lỗ, “tự giải cứu” trước các rủi ro [do chính ngân hàng đó hoặc hệ thống đó tạo ra].

Ông Dịch Cương nhấn mạnh rằng, đòn bẩy cao là nguồn gốc chung của lỗ hổng tài chính vĩ mô. Các tổ chức tài chính nên thiết lập một cơ chế bổ sung vốn theo định hướng thị trường và tăng cường nỗ lực xử lý các tài sản kém hiệu quả. Thúc đẩy các tổ chức mất khả năng thanh toán, nợ xấu quá lớn ra khỏi thị trường một cách có trật tự thông qua việc sử dụng vốn chủ sở hữu tài trợ các khoản nợ, các các yêu cầu bồi thường lớn.

Ông Quách Thụ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, cũng đã cho ra một bài báo có tựa đề: “Tăng cường và Cải thiện Giám sát Tài chính Hiện đại” nêu rõ rằng sự bành trướng mù quáng của các tổ chức tài chính cần được kiềm chế một cách hiệu quả. Đưa công tác phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tài chính lên vị trí quan trọng hơn. Ngăn chặn việc mở rộng vốn một cách mất trật tự trong lĩnh vực tài chính”.

Ông Quách Thụ Thanh nhấn mạnh rằng cần phải đẩy nhanh việc ban hành Luật Ổn định tài chính để làm rõ các tiêu chí kích hoạt, cơ chế thủ tục, nguồn tài trợ và trách nhiệm pháp lý đối với việc xử lý rủi ro tài chính. Thiết lập một hệ thống xử lý rủi ro tài chính hoàn chỉnh để phân biệt rủi ro thông thường, rủi ro từ môi trường bên ngoài và rủi ro tập trung. Các Quỹ Bảo đảm Ổn định Tài chính, Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi và các quỹ bảo vệ ngành khác không thể được xem là “thùng tiền” tạo bộ đệm cho hệ thống khi các rủi ro này xuất hiện.

Từ các đánh giá nhận xét của các quan chức tài chính có danh tiếng như ông Dịch Cương và ông Quách Thụ Thanh, có vẻ như rủi ro tài chính sắp bùng nổ, và chính phủ không muốn hoặc không thể cứu trợ các tổ chức tài chính nếu khủng hoảng xảy ra.

Rủi ro tài chính là rủi ro của một tổ chức tài chính trong các hoạt động giao dịch tài chính cụ thể, điều này có thể đe dọa đến sự tồn tại của tổ chức tài chính; một tổ chức tài chính cụ thể bị khủng hoảng do quản lý kém có thể ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính.

Một khi rủi ro hệ thống xảy ra và hệ thống tài chính bị thất bại, chắc chắn sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong trật tự kinh tế của toàn xã hội, thậm chí dẫn đến khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Do đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng nhiều lần trong những năm gần đây, yêu cầu tất cả các bộ phận “kiên quyết bảo vệ điểm mấu chốt của việc không để xảy ra rủi ro tài chính hệ thống”.

Tại Trung Quốc, các tổ chức tài chính được chia thành các tổ chức tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng.

“Báo cáo phát triển ngân hàng Trung Quốc năm 2022” mới nhất do Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc công bố cho biết rủi ro và thách thức đối với sự phát triển kinh tế Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, áp lực phòng ngừa và kiểm soát rủi ro của ngành ngân hàng Trung Quốc cũng đồng thời tăng lên và môi trường hoạt động đã trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn”.

Theo số liệu chính thức, tính đến cuối quý 3, số dư nợ xấu của các ngân hàng là 3,8 nghìn tỷ NDT, tăng 203 tỷ NDT so với đầu năm. Trong ba quý đầu năm, các tổ chức tài chính ngân hàng đã xử lý khối tài sản kém hiệu quả với tổng trị giá 2,14 nghìn tỷ NDT, tăng 192,9 tỷ NDT so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích cho rằng tốc độ tăng nợ xấu trong ngành ngân hàng Trung Quốc là đáng kinh ngạc, bởi vì ngành ngân hàng Trung Quốc không chỉ thực hiện các hoạt động kinh doanh mà còn cần phục vụ chính phủ dẫn đến nhiều rủi ro tài chính hơn dưới tác động của các mệnh lệnh hành chính. Dưới những yếu tố bất lợi như tăng trưởng kinh tế yếu và bất động sản ế ẩm ở Trung Quốc cũng như việc tiếp tục chính sách phòng chống dịch bệnh kiểu “xóa sổ”, các khoản nợ xấu của ngân hàng chỉ có thể ngày càng cao và rủi ro cũng ngày càng lớn hơn nữa và cuộc khủng hoảng tài chính đang từng bước đến gần.

Thuỷ Tiên

Theo Visiontimes

Related posts