Lam Giang
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức tại Campuchia vào Chủ nhật (13/11) cuối cùng đã kết thúc mà không có thông cáo chung, chủ yếu là do Mỹ và Nga bất đồng về ngôn từ của thông cáo. Tình huống xấu hổ này đã phủ bóng đen lên thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á thường niên quy tụ dàn lãnh đạo của 18 quốc gia, trong đó có 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 8 đối tác đối thoại. Năm nay, hội nghị đặc biệt có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh về việc Hội nghị cấp cao Đông Á không có thông cáo chung. Ngoại trưởng Lavrov nói rằng, họ “tiếp tục sử dụng ngôn từ tuyệt đối không thể chấp nhận được” về tình hình Ukraine. Nga từ chối mô tả cuộc xâm lược Ukraine của họ là một cuộc chiến tranh, thay vào đó gọi đây là một “hoạt động quân sự đặc biệt”.
Ngoại trưởng Lavrov cũng cáo buộc Mỹ chia rẽ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên và chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì gia tăng hoạt động trong khu vực này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hôm 13/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chọn dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất để lên án “cuộc chiến tàn bạo và phi nghĩa” của Nga đối với Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Bali (Indonesia) vào ngày 15/11. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Bali vào đêm Chủ nhật. Giới phân tích cho rằng, xung đột giữa Mỹ và Nga về cách diễn đạt thông cáo chung tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á cũng sẽ khiến Hội nghị thượng đỉnh G20 gặp khó khăn trong việc ra thông cáo chung.
Nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, Indonesia, đã cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa G7 và Nga. Tuy nhiên, khi cuộc họp G20 đang cận kề, kỳ vọng về việc đạt được thỏa hiệp và ra thông cáo chung đang mờ dần và Indonesia có khả năng buộc phải công bố bài phát biểu của nước chủ nhà để thay thế cho thông cáo chung.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nói với đài Bloomberg Television hôm 13/11 rằng: “Có thể không có sự nhất trí nào về vấn đề cụ thể này (trong thông cáo chung) liên quan đến cuộc xung đột, nhưng chúng tôi vẫn đang nỗ lực”.
Bà nhấn mạnh về tầm quan trọng của G20, ngay cả khi không có thông cáo chung, hội nghị này vẫn cung cấp “những thành quả vô cùng thiết thực và cụ thể” trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và đại dịch, v.v. cho thế giới
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Anthony Albanese nói với các phóng viên tại Campuchia rằng, các quan chức vẫn đang thảo luận về một thông cáo chung khả thi tại hội nghị thượng đỉnh G20.
“Các quan chức vẫn đang tiếp tục các cuộc thảo luận”, ông nói, “Chúng tôi đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra, nhưng tôi sẽ đến hội nghị thượng đỉnh G20 với sự lạc quan”.
Trước hội nghị thượng đỉnh, một quan chức chính phủ Nhật Bản nói với các phóng viên rằng, G7 tiếp tục đề cập đến cuộc xâm lược của Nga trong mọi thông cáo. Trong khi Indonesia đang tìm kiếm một thỏa hiệp, G7 cần phải duy trì các nguyên tắc của mình đối với Nga.
Lam Giang