Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhắc lại điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ giữa Úc và Trung Quốc là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng Úc sẽ luôn tuân thủ các giá trị dân chủ và đề cao nhân quyền.
Thứ Sáu (ngày 11/11), Thủ tướng Úc sẽ tới Campuchia, Indonesia và Thái Lan để tham dự một loạt hội nghị cấp cao quốc tế, gồm hội nghị thượng đỉnh G20 tại đảo Bali, Indonesia và “Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương” (APEC) tại Thái Lan. Trong thời gian này, ông Albanese có thể sẽ gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vào sáng thứ Sáu, khi Đài ABC hỏi nếu quan hệ giữa Úc và Trung Quốc trở lại bình thường, Úc muốn Trung Quốc làm gì, Thủ tướng Albanese nhắc lại rằng Trung Quốc phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại đối với Úc trị giá khoảng 20 tỷ USD.
“Các lệnh trừng phạt đối với rượu vang, thịt và các ngành công nghiệp khác của Úc không nằm trong lợi ích kinh tế của Trung Quốc”, Thủ tướng nói.
“Đây là một biện pháp phản tác dụng. Vì theo tôi thấy, những gì Úc bán cho Trung Quốc là sản phẩm chất lượng nhất thế giới.”
Tháng 4/2020, sau khi chính quyền Morrison cũ kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), ĐCSTQ đã tung đòn trả đũa thương mại đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc.
Các biện pháp trừng phạt thương mại đã được áp dụng đối với nhiều loại hàng hóa, gồm thịt bò, lúa mạch, than, bông, đồng, hải sản, đường, gỗ và rượu vang.
Vào tháng Năm, sau khi Công Đảng Úc (Đảng Lao động Úc) giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, ông Albanese đã thúc giục Trung Quốc ngừng trả đũa thương mại đối với nước này.
“Về mối quan hệ của chúng tôi, Úc tìm cách duy trì quan hệ tốt với tất cả các quốc gia. Úc không thay đổi, mà là Trung Quốc đã thay đổi. Không có lý do gì cho các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với Úc, đó là lý do vì sao nó nên được dỡ bỏ.”
Tháng tới đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Úc và Trung Quốc. “Trung Quốc coi trọng mối quan hệ với Úc, và coi Úc là đối tác quan trọng trong đối thoại và hợp tác”, một bài xã luận trên tờ China Daily của ĐCSTQ cho biết hôm thứ Năm (10/11).
Trước tín hiệu này của ĐCSTQ, Thủ tướng Úc trả lời: “Điều tôi muốn thấy trong mối quan hệ với Trung Quốc là sự hợp tác ở những nơi chúng ta có thể. Nhưng tất nhiên chúng ta sẽ giữ vững các giá trị của mình ở những nơi chúng ta phải làm.”
Ông Albanese cho biết ông sẽ “tiếp tục theo đuổi những gì vì lợi ích quốc gia của Úc”, cũng như “sẽ luôn đề cao nhân quyền và các giá trị của chúng tôi.”
Ông nói: “Chúng ta sẽ không thỏa hiệp về (các giá trị) này, cũng như không nên làm vậy. Điều này nên được tôn trọng, cũng như chúng ta nên có một cuộc đối thoại cởi mở, và mang tính xây dựng với các đối tác quốc tế khác.”
Hàng loạt hội nghị thượng đỉnh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chiến lược toàn cầu.
Sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, lần đầu tiên ông Tập Cận Bình yêu cầu quân đội “tập trung toàn bộ tinh lực vào chiến tranh, dốc toàn lực cho chiến tranh.”
Ngày 8/11, ông Tập Cận Bình nói tại Trung tâm Chỉ huy Tác chiến của Quân ủy rằng toàn quân cần “đẩy nhanh việc nâng cao khả năng chiến thắng” và “bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của đất nước.”
Về vấn đề này, ông Albanese nói: “Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thay đổi lập trường của mình. So với trước đây, lập trường của họ đã nghiêng lệch hơn, điều này đã gây ra căng thẳng giữa hai nước.”
“Chúng ta cần thừa nhận rằng đây chính là bối cảnh cho mối quan hệ giữa 2 nước. Có sự cạnh tranh chiến lược giữa 2 nước trong khu vực … Úc muốn coi khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là một khu vực thịnh vượng, hòa bình, an ninh và ổn định”, Thủ tướng nói.
Mặc dù khó có thể quay trở về như giai đoạn trước đại dịch COVID-19, song mối quan hệ căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc đang từng bước hạ nhiệt.
Trước đó, vào tháng 6/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã có cuộc gặp mặt phá băng với người đồng cấp Trung Quốc bên lề Diễn đàn Shangri-La tại Singapore, và gần đây là cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Úc với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng G20 tại Indonesia.
Tháng Hai năm nay, tài liệu “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ” do Nhà Trắng công bố cho biết, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gay gắt từ Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng các biện pháp kinh tế, ngoại giao và quân sự, như “cưỡng ép kinh tế đối với Úc” và “gây áp lực quân sự với Đài Loan”, để đe dọa sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Bình Minh