Góp ý với TS Nguyễn Hữu Liêm

Trương Nhân Tuấn

12-11-2022

Trên trang BBC có bài của TS Nguyễn Hữu Liêm, nói về tương quan giữa “Việt kiều” và nghị quyết 36 của đảng CSVN. Bài có tựa đề: Việt Kiều và Nhà nước VN: ‘Đã đến lúc cần chính sách mới hơn Nghị quyết 36’. Cá nhân tôi thấy bài viết này TS Liêm không viết dưới ngòi viết “triết gia” của mình. Theo tôi, tác giả khá mạo hiểm khi cầm dao mổ của bác sĩ để giải phẫu một vấn đề pháp lý (và lịch sử).

Trong bài, TS Liêm có nói về “những sai lầm lớn lao và ác độc của Đảng sau 1975 đối với dân miền Nam, nhất là người dân Sài Gòn”, nguyên văn như sau:

Từ học tập cải tạo tàn ác, đến đánh tư sản, đánh Hoa kiều, chế độ lý lịch khắt khe, chính sách lùa dân thành thị lên các vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc, xua đuổi và cướp nhà cửa, tài sản, đưa hàng trăm ngàn dân vượt biển, vượt biên đường bộ, để bị cưỡng hiếp bởi hải tặc, chết khát, chết vì mìn bên Campuchia“.

Ý kiến của TS Liêm là lời khai chân thành của một nhân chứng. Đây là một điểm son cho con người “lịch sử và pháp lý” của TS Nguyễn Hữu Liêm.

Tuy vậy trên một số quan điểm khác, tôi thấy cần nói lên những bất đồng của mình.

1/ Không hề có cái gọi là “logic thương tích của kiều bào”

Theo tôi tác giả đã khá chủ quan, trong cái nhìn tổng thể, ở các triệu chứng lâm sàn (clinical signs) của các bịnh nhân. TS Liêm cho đó là “logic thương tích của kiều bào”.

Trừ khi TS Liêm có cách hiểu khác về từ “logic”. Theo tôi, ý kiến của tác giả ám chỉ một thứ “phản xạ có điều kiện – réflexe de Pavlov”.

Những người nói câu “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”, hay “Cộng sản tự bản chất là không bao giờ thay đổi”… không phải là “logic”, một thứ “phản xạ có điều kiện” chỉ riêng của tập thể VNCH cũ. Tức là hễ nói tới Việt cộng thì (chỉ riêng VNCH cũ) có phản ứng (logic) như vậy.

Thực tế cho thấy các câu như “đừng nghe những gì cộng sản nói…” đã trở thành một thứ chân lý hiển nhiên, không cần chứng minh, được dân VN cả nước sử dụng như là một “giá trị phổ cập”. Các thế hệ sinh sau năm 1975, ngay cả ở các học giả, cán bộ xuất thân từ ngôi trường XHCN… các ý kiến, các bài viết của họ nếu không sử dụng nguyên câu thì ý tứ bài viết của họ cũng mang hơi hướng cái chân lý hiển nhiên đó.

Tôi đồng ý với tác giả rằng, Nghị quyết 36 của đảng CSVN đã thất bại. Theo tôi có nhiều lý do đưa đến thất bại.

Vấn đề là TS Liêm quy lỗi cho sự thất bại này (một phần) do “logic thương tích” của kiều bào hải ngoại.

2/ Ai đã làm cho Nghị quyết 36 thất bại?

Điều TS Liêm không thấy là Nghị quyết 36 thất bại, thứ nhứt, vì đây không phải là một văn bản có giá trị pháp lý.

Nghị quyết 36 do Bộ chính trị đảng CSVN ban hành ngày 26 tháng Ba năm 2004, về “công tác đối với người Việt ở nước ngoài”. Tựa đề Nghị quyết ta thấy (nghị quyết) chỉ là một văn bản lưu hành trong nội bộ đảng CSVN, một thứ cẩm nang hành động dành riêng cho đảng viên phụ trách “công tác người VN sống ở nước ngoài”.

Đảng viên không hoàn tất nhiệm vụ của đảng giao phó, lỗi là lỗi của đảng viên. Làm gì có lỗi do “logic thương tích” của kiều bào hải ngoại?

Thứ hai là “tư cách pháp nhân” của đảng CSVN. Ông Liêm viết nhiều chỗ làm người đọc có cảm tưởng đảng CSVN là một đảng “có trách nhiệm về hành vi của mình”. Điều này hoàn toàn sai.

Cái thất bại sâu xa của Nghị quyết 36 là không ai tin nó hết cả. Làm sao mà người ta có thể tin ở một văn bản không có giá trị pháp lý, do một tổ chức không có tư cách pháp nhân ban hành, trong nội bộ?

3/ Vấn đề pháp lý

Dẫn lại: “Từ học tập cải tạo tàn ác, đến đánh tư sản, đánh Hoa kiều, chế độ lý lịch khắt khe, chính sách lùa dân thành thị lên các vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc, xua đuổi và cướp nhà cửa, tài sản, đưa hàng trăm ngàn dân vượt biển, vượt biên đường bộ, để bị cưỡng hiếp bởi hải tặc, chết khát, chết vì mìn bên Campuchia”.

Các hành vi “cướp nhà cửa, cướp tài sản” hiển nhiên là… hành vi ăn cướp. Đây là hành vi riêng lẻ của đảng CSVN hay là một “chính sách nhà nước” của Nhà nước CHXHCNVN?

Hành vi “đưa hàng trăm ngàn người dân vượt biển” để lấy vàng (TS Liêm quên nói chi tiết này), khiến những người dân này bị “cưỡng hiếp bởi hải tặc, chết khát, chết vì mìn bên Campuchia”.

Hành vi này là gì nếu không phải là “vi phạm tội ác diệt chủng”? Đây là một “chủ trương của đảng” hay là một “chính sách của nhà nước”?

Còn vụ học tập cải tạo, thực tế lịch sử cho thấy, đây là một vụ lừa bịp của một tập đoàn lãnh đạo tầm quốc gia. Họ ra thông cáo yêu cầu quân dân cán chính VNCH “học tập 7 ngày”. Thực tế là họ giam giữ “mút chỉ cà tha” hàng triệu người, trên rừng thiêng nước độc, có người 2 năm, có người 10 năm, có người gần 20 năm… Bởi vậy câu “đừng nghe những gì cộng sản nói…” còn lưu truyền mãi muôn đời.

Vấn đề (pháp lý) là giam giữ và đày đọa thể xác và tinh thần người ta như vậy nhưng không thông qua bất kỳ một bản án của một tòa án nào. Đây là hành vi vừa vi phạm “luật chiến tranh” (không giam giữ, đày đọa hàng binh tự tiện), vừa là tội ác chống nhân loại.

TS Liêm cho rằng, trách nhiệm thuộc về đảng: “Phần đông khối Kiều bào Việt ở Hoa Kỳ vẫn còn mang thương tích lớn từ những chính sách bất nhân đó. Họ chưa tha thứ vì Đảng chưa chịu nhận trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc, trước đại khối Kiều bào hải ngoại”.

Hành vi “cướp nhà cửa, cướp tài sản” khiến đảng CSVN trở thành đảng cướp.

Hành vi đưa dân vượt biển lấy vàng, đẩy những người dân này thành con mồi cho hải tặc cưỡng hiếp, để họ chết đói chết khát, chết vì mìn… khiến đảng CSVN trở thành tập đoàn vi phạm tội ác diệt chủng.

Vấn đề là đảng CSVN không có tư cách pháp nhân. Hiến pháp và luật pháp VN không có chỗ nào nói về tư cách pháp nhân cũng như trách nhiệm trước pháp luật (của đảng). Hiến pháp chỉ nói “đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Nhưng nhân dân là ai? Nhân dân là tất cả nhưng cũng không là ai cả. Chịu trách nhiệm trước nhân dân là không chịu trách nhiệm về bất cứ thứ gì.

Giả sử bây giờ đảng CSVN làm đúng yêu cầu của TS Liêm, là họ “nhận trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc, trước đại khối Kiều bào hải ngoại”.

Theo tôi, ai “tỉnh táo” một chút, không ai tin hết cả.

Chỉ có trẻ vị thành niên hay người bị tâm thần mới không có tư cách pháp nhân và không chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hiển nhiên “lời tạ tội” của một thực thể “không có tư cách pháp nhân” khá tương đồng với lời tạ tội của một kẻ bị tâm thần. Thứ nhứt nó hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Thứ hai là không ai tin hết cả.

4/ Phương án khả thi

Ông Liêm đưa ra “trị liệu pháp” như sau: “Tôi đề nghị Bộ Chính trị hãy cho ra một Tân Nghị quyết về người Việt ở nước ngoài. Trong Nghị quyết mới này, Đảng hãy can đảm và sòng phẳng để công nhận những sai lầm chính sách đối với dân miền Nam sau 1975. Và có một lời tạ lỗi với họ, và đối với cả dân tộc chung”.

Theo tôi, khi mà đảng CSVN vẫn không có “tư cách pháp nhân” và không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về hành vi của họ trước pháp luật, dù Bộ Chính trị có ban bố thêm 1000 nghị quyết về “kiều bào” nữa, thì hiệu quả của chúng cũng không có gì.

Trong khi trên thực tế, các vụ “học tập cải tạo”, “đánh tư sản mại bản”, “cải tạo công thương nghiệp”, “bán bãi lấy vàng” v.v… đều là “chính sách” của nhà nước (quốc gia). Các định chế quyền lực và pháp lý của nước CHXHCNVN đã đóng góp tích cực để thực thi các chính sách này.

Tức là, khi mà đảng CSVN chưa có tư cách pháp nhân, thì các hành vi ác độc gây cho nhân dân VN sau năm 1975 là “chính sách của nhà nước CHXHCNVN”. Trách nhiệm pháp lý vì vậy là trách nhiệm của “quốc gia Việt Nam”.

Từ đôi ba thập niên trước đã có tổ chức chính trị ý thức được việc này. Họ có đề nghị chính sách “hòa giải dân tộc”. Nhà nước (quốc gia) CHXHCNVN ban hành một luật về “hòa giải dân tộc” (chớ không phải đảng CSVN ra nghị quyết xin lỗi khơi khơi…).

Một chính sách của quốc gia sai lầm, gây đổ vỡ cho một tầng lớp dân chúng, trong một thời kỳ nào đó, quốc gia phải có trách nhiệm hàn gắn những đổ vỡ đó, qua các hình thức phục hồi danh dự cho nạn nhân và bồi thường các thiệt hại (dầu tượng trưng) cho họ.

Một lời “tạ lỗi” của đảng CSVN không thể hiện được điều gì. Ngoại trừ khi đảng dám nhận lãnh trách nhiệm của họ, qua từng hành vi vi phạm tội ác, của từng cá nhân, trước pháp luật.

5/ Việt Nam phát triển là “ơn đảng ơn nhà nước”? 

Điều tôi cũng không chia sẻ với TS Liêm khi ông viết rằng: “Những ai về nước gần đây, đi vào vùng xa, làng thôn, dù nghèo khó vẫn còn đó, nhưng đời sống chung của quần chúng đã được nâng cao rất nhiều. Nay dân chúng không còn ăn để no, mà phải ngon; mặc không chỉ đủ ấm, mà phải đẹp. Chúng ta phải công bằng ghi cho Nhà nước VN điểm cộng“.

TS Liêm về nước được tiền hô hậu ủng được “xe còi hụ” mở đường. (Ở Mỹ thì ông được viên chức Việt Cộng đến thăm tận nhà). TS Liêm muốn trả ơn tình cảm của đảng dành cho ông. Vấn đề là ông Liêm không thành thật.

Câu hỏi đặt ra cho ông Liêm có đúng là thành quả phát triển (?) của VN là nhờ đảng CSVN?

Thực tế cho thấy, chỗ nào đảng buông tay chỗ đó phát triển “đẹp”. Chỗ nào có đảng dính vô, chỗ đó không thúi nát thì phá sản.

Theo tôi, nếu không có đảng, thì VN (có thể) đã phát triển gấp mười.

Related posts